Giấy mời tiếp dân định kỳ của đồng chí Bí thư, chủ tịch HĐND và Chủ tịch UBND huyện tháng 11.2024   |    Công bố công khai thực hiện dự toán quý III năm 2024   |    Công bố công khai quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2023   |    Quyết định số 26/2024/QĐ-UBND, Ban hành Quy định một số nội dung của Luật Đất đai và các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh   |    Thông báo kết quả Tiếp công dân ngày 05/11/2024   |   

PHÒNG CHỐNG TRUYỀN NHIỂM VÀ CÁCH LY Y TẾ

  

18:07 19/03/2020

Pháp luật về phòng, chống bệnh truyền nhiễm và cách ly y tế

Dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của Virus Corona (COVID 19) gây ra nằm trong danh mục các bệnh truyền nhiễm nhóm A, có khả năng lây lan cao. Hiện nay, bệnh đang diễn biến hết sức phức tạp trên toàn thế giới, cũng như ở trong nước. Tổ chức Y tế thế giới đã ban bố tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu. Ngày 01/02/2020, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định công bố dịch tại Việt Nam. Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, để góp phần phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn huyện, phòng Tư pháp xin giới thiệu một số quy định pháp luật về phòng, chống bệnh truyền nhiễm và cách ly y tế đối với bệnh truyền nhiễm nhóm A.

I. CƠ SỞ PHÁP LÝ

- Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007;

- Nghị định số 101/2010/NĐ-Cp ngày 30/9/2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm về áp dụng biện pháp cưỡng chế cách ly y tế và chống dịch đặc thù trong thời gian có dịch;

- Nghị định số 176/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế;

- Nghị định số 174/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện;

- Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 03/02/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử;

II. CÁC QUY ĐỊNH CỤ THỂ CẦN LƯU Ý VỀ PHÒNG, CHỐNG BỆNH TRUYỀN NHIỄM VÀ CÁCH LY Y TẾ

1. Bệnh truyền nhiễm là gì?

Bệnh truyền nhiễm là bệnh lây truyền trực tiếp hoặc gián tiếp từ người hoặc từ động vật sang người do tác nhân gây bệnh truyền nhiễm.

Tại Quyết định số 219/QĐ-BYT ngày 29/01/2020, Bộ Y tế đã bổ sung bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona (nCov) gây ra vào danh mục các bệnh truyền nhiễm nhóm A theo quy định tại điểm a Khoản 1 và Khoản 2 Điều 3 của Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007.

Các hoạt động phòng, chống bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCov được thực hiện theo quy định đối với bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm có khản năng lây truyền rất nhanh, phát tán rộng và tỷ lệ tử vong cao.

2. Quy định về khai báo, báo cáo dịch

Khi có dịch, người mắc bệnh dịch hoặc người phát hiện trường hợp mắc bệnh dịch hoặc nghi ngờ mắc bệnh dịch phải khai báo cho cơ quan y tế gần nhất trong thời gian 24 giờ, kể từ khi phát hiện bệnh dịch.

Khi phát hiện trường hợp mắc bệnh dịch hoặc nhận được khai báo bệnh dịch, cơ quan y tế phải báo cáo cho Ủy ban nhân dân nơi xảy ra dịch và cơ sở y tế dự phòng để khẩn trương tổ chức triển khai các biện pháp chống dịch.

3. Tổ chức cách ly y tế:

3.1 Các trường hợp phải được cách ly, cưỡng chế cách ly y tế

- Theo quy định tại khoản 1 Điều 49 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, phải tổ chức cách ly y tế đối với các trường hợp sau:

+ Người mắc bệnh dịch;

+ Người bị nghi ngờ mắc bệnh dịch;

+ Người mang mầm bệnh dịch;

+ Người tiếp xúc với tác nhân gây bệnh dịch.

- Trường hợp các đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 49 không chịu thực hiện yêu cầu cách ly của cơ sở y tế thì áp dụng biện pháp cưỡng chế cách ly theo quy định của chính phủ.

