Kế hoạch Tuyển dụng công chức cấp xã năm 2024   |    Quyết định Về việc phê duyệt chỉ tiêu tuyển dụng công chức cấp xã năm 2024   |    Thông báo tuyển dụng công chức cấp xã năm 2024   |    Công điện về việc thực hiện các biện pháp cấp bách phòng cháy, chữa cháy rừng   |    Thông báo mời tham gia tập huấn " Kỹ năng tiếp thị, bán hàng chuyên nghiệp" cho Doanh nghiệp, Hợp tác xã, Hộ kinh doanh   |   

Diễn văn kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 25 năm ngày hội Quốc phòng toàn dân.

  

18:33 17/02/2017

  Sáng ngày 17/12/2014 tại khách sạn Mường Thanh-Hà Tĩnh, Huyện Kỳ Anh đã tổ chức gặp mặt các cựu chiến binh cấp tá đã về nghỉ hưu trên địa bàn huyện. Tại đây đồng chí Nguyễn Văn Bổng-Phó bí thư Huyện ủy-Chủ tịch UBND huyện đã có bài diễn văn sâu sắc ôn lại truyền thống vẻ vang của Quân đội nhân dân Việt Nam trong suốt 70 năm chiến đấu và trưởng thành. Ban biên tập xin gửi tới bạn đọc toàn văn bài diễn văn ý nghĩa này.

Sáng ngày 17/12/2014 tại khách sạn Mường Thanh-Hà Tĩnh, Huyện Kỳ Anh đã tổ chức gặp mặt các cựu chiến binh cấp tá đã về nghỉ hưu trên địa bàn huyện. Tại đây đồng chí Nguyễn Văn Bổng-Phó bí thư Huyện ủy-Chủ tịch UBND huyện đã có bài diễn văn sâu sắc ôn lại truyền thống vẻ vang của Quân đội nhân dân Việt Nam trong suốt 70 năm chiến đấu và trưởng thành. Ban biên tập xin gửi tới bạn đọc toàn văn bài diễn văn ý nghĩa này.

    Kính thưa các đồng chí!
    Năm 1930, ngay sau ngày thành lập, Đảng ta đã khẳng định con đường đấu tranh giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc là dùng bạo lực cách mạng để giành chính quyền và yêu cầu phải tổ chức lực lượng vũ trang để làm nòng cốt cho toàn dân tiến hành đấu tranh cách mạng. Trong phong trào cách mạng 1930-1931, Đội tự vệ Đỏ đã ra đời, là hạt giống đầu tiên của lực lương vũ trang. Phong trào đấu tranh cách mạng của quần chúng phát triển mạnh mẽ, rộng khắp và sự trưởng thành nhanh chóng của các tổ chức vũ trang quần chúng đòi hỏi cách mạng Việt Nam phải có một đội quân chủ lực, thống nhất về mặt tổ chức để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ giải phóng dân tộc.
    Sau một thời gian gấp rút chuẩn bị, ngày 22 tháng 12 năm 1944, tại khu rừng thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân được thành lập theo Chỉ thị của lãnh tụ Hồ Chí Minh. Tháng 4 năm 1945, Hội nghị quân sự cách mạng Bắc Kỳ của Đảng quyết định hợp nhất các tổ chức vũ trang trên cả nước, thành lập Việt Nam giải phóng quân; đến năm 1950 được đổi tên là Quân đội nhân dân Việt Nam; Ngày 22-12- 1944 được lấy làm Ngày thành lập Quân đội.
    Sau đây chúng ta cùng ngược dòng thời gian, theo bước chân anh bộ đội cụ Hồ để thấy được những chặng đường oanh liệt, vẻ vang của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng trong 70 năm qua.


