Thông báo về việc lựa chọn Tổ chức đấu giá tài sản   |    Công điện của Thủ tướng Chính phủ về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông phục vụ nhu cầu đi lại của Nhân dân dịp nghỉ lễ 30/4 - 01/5 và cao điểm du lịch hè 2024   |    Công điện 03/CĐ-UBND ngày 10/4/2024 của UBND huyện Kỳ Anh Về việc tập trung chỉ đạo phòng trừ bệnh đạo ôn cổ bông hại lúa vụ Xuân năm 2024   |    Điều lệ Hội thi nghiệp vụ chữa cháy và cứu nạn cứu hộ "Tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy" toàn tỉnh năm 2024   |    Thể lệ Cuộc thi trực tuyến "Tìm hiểu pháp luật về hôn nhân gia đình và chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình"   |   

Hiệu quả từ mô hình nuôi nhím, dúi của Cựu chiến binh Trần Văn Phúc

  

08:36 04/04/2024

Nhận thấy giá trị kinh tế từ chăn nuôi dúi, nhím mang lại, Cựu chiến binh Trần Văn Phúc, ở thôn Phương Giai, xã Kỳ Bắc đã đầu tư xây dựng chuồng trại chăn nuôi, góp phần nâng cao thu nhập, thúc đẩy kinh tế gia đình ngày càng phát triển.


Mô hình nuôi dúi, nhím của ông Phúc, được đầu tư rất bài bản từ chuồng trại nuôi nhốt đến việc cho ăn, uống, vệ sinh đều theo phương pháp khoa học, nên đàn nhím và dúi luôn khỏe mạnh, sinh trưởng tốt. Được biết, thời điểm đầu ông chỉ nuôi mỗi loại từ 3 đến 4 cặp con giống, dần dần đàn nhím, dúi của ông phát triển tốt, đến thời điểm này đã lên đến gần 100 con. Có được kết quả như ngày hôm nay, ông đã tìm tòi, học hỏi qua sách báo và tham quan học tập từ các mô hình khác ở các địa phương. Theo ông Phúc việc nuôi dúi, nhím đơn giản, không cần nhiều vốn, không tốn diện tích, vật nuôi ít bị nhiễm bệnh mà khi bán, giá thành lại cao.



Nhận thấy giá trị kinh tế cao từ nuôi nhím, dúi, ông đã tận dụng diện tích không gian của gia đình xây chuồng nuôi nhốt. Dúi thì chuồng bé hơn với chiều dài từ 1-1,2m, rộng 50cm, cao 60cm, có mái che để tránh ánh sáng chiếu thẳng hoặc mưa dội vào vì sẽ làm dúi mắc bệnh, mỗi chuồng nuôi từ 1 đến 2 con. Với đàn nhím thì chuồng cần rộng hơn và phải nuôi ở nơi khô ráo nền chuồng phải làm bằng xi-măng, gạch, để dúi, nhím không thể ra ngoài. Nguồn thức ăn ưa thích của dúi, nhím đều sẵn có trong tự nhiên như: chuối, đu đủ, ngô, khoai, sắn, mía. Khi đàn dúi, nhím đẻ, cần chăm sóc con non lẫn con mẹ kỹ lưỡng, có chế độ ăn, uống đặc biệt, bổ sung thêm nhiều chất dinh dưỡng như chất đạm, bột, đường, để vật nuôi luôn khỏe mạnh, không bị nhiễm bệnh. Chuồng trại luôn được vệ sinh sạch sẽ, chất thải thì tận dụng làm phân bón cho cây trồng.


Ông Trần Văn Phúc chia sẽ: “Dù là vật nuôi ít bị nhiễm bệnh, nhưng không vì thế mà ông chủ quan, lơ là công tác phòng chống dịch bệnh mà chủ động phát hiện, phòng ngừa, ứng phó kịp thời, con nào có biểu hiện nhiễm bệnh thì thực hiện cách ly để điều trị ngay. Nhờ vậy, đàn dúi, nhím luôn khỏe mạnh, sinh trưởng tốt với tổng số gần 100 con”.

Có thể nói, mô hình chăn nuôi nhím và dúi của ông Phúc đã mở ra một hướng mới trong chăn nuôi của hội viên CCB huyện Kỳ Anh, phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương cũng như điều kiện sản xuất, qua đó góp nâng cao thu nhập. Mỗi năm, ông xuất 2 lứa dúi và 1 lứa nhím, thu về hàng chục triệu đồng, đã góp phần tăng nguồn thu nhập cho gia đình. Từ mô hình chăn nuôi của mình, ôngPhúc luôn sẵn sàng chia sẻ, hỗ trợ các hội viên CCB về kỹ thuật, kinh nghiệm, cách phòng chống dịch bệnh trong nuôi nhím, dúi.


Trao đổi với chúng tôi ông Ngô Đình Vinh, Chủ tịch Hội CCB huyện Kỳ Anh cho biết: “Mô hình nuôi dúi và nhím của hội viên Trần Văn Phúc mang lại hiệu quả kinh tế khá cao, nhưng chưa được phát triển rộng rãi. Thời gian tới, Hội sẽ cố gắng phối hợp và nhân rộng những mô hình chăn nuôi như thế này ra cho tất cả các hội viên trong toàn huyện, góp phần nâng cao giá trị sản xuất của ngành chăn nuôi, hướng tới mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, từng bước nâng cao đời sống cho hội viên CCB đây là hướng phát triển hứa hẹn nhiều thành công”./.

Bài: Thúy Nga, Anh Đức



Thêm nhận xét mới

 Bình luận của bạn đã được gửi thành công. Cảm ơn bạn!   Làm mới
Lỗi: Vui lòng thử lại