3.2. Các hình thức cách ly y tế, gồm:

a. Cách ly y tế tại nhà:

- Người bị nghi ngờ mắc bệnh dịch, người mang mầm bệnh dịch, người tiếp xúc với tác nhân gây bệnh dịch đang lưu trú tại vùng có bệnh dịch;

- Người xuất phát hoặc đi qua vùng có bệnh dịch;

- Người tiếp xúc với người mắc bệnh dịch.

b. Cách ly y tế tại cơ sở y tế:

- Người mắc bệnh dịch, người bị nghi ngờ mắc bệnh dịch,người mang mầm bệnh dịch, người tiếp xúc với tác nhân gây bệnh dịch đang khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở y tế;

- Người mắc bệnh dịch đang lưu trú tại vùng có bệnh dịch;

- Người đang bị áp dụng biện pháp cách ly y tế tại nhà, tại cửa khẩu nhưng có dấu hiệu tiến triển thành mắc bệnh truyền nhiễm.

c. Cách ly y tế tại cửa khẩu:

- Người, phương tiện, hàng hóa xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh Việt Nam, hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh Việt Nam có khai báo của chủ phương tiện vận tải hoặc có bằng chứng rõ ràng cho thấy trên phương tiện vận tải, người, hàng hóa có dấu hiệu mang mầm bệnh dịch.

- Người xuất phát hoặc đi qua vùng có dịch xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh Việt Nam.

d. Cách ly y tế tại các cơ sở, địa điểm khác

Biện pháp cách ly y tế tại các cơ sở, địa điểm khác áp dụng đối với các trường hợp số lượng người xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh Việt Nam vượt quá khả năng tiếp nhận cách ly của cửa khẩu hoặc số lượng người mắc bệnh truyền nhiễm vượt quá khả năng tiếp nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tại vùng có dịch.

3.3.  Nghĩa vụ của người cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế

Trong thời gian áp dụng Quyết định cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế người bị áp dụng biện pháp cách ly y tế không được tiếp xúc trực tiếp với người thân hoặc ra khỏi khu vực cách ly trừ các trường hợp phải chuyển cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo quy định.

4. Quy định về vệ sinh, diệt trùng, tẩy uế trong vùng có dịch (Điều 50 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm)

- Các biện pháp vệ sinh, diệt trùng, tẩy uế bao gồm:

+ Vệ sinh môi trường, nước, thực phẩm và vệ sinh cá nhân;

+ Diệt trùng, tẩy uế khu vực được xác định hoặc nghi ngờ có tác nhân gây bệnh dịch;

+ Tiêu hủy động vật, thực phẩm và các vật khác là trung gian truyền bệnh.

- Cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm thực hiện các biện pháp vệ sinh, diệt trùng, tẩy uế theo hướng dẫn của cơ quan y tế có thẩm quyền; trường hợp không tự giác thực hiện thì cơ quan y tế có quyền áp dụng các biện pháp vệ sinh, diệt trùng, tẩy uế bắt buộc.

5. Các biện pháp bảo vệ cá nhân (Điều 51 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm)

- Người tham gia chống dịch và người có nguy cơ mắc bệnh dịch phải thực hiện một hoặc một số biện pháp bảo vệ cá nhân sau đây:

+ Trang bị bảo vệ cá nhân;

+ Sử dụng thuốc phòng bệnh;

+ Sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế để phòng bệnh;

+ Sử dụng hoá chất diệt khuẩn, hoá chất phòng trung gian truyền bệnh.

- Nhà nước bảo đảm cho người tham gia chống dịch thực hiện các biện pháp bảo vệ cá nhân theo quy định như trên.

6. Các biện pháp chống dịch khác trong thời gian có dịch (Điều 52 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm):

Trong trường hợp cần thiết, cơ quan nhà nước có thẩm quyền có thể áp dụng các biện pháp chống dịch sau đây:

- Tạm đình chỉ hoạt động của cơ sở dịch vụ ăn uống công cộng có nguy cơ làm lây truyền bệnh dịch tại vùng có dịch;

- Cấm kinh doanh, sử dụng loại thực phẩm được cơ quan y tế có thẩm quyền xác định là trung gian truyền bệnh dịch;

- Hạn chế tập trung đông người hoặc tạm đình chỉ các hoạt động, dịch vụ tại nơi công cộng tại vùng có dịch.

