Giấy mời tiếp dân định kỳ của Đ/c Bí thư, Đ/c Chủ tịch HĐND và Đ/c Chủ tịch UBND huyện tháng 12.2024   |    Thông báo kết quả Tiếp công dân ngày 05/12/2024 của Đ/c Chủ tịch UBND huyện   |    Thời gian, địa điểm xét tuyển vòng 2, kỳ tuyển dụng viên chức Giáo dục huyện Kỳ Anh năm học 2024 - 2025   |    Danh sácThông báo thí sinh đủ điều kiện, tiêu chuẩn dự xét tuyển vòng 2 kỳ tuyển dụng viên chức giáo dục năm học 2024 - 2025   |    Giấy mời tiếp dân định kỳ ngày 5.12.2024   |   

Xây dựng nông thôn mới ở Kỳ Anh: “Hiệu quả từ một chủ trương đúng – cách làm hay”

  

10:01 17/02/2017

  Qua hơn 2 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, bộ mặt nông thôn Kỳ Anh đã thực sự đổi sắc, thay da. Trong ánh nắng hanh hao, vàng dịu nhẹ của những ngày cuối đông 2013, về các xã vùng sâu, vùng xa, mới thực sự chứng kiến được sức sống mới đang bừng lên trong mọi đường làng, ngõ xóm.

Qua hơn 2 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, bộ mặt nông thôn Kỳ Anh đã thực sự đổi sắc, thay da. Trong ánh nắng hanh hao, vàng dịu nhẹ của những ngày cuối đông 2013, về các xã vùng sâu, vùng xa, mới thực sự chứng kiến được sức sống mới đang bừng lên trong mọi đường làng, ngõ xóm.



    Đ/c Lê Đình Sơn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng đoàn kiểm tra các mô hình kinh tế tại xã Kỳ Tân
    Ở khắp 32 xã trên địa bàn huyện hầu hết các trục đường giao thông liên thôn, liên xã đều được bê tông hoá, nhựa hoá, mặt đường rộng rãi, thoáng đãng, đúng với tiêu chuẩn với đường nông thôn miền núi. Nhà nhà mái ngói san sát mọc lên. Các phương tiện đi lại đều cơ giới hoá, nhiều gia đình còn mạnh dạn đầu tư nguồn vốn để tăng thu nhập, cải thiện đời sống gia đình. Cảm nhận của mọi người về sự chênh lệch, khoảng cách của vùng nông thôn với vùng trung tâm thị trấn, thị tứ từng bước được thu hẹp. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn đã được cải thiện rõ rệt, không còn cái cảnh “ đói chữ, đói thông tin ” như những năm trước đây. Trao đổi với chúng tôi, nhiều người dân từ miền sơn cước xã Kỳ Lạc, Kỳ Thượng hay vùng biển như Kỳ Xuân, Kỳ Nam, vùng tái định cư Kỳ Phương, Kỳ Liên… đều phấn khởi cho rằng: “ chủ trương xây dựng nông thôn mới là hoàn toàn đúng đắn, phù hợp với nguyện vọng của đông đảo nhân dân. Với việc làm thiết thực như thế, chúng tôi sẵn sàng dốc hết công sức, tiền của để xây dựng nông thôn mới văn minh, giàu mạnh…” . Lịch sử dựng nước và giữ nước của cha ông ta từ xưa đến nay đã chứng minh một chân lý: Tất cả sức mạnh là ở nơi dân “ lật thuyền cũng là dân, đẩy thuyền cũng là dân; dân là gốc của nước”, nếu chúng ta biết đặt lợi ích của dân tộc, của nhân dân lên trên hết thì mọi cuộc cách mạng đều thành công triệt để. Xây dựng nông thôn mới ngày nay cũng được xem là một cuộc cách mạng trong thời kỳ quá độ lên Chủ nghĩa xã hội. Đối với riêng Kỳ Anh chúng ta, ngoài cuộc cách mạng về xây dựng nông thôn mới, thì ở các xã nằm trong khu kinh tế Vũng áng còn thực hiện song cùng một cuộc “ Cách mạng’’ nữa đó là di dời dân, giải phóng mặt bằng, nhường đất để phát triển các dự án kinh tế trọng điểm tầm cỡ quốc gia và khu vực.