    Các đồng chí lãnh đạo tỉnh tham dự buổi gặp mặt


    Thưa các đồng chí!
    Tháng 8 năm 1945, Việt Nam giải phóng quân cùng lực lượng vũ trang các địa phương và nhân dân tiến hành tổng khởi nghĩa, giành thắng lợi trong cả nước; Ngày 02 tháng 9 năm 1945, tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập, ra mắt Chính phủ đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa - mở đầu kỷ nguyên độc lập của dân tộc Việt Nam.
    Cách mạng Tháng Tám vừa giành thắng lợi, quân và dân ta lại phải bước vào cuộc kháng chiến chống chiến tranh xâm lược lần thứ hai của thực dân Pháp. Các lực lượng vũ trang và nhân dân Nam Bộ nhất tề đứng lên, quyết chiến với quân xâm lược, mở đầu thời kỳ “Nam Bộ kháng chiến”, với tinh thần: “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”.
    Tháng 6 năm 1950, Trung ương Đảng quyết định mở chiến dịch Biên Giới, rồi đến chiến dịch Hòa Bình, phá vỡ hoàn toàn âm mưu “bình định” đồng bằng Bắc Bộ của địch. Tháng 9 năm 1952, Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch Tây Bắc, giải phóng một vùng rộng lớn ở địa bàn chiến lược quan trọng, căn cứ địa Việt Bắc và Thượng Lào được nối thông.
    Mùa xuân năm 1953, Quân tình nguyện Việt Nam phối hợp với Quân giải phóng Pa-thét Lào mở chiến dịch tiến công Thượng Lào; các tỉnh Sầm Nưa, Xiêng Khoảng và Phong Xa Lỳ được giải phóng. Căn cứ kháng chiến của nước Lào được mỏ rộng, nối liền với vùng Tây Bắc của Việt Nam. Sau 56 ngày đêm chiến đấu dũng cảm, mưu trí, sáng tạo, quân và dân ta đã đập tan toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, tạo bước ngoặt lịch sử làm thay đổi hẳn cục diện chiến tranh; đưa đến việc ký kết Hiệp định Giơ-ne-vơ về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chín năm chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ; chấm dứt hoàn toàn ách xâm lược của thực dân Pháp trên đất nước ta và các nước trên bán đảo Đông Dương; bảo vệ và phát triển thành quả Cách mạng Tháng Tám. Miền Bắc được giải phóng, tạo cơ sở và điều kiện vững chắc để quân và dân ta bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
    Ở miền Bắc, quân đội ta bên cạnh nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu còn đảm nhiệm nhiệm vụ mới là bảo vệ thành quả xây dựng chủ nghĩa xã hội,  tích cực tham gia lao động sản xuất, khôi phục kinh tế, hàn gắn vết thương chiến tranh, khai hoang, phục hóa, chống hạn hán, đắp đê chống bão lụt, v.v… Với những cố gắng của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta, tình hình kinh tế miền Bắc dần dần ổn định, trật tự an ninh được giữ vững.
    Ở miền Nam, Mỹ thống trị bằng chủ nghĩa thực dân mới, âm mưu chia cắt lâu dài nước ta. Trước tình hình đó, tháng 01 năm 1959, Hội nghị TW 15 của Đảng (khóa II) nêu rõ con đường cơ bản của cách mạng miền Nam là sử dụng bạo lực cách mạng, chuẩn bị cho bộ đội ta vào Nam chiến đấu. Ngày 19 tháng 5 năm 1959, Đoàn 559 được thành lập với nhiệm vụ mở đường dọc dãy Trường Sơn, bảo đảm vận chuyển lương thực, súng đạn từ miền Bắc vào miền Nam; Đoàn 759 được thành lập với nhiệm vụ vận chuyển, tiếp tế từ miền Bắc vào miền Nam theo đường biển.
