Kỳ Anh hiệu quả từ xây dựng mô hình xử lý nước thải sinh hoạt hộ gia đình
Thực tế tại tất cả các khu dân cư hầu như chưa có hệ thống thu gom và xử lý nước thải sinh hoạt. Do đó, phần lớn nước thải của các hộ dân không được xử lý mà đổ trực tiếp ra môi trường qua hệ thống các cống rãnh thoát nước dọc theo đường làng, ngõ xóm, sau đó ra các kênh mương, ao, hồ… Hậu quả là các chất ô nhiễm được tích tụ lâu ngày làm cho môi trường trở nên dơ bẩn, bốc mùi hôi thối, khó chịu, vừa làm mất cảnh quan môi trường vừa ảnh hưởng đến sức khỏe con người.
Xuất phát từ những bất cập đó thời gian qua, Ủy ban nhân dân huyện Kỳ Anh đã tập trung chỉ đạo các địa phương tăng cường thực hiện các giải pháp trong thực hiện phân loại, xử lý rác thải tại nguồn và thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt tại hộ gia đình. Để triển khai thực hiện tốt việc phân loại, xử lý rác thải tại nguồn và xử lý nước thải sinh hoạt tại hộ gia đình các xã tăng cường công tác tuyên truyền vận động người dân thực hiện phân loại rác thải tại nguồn và xử lý nước thải sinh hoạt dưới nhiều hình thức. Với phương châm tuyên truyền “mưa dầm thấm lâu” và các cán bộ, đảng viên phải gương mẫu, làm trước, để tạo ra được chuyển biến lớn trong nhận thức và hành động của mỗi người dân; để việc thực hiện phân loại rác thải tại nguồn và xử lý nước thải sinh hoạt là trách nhiệm của mỗi người dân và thực sự trở thành thói quen tốt trong đời sống người dân, giúp người dân thấy được việc thực hiện mô hình là có lợi cho sức khỏe, làm sạch được tình trạng ô nhiễm môi trường, xóa bỏ các ao tù nước đọng trong khu dân cư và tốt cho sức khỏe đối với đời sống của người dân về tính năng cũng như hiệu quả của việc sử dụng hố xử lý nước thải. Phân công cán bộ chuyên môn khảo sát, hướng dẫn các hộ gia đình lựa chọn mô hình xử lý nước thải phù hợp với điều kiện thực tế; khuyến khích các hộ dân xây dựng bể xử lý theo hướng tuần hoàn, tái sử dụng, hạn chế nước thải phát sinh ra môi trường.
Ông Nguyễn Hữu Quỳnh, Bí thư chi bộ thôn Hiệu Châu, xã Kỳ Châu cho biết: Để vận động các hộ dân xây dựng mô hình xử lý nước thải sinh hoạt, giai đoạn đầu bà con chưa mặn mà, thiếu ý thức tự giác, tuy nhiên, khi chúng tôi kiên trì đến tận hộ tuyên truyền, vận động tài thì mọi việc đi vào quỹ đạo, người dân bắt đầu vào cuộc
Sau một thời gian tuyên truyền, vận động đến nay, toàn huyện đã có 4.241 hộ xây dựng hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt tại gia. Mô hình thu gom, xử lý nước thải thực hiện theo nguyên lý sử dụng hệ thống bể xử lý yếm khí kết hợp bổ sung chế phẩm sinh học để phân hủy chất hữu cơ. Các hố phải xây dựng, lắp đặt hệ thống xử lý nước bằng các vật liệu như: Bình Composite, đổ bê-tông, hoặc xây bằng gạch và phải có nắp đậy, tránh bốc mùi, gây ô nhiễm môi trường. Theo thiết kế bể xử lý số 1 rộng 0,8m, sâu 1,2m; bể số 1 có thể tích gấp đôi 2 bể còn lại; lót đáy dày 10cm; đúc nắp dày 5cm và bể chứa nước đầu ra rộng 0,8m, sâu 1m. Hố được thiết kế từ 3-5 ngăn, tùy theo từng hộ gia đình, với các bể lắng khác nhau đúng với mẫu thiết kế đã được hướng dẫn và sử dụng các vật liệu lọc hợp lý đảm bảo khả năng lọc nước, tránh tắc nghẽn, có nắp đậy đảm bảo vệ sinh; có lọc rác, ngăn rác thải vào bể xử lý thứ nhất... việc xử lý nước thải sinh hoạt ra môi trường đảm bảo các yếu tố giảm thiểu ô nhiễm nguồn nước, các hộ gia đình đã xây dựng quy trình xử lý nước thải sinh hoạt gồm 5 bước: thu gom tất cả các nguồn nước thải sinh hoạt hàng ngày của gia đình đưa vào bể lắng, sau đó được dẫn sang bể xử lý sinh học sử dụng chế phẩm vi sinh vật để phân giải các chất hữu cơ. Sau đó được chuyển sang bể lọc thực vật để xử lý các chất gây ô nhiễm còn lại trong nước thải sau khi xử lý bằng vi sinh vật, sau khi nước được xử lý sẽ chảy sang bể lắng và tiếp tục phân hủy trước khi chảy ra môi trường hoặc tái sử dụng để tưới cây.