    Chỉ trong vòng hơn 2 năm tập trung thực hiện chủ trương về xây dựng nông thôn mới, chưa kể các nguồn vốn đầu tư của trên, nhân dân toàn huyện đã hiến hàng trăm ngàn mét vuông đất, nhiều công trình, nhà cửa, cây cối sẵn sàng dỡ bỏ, hàng trăm ngàn ngày công lao động cùng hàng chục tỷ đồng được tự nguyện đóng góp. Trong thời buổi “tấc đất- tấc vàng” như hiện nay, làm thế nào để người dân sẵn sàng tự nguyện nhường đất để mở rộng đường thông, hè thoáng không phải là chuyện dễ! Câu chuyện về xây dựng nông thôn mới buổi đầu với muôn vàn gian nan, thử thách. Mỗi nơi khó một kiểu. Có xã được dân đồng thuận thì thiếu vốn, thiếu cách làm hợp lý, lãnh đạo chưa thực sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt; có xã thì lãnh đạo quan tâm, chỉ đạo sát sao thì nhân dân lại chưa thông tỏ… Khó khăn là vậy, nhưng đã quyết là phải làm bằng được. Đi tìm lời giải cho bài toán xây dựng nông thôn mới, các đ/c lãnh đạo huyện hết sức quan tâm, trăn trở tìm mọi giải pháp phù hợp để chương trình xây dựng nông thôn mới đạt hiệu quả. Riêng 6 xã đăng ký về đích trong năm 2015 và xã Kỳ Tân về đích trong năm 2013 này, Ban thường vụ huyện uỷ đã phân công 7 đ/c uỷ viên BTV và 7 đ/c trưởng các phòng ban uỷ ban trực tiếp chỉ đạo. Với sự tiếp sức của huyện, các xã đã kề vai, sát cánh, triển khai thực hiện các bước đúng theo lộ trình đã đề ra. Để thực hiện thành công chương trình xây dựng nông thôn mới, điều quan trọng số một đó là công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho mọi tầng lớp nhân dân. Thông qua nhiều kênh truyền thông, BCĐ huyện và các xã đã chuyển tải nội dung cụ thể về chương trình xây dựng nông thôn mới đến từng ngõ, gõ từng nhà. “ Mưa dầm thấm lâu” , từ chỗ ban đầu người dân còn thờ ơ, đứng ngoài cuộc, coi xây dựng NTM là sự đầu tư toàn bộ của trên để xây dựng kết cấu hạ tầng, nên không thu hút được người dân trực tiếp tham gia, hầu hết các chủ trương đều triển khai chậm trễ, ách tắc. Thì nay, mọi người dân đều hiểu: xây dựng NTM là vì lợi ích của chính mình, người dân là người trực tiếp hưởng lợi nên đã tự nguyện phát huy nội lực trong nhân dân, hiến đất đai, cây cối, nhà cửa, công trình, ngày công, tiền vốn mà không một chút băn khoăn, nghi ngại.




    Tính đến hết năm 2013, toàn huyện đã làm được 110 km đường bê tông; hơn 13 km kênh mương bê tông. Xây dựng mới 66 phòng học cao tầng, cùng nhiều công trình phúc lợi công cộng khác. Bên cạnh việc chú trọng phát triển các tiêu chí về quy hoạch; xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn thiết yếu thì việc phát triển sản xuất, kinh doanh, nhân rộng các mô hình kinh tế có giá trị để giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân cũng là một nội dung trọng tâm trong chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Nhờ có các chính sách đầu tư, ưu đãi về nguồn vốn, tư vấn về khoa học kỹ thuật nên đã tạo động lực giúp người dân mạnh dạn đầu tư phát triển các mô hình sản xuất kinh doanh ngày càng có hiệu quả bền vững. Đến nay, toàn huyện đã có 31 mô hình cấp Tỉnh; 80 mô hình cấp huyện; trên 300 mô hình cấp xã. Nhiều mô hình có quy mô lớn thu nhập hàng năm 300-500 triệu đồng/ năm. Tiêu biểu như mô hình nuôi lợn thịt thương phẩm liên kết với Công ty cổ phần Thái Lan có số lượng 600 con/ lứa của HTX Thành Đạt ( Kỳ Giang); mô hình nuôi lợn thịt của anh Lê Ngọc Đồng( Kỳ Tân); mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát của ông Đặng Tiến Cảnh( Kỳ Nam); mô hình kinh tế tổng hợp V-A-C của ông Nguyễn Đức Dương ( Kỳ Trung); mô hình cánh đồng mẫu sản xuất lúa; lạc chất lượng cao ở Kỳ Giang; Kỳ Tân…