    Nghị quyết Hội nghị TW 15 của Đảng đã mở đường cho cách mạng miền Nam đi đến thắng lợi. Ngày 20 tháng 12 năm 1960, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời. Tiếp đó, ngày 15 tháng 02 năm 1961, Quân ủy Trung ương quyết định thành lập Quân giải phóng miền Nam Việt Nam, trực tiếp thực hiện nhiệm vụ chiến đấu ở miền Nam.
    Từ năm 1961, Miền Nam Việt Nam được Mỹ dùng làm nơi thử nghiệm chiến lược chiến tranh mới, gọi là “chiến tranh đặc biệt”, liên tiếp mở các cuộc hành quân đánh phá vùng giải phóng, gom dân lập “ấp chiến lược”. Quân và dân ta đã kiên cường chiến đấu, vùng giải phóng được giữ vững và mở rộng.
    Tháng 8/1964, đế quốc Mỹ mở cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc bằng không quân và hải quân lần thứ nhất, ngăn chặn sự chi viện của hậu phương miền Bắc cho tiền tuyến miền Nam. Với tinh thần cảnh giác cao, được chuẩn bị tốt về mọi mặt, các đơn vị hải quân, phòng không, dân quân tự vệ đã mưu trí, dũng cảm chiến đấu, quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược.
    Trước nguy cơ thất bại hoàn toàn của chiến lược “chiến tranh đặc biệt”, từ giữa năm 1965, đế quốc Mỹ chuyển sang chiến lược “chiến tranh cục bộ”, đưa lực lượng chiến đấu của Mỹ vào trực tiếp tham chiến trên chiến trường miền Nam. Với tinh thần “tìm Mỹ mà diệt”, “nắm thắt lưng Mỹ mà đánh”, quân và dân ta ở miền Nam đã đánh bại cuộc phản công chiến lược lần thứ nhất của địch, tạo điều kiện đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước phát triển lên một bước mới.
    Giữa lúc cuộc chiến tranh leo thang của Mỹ đến đỉnh cao, Hội nghị TW 14 của Đảng quyết định mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân, giành thắng lợi; giáng đòn quyết định vào mưu đồ xâm lược của giới cầm quyền Mỹ, làm phá sản chiến lược “chiến tranh cục bộ”, buộc Mỹ phải xuống thang chiến tranh, rút dần quân Mỹ về nước. Ngày 31 tháng 3 năm 1968, Tổng thống Mỹ Giôn-xơn phải tuyên bố chấm dứt không điều kiện việc ném bom miền Bắc từ vĩ tuyến 20 trở ra, chấp nhận đàm phán với ta tại Hội nghị Pa-ri.
    Với bản chất ngoan cố và hiếu chiến, từ năm 1969, đế quốc Mỹ chuyển sang thi hành “Học thuyết Ních-xơn” và chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”. Đáp lời kêu gọi của Đảng, trên miền Bắc đã diễn ra sôi nổi các phong trào “Ba sẵn sàng” của thanh niên; “Ba đảm đang” của phụ nữ; “Tay búa tay súng” của công nhân; “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, “Tay cày tay súng”, “Xe chưa qua nhà không tiếc” của nhân dân và đặc biệt là phong trào “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược” thể hiện ý chí quyết tâm chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến đánh thắng.
