MỘT SỐ CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT CÓ HIỆU LỰC TỪ THÁNG 02/2025   |    Giấy mời tiếp dân định kỳ của Đ/c Chủ tịch UBND huyện tháng 02.2025   |    Giấy mời tiếp dân định kỳ của Đ/c Bí thư, Đ/c Chủ tịch HĐND và Đ/c Chủ tịch UBND huyện tháng 01.2025   |    Thông báo Tiếp công dân định kỳ tháng 01 năm 2025 của Đ/c Bí thư Huyện ủy, Đ/c Chủ tịch HĐND và chủ tịch UBND huyện   |    Thông báo kết quả Tiếp công dân ngày 06/01/2025 của Đ/c Chủ tịch UBND huyện   |   

MỘT SỐ CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT CÓ HIỆU LỰC TỪ THÁNG 02/2025

  

16:46 07/02/2025

MỘT SỐ CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT CÓ HIỆU LỰC TỪ THÁNG 02/2025

Trong tháng 02/2025 có 01 Luật, 06 Nghị định, 05 Quyết định, 75 Thông tư chính thức có hiệu lực, sau đây là một số văn bản, chính sách quan trọng liên quan đến việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và liên quan mật thiết đến đời sống của Nhân dân:

1. Luật Điện lực của Quốc hội, số 61/2024/QH15

Từ ngày 01/02/2025, giá bán điện sẽ theo cơ chế thị trường.

- Giá bán điện thực hiện theo cơ chế thị trường có sự điều tiết giá của Nhà nước phù hợp với cấp độ thị trường điện cạnh tranh. Đồng thời, thực hiện cơ cấu biểu giá bán lẻ điện hợp lý và giảm dần, tiến tới xóa bỏ bù chéo giá điện giữa các nhóm khách hàng không tham gia thị trường bán lẻ điện cạnh tranh khi chưa đủ điều kiện tham gia hoặc không lựa chọn tham gia mua bán điện trên thị trường bán lẻ điện cạnh tranh.

- Giảm dần, tiến tới xóa bỏ bù chéo giá điện giữa các nhóm khách hàng, vùng, miền phù hợp với cấp độ thị trường điện cạnh tranh; bảo đảm quyền tự quyết định giá mua điện, giá bán điện không vượt quá khung giá điện, cơ cấu biểu giá bán lẻ điện do Nhà nước quy định. Giá điện bảo đảm thực hiện công khai, minh bạch, bình đẳng, không phân biệt đối xử giữa các đơn vị điện lực; xây dựng cơ chế giá điện phù hợp đối với các nhóm khách hàng đặc thù theo các chủ trương của Nhà nước phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội ở từng thời kỳ.

- Chính sách phát triển điện vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn bao gồm:

+ Ưu tiên ngân sách Nhà nước, kết hợp huy động các nguồn lực trong nước và nước ngoài cho đầu tư phát triển nguồn điện, lưới điện bảo đảm cung cấp điện an toàn, thường xuyên, tin cậy cho các hộ gia đình và phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh tại địa phương;

+ Ưu đãi về đầu tư, tài chính và ưu đãi, hỗ trợ khác đối với các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài xây dựng công trình nguồn điện, lưới điện, kinh doanh cấp điện cho các hộ gia đình bảo đảm bền vững và hiệu quả.

- Nhà nước sẽ thực hiện hỗ trợ tiền điện như sau:

+ Ngân sách Nhà nước hỗ trợ tiền điện cho mục đích sinh hoạt đối với hộ nghèo, hộ chính sách xã hội theo tiêu chí, cơ chế do Thủ tướng Chính phủ quy định phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ;

+ Chính phủ ban hành phương án hỗ trợ giảm tiền điện trong trường hợp có sự cố, thảm họa theo quy định của Luật Phòng thủ dân sự để ổn định phát triển kinh tế - xã hội.

