Giấy mời tiếp dân định kỳ của Đ/c Bí thư, Đ/c Chủ tịch HĐND và Đ/c Chủ tịch UBND huyện tháng 12.2024   |    Thông báo kết quả Tiếp công dân ngày 05/12/2024 của Đ/c Chủ tịch UBND huyện   |    Thời gian, địa điểm xét tuyển vòng 2, kỳ tuyển dụng viên chức Giáo dục huyện Kỳ Anh năm học 2024 - 2025   |    Danh sácThông báo thí sinh đủ điều kiện, tiêu chuẩn dự xét tuyển vòng 2 kỳ tuyển dụng viên chức giáo dục năm học 2024 - 2025   |    Giấy mời tiếp dân định kỳ ngày 5.12.2024   |   

Lịch sử hình thành và phát triển

  

15:57 28/02/2024

Khác với các huyện ở Hà Tĩnh, Kỳ Anh vừa là huyện núi, lại là huyện biển, nằm phía đông nam tỉnh, vào quãng 17,54 -18,18 độ vĩ bắc, 106,01- 106,30 độ kinh đông, nằm chếch hướng tây bắc - đông nam trên bản đồ. Bắc và tây bắc giáp huyện Cẩm Xuyên, phía nam và tây nam giáp tỉnh Quảng Bình, phía đông bắc và đông giáp biển.


Nói về Kỳ Anh người ta liền nghĩ đến dãy Hoành Sơn, thật ra thì toàn huyện là một “Hoành Sơn”. Đây là mảnh cuối một chi của dãy Trường Sơn Bắc mọc lấn ra biển, đặt trên nền đá gốc như tảng móng vững chãi, tồn tại từ đầu đại cổ sinh của vận động uốn nếp Hécxini, qua chu kỳ tạo núi Inđôxini đầu đại trung sinh về sau vẫn ổn định.

Năm Minh Mạng thứ 17 (1836) nhà vua ra sắc dụ chia huyện Kỳ Hoa thành 2 huyện: Kỳ Hoa và Hoa Xuyên, đến năm 1841, vua Thiệu Trị đổi tên huyện Kỳ Hoa thành huyện Kỳ Anh. Đây là một sự kiện có ý nghĩa vô cùng quan trọng, một bước ngoặt trong tiến trình lịch sử của huyện, chứng tỏ vùng đất này đã phát triển và trở thành một đơn vị hành chính độc lập có vị thế quan trọng trong tỉnh Hà Tĩnh nói riêng và cả nước nói chung. Sự ra đời của huyện Kỳ Anh đã mở ra một thời kỳ mới, một chặng đường đầy gian lao thử thách song cũng hết sức vẻ vang, hào hùng của các thế hệ nhân dân Kỳ Anh nhằm khẳng định vị thế, tầm vóc của huyện với những thành tựu to lớn trên nhiều lĩnh vực.

Cùng với lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc, biết bao thế hệ người Kỳ Anh đã cần cù, sáng tạo trong lao động, vượt qua khó khăn, gian khổ, đấu tranh không mệt mỏi với thiên nhiên biến vùng đất hoang thành ruộng đồng tươi tốt, xóm làng trù phú. Và chính trong quá trình lao động sản xuất ấy, những nét văn hoá đặc sắc đã dần hình thành và không ngừng được bồi đắp, đóng góp vào kho tàng văn hoá dân tộc những phong tục, tập quán tốt đẹp. Kỳ Anh còn là nơi lưu giữ nhiều giá trị văn hoá vật thể, phi vật thể đặc sắc, phong phú đó là: những câu hát ví, hát giặm ân tình của cô Nhẫn làng Đan Du, những làn điệu hát trò, hát chèo mượt mà, đằm thắm, những câu ca trù tài hoa, uyên bác của những Ả đào làng Hưng Nhân, những điệu sắc bùa trong các dịp lễ Tết và cả một hệ thống các di tích lịch sử văn hoá, danh lam thắng cảnh nổi tiếng như: Đền thờ Chế thắng phu nhân Nguyễn Thị Bích Châu, đền Phương Giai, khu mộ hai anh em Lê Quảng Chí - Lê Quảng Ý, Hoành Sơn quan, thắng cảnh Đèo Ngang... cùng rất nhiều chùa, đình, miếu với hàng chục lễ hội truyền thống. Đặc biệt hơn cả là vùng đất này đã sản sinh ra những danh nhân trong các thời kỳ lịch sử dân tộc trên các lĩnh vực; ghi tạc vào lịch sử, văn hoá dân tộc Việt Nam nói chung, lịch sử, văn hoá tỉnh Hà Tĩnh nói riêng một huyện Kỳ Anh đầy bản sắc, không thể trộn lẫn và để đến bây giờ, mỗi người dân Kỳ Anh đều có thể tự hào được sinh ra ở một vùng quê có bề dày truyền thồng văn hoá, lịch sử.

