Liên hiệp các Hội Khoa học công nghệ huyện Kỳ Anh có nhiều đổi mới
Liên hiệp các hội khoa học công nghệ (KHCN) huyện Kỳ Anh hiện có 07 chi hội thành viên, với trên 4.550 người, trong đó hơn 2.000 người có trình độ đại học và trên đại học; 100% cán bộ, công chức, viên chức được đào tạo, tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ chuyên môn và chương trình ứng dụng CNTT vào công tác. Với vai trò là cơ quan tập hợp, đoàn kết đội ngũ trí thức, những năm qua Liên hiệp các hội KHCN Kỳ Anh đã làm tốt vai trò cầu nối giữa đội ngũ trí thức với cấp ủy, tập trung đổi mới nội dung, phương thức hoạt động để thích ứng trong bối cảnh mới, chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để góp phần vào việc hoàn thành nhiệm vụ chung của cơ quan, đơn vị, địa phương.
Thời gian qua, Liên hiệp các hội KHCN huyện Kỳ Anh đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị thực hiện tốt Đề án 06 của Chính phủ về ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia. Là một trong những địa phương dẫn đầu toàn tỉnh về thực hiện có hiệu quả Đề án 06 của Chính phủ. Vai trò của các hội viên đội ngũ trí thức ở các hội cơ sở được phát huy rõ nét, nhiều lĩnh vực hoạt động không ngừng được đổi mới và đi vào chiều sâu. Tổ chức Hội các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị đã quan tâm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành trên môi trường mạng; niêm yết thủ tục hành chính bằng mã QR tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp khai thác thông tin...
Hoạt động khoa học công nghệ đã hình thành tại các HTX, doanh nghiệp, hộ kinh doanh bước đầu hình thành được một số sản phẩm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ, nhiều sản phẩm có chất lượng, có sức cạnh trạnh tốt trên thị trường. Điển hình trong lĩnh vực nông nghiệp, thực hiện mô hình tập trung ruộng đất: đã xây dựng 08 mô hình chuyển đổi đất tập trung, tích tụ ruộng đất, với diện tích gần 379 ha; xây dựng 44 cánh đồng, tại 12 xã, với diện tích trên 366 ha. Sau chuyển đổi, tích tụ hình thành các cánh đồng lớn, tổ chức lại sản xuất theo hướng thâm canh, “1 cánh đồng, 1 giống, 1 thời vụ, 1 quy trình canh tác”, áp dụng động bộ cơ giới hóa, góp phần giảm chi phí, giá thành sản xuất và đưa các tiến bộ khoa học kỹ thuật, giống mới cho năng suất cao, vượt trội, mang lại thu nhập cho người sản xuất tăng từ 10-15% so với sản xuất truyền thống, được người dân đồng tình, hưởng ứng.
Nhiều mô hình sản xuất được triển khai thực hiện thành công, nhân rộng góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế và nhu nhập cho người sản xuất, như: Xây dựng thành công các vùng sản xuất lúa chuyển đổi hữu cơ chất lượng cao tại 2 xã Kỳ Phú, Kỳ Phong; nhân rộng mô hình nuôi ong lấy mật tại xã Kỳ Lạc, từ 300 tổ đàn lên hơn 3000 tổ đàn và xây dựng thành công sản phẩm OCOP Mật ong hương rừng Kỳ Lạc. Mô hình “Chuyển giao quy trình kỹ thuật sản xuất lúa hữu cơ kết hợp tái tạo, phục hồi nguồn rươi tại vùng Đồng Láng, thôn Đậu Giang, xã Kỳ Khang” sản xuất theo quy trình hữu cơ bước đầu mang lại hiệu quả tốt trong phục hồi, cải tạo đất, cải thiện ô nhiễm nguồn nước, môi trường, đã tái tạo và xuất hiện nguồn rươi tự nhiên trở lại sau gần 20 năm, với quy mô 17,5ha. Năng suất lúa đạt 50 tạ/ha, sản lượng đạt 150 tấn/năm
Việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất có ý nghĩa lớn trong công cuộc xây dựng NTM. Đặc biệt là trong việc phát triển kinh tế vườn, xây dựng vườn mẫu, khu dân cư kiểu mẫu, góp phần rất lớn trong xây dựng NTM, đô thị văn minh.
Đội ngũ trí thức KH và CN đã đẩy mạnh công tác nghiên cứu, ứng dụng, tiếp cận, làm chủ công nghệ mới xây dựng được một số mô hình sản xuất tập trung theo hướng liên kết với doanh nghiệp có hiệu quả như mô hình nuôi lợn liên kết; mô hình sản xuất lúa hữu cơ; trồng chè theo tiêu chuẩn VietGhap; nuôi tôm thâm canh trong ao lót bạt; chăn nuôi lợn siêu nạc theo quy trình khép kín; chăn nuôi lợn hữu cơ ở xã Kỳ Phong, mô hình nuôi ong lấy mật...
Đẩy mạnh chương trình mỗi xã một sản phẩm, hiện toàn huyện có 17 sản phẩm Ocop, trong đó, Nước mắm Phú Khương đạt sản phẩm OCOP 4 sao; 16 sản phẩm Ocop 3 sao; Ứng dụng mạnh mẽ về chuyển đổi số trong sản xuất, kinh doanh nông sản hữu cơ, nông sản sạch, sản phẩm OCOP; xây dựng và đưa vào vận hành kênh thương mại điện tử nông sản của huyện; xây dựng tem truy xuất nguồn gốc các sản phẩm hữu cơ, sản phẩm sạch kết nối với cổng thông tin quản lý giám sát, truy xuất nguồn gốc và kết nối thị trường nông sản Kỳ Anh.
Việc ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ vào sản xuất và đời sống, phong trào thi đua lao động sáng tạo được triển khai khá tốt, nhiều đề tài, giải pháp được ứng dụng, nhân rộng góp phần nâng cao hiệu quả về sản xuất và công tác. Toàn huyện có 3742 đề tài sáng kiến kinh nghiệm được xây dựng và áp dụng có hiệu quả. Trong phong trào thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo đã có hàng trăm đề tài, sáng kiến trên tất cả các lĩnh vực được ứng dụng vào sản xuất và đời sống góp phần phát triển kinh tế - xã hội.
Lĩnh vực y tế đã có nhiều đề tài nghiên cứu và các sáng kiến cải tiến kỹ thuật có giá trị và áp dụng vào thực tiễn được các cấp, ngành đánh giá cao. Đội ngũ trí thức trong lĩnh vực y tế đã không ngừng học tập trau dồi tay nghề, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho nhân dân.
Hàng năm, Trung tâm y tế huyện đều có các đề tài nghiên cứu khoa học chuyên khoa, chuyên ngành, các sáng kiến kinh nghiệm được đưa vào áp dụng trong công tác khám chữa bệnh, chăm sóc bảo vệ sức khỏe cho Nhân dân, đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên hàng đầu của Trung tâm Y tế huyện.
Trong những năm qua, đội ngũ trí thức huyện đã tích cực trong công tác nghiên cứu khoa học, xây dựng các sáng kiến kinh nghiệm phục vụ quá trình công tác cũng như phát triển đời sống Nhân dân trên địa bàn. Những thành tích và kết quả hoạt động của Liên hiệp các Hội KHCN đã mang lại nhiều dấn ấn, góp phần quan trọng vào nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh thời kỳ đẩy mạnh CNH - HĐH trên quê hương Kỳ Anh.
Thêm nhận xét mới