Luật này có hiệu lực từ ngày 01/02/2025

 2. Nghị định 164/2024/NĐ-CP của Chính phủ quy định về tổ chức và hoạt động thanh tra Công an nhân dân

Trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn của mình, cơ quan thanh tra Công an nhân dân giúp Thủ trưởng Công an cùng cấp thực hiện quản lý nhà nước về công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; tiến hành thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo quy định của pháp luật.

(i) Cơ quan thanh tra Công an nhân dân gồm:

- Thanh tra Bộ Công an;

- Thanh tra Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;

- Thanh tra Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng; Thanh tra Cục Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

(ii) Công an huyện, thị xã, quận, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương và Công an các đơn vị có quân số từ 200 cán bộ, chiến sĩ trở lên, bố trí cán bộ thanh tra chuyên trách; Công an các đơn vị có quân số dưới 200 cán bộ, chiến sĩ, bố trí cán bộ thanh tra kiêm nhiệm.

Số lượng cán bộ thanh tra chuyện trách, cán bộ thanh tra kiêm nhiệm tại các đơn vị do Thủ trưởng đơn vị quyết định.

Mặt khác, đối tượng thanh tra bao gồm:

- Cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc quyền quản lý của Bộ Công an.

- Cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam có nghĩa vụ chấp hành pháp luật về bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Công an.

- Cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài hoạt động trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam có liên quan đến pháp luật về bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội thuộc phạm vi quản lý nhà n nước của Bộ Công an.

Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 10/02/2025

3. Nghị định 174/2024/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm

  Nguyên tắc xác định mức phạt tiền khi có tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trong kinh doanh bảo hiểm

Trong đó, quy định về nguyên tắc xác định mức phạt tiền trong trường hợp có tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ như sau:

Khi xác định mức phạt tiền đối với tổ chức, cá nhân vi phạm vừa có tình tiết tăng nặng, vừa có tình tiết giảm nhẹ thì được giảm trừ tình tiết tăng nặng theo nguyên tắc một tình tiết giảm nhẹ được giảm trừ một tình tiết tăng nặng.

Theo đó, mức phạt tiền cụ thể đối với một hành vi vi phạm áp dụng như sau:

- Nếu không có tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng thì áp dụng mức trung bình của khung tiền phạt;

- Trường hợp có 01 tình tiết giảm nhẹ thì áp dụng mức trung bình giữa mức trung bình và mức tối thiểu của khung tiền phạt;

- Trường hợp có 02 tình tiết giảm nhẹ trở lên thì áp dụng mức tối thiểu của khung tiền phạt;

- Trường hợp có 01 tình tiết tăng nặng thì áp dụng mức trung bình giữa mức trung bình và mức tối đa của khung tiền phạt;

- Trường hợp có 02 tình tiết tăng nặng trở lên thì áp dụng mức tối đa của khung tiền phạt.

Ngoài ra, còn quy định nguyên tắc xác định thời hạn đình chỉ đối với vi phạm có tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ như sau:

- Nếu không có tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng thì áp dụng thời hạn đình chỉ trung bình của khung xử phạt;

- Trường hợp có 01 tình tiết giảm nhẹ thì áp dụng thời hạn đình chỉ trung bình giữa mức trung bình và mức tối thiểu của khung xử phạt;

- Trường hợp có 02 tình tiết giảm nhẹ trở lên thì áp dụng thời hạn đình chỉ tối thiểu của khung xử phạt;

- Trường hợp có 01 tình tiết tăng nặng thì áp dụng thời hạn đình chỉ trung bình giữa mức trung bình và mức tối đa của khung xử phạt;

- Trường hợp có 02 tình tiết tăng nặng trở lên thì áp dụng thời hạn đình chỉ tối đa của khung xử phạt.

 Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 15/02/2025

4. Nghị định 9/2025/NĐ-CP của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch hại thực vật

Mức hỗ trợ đối với cây trồng bị thiệt hại do thiên tai, dịch hại thực vật

Theo đó mức hỗ trợ đối với cây trồng bị thiệt hại do thiên tai, dịch hại thực vật như sau:

- Đối với diện tích lúa:

+ Sau gieo trồng từ 01 đến 10 ngày: thiệt hại trên 70% diện tích, hỗ trợ 6.000.000 đồng/ha; thiệt hại từ 30% đến 70% diện tích, hỗ trợ 3.000.000 đồng/ha;

+ Sau gieo trồng từ trên 10 ngày đến 45 ngày: thiệt hại trên 70% diện tích, hỗ trợ 8.000.000 đồng/ha; thiệt hại từ 30% đến 70% diện tích, hỗ trợ 4.000.000 đồng/ha;

+ Sau gieo trồng trên 45 ngày: thiệt hại trên 70% diện tích, hỗ trợ 10.000.000 đồng/ha; thiệt hại từ 30% đến 70% diện tích, hỗ trợ 5.000.000 đồng/ha.

- Đối với diện tích mạ:

Thiệt hại trên 70% diện tích, hỗ trợ 30.000.000 đồng/ha; thiệt hại từ 30% đến 70% diện tích, hỗ trợ 15.000.000 đồng/ha.

- Đối với diện tích cây hằng năm khác:

+ Giai đoạn cây con (gieo trồng đến 1/3 thời gian sinh trưởng): thiệt hại trên 70% diện tích, hỗ trợ 6.000.000 đồng/ha; thiệt hại từ 30% đến 70% diện tích, hỗ trợ 3.000.000 đồng/ha;

+ Giai đoạn cây đang phát triển (trên 1/3 đến 2/3 thời gian sinh trưởng): thiệt hại trên 70% diện tích, hỗ trợ 10.000.000 đồng/ha; thiệt hại từ 30% đến 70% diện tích, hỗ trợ 5.000.000 đồng/ha;

+ Giai đoạn cận thu hoạch (trên 2/3 thời gian sinh trưởng): thiệt hại trên 70% diện tích, hỗ trợ 15.000.000 đồng/ha; thiệt hại từ 30% đến 70% diện tích, hỗ trợ 7.500.000 đồng/ha.

- Đối với diện tích cây trồng lâu năm:

+ Vườn cây ở thời kỳ kiến thiết cơ bản: thiệt hại trên 70% diện tích, hỗ trợ 12.000.000 đồng/ha; thiệt hại từ 30% đến 70% diện tích, hỗ trợ 6.000.000 đồng/ha;

+ Vườn cây ở thời kỳ kinh doanh thiệt hại đến năng suất thu hoạch nhưng cây không chết: thiệt hại trên 70% diện tích, hỗ trợ 20.000.000 đồng/ha; thiệt hại từ 30% đến 70% diện tích, hỗ trợ 10.000.000 đồng/ha;

+ Vườn cây ở thời kỳ kinh doanh thiệt hại làm cây chết hoặc được đánh giá là cây không còn khả năng phục hồi trở lại trạng thái bình thường; vườn cây đầu dòng ở giai đoạn được khai thác vật liệu nhân giống: thiệt hại trên 70% diện tích, hỗ trợ 30.000.000 đồng/ha; thiệt hại từ 30% đến 70% diện tích, hỗ trợ 15.000.000 đồng/ha;

+ Cây giống trong giai đoạn vườn ươm được nhân giống từ nguồn vật liệu khai thác từ cây đầu dòng, vườn cây đầu dòng: thiệt hại trên 70% diện tích, hỗ trợ 60.000.000 đồng/ha; thiệt hại từ 30% đến 70% diện tích, hỗ trợ 30.000.000 đồng/ha.

Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 25/02/2025

5. Quyết định 09/2024/QĐ-KTNN của Kiểm toán Nhà nước ban hành Quy định danh mục hồ sơ kiểm toán; chế độ nộp lưu, bảo quản, khai thác và hủy hồ sơ kiểm toán

Theo đó, hồ sơ kiểm tra thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán sẽ bao gồm:

- Báo cáo của đơn vị được kiểm toán về việc thực hiện các kết luận, kiến nghị kiểm toán của Kiểm toán nhà nước.

