Năm hai mươi tuổi, hồng hộc với chiếc xe đạp cà tàng rong ruổi hàng chục km để thu gom trứng, ấp trứng và cho nở thành con, sau đó chăn nuôi vịt đẻ. Bằng đôi tay lao động không ngừng nghỉ, tinh thần ham học hỏi, anh Phan Văn Kỳ, ở thôn Tân Thành, xã Kỳ Giang (huyện Kỳ Anh) đã làm giàu từ chính mô hình này.
Kể về câu chuyện bén duyên với nghề chăn vịt, anh tâm sự: “ Hai mươi tuổi, tôi đã tham gia lớp học ấp trứng, sau đó tự thu gom trứng và sau bao nhiêu lần thử nghiệm, vất vả, cực khổ sống chung với đàn vịt, nhưng tôi quyết tâm là phải làm cho bằng được và nuôi hy vọng và niềm tin là mình sẽ thoát nghèo từ mô hình này tại quê hương mình…”. Ở cái tuổi ấy, có trong tay hàng chục con vịt đẻ đã là một số tài sản lớn đối với anh. Cần cù, say sưa với vòng tròn khép kín tự cung tự cấp, thành công cũng đã đến với anh. Năm nay, tuổi của anh cũng đã gần 50 và anh hiện có trong tay trên 3000 con vịt đẻ với chuồng trại khép kín đảm bảo vệ sinh, mỗi ngày cho thu hoạch trên 2600 quả trứng và nhà ấp trứng chuyên nghiệp, hàng ngày cung cấp ra thị trường gồm: Vịt giống, trứng, trứng lộn.
Mô hình chăn nuôi vịt của anh Phan Văn Kỳ ở xã Kỳ Giang- huyện Kỳ Anh.
Nói về những “bí quyết” chăn nuôi thành công của mình, anh Kỳ chia sẻ: “ Để đàn vịt khỏe mạnh, cho năng suất trứng cao thì quan trọng nhất là khâu vệ sinh phòng dịch, cần phải có biện pháp tiêm phòng định kỳ, tiêu độc khử trùng chuồng trại thường xuyên. Ngoài ra phải chú ý đến chế độ ăn uống của vịt đẻ, cho vịt ăn đầy đủ, thức ăn có chất lượng cao để tăng sức đề kháng cho đàn vịt nuôi. Chuồng trại luôn thoáng mát, đồng thời quan tâm tới tỷ lệ vịt đực trong đàn để tỷ lệ đậu trứng cao. Sau mỗi năm nên tiến hành thay thế đàn vịt để năng suất và chất lượng trứng tốt hơn, việc ấp nở cũng phải cẩn trọng, để nền nhiệt ổn định theo từng mùa”... Nhờ biết cách tính toán hợp lý, cần cù lao động mà đến nay gia đình anh đã có thể chủ động đầu tư mở rộng quy mô chăn nuôi, xây được nhà cửa khang trang, vươn lên trở thành hộ có kinh tế khá trong xã.
Mô hình chăn nuôi vịt của anh Phan Văn Kỳ ở xã Kỳ Giang- huyện Kỳ Anh.
Những kiến thức, kinh nghiệm mà anh tích lũy được qua đọc sách báo, tìm hiểu kinh nghiệm từ các mô hình khác. Nhờ vậy, mô hình nuôi vịt khép kín của anh luôn đảm bảo chất lượng, tỷ lệ vịt đẻ đạt 85 - 90%, dịch bệnh được kiểm soát. Anh không trực tiếp chăn nuôi như trước đây nữa, mà vận hành theo mô hình khép kín, khoa học, anh là người trực tiếp theo sát chỉ đạo và quản lý, các khâu còn lại như chăn vịt, lấy trứng, vệ sinh chuồng trại thì anh thuê người làm công, mô hình của anh đã giải quyết cho 3 lao động thường xuyên tại địa phương, lợi nhuận mỗi năm trên 300 triệu đồng. Tuy nhiên, đối với anh thì khó khăn và vướng mắc lớn nhất hiện nay là việc đưa thương hiệu của mình ra thị trường các tỉnh khác, trong đó vấn đề kiểm dịch đang còn bất cập nên việc anh cho sản phẩm của mình tung ra thị trường ngoại tỉnh vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn.
Mô hình chăn nuôi vịt của anh Phan Văn Kỳ ở xã Kỳ Giang- huyện Kỳ Anh.
Với thương hiệu sản phẩm sạch, sản phẩm an toàn, hiện nay, điểm cung cấp vịt giống, trứng, trứng lộn của gia đình anh Phan Văn Kỳ, ở thôn Tân Thành, Kỳ Giang đã đáp ứng ứng nhu cầu của khách hành trong và ngoại tỉnh. Với những hiệu quả kinh tế mang lại từ mô hình này, anh đang muốn sản phẩm của mình bay xa, vươn cao hơn nữa tới các tỉnh lân cận. Tin rằng, với sự cần cù, tư duy đổi mới, anh Phan Văn Kỳ sẽ thành công hơn nữa với ý định đưa sản phẩm của mình ra các tỉnh bạn./.
Thêm nhận xét mới