    Trong những năm 1969-1972, Quân và dân ta đã phối hợp chặt chẽ với cuộc chiến đấu của nhân dân Lào và nhân dân Cam-pu-chia anh em, giành được những thắng lợi to lớn trên chiến trường ba nước Đông Dương. Thắng lợi có ý nghĩa chiến lược của quân và dân ba nước Đông Dương đã làm cho Chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của Mỹ bị thất bại. Năm 1972, Quân ủy Trung ương thông qua kế hoạch mở cuộc tiến công chiến lược trên toàn chiến trường miền Nam bằng các chiến dịch tiến công hiệp đồng binh chủng ở Trị - Thiên, Bắc Tây Nguyên, miền Đông Nam Bộ; đồng bằng sông cửu Long, Trung Bộ.
    Trước nguy cơ đổ vỡ của chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, Ních-Xơn buộc phải huy động trở lại lực lượng quân sự Mỹ vào cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam. Ngày 06 tháng 4 năm 1972, đế quốc Mỹ huy động một lực lượng lớn không quân và hải quân mở cuộc chiến tranh đánh phá miền Bắc lần thứ hai với quy mô lớn, ác liệt hơn lần trước. Với tinh thần dũng cảm và cách đánh mưu trí, qua 07 tháng chiến đấu quyết liệt, quân và dân miền Bắc, nòng cốt là Quân chủng Phòng không - Không quân, Quân chủng Hải quân, Binh chủng Pháo binh đã bắn rơi 654 máy bay, bắn chìm và bắn cháy 125 tàu chiến.
    Trước những thất bại nặng nề đó, đêm 18 tháng 12 năm 1972, đế quốc Mỹ liều lĩnh mở cuộc tập kích đường không chiến lược quy mô lớn nhất vào miền Bắc. Chúng sử dụng một số lượng lớn máy bay chiến lược B-52 và máy bay chiến thuật hiện đại nhất (F-111), đánh tập trung ồ ạt vào Hà Nội, Hải Phòng và một số khu vực khác trên miền Bắc. Một lần nữa quân và dân miền Bắc anh dũng chiến đấu, đánh bại cuộc tập kích chiến lược của địch.
    Ngày 27 tháng 01 năm 1972, với thắng lợi to lớn của quân và dân miền Bắc cùng với thắng lợi của quân và dân ta trên chiến trường miền Nam đã buộc đế quốc Mỹ phải ký Hiệp định Pa-ri về Việt Nam, cam kết tôn trọng độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, chấm dứt dính líu về quân sự, rút hết quân Mỹ và quân chư hầu ra khỏi miền Nam.
    Với bản chất ngoan cố, đế quốc Mỹ tiếp tục duy trì chế độ thực dân mới, chia cắt lâu dài đất nước ta. Dựa vào viện trợ Mỹ, chính quyền Nguyễn Văn Thiệu ra sức củng cố ngụy quân, ngụy quyền, liên tiếp mở các cuộc hành quân “tràn ngập lãnh thổ” lấn chiếm vùng giải phóng của ta. Trong hai năm 1973-1974, quân và dân ta liên tiếp giành thắng lợi, làm cho cục diện chiến trường tiếp tục thay đổi có lợi cho ta. Hội nghị Bộ Chính trị, tháng 10 năm 1974 và đầu năm 1975 đã kịp thời đánh giá so sánh lực lượng, chỉ rõ sự xuất hiện thời cơ lịch sử và nêu quyết tâm chiến lược: giải phóng miền Nam.
    Thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị, ngày 04 tháng 3 năm 1975, bộ đội ta mở chiến dịch Tây Nguyên. Sau một số trận đánh tạo thế và nghi binh chiến dịch, ngày 10 và 11 tháng 3 năm 1975, quân ta tiến công giải phóng thị xã Buôn Ma Thuột. Tiếp đó, tiến công tiêu diệt nhiều vị trí quân địch, giải phóng hoàn toàn tỉnh Kon Tum, Gia Lai và toàn bộ Tây Nguyên.
