Huyện Kỳ Anh hiện có trên 50.430ha rừng và đất lâm nghiệp, chiếm trên 66% diện tích tự nhiên; trong đó, có 19.961ha rừng tự nhiên, 27.926ha rừng trồng. Diện tích rừng trọng điểm có nguy bị cơ xâm hại cao tập trung tại các xã: Kỳ Tây, Kỳ Lạc, Kỳ Thượng, Kỳ Sơn, Kỳ Trung, Kỳ Tân...
Đặc điểm rừng Kỳ Anh rất dễ cháy, bởi có thảm thực bì dày, khí hậu khắc nghiệt, mùa nắng nóng kéo dài, nhất là khi nhiệt độ lên cao, lại chịu ảnh hưởng của gió lào thổi mạnh. Bước vào mùa nắng nóng năm nay, huyện Kỳ Anh đã triển khai nhiều giải pháp, nhằm nâng cao ý thức phòng, chống cháy rừng, với mục tiêu kiểm soát tốt nhất nguy cơ cháy rừng và hạn chế thấp nhất thiệt hại nếu cháy xảy ra.
Bước vào mùa khô năm nay, ngoài việc tăng cường lực lượng phòng chống cháy rừng và tăng cường công tác tuyên truyền, Hạt Kiểm Lâm huyện Kỳ Anh đã tham mưu cho UBND huyện thành lập 20 Ban chỉ đạo chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững, với 357 thành viên; thành lập 26 tổ đội xung kích Bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng, với 692 người, phối hợp với các xã, các chủ rừng trên địa bàn kiểm tra, đôn đốc hỗ trợ các hộ dân bảo vệ rừng, giữ rừng không bị chặt phá, hạn chế cháy rừng xẩy ra. Xử lý dứt điểm, kịp thời và nghiêm minh, đúng pháp luật đối với các trường hợp vi phạm về luật bảo vệ và phát triển rừng, đốt rừng làm nương rẫy.
Xác định công tác tuyên truyền là nhiệm vụ quan trọng trong công tác bảo vệ rừng, PCCCR, Ban chỉ đạo PCCR huyện Kỳ Anh đã đổi mới công tác tuyên truyền theo hướng đi vào thực chất, hiệu quả; gắn việc thuyết phục đi đôi với tăng cường kỷ cương, trách nhiệm và xử lý vi phạm.
Theo đó, huyện đã ban hành các văn bản chỉ đạo các xã, các chủ rừng tăng cường công tác tuyên truyền phòng cháy, chữa cháy; hướng dẫn đốt xử lý thực bì, phổ biến quy chế phòng cháy, chữa cháy rừng.
Hạt Kiểm Lâm phối hợp với Ban quản lý rừng phòng hộ Nam Hà Tĩnh, các xã nằm trên địa bàn quản lý tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức cho nhân dân, giao khoán và ký cam kết đến từng hộ gia đình, các nhà trường, các thôn, hộ dân sống ở ven rừng về công tác bảo vệ và phòng chống cháy rừng. Nhờ vậy, hầu hết người dân đều nhận thức đúng và ký cam kết thực hiện nghiêm các quy định về phòng chống cháy, chữa cháy rừng.
Tại các tiểu khu 347A và 352A2 thuộc địa bàn xã Kỳ Trung, là nơi có diện tích rừng dễ cháy, lực lượng trực chốt thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ Nam Hà Tĩnh đã bám trực chòi canh để kịp thời phát hiện và chữa cháy kịp thời khi có cháy rừng xẩy ra.
Cùng với đó, cắt cử các lực lượng tăng cường tuần tra bảo vệ rừng, tránh sự xâm hại của các đối tượng phá hoại rừng. Ban quản lý rừng phòng hộ Nam Hà Tĩnh đã huy động lực lượng, phương tiện tiến hành thu dọn thực bì, phát quang, tu sửa 3,6km đường băng cản lửa; sửa chữa và làm mới 04 chòi canh, tu sửa 17 biển tường, đóng mới 170 biển cấm lửa, 07 bảng cấp dự báo cháy rừng; giảm vật liệu cháy ; mua sắm nhiều vật dụng phòng cháy chữa cháy rừng như máy thổi, dao, rựa, loa cầm tay.
Nhằm bảo vệ tài nguyên rừng, chính quyền và các ngành chức năng đã xây dựng kế hoạch và triển khai các phương án phòng cháy chữa cháy rừng. Hạt kiểm lâm huyện Kỳ Anh đã phối hợp với các ngành liên quan tổ chức 20 cuộc tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong nhân dân về công tác bảo vệ rừng, tổ chức cho người dân ký cam kết thực hiện tốt các nội quy, quy chế PCCCR.
Kết quả đã có 4.880 học sinh của 15 trường học và trên 4 nghìn hộ dân của 120 thôn ký cam kết. Thành lập 26 tổ đội xung kích, có trang bị đầy đủ các phương tiện để sẵn sàng ứng cứu khi có cháy rừng xẩy ra. Đồng thời lên các khẩu hiệu, pano áp pích, viết vẽ các biển báo để nhắc nhở nhân dân chấp hành nghiêm Luật bảo vệ và phòng chống cháy rừng.
Đối với các xã có rừng tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức cho nhân dân, giao đất, giao rừng và ký cam kết đến từng hộ gia đình, các nhà trường, các thôn, các hộ dân sống ở gần rừng chủ động trong công tác bảo vệ và phòng chống cháy rừng.
Để từng bước góp phần giảm thiểu các vụ cháy rừng xảy ra, đồng thời phát triển rừng bền vững, Hạt kiểm lâm huyện Kỳ Anh đã phối hợp với các xã, các chủ rừng rà soát, lập kế hoạch đầu tư xây dựng, sửa chữa các công trình bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng nhất là những khu vực trọng yếu; huy động lực lượng, phương tiện tiến hành tu sửa các đường băng cản lửa; biển tường, các bảng cấp dự báo cháy rừng; sửa chữa, bảo dưỡng máy thổi gió, cưa xăng, loa chỉ huy và một số dụng cụ khác phục vụ cho công tác chữa cháy rừng năm 2024.
Trong những ngày nắng nóng gay gắt, dự báo cháy rừng cấp 4, cấp 5, các xã, các chủ rừng, các trạm bảo vệ ở các cửa rừng, đã bố trí lực lượng, cơ động, phương tiện, vật tư, túc trực 24/24 giờ ở những vùng rừng dễ cháy như Kỳ Lạc, Kỳ Trung, Kỳ Thượng, Kỳ Tây...
Xác định và phân vùng trọng điểm nguy cơ cháy rừng ở những khu vực trọng yếu. Tập trung chỉ đạo bảo vệ rừng tại gốc, chú trọng công tác đấu tranh, phòng ngừa, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, giám sát, phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi xâm hại rừng. Đẩy mạnh xã hội hóa trong công tác bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng, huy động tối đa các nguồn lực đầu tư bảo vệ và phát triển rừng bền vững, phát huy hiệu quả phương châm “4 tại chỗ”, làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nâng cao ý thức, trách nhiệm của cán bộ và nhân dân về công tác bảo vệ và phát triển rừng.
Với sự chỉ đạo sát đúng của UBND huyện Kỳ Anh, sự phối hợp chặt chẽ của các ngành chức năng, ý thức của người dân về công tác bảo vệ và phòng chống cháy rừng trong mùa nắng nóng, năm nay hy vọng huyện Kỳ Anh sẽ không xảy ra cháy rừng./.
Thêm nhận xét mới