7. Kiểm soát ra, vào vùng có dịch đối với bệnh dịch thuộc nhóm A (Điều 53 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm)

- Các biện pháp kiểm soát ra, vào vùng có dịch đối với bệnh dịch thuộc nhóm A bao gồm:

+ Hạn chế ra, vào vùng có dịch đối với người và phương tiện; trường hợp cần thiết phải kiểm tra, giám sát và xử lý y tế;

+ Cấm đưa ra khỏi vùng có dịch những vật phẩm, động vật, thực vật, thực phẩm và hàng hóa khác có khả năng lây truyền bệnh dịch;

+ Thực hiện các biện pháp bảo vệ cá nhân đối với người vào vùng có dịch quy định tại khoản 1 Điều 51 của Luật này;

+ Các biện pháp cần thiết khác theo quy định của pháp luật.

- Trưởng Ban chỉ đạo chống dịch thành lập các chốt, trạm kiểm dịch tại các đầu mối giao thông ra, vào vùng có dịch để thực hiện các biện pháp nêu trên.

8. Các biện pháp được áp dụng trong tình trạng khẩn cấp về dịch (Điều 54 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm)

- Thành lập Ban chỉ đạo chống dịch trong tình trạng khẩn cấp.

- Trong trường hợp ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch, Trưởng Ban chỉ đạo có quyền:

+ Huy động, trưng dụng các nguồn lực quy định tại Điều 55 của Luật này;

+ Đặt biển báo hiệu, trạm gác và hướng dẫn việc đi lại tránh vùng có dịch;

+ Yêu cầu kiểm tra và xử lý y tế đối với phương tiện vận tải trước khi ra khỏi vùng có dịch;

+ Cấm tập trung đông người và các hoạt động khác có nguy cơ làm lây truyền bệnh dịch tại vùng có dịch;

+ Cấm người, phương tiện không có nhiệm vụ vào ổ dịch;

+ Tổ chức tẩy uế, khử độc trên phạm vi rộng;

+ Tiêu hủy động vật, thực phẩm và các vật khác có nguy cơ làm lây lan bệnh dịch sang người;

+ Áp dụng các biện pháp khác quy định tại Mục 3 của Chương IV, Luật Phòng chống dịch bệnh năm 2007.

9. Quy định về huy động, trưng dụng các nguồn lực cho hoạt động chống dịch (Điều 55 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm)

- Căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm và quy mô của bệnh dịch đe dọa đến sức khoẻ nhân dân, người có thẩm quyền được huy động người, huy động, trưng dụng cơ sở vật chất, thiết bị y tế, thuốc, hoá chất, vật tư y tế, cơ sở dịch vụ công cộng, phương tiện giao thông và các nguồn lực khác để chống dịch. Các phương tiện giao thông tham gia chống dịch được ưu tiên theo pháp luật về giao thông.

-Việc trưng dụng quy định tại khoản 1 Điều này được thực hiện theo quy định của pháp luật về trưng mua, trưng dụng tài sản. Tài sản đã trưng dụng phải được vệ sinh, diệt trùng, tẩy uế trước khi hoàn trả.

- Chính phủ, Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm bảo đảm các điều kiện để thực hiện các biện pháp chống dịch theo quy định.

10. Những hành vi bị nghiêm cấm

Theo quy định tại Điều 8 Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm năm 2007, nghiêm cấm các hành vi sau:

- Cố ý làm lây lan tác nhân gây bệnh truyền nhiễm.

- Người mắc bệnh truyền nhiễm, người bị nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm và người mang mầm bệnh truyền nhiễm làm các công việc dễ lây truyền tác nhân gây bệnh truyền nhiễm theo quy định của pháp luật.

- Che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời các trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm theo quy định của pháp luật.

- Cố ý khai báo, thông tin sai sự thật về bệnh truyền nhiễm.

- Phân biệt đối xử và đưa hình ảnh, thông tin tiêu cực về người mắc bệnh truyền nhiễm.

- Không triển khai hoặc triển khai không kịp thời các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm theo quy định của Luật này.

- Không chấp hành các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.

