Giấy mời tiếp dân định kỳ của Đ/c Bí thư, Đ/c Chủ tịch HĐND và Đ/c Chủ tịch UBND huyện tháng 12.2024   |    Thông báo kết quả Tiếp công dân ngày 05/12/2024 của Đ/c Chủ tịch UBND huyện   |    Thời gian, địa điểm xét tuyển vòng 2, kỳ tuyển dụng viên chức Giáo dục huyện Kỳ Anh năm học 2024 - 2025   |    Danh sácThông báo thí sinh đủ điều kiện, tiêu chuẩn dự xét tuyển vòng 2 kỳ tuyển dụng viên chức giáo dục năm học 2024 - 2025   |    Giấy mời tiếp dân định kỳ ngày 5.12.2024   |   

Đền Phương Giai - Di tích lịch sử, văn hóa cấp Quốc gia

  

16:46 20/12/2021

Đền Phương Giai là di tích lịch sử cách mạng thuộc tổng Cấp Dẫn (xưa), nay là xã Kỳ Bắc, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh. Đền làm bằng gỗ, xây bao tường bằng gạch,vôi vữa với kiến trúc đơn giản, nhưng do thăng trầm của lịch sử và sự khắc nghiệt của thiên nhiên nên đã bị hư hỏng, xuống cấp. Các năm 2008, 2014, 2015, 2018 được Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân địa phương cùng con em xa quê đóng góp tu bổ, xây dựng lại một cách khang trang, gồm có ba toà thượng, trung, hạ đường xếp theo hình chữ Tam (三) đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa và tâm linh.

Toàn cảnh Đền Phương Giai (thôn Phương Giai, xã Kỳ Bắc, huyện Kỳ Anh)

Đền Phương Giai thờ Hoàng giáp Dương Trí Tri, một vị quan có tài, một lương y có nhiều công lao trong việc bốc thuốc chữa bệnh cho nhân dân vào thời nhà Mạc. Tục truyền rằng vào thời đó tại vùng phía bắc huyện Kỳ Hoa (nay là Kỳ Anh) có dịch bệnh đậu mùa trẻ em, ông Hoàng giáp có những vị thuốc nam cứu được rất nhiều trẻ em thoát khỏi bệnh trở về cuộc sống. Với công lao đó, sau khi mất, ông được nhân dân địa phương lập đền thờ, gọi là đền Phương Giai. “Phương Giai” theo dân làng giải thích “Phương” là xa, bao quát, “Giai” là sự bền bỉ, trường tồn, đền Phương Giai nghĩa là đền xa trông rộng và trường tồn.

Nhà Bia Đền Phương Giai

Đền Phương Giai ngoài giá trị tâm linh, tín ngưỡng, trong giai đoạn lịch sử hiện đại còn có giá trí lịch sử cách mạng, đó là nơi diễn ra Đại hội thành lập Đảng bộ huyện Kỳ Anh và là trụ sở làm việc của Huyện ủy Kỳ Anh trong cao trào Xô Viết - Nghệ Tĩnh.

Ngày 03/02/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, đánh dấu bước ngoặt trong lịch sử cách mạng Việt Nam. Sau đó được sự chỉ đạo của Xứ ủy Trung Kỳ, Tỉnh ủy Hà Tĩnh đã cử đồng chí Trần Hưng về Kỳ Anh vận động thành lập Đảng bộ huyện vào đầu tháng 3/1930. Sau khi tìm hiểu tình hình, đồng chí Trần Hưng đã chọn một số đồng chí tiên tiến trong Đảng Tân Việt để kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Đó là đồng chí Bùi Thị, Nguyễn Tiến Liên, Nguyễn Trọng Bình qua đó phát triển đảng viên mới. Trong thời gian ngắn ngày từ tháng 3-5/1930 ở Kỳ Anh đã có 7 chi bộ và 42 đảng viên. Đứng trước tình hình cách mạng ngày càng phát triển, ngày 4/6 năm 1930, ban vận động thành lập Đảng bộ huyện Kỳ Anh quyết định triệu tập Hội nghị đại biểu các chi bộ, đền Phương Giai được chọn làm địa điểm hội nghị, vì đây là trung tâm của vùng bắc Kỳ Anh, lại rất yên tĩnh, cẩn mật, đi lại thuận tiện và là nơi thờ cúng linh thiêng nên dễ bề che mặt bọn mật thám Pháp.

Bên trong Thượng điện

Hơn nữa, nhân dân nơi ở đây có tinh thần yêu nước. Tại đền Phương Giai, Đại hội thành lập huyện Đảng bộ Kỳ Anh đã được tiến hành, và đã bầu ra Ban Chấp hành huyện Đảng bộ Kỳ Anh gồm 7 đồng chí, do đồng chí Nguyễn Tiến Liên là Bí thư. Sau Hội nghị, đền Phương Giai đã trở thành trụ sở làm việc, liên lạc hội họp của Huyện ủy Kỳ Anh, là nơi in ấn tài liệu, truyền đơn tuyên truyền của Đảng bộ và trung tâm lãnh đạo quần chúng nhân dân trong cao trào Xô Viết - Nghệ Tĩnh 1930-1931.

Bên trong Hạ điện thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh

Đặc biệt, vào ngày mồng 09/9/1930, Huyện ủy Kỳ Anh đã tổ chức nhân dân biểu tình thị uy kéo vào huyện đường, phá nhà giam giải phóng tù nhân chính trị, bọn nha lại và tri huyện hoảng sợ bỏ trốn. Sau cuộc biểu tình đó, bọn địch khủng bố điên cuồng, nhiều cán bộ đảng viên của Đảng bộ huyện Kỳ Anh bị bắt, nhiều quần chúng nhân dân bị cầm tù. Để bảo đảm lực lượng, huyện Kỳ Anh đã chuyển trụ sở làm việc từ đền Phương Giai đi nơi khác. Tuy vậy, đây vẫn là nơi liên lạc và là địa điểm che giấu cho các đồng chí đảng viên, cán bộ trong quá trình hoạt động sau này. Trong cao trào 1936-1939; 1939- 1945 tại đền Phương Giai cũng đã diễn ra nhiều cuộc họp của Việt Minh bàn chủ trương sách lược đấu tranh cách mạng, là cơ sở chỉ đạo khâu tiếp quản của nhân dân trong giành chính quyền của cách mạng tháng 8 năm 1945 ở khu vực Bắc huyện Kỳ Anh.

Năm 1994, Đền Phương Giai được được Bộ VHTT xếp hạng Di tích lịch sử - văn hóa cấp Quốc gia. Tuy nhiên, trải qua những biến cố thăng trầm của lịch sử, di tích lịch sử đền Phương Giai đã bị xuống cấp. Để xây dựng di tích lịch sử Đền Phương Giai trở thành địa chỉ đỏ nhằm giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ, năm 2017, UBND tỉnh đã phê duyệt dự án tôn tạo, tu bổ Di tích lịch sử văn hóa Đền Phương Giai.

Lễ Khánh thành trùng tu đền Phương Giai

Hiện nay đền Phương Giai được tôn tạo thành một di tích vừa có ý nghĩa lịch sử vừa có ý nghĩa cách mạng.

Quá trình thăm viếng Đền Phương Giai, xin quý khách liên hệ với Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Kỳ Anh, địa chỉ thôn Đồng Tiến, xã Kỳ Đồng, huyện Kỳ Anh; UBND xã Kỳ Bắc – huyện Kỳ Anh hoặc Người Quản lý trực tiếp: Ông Hồ Đắc Danh, số điện thoại: 0986 734 295.

Huyền Trang - Kim Trường