Đối thoại cộng đồng về di cư an toàn và phòng chống mua bán người
Đại biểu tham dự
Tham dự có các đồng chí Phạm Thị Hương, HUV, Chủ tịch Hội LHPN huyện; Lê Đình Nhất, Trưởng phòng Tư pháp huyện; Phạm Anh Đức, Giám đốc Ngân hàng chính sách xã hội huyện Kỳ Anh; đại diện phòng Lao động Thương binh và xã hội huyện; cấp ủy đảng, chính quyền xã Kỳ Xuân.
Đ/c Phạm Thị Hương - HUV, Chủ tịch Hội LHPN huyện Kỳ Anh khai mạc chương trình
Phát biểu khai mạc chương trình, đồng chí Phạm Thị Hương, HUV, Chủ tịch Hội LHPN huyện Kỳ Anh cho biết, thời gian gần đây tình hình di cư nước ngoài bất hợp pháp và nạn mua bán người diễn biến phức tạp. Đó là mối quan tâm, lo lắng của toàn xã hội, đặc biệt là đối với chị em phụ nữ. Vì vậy, việc thông tin đầy đủ và chính xác các vấn đề di cư nước ngoài là cần thiết. Qua đó, nâng cao nhận thức và kỹ năng di cư an toàn, phòng, chống mua bán người cho hội viên phụ nữ và nhân dân. “Buổi đối thoại sẽ cung cấp cho chị em phụ nữ, đoàn viên thanh niên và người dân những thông tin về quy định pháp luật về lao động ở nước ngoài. Đồng thời, giải đáp thắc mắc những chính sách pháp luật trong việc hỗ trợ người lao động làm việc ở nước ngoài có ký kết xuất khẩu lao động. Bên cạnh đó, biết được những biện pháp để bảo vệ bản thân khỏi bị mua bán khi đi lao động và hiểu được các chính sách và thông tin thị trường việc làm mới nhất.
Tại buổi đối thoại người dân được cung cấp những thông tin về các chính sách, quy định của pháp luật đối với người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; thông tin thị trường lao động và các chương trình liên quan tới người di cư lao động; các kiến thức về di cư, qua đó thúc đẩy các kênh di cư an toàn và thường xuyên, giảm tính dễ bị tổn thương do di cư và ngăn chặn bóc lột và lạm dụng. Tại đây, người dân tham gia đã đưa ra những câu hỏi liên quan đến chính sách, thủ tục, các điều kiện của lao động di cư và đã được giải đáp rõ ràng, cụ thể. Bên cạnh đó, để giúp người dân hiểu thêm một số khái niệm, thông tin liên quan đến Di cư an toàn, những con đường và kênh tìm kiếm thông tin để di cư an toàn.
Thông qua đối thoại, cán bộ, hội viên phụ nữ và người dân địa phương đã nắm được các quy định của luật pháp, chính sách của Việt Nam liên quan đến lao động di cư an toàn; hiểu và nhận thức được những rủi ro liên quan tới lao động cưỡng bức, mua bán người và nô lệ thời hiện đại nếu di cư không chính thức. Từ đó, người dân xã Kỳ Xuân càng nhận thức hơn nữa, trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức và cộng đồng trong phòng, chống mua bán người; nhằm đề cao cảnh giác, tích cực tham gia phòng, chống mua bán người./.
Thúy Nga, Việt Hoàng
Thêm nhận xét mới