Không chỉ là vùng đất có bề dày truyền thống văn hoá mà Kỳ Anh còn là một vùng quê giàu truyền thống cách mạng. Từ xa xưa, truyền thống yêu nước, yêu quê hương và ý thức cố kết cộng đồng, làng xã của những con người sinh ra trên mảnh đất này đã được hun đúc qua các cuộc đấu tranh lâu dài và quyết liệt. Theo dòng lịch sử truyền thống ấy, ý thức ấy được bồi đắp, trở thành lòng yêu nước, thương nòi, là cơ sở quan trọng để thực hiện đoàn kết dân tộc và huy động sức mạnh toàn dân trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Trong những năm thực dân Pháp xâm lược nước ta, nhiều thế hệ người Kỳ Anh đã đứng lên đấu tranh chống lại sự cai trị hà khắc, tàn bạo. Tiếp thu ánh sáng của chủ nghĩa Mác-Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh về con đường giải phóng dân tộc, ngày 4/6/1930, tại đền Phương Giai (xã Kỳ Bắc), Hội nghị thành lập Đảng bộ huyện Kỳ Anh được tiến hành. Từ khi Đảng bộ được thành lập, phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân phát triển mạnh mẽ và trở thành cao trào chống chính quyền thực dân - phong kiến. Thực hiện Lệnh Tổng khởi nghĩa của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 18/8/1945, nhân dân Kỳ Anh đã đứng lên đấu tranh xoá bỏ chế độ cũ, thiết lập chính quyền cách mạng trong toàn huyện. Sau Cách mạng tháng Tám, trước những khó khăn chồng chất, với ý chí và bản lĩnh của mình Đảng bộ và nhân dân Kỳ Anh đã vượt lên, chiến thắng giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm và giành nhiều thắng lợi quan trọng khác. Trong chín năm kháng chiến chống thực dân Pháp, Đảng bộ huyện Kỳ Anh đã vận dụng sáng tạo đường lối kháng chiến của Đảng vào thực tiễn địa phương, tập hợp các lực lượng thành một mặt trận thống nhất, phát động toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến, xây dựng lực lượng vũ trang ngày một lớn mạnh và đã giành được những thắng lợi to lớn. Trong thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, kháng chiến chống đế quốc Mỹ ở miền Nam, Kỳ Anh là một trong những địa bàn có vị trí chiến lược quan trọng. Quân và dân huyện nhà đã phải đương đầu với những thử thách ác liệt, chịu đựng những tổn thất, hy sinh to lớn chưa từng thấy trong lịch sử. Thế nhưng, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, nhân dân Kỳ Anh đã nêu cao ý thức tự lực, tự cường vươn lên mạnh mẽ với tinh thần: “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”. Cùng với hậu phương, lớp lớp con em Kỳ Anh lên đường bảo vệ Tổ quốc và làm tròn nghĩa vụ quốc tế, ở đâu cũng chiến đấu dũng cảm và lập công xuất sắc. Thắng lợi của hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ phải trả giá bằng sự hi sinh, mất mát nhưng rất vẻ vang và đáng tự hào. Đội du kích Hải Khẩu, Đội dân quân gái Kỳ Phương, Dân quân du kích xã Kỳ Tân, Trạm cảnh sát bảo vệ giao thông Kỳ Anh, Đồn công an vũ trang 112 và Anh hùng Đặng Đình Ghí, Trương Xuân Hoà, Phan Công Nam, Nguyễn Công Trường, Vương Đình Nhỏ, Nguyễn Văn Lộc... là những đại diện cho ý chí và trí tuệ của nhân dân Kỳ Anh anh dũng trong kháng chiến bảo vệ quê hương, đất nước. Ghi nhận những đóng góp to lớn của quân và dân huyện nhà, Nhà nước đã phong tặng danh hiệu “Đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” cho 22 tập thể, 5 cá nhân, 58 “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng” và 1 đơn vị được tặng danh hiệu “Anh hùng lao động trong thời kỳ đổi mới”.

Trong công cuộc đổi mới đất nước và quê hương, Kỳ Anh đã giành được những thành tựu quan trọng, tạo động lực thúc đẩy cho sự phát triển toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Khu kinh tế Vũng Áng, một trọng điểm phát triển kinh tế năng động của cả nước, của tỉnh được Trung ương, tỉnh quan tâm đầu tư đã và đang triển khai nhiều công trình, dự án lớn sẽ góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá và đẩy nhanh tiến trình đô thị hoá; tình hình chính trị ổn định, nhân dân đồng thuận, đội ngũ cán bộ đoàn kết, thống nhất, đã tích luỹ được những kinh nghiệm trong tổ chức, lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành là điều kiện thuận lợi, tạo thời cơ và động lực mới cho sự phát triển.

Với thành quả vật chất và tinh thần đã đạt được, với thế mạnh của rừng, của biển, với một nhân dân biết hoc hỏi, cần cù sáng tạo, Kỳ Anh sẽ vượt qua mọi trở lực để đi tới tương lai. Lịch sử và hiện tại đã đảm bảo việc đó. Kỳ Anh không chỉ là một cái tên đẹp./.