Mô hình của ông Lê Minh Diệm, thôn Bắc Sơn Hải, xã Kỳ Hải: “ Sau khi có chủ trương, gia đình ông đã tiên phong thực hiện mô hình xử lý nước thải để xử lý nước thải sinh hoạt của gia đình, sau đó thu gom, sử dụng chế phẩm vi sinh xử lý để làm phân hữu cơ bón cho cây trồng”.
Với chi phí đầu tư xây dựng không lớn, theo tính toán của các gia đình, mỗi mô hình được đầu tư xây dựng từ 1,2 - 1,5 triệu đồng, trong đó được hỗ trợ 800 ngàn đồng. Mô hình xử lý nước thải sinh hoạt tại gia bước đầu đã phát huy tác dụng,vừa xử lý nước thải sinh hoạt, chất thải chăn nuôi, vừa sử dụng để tưới cho cây trồng, tạo cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường sống cho người dân.
Đến thôn Bắc Châu, xã Kỳ Châu, hình ảnh nhận thấy đầu tiên đó là một hệ thống hố xử lý nước thải của các hộ dân mới được xây dựng. Khi có chủ trương và sự hỗ trợ để các hộ gia đình xây dựng các hố xử lý nước thải sinh hoạt, thì các hộ gia đình trong cụm dân cư ở thôn Bắc Châu đã đồng lòng, cùng nhau đối ứng để xây dựng. Từ khi xây dựng hố xử lý nước thải sinh hoạt, ở các cống rãnh, mương thoát nước hiện không còn có cảm giác nghe mùi hôi thối, ruồi nhặng như trước kia mà nước thải ra môi trường theo quan sát bằng mắt thường cũng nhận thấy khá trong, không có mùi, tái sử dụng để tưới tiêu.
Ông Bùi Khuyên, ở thôn Bắc Châu, xã Kỳ Châu cho biết: “Sau khi nhận thấy lợi ích thiết thực của mô hình, gia đình mạnh dạn đầu tư xây dựng hố xử lý nước thải theo giải pháp của UBND xã Kỳ Châu. Sau hơn một thời gian đưa vào sử dụng, nước thải đầu ra trong hơn, mùi hôi thối giảm rõ rệt. Toàn bộ nước thải này ông Khuyên sử dụng tưới cho cây ăn quả trong vườn, góp phần tăng thu nhập cho gia đình…”.
Bước đầu mô hình xây dựng hố xử lý nước thải sinh hoạt tại gia đã mang lại hiệu quả đáng kể, góp phần làm thay đổi nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường. Nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân thực hiện, tích cực hướng dẫn triển khai tại các hộ dân để mô hình hố xử lý nước thải sinh hoạt tại gia đã phát huy tối đa hiệu quả, thu hút đông đảo các hộ dân tham gia thực hiện, phấn đấu đến đến 30/10/2021 các xã về đích NTM nâng cao có tối thiểu 30% hộ dân xây dựng; các xã về đích NTM có ít nhất 15% hộ dân xây dựng mô hình xử lý nước thải này, nhằm xử lý có hiệu quả nước thải sinh hoạt gây ô nhiễm môi trường, góp phần nâng cao sức khỏe và bảo vệ môi trường sống trong lành cho người dân. Đây là mô hình sát với thực tế và có khả năng nhân rộng rất cao.
Theo ông Phạm Văn Tịnh, Chủ tịch UBND xã Kỳ Hải, quá trình triển khai mô hình phải mất nhiều thời gian mới vận động được người dân mới vào “guồng”. Các hộ dân tham gia được hỗ một phần chi phí xây dựng mô hình, hỗ trợ chế phẩm sinh học, kỹ thuật thu gom, phân loại, xử lý rác thải, nước thải. Hiện nhiều hộ ở khắp địa bàn các thôn đã triển khai xây dựng, đồng thời thôn đang tich cực tuyên truyền, vận động để nhân rộng mô hình xử lý nước thải, rác thải trong khu dân cư.
Với những kết quả bước đầu cho thấy, mô hình thu gom, xử lý nước thải này không chỉ mang lại hiệu quả về xử lý nước thải mà là điều cần thiết để bảo vệ môi sinh, môi trường, góp phần xây dựng bộ mặt nông thôn huyện Kỳ Anh ngày càng sạch đẹp./.
Thêm nhận xét mới