III. XỬ LÝ VI PHẠM VỀ PHÒNG, CHỐNG DỊCH BỆNH VÀ CÁCH LY Y TẾ

1. Xử phạt hành chính đối với hành vi vi phạm quy định về phòng, chống bệnh truyền nhiễm

a. Xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định về giám sát bệnh truyền nhiễm (không khai báo, che dấu dịch)

Theo quy định tại Điều 6 Nghị định 176/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, người có hành vi vi phạm quy định về giám sát bệnh truyền nhiễm sẽ bị xử lý như nhau:

- Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đến 500.000 đồng đối với hành vi không khai báo khi phát hiện người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A.

- Phạt tiền từ 500.000 đến 1.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

+ Che giấu hiện trạng bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A của bản thân hoặc của người khác mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A;

+ Không thực hiện việc xét nghiệm phát hiện bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

b. Xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định về áp dụng biện pháp chống dịch

Theo Điều 11 của Nghị định 176/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế thì mức xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định về áp dụng biện pháp chống dịch như sau:

- Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

+ Không thực hiện biện pháp bảo vệ cá nhân đối với người tham gia chống dịch và người có nguy cơ mắc bệnh dịch theo hướng dẫn của cơ quan y tế;

+ Không thông báo Ủy ban nhân dân và cơ quan y tế dự phòng trên địa bàn về các trường hợp mắc bệnh dịch theo quy định của pháp luật.

- Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

+ Che dấu tình trạng bệnh của mình hoặc của người khác khi mắc bệnh truyền nhiễm đã được công bố là có dịch;

+ Không thực hiện hoặc từ chối thực hiện các biện pháp vệ sinh, diệt trùng, tẩy uế trong vùng có dịch.

- Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

+ Không tham gia chống dịch theo quyết định huy động của Ban Chỉ đạo chống dịch;

+ Thực hiện việc thu phí khám và điều trị đối với trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A;

+ Không thực hiện quyết định buộc tiêu hủy động vật, thực vật và vật khác là trung gian truyền bệnh, trừ trường hợp quy định tại Điểm c Khoản 5 Điều này.

- Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

+ Không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp tạm đình chỉ hoạt động của cơ sở dịch vụ ăn uống công cộng có nguy cơ làm lây truyền bệnh dịch tại vùng có dịch;

+ Không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp cấm kinh doanh, sử dụng loại thực phẩm là trung gian truyền bệnh;

+ Không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp hạn chế tập trung đông người hoặc tạm đình chỉ hoạt động kinh doanh, dịch vụ tại nơi công cộng.

- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

+ Không thực hiện quyết định kiểm tra, giám sát, xử lý y tế trước khi ra vào vùng có dịch thuộc nhóm A;

+ Đưa ra khỏi vùng có dịch thuộc nhóm A những vật phẩm, động vật, thực vật, thực phẩm và hàng hóa khác có khả năng lây truyền bệnh dịch;

+ Không thực hiện quyết định buộc tiêu hủy động vật, thực phẩm, thực vật và các vật khác là trung gian truyền bệnh thuộc nhóm A.

- Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

+ Không thực hiện yêu cầu kiểm tra và xử lý y tế đối với phương tiện vận tải trước khi ra khỏi vùng có dịch trong tình trạng khẩn cấp về dịch;

+ Không thực hiện quyết định cấm tập trung đông người tại vùng đã được ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch;

+ Đưa người, phương tiện không có nhiệm vụ vào ổ dịch tại vùng đã được ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch;

+ Không thực hiện quyết định buộc tiêu hủy động vật, thực phẩm, thực vật và các vật khác có nguy cơ làm lây lan bệnh dịch sang người tại vùng đã được ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch.

c. Xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định về phòng lây nhiễm bệnh truyền nhiễm tại cơ sở khám, chữa bệnh

Theo Điều 9 của Nghị định 176/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế quy định mức xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định về phòng lây nhiễm bệnh truyền nhiễm tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh như sau:

- Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

+ Không khai báo hoặc khai báo không trung thực, kịp thời diễn biến bệnh truyền nhiễm của bản thân với thầy thuốc, nhân viên y tế được giao nhiệm vụ;

+ Không tuân thủ chỉ định, hướng dẫn phòng, chống lây nhiễm bệnh truyền nhiễm của thầy thuốc, nhân viên y tế và nội quy, quy chế của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh;

