Quyết định số 26/2024/QĐ-UBND, Ban hành Quy định một số nội dung của Luật Đất đai và các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh   |    Thông báo kết quả Tiếp công dân ngày 05/11/2024   |    Giấy mời tiếp dân định kỳ ngày 05.11.2024 của Chủ tịch UBND huyện   |    THÔNG BÁO Tuyển dụng viên chức giáo dục huyện Kỳ Anh năm học 2024 - 2025   |    Kế hoạch tuyển dụng viên chức giáo dục huyện Kỳ Anh năm học 2024 - 2025   |   

Hát Sắc Bùa - nét đẹp đầu Xuân ở huyện Kỳ Anh

  

10:17 17/02/2017

Cứ mỗi độ tết đến xuân về, người dân Kỳ Anh lại hòa mình vào hát Sắc bùa, những câu hò, điệu ví mang nghi lễ dân gian ngày xuân rất phong tình, mộc mạc là di sản văn hóa tiêu biểu bồi đắp tâm hồn cho con người Kỳ Anh hôm qua, hôm nay và cả mai sau. Một nhân sinh quan sống đôn hậu, thủy chung, là một sự cổ vũ động viên để con người Kỳ Anh vượt lên khắc phục khó khăn, xây dựng cuộc sống mới. Mùa Xuân này chúng ta hãy cùng về huyện Kỳ Anh, một vùng quê nổi tiếng với làn điệu hát Sắc bùa.

Năm cũ trôi qua, năm mới đang đến, phút giao hòa của trời đất vào xuân, khắp làng trên xóm dưới ở huyện Kỳ Anh lại rộn ràng tiếng trống, tiếng chiêng, tiếng sinh tiền và tiếng chúc phúc trong hội Sắc bùa rất dỗi thân quen nhưng cũng hết sức rạo rực lòng người. Sự kết hợp hài hòa giữa nhạc cụ và lời hát chúc phúc đầu năm hòa quyện với nhau trong hội Sắc bùa đêm 30 tết ở các vùng quê ở huyện Kỳ Anh là 1 hình thức văn hóa dân gian khá độc đáo và hấp dẫn đang được gìn giữ và lưu truyền từ đời này qua đời khác. Ông Nguyễn Văn Hà- Đội hát sắc bùa ở thôn Nam Hải –xã Kỳ Hải cho biết; “ Đây là một truyền thống quê hương đã có từ lâu đời mà ở làng nào ở quê tôi cũng có. Khác với các loại hình dân gian khác, hát Sắc bùa mỗi năm chỉ diễn ra 1lần trong dịp tết cổ truyền khi mọi nhà chuẩn bị đón tếtthì cũng chuẩn bị một thứ cần thiết để đón đội hát Sắc bùa. Hát Sắc bùa là loại hình văn hóa dân gian mang nhiều yếu tố tâm linh cầu cho mưa thuận gió hòa , cầu cho cuộc sống an vui, hạnh phúc ”.

Hát sắc bùa - nét đẹp văn hóa trong những ngày đầu xuân ở huyện Kỳ Anh.

Theo các nhà Nghiên cứu Văn hóa dân gian; Tục hát Sắc bùa là tục hát lâu đời lưu truyền khắp cả 3 miền Bắc- Trung -Nam. Riêng ở huyện Kỳ Anh, hát Sắc bùa không biết có từ bao giờ nhưng với các âm thanh của các nhạc cụ hết sức đơn giản như;Trống, thanh la, sinh tiền…và cả vũ điệu lời ca của lối hát này đã ăn sâu vào máu thịt của những người đam mê hát Sắc bùa vô cùng sâu sắc. Chính những nghệ nhân hát Sắc bùa là những người có công lớn trong việc giữ gìn và truyền lại cho con cháu một điệu hát hết sức có ý nghĩa trong khi tết đến xuân về.Đội Sắc bùa thường được tổ chức ít nhất từ 6- 12 người, đông thì vài ba chục người gọi là phường bùa. Cơ cấu gồm 1 ông cai sắc, 1 ông tróc quỹ, 1 người đánh trống, 1 người ngõ phác, một ông đọc thần chú, những người còn lại có vai trò như đội đồng ca. Ông cai sắc thường là người nhanh nhẹn, thông minh thông thạo các bài hát chúc mừng và có thể ứng khẩu sáng tác tùy theo hoàn cảnh gia đình và đối tượng sao cho phù hợp với từng gia cảnh.

Nhiều vùng quê ở huyện Kỳ Anh bảo tồn những làn điệu hát sắc bùa.