- Kế hoạch kiểm tra thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán; Kế hoạch kiểm tra thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán điều chỉnh, bổ sung (nếu có).

- Văn bản thẩm định kế hoạch kiểm tra.

- Quyết định kiểm tra thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán; Quyết định kiểm tra thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán điều chỉnh, bổ sung (nếu có).

- Biên bản kiểm tra thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán.

- Biên bản họp của Đoàn kiểm tra, Tổ kiểm tra (nếu có).

- Dự thảo báo cáo kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán của đơn vị chủ trì cuộc kiểm tra.

- Quyết định thành lập Tổ thẩm định Báo cáo kiểm tra của Kiểm toán trưởng; Báo cáo thẩm định; Báo cáo kiểm soát chất lượng kiểm tra thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán của Đoàn kiểm tra; Báo cáo tiếp thu, giải trình của Đoàn kiểm tra; Biên bản họp thẩm định dự thảo Báo cáo kiểm tra của Kiểm toán trưởng (nếu có).

- Biên bản làm việc của Kiểm toán trưởng với đơn vị được kiểm tra về kết quả kiểm tra, hoặc công văn gửi dự thảo báo cáo kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán; văn bản giải trình của đơn vị được kiểm tra (nếu có).

- Văn bản chỉ đạo đối với hoạt động của Đoàn kiểm tra (nếu có).

- Công văn kèm Báo cáo kiểm tra thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán gửi đơn vị được kiểm tra.

- Các văn bản của Kiểm toán nhà nước gửi đơn vị được kiểm toán và các tổ chức, cá nhân liên quan về những vấn đề có liên quan đến việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán (nếu có).

- Quyết định xử phạt vi phạm hành chính; Biên bản vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm hành chính của đơn vị được kiểm toán liên quan đến thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán của Kiểm toán nhà nước; Quyết định cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính và các tài liệu liên quan kèm theo (nếu có).

- Tài liệu, bằng chứng có liên quan đến việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán (nếu có)

 Quyết định này có hiệu lực từ ngày 10/02/2025.

6. Thông tư 35/2024/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Quy trình kỹ thuật thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt

Theo đó, quy trình kỹ thuật thu gom thủ công chất thải rắn sinh hoạt từ hộ gia đình, cá nhân đến điểm tập kết như sau:

(1) Công tác chuẩn bị

- Bố trí người lao động thu gom thủ công chất thải rắn sinh hoạt từ hộ gia đình, cá nhân đến điểm tập kết;

- Chuẩn bị dụng cụ bảo hộ lao động (quần, áo, giầy, ủng, mũ, găng tay, khẩu trang,...), thiết bị báo hiệu, chổi, xẻng và các dụng cụ lao động cần thiết khác;

- Kiểm tra phương tiện thu gom thủ công và các thiết bị cần thiết khác đáp ứng các yêu cầu về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định.

(2) Thu gom thủ công chất thải rắn sinh hoạt từ hộ gia đình, cá nhân

- Di chuyển phương tiện thu gom từ điểm tập kết hoặc điểm lưu giữ phương tiện đến vị trí thu gom theo lịch trình được phân công, dừng phương tiện, báo hiệu thời điểm thu gom chất thải rắn sinh hoạt tới các hộ gia đình, cá nhân;

- Hỗ trợ, hướng dẫn hộ gia đình, cá nhân bỏ chất thải rắn sinh hoạt vào đúng vị trí trên phương tiện thu gom;

Có thể từ chối tiếp nhận chất thải không phân loại, không sử dụng bao bì, thùng chứa theo quy định của chính quyền địa phương hoặc giao chất thải không đúng chủng loại theo lịch trình đã công bố; vệ sinh vị trí thu gom trước khi di chuyển đến vị trí thu gom tiếp theo;

- Thu gom chất thải rắn sinh hoạt cho đến khi đạt tải trọng hoặc thể tích lưu chứa tối đa của phương tiện thu gom; di chuyển về điểm tập kết;

Hỗ trợ chuyển chất thải rắn sinh hoạt từ phương tiện thu gom lên phương tiện vận chuyển; che phủ phương tiện thu gom trong quá trình chờ chuyển chất thải rắn sinh hoạt lên phương tiện vận chuyển;

- Tiếp tục thu gom chất thải rắn sinh hoạt theo quy trình kỹ thuật tại khoản này cho đến hết ca làm việc.

