Lãnh đạo huyện Kỳ Anh kiểm tra công tác phòng chống thiên tai tại các xã trên địa bàn
Do ảnh hưởng của nhiễu động trong đới gió Đông trên cao kết hợp với không khí lạnh tăng cường nên khu vực Hà Tĩnh có mưa to đến rất to. Riêng ở khu vực Kỳ Anh, lượng mưa đo được từ 400-450mm; từ trong sáng nay (5/11), nước ở thượng nguồn đổ về gây ngập cục bộ, nhiều tuyến đường bị chia cắt nghiêm trọng… Trong đó hơn 500 hộ dân tại các thôn Mỹ Lợi, Mỹ Thuận (xã Kỳ Sơn) và 43 hộ dân tại thôn Lạc Thanh (xã Kỳ Lạc) bị chia cắt hoàn toàn.
Theo đó, ngay trong chiều nay, Đoàn lãnh đạo huyện Kỳ Anh đã trực tiếp kiểm tra công tác phòng chống thiên tai tại các xã Kỳ Lạc và Kỳ Sơn…
Tại các nơi đến kiểm tra, đồng chí Nguyễn Thanh Hải – UVBTV Huyện ủy, Phó Chủ tịch UBND huyện đã yêu cầu các địa phương tiếp tục triển khai các phương án ứng phó. Theo đó, tập trung kiểm tra, rà soát tất cả các vị trí có nguy cơ cao về sạt lũ quét, sạt lở đất và ngập lụt sâu để kịp thời thông báo cho người dân chủ động, phòng tránh có hiệu quả.
Nước ngập tại cầu Khe Ổi thôn Lạc Thanh, xã Kỳ Lạc
Tại xã Kỳ Lạc, đồng chí cũng yêu cầu địa phương bố trí người gác chặn, có biển cảnh báo, rào chắn tại điểm ngập lụt, bên cạnh đó thông báo, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin để người dân nắm rõ tình hình mưa lũ. Chủ động, theo dõi diễn biến nắm bắt tình hình để kịp thời báo cáo BCH huyện. Đồng thời chuẩn bị sẵn sàng các phương án di dời 43 hộ dân bị cô lập (như rà soát hộ dân có ai đau, ốm, sinh đẻ; chuẩn bị lực lượng, phương tiện tàu thuyền, xe ô tô để đưa người đi cấp cứu; bố trí lực lượng y tế trực 24/24 để có phương án xử lý các trường hợp khẩn cấp).
Các hộ dân di chuyển đồ dùng khỏi vùng nước ngập
Đồng thời, chủ động triển khai phương án đảm bảo an toàn giao thông trên các tuyến giao thông trọng điểm, các tuyến đường đang thi công dang dở, đề phòng mưa lớn gây sạt lở, làm ách tắc giao thông; cử người trực và hướng dẫn giao thông tại các khu vực xung yếu, như: ngầm qua suối, đường bị ngập sâu.
Tổ chức kiểm tra, rà soát và triển khai các phương án đảm bảo an toàn công trình đê điều, hồ đập; đặc biệt là các hồ chứa vừa và nhỏ đã xuống cấp, tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền người dân không tham gia đánh bắt cá, thủy sản trong mưa lũ. Các địa phương đang tiếp tục tổ chức trực 24/24 giờ nghiêm túc, chặt chẽ theo dõi diễn biến thời tiết và sẵn sàng triển khai công tác ứng cứu khi có sự cố xảy ra.
Huyền Trang - Tiến Quân
Thêm nhận xét mới