    Cùng thời điểm này, quân ta mở chiến dịch tiêu diệt và làm tan rã toàn bộ quân địch trên chiến trường Trị -Thiên, giải phóng tỉnh Quảng Trị (19/3); tiến công giải phóng thành phố Huế và tỉnh Thừa Thiên. Phát huy thắng lợi, từ ngày 26 đến ngày 29 tháng 3 năm 1975, quân ta giải phóng hoàn toàn Đà Nẵng; phối hợp với lực lượng vũ trang và nhân dân địa phương, bộ đội ta tiến công giải phóng các tỉnh Bình Định, Phú Yên (01/4), Khánh Hòa (03/4) nối liền Tây Nguyên, Trị - Thiên và các tỉnh Trung Bộ.
    Ngày 14 tháng 4 năm 1975, Bộ Chính trị đồng ý mở Chiến dịch giải phóng Sài Gòn lấy tên là Chiến dịch Hồ Chí Minh. Thực hiện tư tưởng chỉ đạo: “Thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng”, ngày 26 tháng 4, quân ta bắt đầu nổ súng tiến công đồng loạt vào các mục tiêu, phá vỡ tuyến phòng thủ vòng ngoài của địch. Ngày 28 tháng 4, một biên đội máy bay A-37 (phi đội Quyết Thắng) của Không quân nhân dân Việt Nam đã ném bom sân bay Tân Sơn Nhất, làm quân địch càng thêm hoảng loạn. Ngày 29 tháng 4, quân ta tiến công tiêu diệt và làm tan rã các sư đoàn chủ lực của quân đội Sài Gòn. Vào lúc 10 giờ 45 phút, phân đội xe tăng thọc sâu của Quân đoàn 2 tiến vào dinh Độc Lập. Quân ta bắt toàn bộ nội các của chính quyền Sài Gòn, buộc Tổng thống Dương Văn Minh phải tuyên bố đầu hàng không điều kiện. Cờ Tổ quốc tung bay trước tòa nhà chính của dinh Độc Lập lúc 11 giờ 30 phút. Trong 2 ngày (30 tháng 4 và 01 tháng 5), bộ đội chủ lực và lực lượng vũ trang các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, các Quân khu 8 và 9 nắm thời cơ, giải phóng các tỉnh đồng bằng Nam Bộ, vùng biển và các đảo ở Tây Nam của Tổ quốc, miền Nam hoàn toàn giải phóng.
    Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đã mở ra một giai đoạn mới của cách mạng Việt Nam, giai đoạn cả nước cùng thực hiện một chiến lược chung: Xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
    Sau 30 năm đoàn kết chiến đấu, nhân dân ba nước Việt Nam, Lào, Cam-pu-chia đã cùng nhau chống kẻ thù chung và giành được thắng lợi hoàn toàn, tình đoàn kết không ngừng được củng cố. Tuy nhiên, đế quốc Mỹ và các thế lực phản động quốc tế đã âm mưu chống phá sự nghiệp cách mạng của ba nước, trọng điểm là Việt Nam bằng những thủ đoạn mới. Quân và dân ta lại tiếp tục cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc trên biên giới phía Bắc và giúp nước bạn Căm - pu - chia đánh đổ chế độ diệt chủng Pôn Pốt - Iêng Xari, giải phóng đất nước, mở đường cho nhân dân Cam-pu-chia hồi sinh.
    Thắng lợi của quân và dân ta trong hai cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc có ý nghĩa lịch sử rất to lớn, làm thất bại âm mưu thâm độc của các thế lực phản động, bảo vệ độc lập tự do và chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, tạo môi trường chính trị ổn định để toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta bước vào công cuộc lao động hòa bình.