+ Không đăng ký theo dõi sức khỏe với trạm y tế xã, phường, thị trấn (sau đây gọi tắt là trạm y tế xã) nơi cư trú của người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A sau khi ra khỏi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

- Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

+ Không bảo đảm trang phục phòng hộ, điều kiện vệ sinh cá nhân cho thầy thuốc, nhân viên y tế, người bệnh và người nhà người bệnh;

+ Không thông báo thông tin liên quan đến người mắc bệnh truyền nhiễm đang được khám, điều trị tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của mình cho cơ quan y tế dự phòng trên địa bàn;

+ Không tư vấn về các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm cho người bệnh và người nhà người bệnh;

+ Không theo dõi sức khỏe của thầy thuốc, nhân viên y tế trực tiếp tham gia chăm sóc, điều trị người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A.

- Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi không thực hiện các biện pháp tẩy uế, khử khuẩn chất thải, quần áo, đồ dùng, môi trường xung quanh, phương tiện vận chuyển người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B và C.

- Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi không thực hiện các biện pháp tẩy uế, khử khuẩn chất thải, quần áo, đồ dùng, môi trường xung quanh, phương tiện vận chuyển người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A.

- Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

+ Từ chối tiếp nhận người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A vào cơ sở khám bệnh, chữa bệnh;

+ Không thực hiện các biện pháp phòng, chống lây nhiễm bệnh đối với người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A.

d. Xử phạt đối với hành vi tung tin giả về dịch bệnh Covid-19

Căn cứ khoản 3 Điều 64 Nghị định số 174/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện: Phạt tiền từ 20 - 30 triệu đồng đối với người có hành vi cung cấp nội dung thông tin sai sự thật, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân.

Từ ngày 15/4/2020, các quy định tại Nghị định 174/2013/NĐ-CP sẽ được thay thế bởi Nghị định 15/2020/NĐ-CP. Theo đó, tại Điều 101 Nghị định này quy định rõ hơn về mức phạt đối với hành vi tung tin giả mạo, sai sự thật trên mạng xã hội, cụ thể: Phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để thực hiện một trong các hành vi sau:

+ Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân.

+ Cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong Nhân dân.

Ngoài việc phạt tiền, người có hành vi vi phạm buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn hoặc thông tin vi phạm pháp luật.

Lưu ý : Đối với người có hành vi vi phạm như tung tin giả mạo, không đúng sự thật về dịch bệnh Covid-19 trước ngày 15/4/2020, nhưng bị lập biên bản vi phạm hành chính từ ngày 15/4/2020 thì áp dụng Nghị định 15/2020/NĐ-CP để xử phạt (theo khoản 2 Điều 123 Nghị định 15/2020/NĐ-CP).

2. Xử lý đối với hành vi vi phạm quy định về cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế

a. Xử phạt vi phạm hành chính

Theo quy định tại Điều 10 Nghị định số 176/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, hành vi vi phạm quy định về cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế bị xử lý như sau:

- Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

+ Không tổ chức thực hiện việc cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế đối với trường hợp phải thực hiện việc cách ly y tế theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều này;

+ Từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trừ trường hợp quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều này;

+ Không lập danh sách và theo dõi sức khỏe của những người tiếp xúc với người bị áp dụng biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế theo quy định của pháp luật;

+ Thực hiện việc cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế tại địa điểm không đủ điều kiện thực hiện cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế theo quy định của pháp luật.

- Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

+ Không tổ chức thực hiện việc cách ly y tế đối với người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A;

+ Từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng quyết định cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A, đối tượng kiểm dịch y tế biên giới mắc bệnh hoặc mang tác nhân gây bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A.

b. Xử lý hình sự:

Theo quy định tại Điều 240 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 về Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người :

- Người nào thực hiện hành vi làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:

+ Dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc Bộ trưởng Bộ Y tế;

+ Làm chết người.

- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 12 năm:

+ Dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ;

+ Làm chết 02 người trở lên.

- Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm./.

Phòng Tư pháp huyện Kỳ Anh

Thêm nhận xét mới

 Bình luận của bạn đã được gửi thành công. Cảm ơn bạn!   Làm mới
Lỗi: Vui lòng thử lại