Ban Dân vận Huyện ủy Kỳ Anh: Làm việc với các xã đăng ký về đích Nông thôn mới năm 2018.
Để tư vấn, giúp đỡ, đồng hành với các xã trong xây dựng Nông thôn mới năm 2018, Ban Dân vận Huyện ủy Kỳ Anh vừa tổ chức các buổi làm việc với các xã Kỳ Phong, Kỳ Phú và Kỳ Tiến. Tham dự buổi làm việc có các đồng chí Trần Thành Nam, UVBTV, Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy; Nguyễn Anh Phong, HUV, Phó trưởng Ban Dân vận Huyện ủy, đại diện UBMTTQ huyện, trưởng, phó các đoàn thể chính trị- xã hội huyện; cá đồng chí thành viên Đoàn Công tác 270 chỉ đạo cơ sở; cấp ủy, ban cán sự, chi hội trưởng, chi hội phó các thôn xóm trên địa bàn các xã Kỳ Phong, Kỳ Phú và Kỳ Tiến.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo các xã đã báo cáo kết quả thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới của địa phương mình trong thời gian qua và một số nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới. Thời gian qua, các địa phương đã xác định rõ nhiệm vụ xây dựng Nông thôn mới là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị trong năm 2018. Các xã đã tập trung tuyên truyền, vận động các hộ gia đình cải tạo vườn tạp, chỉnh trang vườn hộ, xây dựng vườn mẫu, gắn với vệ sinh môi trường, sắp xếp nhà cửa gọn gàng, khoa học thực hiện tốt phong trào “5 không - 3 sạch”; tuyên truyền, vận động nhân dân hiến đất, hiến cây, hiến tài sản phục vụ cho việc mở đường, xây rãnh thoát nước, trồng hàng rào xanh; gắn công tác tuyên truyền, vận động xây dựng nông thôn mới với các phong trào thi đua “ Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới ”, tạo ra nhiều phong trào thi đua sâu rộng, hiệu quả...
Bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn những hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện như: công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân rõ về vai trò, tầm quan trọng của nông nghiệp, nông thôn, nông dân nói chung và chủ trương xây dựng nông thôn mới chưa được thường xuyên, liên tục, hiệu quả thấp, thiếu chiều sâu. Tư tưởng chậm đổi mới, ngại thay đổi của một số người dân cũng như tư tưởng ỷ lại, trông chờ vẫn còn xẩy ra. Vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, thực hiện, thực hiện của chính quyền từ xã đến các thôn chưa thật sự tập trung chỉ đạo, thiếu quyết liệt, sâu sát, triển khai có lúc, có nơi còn hình thức, một số cán bộ điều hàn chưa tận tâm với công việc....
Kết luận buổi làm việc, đồng chí Trần Thành Nam, UVBTV Huyện ủy, Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy Kỳ Anh thống nhất một số nội dung trong thời gian tới tiếp tục đồng hành với các địa phương đạt chuẩn nông thôn mới; hệ thống chính trị từ xã đến các thôn xóm phải có sự đồng hành phải quyết tâm và tập trung cao. Để đạt được kết quả cao, trước hết phải tổ chức các cuộc họp với các tổ chức đoàn thể để triển khai từng nội dung một cách cụ thể, bàn các giải pháp để thực hiện, trên cơ sở chức năng nhiệm vụ của các tổ chức đoàn thể để có kế hoạch rà soát lại các hộ gia đình trong việc đầu tư xây dựng vườn mẫu; xây dựng phong trào “5 không, 3 sạch”; tập trung đầu tư phát triển chăn nuôi, đưa các loại giống cây, con phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của từng địa phương, đơn vị; hướng dẫn cho bà con nông dân ứng dụng các tiến bộ khoa học kỷ thuật vào sản xuất, chăn nuôi...
Công tác lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện phải có sự thống nhất và quyết tâm chính trị cao đảm bảo vai trò lãnh đạo của cấp ủy đảng, chính quyền và người đứng đầu, cùng với sự gương mẫu, tiên phong, nòng cốt của cán bộ, đảng viên. Cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành phải sâu sát, cụ thể, thường xuyên tìm tòi, phát hiện những cách làm mới sáng tạo, hiệu quả; rút kinh nghiệm về cách làm, giải pháp khắc phục, tháo gỡ khó khăn trong thực hiện. Quán triệt, tuyên truyền sâu rộng đến cán bộ, đảng viên, các cấp, các ngành và nhân dân, nhằm nâng cao nhận thức về chủ trương của Đảng, cơ chế, chính sách của Nhà nước trong thực hiện xây dựng nông thôn mới. Phải thực sự phát huy vai trò chủ thể của người dân. Làm cho dân hiểu, dân tin, dân hưởng ứng bằng sự tham gia bàn bạc, hiến kế, đóng góp công, của và chủ động thực hiện các nhiệm vụ của địa phương trong xây dựng nông thôn mới. Có cách làm phù hợp với điều kiện của từng địa phương thông qua lựa chọn nội dung, nhiệm vụ ưu tiên, vận dụng sáng tạo cơ chế, chính sách. Cần có phương thức huy động các nguồn lực phù hợp. Lồng ghép sử dụng có hiệu quả sự hỗ trợ ngân sách của Nhà nước và các nguồn lực. Thường xuyên đổi mới nội dung, phương thức tổ chức phong trào nhằm huy động đông đảo các ngành, các cấp, các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia hưởng ứng./.
Thêm nhận xét mới