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 03/02/2025

7. Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về dạy thêm, học thêm

Cụ thể, tại Điều 6 Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT quy định về dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường như sau:

- Tổ chức hoặc cá nhân tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường có thu tiền của học sinh (sau đây gọi chung là cơ sở dạy thêm) phải thực hiện các yêu cầu sau:

+ Đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật;

+ Công khai trên cổng thông tin điện tử hoặc niêm yết tại nơi cơ sở dạy thêm đặt trụ sở về các môn học được tổ chức dạy thêm; thời lượng dạy thêm đối với từng môn học theo từng khối lớp; địa điểm, hình thức, thời gian tổ chức dạy thêm, học thêm; danh sách người dạy thêm và mức thu tiền học thêm trước khi tuyển sinh các lớp dạy thêm, học thêm (theo Mẫu số 02 tại Phụ lục kèm theo Thông tư 29/2024)

- Người dạy thêm ngoài nhà trường phải bảo đảm có phẩm chất đạo đức tốt; có năng lực chuyên môn phù hợp với môn học tham gia dạy thêm.

- Giáo viên đang dạy học tại các nhà trường tham gia dạy thêm ngoài nhà trường phải báo cáo với Hiệu trưởng hoặc Giám đốc hoặc người đứng đầu nhà trường (sau đây gọi chung là Hiệu trưởng) về môn học, địa điểm, hình thức, thời gian tham gia dạy thêm (theo Mẫu số 03 tại Phụ lục kèm theo Thông tư 29/2024).

Ngoài ra, tại Điều 14 Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT cũng có quy định về trách nhiệm của cơ sở dạy thêm như sau:

- Thực hiện các quy định về dạy thêm, học thêm tại Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

- Quản lý và bảo đảm chất lượng dạy thêm, học thêm và quyền lợi của học sinh học thêm, người dạy thêm; quản lý, sử dụng tiền học thêm theo quy định.

- Quản lý, lưu giữ hồ sơ tổ chức dạy thêm, học thêm theo quy định.

- Báo cáo, giải trình về việc thực hiện quy định tại Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT và các quy định của pháp luật có liên quan với các cơ quan chức năng khi được yêu cầu.

- Tiếp nhận và xử lý ý kiến, kiến nghị, nguyện vọng của học sinh và cha mẹ học sinh về việc dạy thêm, học thêm trước và trong quá trình tổ chức thực hiện.

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 14/02/2025

8. Thông tư 122/2024/TT-BQP của Bộ Quốc phòng quy định về thực hiện dân chủ ở cơ sở trong Quân đội nhân dân Việt Nam

Căn cứ theo Điều 41 Thông tư 122/2024/TT-BQP quy định về nội dung, hình thức, thời điểm người sử dụng lao động phải công khai trong Quân đội nhân dân Việt Nam như sau:

(1) Trừ các thông tin thuộc bí mật nhà nước, bí mật quân sự, người sử dụng lao động phải công khai với người lao động những nội dung sau:

(i) Kế hoạch sản xuất kinh doanh và tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp;

(ii) Nội quy lao động, thang lương, bảng lương, định mức lao động, nội quy, quy chế và các văn bản quy định khác của người sử dụng lao động liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm của người lao động;

(iii) Các thỏa ước lao động tập thể mà người sử dụng lao động đã ký kết tham gia;

(iv) Việc trích lập, sử dụng quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi và các quỹ do người lao động đóng góp (nếu có);

(v) Việc trích nộp kinh phí công đoàn, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp;

(vi) Tình hình thực hiện thi đua, khen thưởng, kỷ luật, giải quyết kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo liên quan đến quyền, lợi ích và nghĩa vụ của người lao động;

(vii) Quy chế thực hiện dân chủ ở cơ sở trong doanh nghiệp;

(viii) Các nội dung về thông tin tài chính, quản lý tài sản công, về công tác cán bộ;

(ix) Nội dung khác theo quy định của pháp luật liên quan.