Các phường hát Sắc bùa ở huyện Kỳ Anh thường được tập trungtập luyện vào đầu tháng Chạp và bắt đầu hát vào đêm 30 tết cho đến rằm tháng giêng. Trong đêm 30 sau khi làm lễ cầu sắc tại đình chùa có thờ thần tổ, tổ cô hoặc thờ những người có công với quê hương, đất nước. Vào lúc giao thừa vừa điểm, phường hát Sắc bùa đến chúc phúc cho các gia đình. Trong hương trầm ngào ngạt, Sắc bùa trở nên kỳ ảo. Trên đường đi, đoàn hát Sắc bùa luôn thu hút đông đảo mọi người tham gia cổ vũ, đoàn vừa đi vừa hát, vừa đánh chống, chiêng, gõ mỏ, thanh la… sức hấp dẫn của hát Sắc bùa ở huyện Kỳ Anh là sự kết hợp hài hòa cả thanh âm, trống, thanh la, sinh tiền và lời ca. Theo chỉ đạo của người cai sắc, đoàn vừa đi vừa hát cho đến tận cổng của gia chủ, trong đó, trống là hiệu lệnh chính, khi đến trước cổng gia chủ biết có khách quý xông đất đầu nămliền ra mở cửa nghênh tiếp.Sau khi gia chủ mở cổng, người cai sắc đánh 3 hồi trống cùng với gia chủ đi vào nhà. Khi cả đoàn vào trước chính thờ, ông cai sắc làm thủ tục vái lạy gia tiên, còn các thành viên trong đội xếp thành hàng ngang sau đó theo nhịp trống hát chúc xuân và tiếp đến là bài hát chúc những thành quả của gia đình. Hát Sắc bùa có nhiều diệu, ngoài ra các bài truyền thống theo từng giai điệu, từng hoàn cảnh cụ thể của từng gia đình người cai sắcthể hiện. Phường hát Sắc bùa còn sưu tầm hoặc sáng tác lời mới để đáp lại lời hát của chủ nhà cứ như thế cuộc thi thố tài năng lôi cuốn và hấp dẫn. Dẫu không muốn rời nhưng phường hát Sắc bùa cũng phải hát lời cảm tạ để đến chúc mừng các gia đình khác. Trước lúc nói lời chia tay với gia chủ thường kết thúc bằng chén rượu, bánh chưng hoặc 1 ít tiền bồi dưỡng tùy theo từng gia chủ, phường hát Sắc bùa không bao giờ yêu cầu đòi hỏi. PhườngSắc bùa ai nấy lúc nào khuôn mặt cũng phải vui tươi rạng rỡ khi vào nhà làm cho gia chủ vui mừng, ra ngõ làm cho thôn xóm rộn ràng , phấn chấn . Sau khi đến sắc xong ở nhà này đoàn lại tiếp tục đến nhà khác. Nếu có yêu cầu đoàn hát đến rằm tháng Giêng mới kết thúc.

Hát sắc bùa -chúc tết đầu xuân ở huyện Kỳ Anh.

Qua những gì mà các đội hát Sắc bùa ở huyện Kỳ Anh thể hiện chứng tỏ rằng xuất xứ của hát Sắc bùa chính là hình thức chúc tết hết sức độc đáo của nhân dân ta từ xưa đến nay đang được người dân huyện Kỳ Anh tiếp nối và sáng tạo. Trao đổi với chúng tôi, nghệ nhân dân gian Hoàng Tùng ở thôn Nam Hải- xã Kỳ Hải- huyện Kỳ Anh cho biết; “ Ngày nay, hát Sắc bùa không chỉ vào dịp tết mà còn được tổ chức ở các kỳ liên hoan, hội diễn văn nghệ, phục vụ các sự kiện chính trị trọng đại. Cùng với các nhạc cụ, làn điệu mới, hát Sắc bùa cũng đã góp phần tuyên truyền phục vụ công cuộc đổi mới của quê hương, đất nước. Nhận rõ giá trị của điệu hát dân gian có giá trị này cấp ủy, chính quyền địa phương ở 1 số địa phương cũng đang đề ra những chủ trương và giải pháp như mời 1 số nghệ nhân còn lại tiếp tục truyền nghề cho con cháu ”

Trong khó khăn gian khổ ông cha ta đã vươn lên để tạo dựng được 1 đời sống tinh thần đa dạng phong phú để lại cho đời sau những giá trị văn hóa vô cùng to lớn, tạo niềm lạc quan, tin tưởng để con người vươn tới Chân- thiện –mỹ. Có thể nói, hát Sắc bùa ở huyện Kỳ Anh đã đang và sẽ mãi mãi là di sản văn hóa phi vật thể quý báu vừa kế thừa vừa phát huy lên tầm cao mới./.

Mạnh Hải- Trung Anh