    Thực hiện đường lối đổi mới toàn diện đất nước do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, từ Đại hội lần thứ VI của Đảng (1986) đến nay, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đã nắm vững thời cơ, vượt mọi khó khăn, thử thách, giành nhiều thắng lợi to lớn trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh, đưa đất nước ta lên một tầm cao mới, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế. Với vai trò là lực lượng nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, Quân đội nhân dân Việt Nam tự hào vì đã có đóng góp xứng đáng vào những thành tựu chung của đất nước trong gần 30 năm đổi mới, nhất là từ năm 2005 đến nay, đó là:
    Trong thực hiện nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, quân đội đã thường xuyên nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, duy trì và thực hiện tốt công tác sẵn sàng chiến đấu; chủ động và kiên quyết thực hiện tốt nhiệm vụ cấp bách hàng đầu là đấu tranh phòng chống chiến lược “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và làm thất bại mọi âm mưu, hành động phá hoại của các thế lực thù địch, bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa và thành quả cách mạng của nhân dân.
    Trong thực hiện nhiệm vụ lao động sản xuất, xây dựng kinh tế, quân đội ta đã góp phần phát triển kinh tế - xã hội gắn với tăng cường tiềm lực, thế trận quốc phòng - an ninh; đồng thời đã trở thành một nhân tố không thể thiếu trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo, tổ chức lại dân cư trên các địa bàn chiến lược, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới, biển, đảo của Tổ quốc. Những năm gần đây, quân đội đã thực hiện thành công một số mô hình như: “Mái ấm cho đồng bào nghèo”, “Đền ơn, đáp nghĩa”, “Nhà đồng đội”, “Quân đội chung tay vì sức khỏe cộng đồng”, kết hợp thực hiện tốt các chính sách hậu phương quân đội, tạo sức lan tỏa, mang ý nghĩa chính trị - xã hội sâu sắc.
    Quân đội đã kịp thời tham mưu với cấp ủy, chính quyền và phối hợp với các cơ quan chức năng tham gia giải quyết các vụ việc phức tạp, các điểm nóng, ngăn chặn các hoạt động lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để lôi kéo, kích động nhân dân biểu tình, gây rối... ,góp phần củng cố xây dựng thế trận QP-AN vững chắc trên địa bàn cả nước.
    Quân đội đã có những đóng góp xứng đáng trong công tác phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn, khắc phục hậu quả thiên tai để bảo vệ tài sản của Nhà nước, tính mạng và tài sản của nhân dân; sát cánh cùng nhân dân chống chọi với thiên tai và khắc phục hậu quả thiên tai, tai nạn như bão lụt, lũ quét, sạt lở đất, hạn hán, cháy nổ, cháy rừng, v.v... Hình ảnh “vì nhân dân quên mình” của cán bộ, chiến sĩ trong toàn quân đã để lại những ấn tượng, tình cảm tốt đẹp đối với cấp ủy, chính quyền và nhân dân các địa phương, gắn bó thêm tình nghĩa máu thịt quân - dân, đồng thời tô thắm thêm truyền thống của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng.
    Quán triệt sâu sắc đường lối, quan điểm trong chính sách đối ngoại và tích cực hội nhập quốc tế của Đảng và Nhà nước, thông qua đối ngoại quốc phòng, quân đội đã chủ động mở rộng quan hệ quốc phòng với 80 nước và tổ chức quốc tế, tạo điều kiện và môi trường thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; góp phần vào việc giữ vững hòa bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới.
    Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ, sự nuôi dưỡng và đùm bọc của nhân dân, quân đội ta đã không ngừng phát huy bản chất tốt đẹp, vừa xây dựng, vừa chiến đấu và trưởng thành, xây đắp nên truyền thống rất vẻ vang, được Chủ tịch Hồ Chí Minh khen ngợi: “Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”.
    Thưa các đồng chí !
    Cùng với sự ra đời lớn mạnh của LLVT cả nước, LLVT Hà Tĩnh, Đảng bộ huyện Kỳ Anh đã trực tiếp lãnh đạo LLVT nhân dân huyện nhà chiến đấu, xây dựng, củng cố bảo vệ vững chắc hậu phương, đồng thời chi viện sức người, sức của cho các chiến trường. Qua các thời kỳ cách mạng, Kỳ Anh có gần 5 ngàn cán bộ, chiến sỹ tham gia chiến đấu trên các chiến trường, đã có hàng nghìn người con của quê hương ngã xuống trên các chiến trường của cả nước và nước bạn Lào, Căm Pu Chia. Ghi nhận công lao đóng góp cho 2 cuộc chiến tranh vĩ đại của dân tộc, huyện nhà cùng với 17 xã, 03 tập thể và 06 cá nhân được Nhà nước phong tặng danh hiệu anh hùng LLVT nhân dân.
