Phát triển các mô hình kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân là một trong những mục tiêu trong chương trình Quốc gia xây dựng nông thôn mới. Ở các xã vùng thượng huyện kỳ Anh – nơi có nhiều tiềm năng lợi thế để phát triển kinh tế, người dân đã khai thác thế mạnh để chuyển dịch kinh tế theo hướng sản xuất hàng hoá, tập trung chuyển dịch cơ cấu theo hướng đa cây, đa con mang lai hiệu quả cao.
Từng là công nhân Khu Bảo Tồn Thiên Nhiên Kẻ Gỗ, sau khi về hưu, nhận thấy tiềm năng thế mạnh của địa phương, năm 1994, ông Nguyễn Nhật Tân -ở Thôn Phúc Tân –xã Kỳ Thượng đã mạnh dạn khai hoang phục hoá, cải tạo đất vườn để trồng cây ăn quả. Nhờ học hỏi được kinh nghiệm, ông đã ra tận huyện Hương Khê để mua cây giống về đầu tư trồng bưởi Phúc Trạch kết hợp với trồng các loại cây ăn quả khác và chăn nuôi trâu bò. Với bản tính cần cù chịu khó, và học hỏi đuợc kinh nghiệm do đó đất đã không phụ công người. Sau hơn 8 năm xây dựng mô hình kinh tế trang trại, đến nay, mô hình trang trại cây ăn quả của gia đình ông Nguyễn Nhật Tân ngoài trồng cây bưởi Phúc Trạch, ông còn trồng hàng trăm cây quýt xốp, chanh đã cho thu hoạch. Sau khi trừ các khoản chi phí, mỗi năm còn cho thu nhập hơn 50 triệu đồng, không chỉ làm giàu cho gia đình mà mở ra triển vọng mới cho bà con nông dân ở các xã vùng thượng khi phát triển phong trào trồng cây ăn quả theo hướng sản xuất hàng hoá.
Bưởi Phúc trạch trong vườn chị Văn Không chỉ phát triển các mô hình trồng cây ăn quả, một trong những thế mạnh ở các xã vùng núi huyện kỳ Anh đó là bà con nhân dân nơi đây đã tận dụng phát huy tiềm năng đất đai, đồi núi, nguồn thức ăn dồi dào để phát triển các mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm. Đi đầu trong phong trào này tiêu biểu như mô hình chăn nuôi Lợn tập trung của gia đình chị Nguyễn Thị Luân ở xã kỳ Sơn là một điển hình. Trước đây, bình quân mỗi năm gia đình chị chỉ nuôi từ 1- 2 con lợn Thịt. nhưng nhờ cần cù, chịu khó nắm bắt được cơ chế thị trường trong vòng 3 năm trở lại đây chị đã cùng chồng mạnh dạn đầu tư xây dựng chuồng trại vừa chăn nuôi lợn thịt, vừa phát triển đàn lợn nái sinh sản. Bình quân mỗi năm, gia đình chị xuất bán từ 7-8 tấn thịt và hàng trăm con lợn giống.
Để đẩy mạnh phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, hiện nay, Hội Nông Dân huyện Kỳ Anh đã mạnh dạn đứng ra tín chấp các nguồn vốn ưu đãi, tổ chức xây dựng các mô hình để để nhân ra diện rộng như các mô hình nuôi gà thả vườn, nuôi hươu lấy nhung……. Từ đó, đã xuất hiện hàng chục mô hình kinh tế trang trại, gia trại làm ăn có hiệu quả kinh tế cao, góp phần thúc giải quyết việc làm, nâng cao nguồn thu nhập cho bà con nông dân.
Từ thực tế những mô hình kinh tế trang trại, gia trại ở các xã vùng thượng huyện Kỳ Anh đã khẳng định được ý chí dám nghĩ, dám làm, sự năng động và hiệu quả trong khai thác đất đai, lao động sẵn có ở địa phương của một cá nhân gia đình nơi đây. Những mô hình kinh tế như thế này đang là hướng đi đầy hiệu quả trong phát triển kinh tế ở các xã vùng thượng Kỳ Anh, góp phần tích cực vào chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới./.
Bài, ảnh: Mạnh Hải - Quỳnh Nga
Thêm nhận xét mới