Giấy mời tiếp dân định kỳ của Đ/c Bí thư, Đ/c Chủ tịch HĐND và Đ/c Chủ tịch UBND huyện tháng 12.2024   |    Thông báo kết quả Tiếp công dân ngày 05/12/2024 của Đ/c Chủ tịch UBND huyện   |    Thời gian, địa điểm xét tuyển vòng 2, kỳ tuyển dụng viên chức Giáo dục huyện Kỳ Anh năm học 2024 - 2025   |    Danh sácThông báo thí sinh đủ điều kiện, tiêu chuẩn dự xét tuyển vòng 2 kỳ tuyển dụng viên chức giáo dục năm học 2024 - 2025   |    Giấy mời tiếp dân định kỳ ngày 5.12.2024   |   

Truyền thống văn hóa

  

17:00 29/02/2024

“Kỳ Anh phong thổ ký” viết năm 1930, chép: “Dân trong hạt vốn tính chất thuần phác, phong tục đôn hậu, chăm nghề ruộng nương, buôn bán mà ít ham học hành, tính cầu an, thủ cựu, không thích canh cải. Mức tiến hóa văn minh so với các hạt khác thì còn chậm. Việc hôn nhân thì không bàn đến của cải. Việc tang lễ thì theo lệ cũ. Ở đình trung thì trọng kẻ chức tước, quý người có tuổi tác. Các bậc văn nhân khoa bảng cũng được trọng vọng. Miếu mạo, văn chỉ, đền chùa nơi nào cũng có. Trong dân, qua xuân thu, lễ tiết vui mừng, việc qua lại rất là đôn hậu. Đại để phong tục tập quán so với các hạt trong miền Nghệ Tĩnh gần gần giống nhau…”

Nhận xét trên đây khá xác đáng nhưng đó cũng là những nét chung của Hà Tĩnh, của xứ Nghệ mà thôi. Kỳ Anh, vùng núi non ở miền biên viễn xưa, cho đến thế kỷ XVI, XVII vẫn là nơi chửng lại, tụ lại của dòng người từ phía bắc vào. Sống trong môi trường gần như khép kín, thiên nhiên khắc nghiệt, chiến tranh triền miên, sản xuất lạc hậu, con người chịu nghèo nàn, cực khổ lâu đời thì trở nên hẹp hòi, thủ cựu là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, điều kiện sống như vậy cũng tạo cho con người những đặc tính có phần đậm nét hơn nhiều nơi khác. Người dân ở đây chân thật đến mộc mạc, có ý thức cộng đồng làng xã cao, tự khép mình vào kỷ luật nghiêm ngặt, có khi rất khắt khe và không dễ dàng tin theo cái từ ngoài đưa đến do đó không cuồng tín. Xưa, ở đây có câu: “ Thần Đầu vô lưu nha chi án; Cấp Dẫn vô tà đạo chi dân ”. Ở Thần Đầu (Kỳ Phương, Kỳ Nam) mọi người giữ luật lệ rất nghiêm và buộc người ở xã khác đến đây cũng phải làm như vậy, họ phục tùng tuyệt đối người đứng đầu làng, đầu hạt, họ cùng nhau bàn bạc, giải quyết mọi việc ở địa phương, không bao giờ phải thưa kiện lên quan trên. Còn dân Cấp Dẫn thì không theo đạo, ở các nơi khác giáo dân cũng không phải là “ngoan đạo” lắm. Những đặc điểm trên vừa là cái hay lại vừa là biểu hiện của nếp sống cộng đồng xa xưa, nếu thiếu sự hướng dẫn đúng đắn, có thể trở ngại trên đường đi tới.

Người dân Kỳ Anh có sức bền bỉ chịu đựng gian khổ đến mức không giới hạn lại giàu nghị lực để khắc phục khó khăn và rất đỗi khí khái, quật cường. Chỉ một việc đối phó với bão tố, tinh thần ấy cũng đã rất rõ: người ta không chỉ chống, giằng nhà mà có khi dỡ hạ mái xuống, kể cả mái ngói, sau cơn bão mới lợp lại. Tính chung hàng năm, dân phải chi tới 42,9% thu nhập gia đình để làm lại và sữa chữa nhà cửa bị thiên tai tàn phá. Trong mọi hoạt động thường ngày nhất là trong các phong trào yêu nước, cách mạng, các cuộc kháng chiến, những đức tính này càng thể hiện cao độ, chói ngời. Sống tình nghĩa, thủy chung, mọi người gắn bó với nhau, với hàng xóm, người làm quan về cũng ít xa dân. Tình quê hương thắm thiết. Người ta ít muốn rời khỏi làng và người đi xa thường muốn trở về quê. Tình cảm này, lúc nào đó là sự trở ngại cho sự tiến thủ song lại là động lực thúc đẩy những hành vi tốt đẹp, những hy sinh cao cả vì quê hương, đất nước.