    Phát huy truyền thống của Quân đội, trong những năm qua, LLVT Kỳ Anh đã tập trung khắc phục mọi khó khăn, phối hợp chặt chẽ với lực lượng Công an, Biên phòng và các đoàn thể tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền huyện đề ra những chủ trương, biện pháp đúng giải quyết kịp thời các vụ việc ở cơ sở, không để bất ngờ xẩy ra trong mọi tình huống, góp phần giữ vững ổn định chính trị, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế, xã hội của huyện nhà. Đến nay, nền kinh tế huyện nhà đã và đang phát triển với tốc độ nhanh, đạt mức tăng trưởng trên 26%, thu ngân sách nội địa đạt gần 700 tỷ đồng, đang phấn đấu năm 2015 thu 1.100 tỷ đồng; đời sống nhân dân được nâng lên rõ nét; bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc, nhất là trong công cuộc xây dựng NTM, kết thúc năm 2014 chúng ta có 3 xã cán đích 19 tiêu chí Quốc gia xây dựng NTM - nhiều nhất Tỉnh; Thị trấn Kỳ Anh mở rộng đã được công nhận đạt tiêu chuẩn đô thị loại IV, tạo thế cho sự ra đời một Thị xã mới khu vực phía Nam của Tỉnh trong đầu năm 2015, đúng với tinh thần NQ Đại hội đảng bộ Tỉnh lần thứ XVI.
    Kính thưa các đồng chí!
    Theo nguyện vọng của nhân dân cả nước, ngày 17 tháng 10 năm 1989, Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa VI) đã ra Chỉ thị số 381-CT/TƯ quyết định lấy ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12) đồng thời là Ngày Hội quốc phòng toàn dân. Từ đây, ngày 22 tháng 12 thực sự trở thành ngày hội của truyền thống bảo vệ Tổ quốc, ngày hội tôn vinh và nhân lên hình ảnh cao đẹp “Bộ đội Cụ Hồ” - một nét độc đáo của văn hóa dân tộc Việt Nam trong thời đại mới. Đây cũng là dịp để phát huy truyền thống yêu nước, biểu dương sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Ngày 22 tháng 12 đã trở thành ngày hội lớn của toàn dân tộc với các hoạt động hướng vào chủ đề quốc phòng và quân đội, nhằm tuyên truyền sâu rộng truyền thống đánh giặc giữ nước của dân tộc và phẩm chất cao đẹp của “Bộ đội Cụ Hồ", giáo dục lòng yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội; cổ vũ, động viên mỗi công dân chăm lo củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân vững mạnh trong tình hình mới.
    Kính thưa các đồng chí!
    Tình hình chính trị thế giới thay đổi nhanh chóng; xung đột sắc tộc tôn giáo, ly khai, bạo loạn, mất ổn định chính trị, can thiệp lật đổ, khủng bố, chiến tranh cục bộ, tranh chấp lãnh thổ, tài nguyên tiếp tục diễn ra gay gắt ở nhiều khu vực. Khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có khu vực Đông Nam Á, tiếp tục là khu vực phát triển năng động và có vị trí địa kinh tế - chính trị chiến lược ngày càng quan trọng trên thế giới. ASEAN trở thành cộng đồng tiếp tục phát huy vai trò trung tâm duy trì hoà bình, ổn định, thúc đẩy hợp tác, liên kết kinh tế trong khu vực. Năm năm tới là thời kỳ Việt Nam sẽ thực hiện đầy đủ các cam kết trong Hiệp định Thương mại tự do ASEAN và của thành viên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), hội nhập ngày càng sâu rộng vào kinh tế khu vực và thế giới với cả thời cơ và thách thức đan xen. Kinh tế từng bước thoát khỏi trạng thái trì trệ, lấy lại đà tăng trưởng nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức.
    Tình hình thế giới và trong nước nêu trên tạo ra cả thời cơ, thuận lợi và cả khó khăn, thách thức đan xen nhau, đặt ra nhiều vấn đề mới, yêu cầu mới to lớn, phức tạp hơn đối với sự nghiệp đổi mới, phát triển đất nước và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc, đòi hỏi Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị phải nỗ lực phấn đấu mạnh mẽ, quyết liệt hơn.
    Thưa các đồng chí!


    Đ/c Bí thư Tỉnh ủy và lãnh đạo huyện trao quà cho anh hùng lực lượng vũ trang và bà mẹ Việt Nam anh hùng


    Trao phần thưởng cho tập thể và cá nhân đạt giải trong cuộc thi tìm hiểu 70 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam
    Kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, 25 năm Ngày Hội quốc phòng toàn dân là dịp để chúng ta ôn lại lịch sử, truyền thống vẻ vang của dân tộc, bản chất, truyền thống tốt đẹp, những chiến công oanh liệt của quân đội và nhân dân ta. Qua đó, khơi dậy niềm tự hào, tự tôn dân tộc, nâng cao lòng yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, ý chí quật cường, ý thức tự lực, tự cường vượt qua mọi khó khăn thử thách; bảo đảm cho quân đội thực sự là lực lượng chính trị tin cậy, đội quân chiến đấu trung thành của Đảng, Nhà nước và nhân dân, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ mới của cách mạng, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

    Ban biên tập Kỳ Anh

    Thêm nhận xét mới

     Bình luận của bạn đã được gửi thành công. Cảm ơn bạn!   Làm mới
    Lỗi: Vui lòng thử lại