TUYÊN TRUYỀN VỀ CHỐNG KHAI THÁC THỦY SẢN BẤT HỢP PHÁP, KHÔNG KHAI BÁO, KHÔNG THEO QUY ĐỊNH
I. “THẺ VÀNG” IUU LÀ GÌ?
“Thẻ vàng” IUU là một hình thức cảnh báo của Ủy ban Châu Âu (EC) đối với một quốc gia, do tàu đánh cá và ngư dân của quốc gia đó vi phạm quy định IUU (tức Quy định của Ủy ban Châu Âu về chống đánh bắt thủy sản bất hợp pháp, không khai báo và không được quản lý). Cụ thể là một số vi phạm như:
- Khai thác thủy sản tại vùng biển thuộc quốc gia khác.
- Dùng chất nổ, xung điện, ngư cụ không phù hợp hay dùng những hình thức khai thác thủy sản khác có khả năng tận diệt các loài thủy sinh, gây tổn hại, suy thoái môi trường biển.
- Tàu cá không được quản lý, kiểm soát chặt chẽ, không đăng ký; không được giám sát, theo dõi đầy đủ hành trình hoạt động trên biển; khai thác thủy sản không khai báo; không quản lý chặt chẽ nguồn gốc xuất xứ sản phẩm thủy sản khai thác…
II. VIỆT NAM BỊ “THẺ VÀNG” IUU NHƯ THẾ NÀO?
Tháng 10/2017, Việt Nam đã bị Ủy ban Châu Âu cảnh báo “thẻ vàng” IUU. Đến nay gần 07 năm nhưng Việt Nam vẫn chưa gỡ được thẻ vàng, do chưa khắc phục được những hạn chế mà Ủy ban Châu Âu đưa ra. Đây là thời gian kéo dài nhất so với những quốc gia đã từng bị thẻ vàng, họ chỉ mất thời gian từ 01 - 02 năm đã gỡ được thẻ vàng.
III. “THẺ VÀNG” IUU GÂY BẤT LỢI CHO VIỆT NAM RA SAO?
1. Việc Việt Nam bị “thẻ vàng” IUU gây tổn hại đến uy tín, hình ảnh quốc gia trước thế giới, đặc biệt là tình trạng tàu cá, ngư dân Việt Nam vi phạm khai thác thủy sản tại vùng biển quốc gia khác đã ảnh hưởng xấu đến quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam với những quốc gia đó.
2. Việc Việt Nam bị “thẻ vàng” IUU gây thiệt hại đến kinh tế đất nước. Hiện nay Việt Nam xuất khẩu thủy sản đến 170 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, nhưng mỗi container hàng thủy sản xuất khẩu của Việt Nam hiện nay phải chịu thiệt hại khoảng 750 Ero do bị “thẻ vàng”. Trong 07 năm qua, thiệt hại cho ngành thủy sản Việt Nam là rất lớn, kim ngạch xuất khẩu giảm 27%.
IV. TẠI SAO VIỆT NAM PHẢI NỖ LỰC HÀNH ĐỘNG ĐỂ ĐƯỢC GỠ “THẺ VÀNG” TRONG NĂM 2024?
Cuối tháng 5/2024 là thời điểm Ủy ban Châu Âu tiến hành thanh tra, xem xét việc tháo gỡ “thẻ vàng”. Nếu không được xem xét gỡ “thẻ vàng” thời điểm này thì phải mất vài năm nữa Ủy ban Châu Âu mới xem xét lại. Như vậy Việt Nam sẽ tiếp tục kéo dài thời gian phải gánh chịu những thiệt hại. Do đó Việt Nam phải nỗ lực hành động để được xem xét gỡ “thẻ vàng” ngay trong năm 2024.
V. MỖI CÔNG DÂN CẦN LÀM GÌ ĐỂ GÓP PHẦN ĐƯỢC GỠ “THẺ VÀNG” CHO VIỆT NAM?
Bị cảnh báo “thẻ vàng” đã gây tổn thất về uy tín và kinh tế của Việt Nam. Để được gỡ “thẻ vàng”, Việt Nam phải nỗ lực hành động thực hiện những khuyến nghị Ủy ban Châu Âu đưa ra, đòi hỏi sự nỗ lực, quyết tâm, đề cao trách nhiệm của tất cả các cơ quan, đơn vị, địa phương và sự hưởng ứng tích cực của nhân dân.
Để bảo vệ, gìn giữ uy tín, thể diện và lợi ích quốc gia, mỗi người dân cần thực hiện:
1. Tích cực đấu tranh phê phán những trường hợp khai thác thủy sản tại vùng biển nước ngoài.
2. Không tham gia và thông báo chính quyền địa phương, lực lượng biên phòng, lực lượng kiểm ngư được biết khi phát hiện những trường hợp có biểu hiện:
- Mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng chất nổ, hóa chất, thiết bị tạo xung điện hay dùng ngư cụ bị cấm để khai thác thủy sản;
- Trốn, né tránh việc kiểm soát ra vào cảng cá; hành vi sử dụng tàu cá, phương tiện khai thác thủy sản mà không khai báo, không đăng ký, không đánh dấu tàu cá;
- Tháo gỡ hay vô hiệu hóa thiết bị định vị, thiết bị theo dõi giám sát hành trình hoạt động của tàu cá trên biển;
- Khai thác những loài thủy sinh nằm trong danh mục quý hiếm, bị cấm khai thác.
3. Đối với các chủ tàu cá, người lao động trên các tàu cá, người hành nghề khai thác thủy sản, ngoài thực hiện những yêu cầu nêu trên, còn phải nghiêm túc chấp hành:
- Tàu cá phải được được đánh dấu nhận biết; được lắp đặt thiết bị định vị, thiết bị giám sát hành trình và đảm bảo thiết bị hoạt động không gián đoạn suốt hành trình trên biển. Tuyệt đối không đưa tàu cá vào vùng biển thuộc nước ngoài để khai thác thủy sản.
- Chỉ được đưa tàu cá đi vào hoạt động khi các loại giấy tờ còn thời hạn như: giấy phép khai thác thủy sản; giấy chứng nhận đăng ký, đăng kiểm tàu cá; chứng chỉ, văn bằng của thuyền trưởng, thợ máy…
- Thực hiện nghiêm túc việc nộp báo cáo khai thác thủy sản; thực hiện ghi đúng, ghi đủ nhật ký khai thác thủy sản, nhật ký thu mua, chuyển tải thủy sản.
VI. NGƯỜI VI PHẠM CÁC QUY ĐỊNH VỀ KHAI THÁC THỦY SẢN SẼ BỊ XỬ LÝ THẾ NÀO?
Người vi phạm các quy định pháp luật trong hoạt động khai thác thủy sản sẽ bị phạt tiền, với mức phạt thấp nhất là 03 triệu đồng và cao nhất là 01 tỷ đồng. Ngoài ra còn bị áp dụng các hình thức, biện pháp xử phạt bổ sung như tịch thu tàu cá; tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm, bị tước giấy phép hành nghề…Trường hợp vi phạm mức độ nghiêm trọng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Xem thêm: Những quy định luật pháp quốc tế và nỗ lực của Việt Nam trong việc gỡ thẻ vàng IUU
Thêm nhận xét mới