(2) Những nội dung quy định tại (1) được pháp luật quy định cụ thể hình thức công khai, người sử dụng lao động thực hiện công khai theo quy định đó, trường hợp pháp luật không quy định cụ thể hình thức công khai thì người sử dụng lao động căn cứ vào đặc điểm sản xuất, kinh doanh, tổ chức lao động và nội dung phải công khai để lựa chọn một trong các hình thức sau đây và phải thể hiện trong nội dung quy chế thực hiện dân chủ ở cơ sở trong doanh nghiệp:

(i) Niêm yết công khai tại nơi làm việc;

(ii) Thông báo tại hội nghị người lao động, các cuộc đối thoại giữa người sử dụng lao động và công đoàn cơ sở, tại các cuộc họp, giao ban của đơn vị, bộ phận;

(iii) Thông báo bằng văn bản đến toàn thể người lao động;

(iv) Thông qua người phụ trách đơn vị, bộ phận của doanh nghiệp để thông báo đến người lao động;

(v) Thông báo bằng văn bản cho Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở để thông báo đến người lao động;

(vi) Thông báo trên hệ thống thông tin nội bộ của doanh nghiệp hoặc đăng tải trên cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử của doanh nghiệp;

(vii) Hình thức khác mà pháp luật không cấm.

(3) Nội dung thông tin quy định tại (1) phải được công khai chậm nhất là 15 ngày, kể từ ngày có quyết định, văn bản của người có thẩm quyền về nội dung cần công khai, trừ trường hợp pháp luật quy định khác.

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 15/02/2025

9. Thông tư 12/2024/TT-BXD của Bộ Xây dựng hướng dẫn phương pháp xác định và quản lý chi phí dịch vụ sự nghiệp công chiếu sáng đô thị, cây xanh đô thị

Theo đó, nguyên tắc xác định và quản lý chi phí dịch vụ sự nghiệp công chiếu sáng, cây xanh đô thị như sau:

- Chi phí các dịch vụ sự nghiệp công phải được tính đúng, tính đủ phù hợp với quy trình kỹ thuật, định mức kinh tế - kỹ thuật, định mức chi phí (nếu có), các tiêu chí, tiêu chuẩn về chất lượng dịch vụ được cơ quan có thẩm quyền ban hành và điều kiện thực tế của địa phương.

- Dự toán chi phí dịch vụ sự nghiệp công được xác định theo hướng dẫn tại Điều 5 Thông tư 12/2024/TT-BXD là cơ sở để thực hiện đấu thầu, đặt hàng cung cấp dịch vụ sự nghiệp công.

- Việc quản lý chi phí dịch vụ sự nghiệp công phải tuân thủ các quy định về đấu thầu, đặt hàng cung cấp sản phẩm, dịch vụ sự nghiệp công và các quy định pháp luật có liên quan.

Quy định quản lý các chi phí liên quan đến dịch vụ sự nghiệp công chiếu sáng, cây xanh đô thị

- Việc phân công, phân cấp quản lý chi phí dịch vụ sự nghiệp công chiếu sáng đô thị, cây xanh đô thị và các chi phí dưới đây do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định phù hợp với mô hình tổ chức, quản lý, điều kiện đặc thù tại địa phương và quy định pháp luật có liên quan.

- Cơ quan, đơn vị được giao tổ chức xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật, đơn giá, xác định dự toán chi phí dịch vụ sự nghiệp công được thuê tổ chức, cá nhân tư vấn có năng lực, kinh nghiệm để xây dựng, thẩm tra định mức kinh tế - kỹ thuật; lập đơn giá và dự toán chi phí dịch vụ sự nghiệp công phục vụ công tác quản lý chi phí.