    Nhân dân xã Kỳ Tiến tham gia làm đường giao thông nông thôn
    Ngoài nguồn vốn các gia đình huy động được, thực hiện Quyết định 26, 09 của UBND Tỉnh; QĐ 01 của UBND Huyện Kỳ Anh về việc hỗ trợ vay vốn phát triển các mô hình với lãi suất ưu đãi, đến nay, toàn huyện đã có 1.092 người dân vay với tổng số tiền 88.080 triệu đồng. Tình hình đời sống, việc làm, thu nhập của người dân có bước tăng trưởng khá đã tạo điều kiện thuận lợi cho các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hoá và bảo vệ môi trường ngày càng được nâng cao, nhân dân yên tâm, phấn khởi, vững tin vào các chủ trương, chính sách của Đảng- Nhà nước, tiếp tục thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội, xây dựng nông thôn mới, giải phóng mặt bằng “ an cư lạc nghiệp ” trên vùng tái định cư.
    Điểm sáng trong việc thực hiện chủ trương xây dựng nông thôn mới của huyện Kỳ Anh phải kể đến xã Kỳ Tân. Sau những thời gian gấp rút đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các tiêu chí, đến thời điểm này, xã Kỳ Tân đã cơ bản hoàn thành 19/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, quyết tâm về đích theo đúng lộ trình. Thành công bước đầu từ mô hình điểm tại xã Kỳ Tân sẽ là điểm sáng để các xã trong huyện đến tham quan, học tập kinh nghiệm để vận dụng sáng tạo vào thực tiễn của địa phương mình. Về Kỳ Tân hôm nay mới cảm nhận hết sự đổi thay trong từng đường làng, ngõ xóm. Đường giao thông rộng rãi thoáng đãng, thuận lợi cho đi lại và giao lưu, phát triển kinh tế. Các công trình kết cấu hạ tầng: Điện- trường học- trạm y tế được xây dựng khang trang, kiên cố. Nhà nhà, người người đua nhau đầu tư nguồn vốn phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập. Các thiết chế, công trình văn hoá, hội quán thôn xóm trở thành nơi sinh hoạt thường xuyên của người dân, đi đâu cũng thấy người dân quan tâm, bàn luận đến việc làm thế nào để phát triển kinh tế gia đình? Huy động sức người, sức của ra sao để cùng nhau sớm đưa xã về đích trong năm? Rõ ràng, nông thôn mới không còn là chủ trương, không còn là việc của Đảng uỷ- Chính quyền mà tất cả đã được xã hội hoá, bén rễ bền chặt trong nhân dân, từ chủ trương đã trở thành hiện thực, gần gũi, thiết thực với quyền lợi, đời sống người dân…
    Một mùa xuân mới đang về, xuân của đất trời hoa trái sinh sôi, đâm chồi, nẩy lộc, xuân của lòng người hiện rõ lên trong từng ánh mắt trẻ thơ, trong nụ cười hồn hậu của các cụ cao niên. Người dân Kỳ Anh có quyền tin tưởng vào những thành quả từ chính nội lực của mình. Bất kể bao giờ, ở đâu, khi Đảng đề ra một chủ trương đúng; các cấp chính quyền, đoàn thể có một cách làm hay, huy động tất thảy mọi người dân vào cuộc thì chủ trương ấy, phong trào xây dựng nông thôn mới ấy chắc chắn sẽ thành công./.
    Mai Dung- Đài TH Kỳ Anh

    Thêm nhận xét mới

     Bình luận của bạn đã được gửi thành công. Cảm ơn bạn!   Làm mới
    Lỗi: Vui lòng thử lại