- Chi phí thuê tổ chức, cá nhân tư vấn được xác định bằng dự toán chi phí phù hợp với nội dung, yêu cầu của công việc cần thực hiện.

- Các chi phí khác liên quan đến quá trình quản lý dịch vụ sự nghiệp công (nếu có) (như chi phí dự phòng, chi phí quản lý, giám sát và các chi phí khác) chỉ thực hiện khi được ngân sách đảm bảo và phù hợp với các quy định pháp luật có liên quan.

- Việc lập dự toán chi phí giám sát, chi phí quản lý dịch vụ sự nghiệp công tham khảo theo hướng dẫn tại Phụ lục số 4 ban hành kèm theo Thông tư 12/2024/TT-BXD .

 Thông tư này có hiệu lực từ ngày 15/02/2025

10. Thông tư 01/2025/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội quy định mức điều chỉnh tiền lương và thu nhập tháng đã đóng bảo hiểm xã hội

Trong đó, mức điều chỉnh tiền lương và thu nhập tháng đã đóng BHXHnăm 2025 theo Thông tư 01/2025/TT-BLĐTBXH như sau:

(1) Mức điều chỉnh tiền lương tháng đã đóng BHXH

- Tiền lương tháng đã đóng bảo hiểm xã hội đối với đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 1 Thông tư 01/2025/TT-BLĐTBXH được điều chỉnh theo công thức sau:

Mức điều chỉnh tiền Tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội sau điều chỉnh của từng năm = Tổng tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của từng năm x Mức điều chỉnh tiền lương đã đóng bảo hiểm xã hội của năm tương ứng.

Trong đó, mức điều chỉnh tiền lương đã đóng bảo hiểm xã hội của năm tương ứng được thực hiện theo Bảng 1 dưới đây:

Bảng 1:

- Đối với người lao động vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội đối với người lao động bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định từ ngày 01 tháng 01 năm 2016 trở đi và tiền lương tháng đã đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định được điều chỉnh theo quy định trên.

(2) Mức điều chỉnh thu nhập tháng đã đóng BHXH

- Thu nhập tháng đã đóng bảo hiểm xã hội đối với đối tượng quy định tại khoản 2 Điều 1 Thông tư 01/2025/TT-BLĐTBXH được điều chỉnh theo công thức sau:

Thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện sau điều chỉnh của từng năm = Tổng thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội của từng năm x Mức điều chỉnh thu nhập tháng đã đóng bảo hiểm xã hội của năm tương ứng

Trong đó, mức điều chỉnh thu nhập tháng đã đóng bảo hiểm xã hội của năm tương ứng được thực hiện theo Bảng 2 dưới đây:

Bảng 2:

- Đối với người lao động vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện thì thu nhập tháng đã đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện được điều chỉnh theo quy định trên; tiền lương tháng đã đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc được điều chỉnh theo quy định tại Điều 10 Nghị định 115/2015/NĐ-CP và Điều 2 Thông tư 01/2025/TT-BLĐTBXH.

Mức bình quân tiền lương và thu nhập tháng đã đóng bảo hiểm xã hội làm căn cứ tính hưởng lương hưu, trợ cấp một lần khi nghỉ hưu, bảo hiểm xã hội một lần và trợ cấp tuất một lần được tính theo quy định tại khoản 4 Điều 11 Nghị định 115/2015/NĐ-CP và khoản 4 Điều 5 Nghị định 134/2015/NĐ-CP.

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 28/02/2025.

                                   PHÒNG TƯ PHÁP HUYỆN KỲ ANH


 Tải xuống tệp đính kèm

Thêm nhận xét mới

 Bình luận của bạn đã được gửi thành công. Cảm ơn bạn!   Làm mới
Lỗi: Vui lòng thử lại