Nhưng cũng cần nói rằng, người Kỳ Anh xưa nay không phải hoàn toàn ít giao lưu, thiếu chí tiến thủ. “Hai ông Trạng Thần Đầu” lúc già đã từ bỏ nơi đô hội về sống với vùng quê hẻo lánh, nghèo nàn, nhưng từ thiếu thời đã quyết ra đi không chỉ để kiếm sống, mà còn để được học hành thành đạt. Trước cách mạng, không chỉ có những người buôn bán vùng chợ Cầu, cửa Khẩu…đi đó đi đây và có những người đã thành nhà doanh nghiệp trong nước hay nước ngoài mà cả những người dân làng Đồng Ngãi (Kỳ Ninh), từ 18 tháng Giêng cũng kéo nhau vào tận xứ Nam Kỳ kiếm việc làm ăn, tối năm mới lại về quê. Tưởng cũng không phải nói nhiều về hàng vạn người từ cách mạng tháng Tám 1945 lại nay đã rời quê đi làm nghĩa vụ, đi xây dựng quê mới, hay đi làm ăn, học tập ở khắp nước và nước ngoài.

Những đặc điểm tinh thần, tâm lý của người Kỳ Anh trên đây tuy có phần nào là hạn chế, nhưng chủ yếu là thuận lợi cho việc huy động lực lượng, xây dựng quê hương.

Ở Hà Tĩnh ngày trước, phong tục đại để giống nhau, nhưng mỗi huyện, mỗi vùng lại có tập quán riêng, dễ nhận. Kỳ Anh là huyện địa đầu nên còn có những điểm gần giống với Quảng Bình, phía nam. Ví như ở đây không giã gạo bằng cối đạp mà giã tay chày đôi, chày tư, vừa giã vừa hò hát theo nhịp chày. Có thể thời xa xưa, vùng đất này còn chịu ảnh hưởng đậm của văn hóa Chăm nữa. Ngày Tết, ngày hội, nhiều làng Kỳ Anh có đu tiên. Theo nhà nghiên cứu Bờ-rơ-tông (H.Le Breton) thì chơi đu tiên là một hình thức tế lễ mang tính chất tôn giáo của người Chàm, du nhập từ Ấn Độ (?). Ở Kỳ Anh ngày trước lại có loại giếng vuông, bốn bờ ghép ván. Người ta nói đó là kiểu “giếng Chàm” (1) . Đây chưa phải là những chứng cứ xác đáng nhất nhưng có thể gợi ý cho việc tiếp tục tìm hiểu vấn đề này.

Mặc dầu gần rừng, nhiều gỗ, nhưng dân nghèo và thường năm nhiều bão tố, nên nhà ở Kỳ Anh cũng như Thạch Hà, Cẩm Xuyên ngày trước đều nhỏ và thấp. Lâu đời, hình thành một quan niệm là nhà ở phải “vô bái nhà, ra bái ngõ”, nghĩa là nhà phải thấp để vào, ra phải cúi đầu cho khỏi va chạm.

Về ăn mặc thì người Kỳ Anh cũng không khác người các nơi ở Hà Tĩnh. Dân dã, bền chắc, vẫn dùng vải Đồng Môn khổ hẹp, nhuộm nâu, nhuộm đen. Quan niệm về cái đẹp hình thể vẫn là sự khỏe khắn: “ Đàn ông đóng khố đuôi lươn - đàn bà mặc ướm hở lườn mới xinh ” và đã có tiếng đồn: “ to lườn chợ Voi ”

Để bạn đọc có thể hình dung được cách ăn mặc của người Hà Tĩnh, người Kỳ Anh thưở trước, xin ghi mấy nét đại thể: Dân dã thì đàn ông ngày thường đóng khố, ở trần hay mặc áo ngắn năm thân, bốn (tứ) thân (áo khách) quần dài quá gối. Tết nhất, hội hè, đình đám…thì mặc áo dài (năm thân) vải thâm hoặc nhuộm nâu bầm, quần trắng, khăn vấn thủ rìu hay vấn vành, đi guốc quai mây hoặc chân đất. Đàn bà mặc áo cánh nâu, yếm nâu, váy đen (thường là nhuộm nâu bầm, nhúng bùn đen), khăn thâm hoặc nâu non. Khá hơn thì có cái áo dài nâu non mặc ngoài thắt qua ra phía sau. Người đàn ông giàu có, chức dịch, nho sĩ thì ngày thường cũng mặc như kiểu dân dã, chỉ khác loại hàng tấm và dôi dài hơn, thường áo quần nái hay lụa để trắng hoặc nhuộm nâu da bài, ngoài là áo dài the, lương đen (rất sang mới mặc gấm, xa-tanh), quần trắng “tây cống”(2), dây lưng nái hoặc lụa, vấn khăn nhiễu hoặc đội khăn đóng, đi guốc “xà goòng” hoặc giày hạ…Đàn bà mặc áo vải trúc bâu nhuộm nâu non, hay áo lụa, áo cát bá trắng, yếm đào hoặc trắng, váy sồi hay lụa, dây lưng sồi, khăn nhiễu hay xa-tanh, thường đi chân đất; mặc ngoài có áo dài the hoặc vải nhuộm nâu non, sang nữa thì có bộ áo “mớ ba”(3), đi guốc hoặc giày mỏ cong. Từ năm 1930 đến trước cách mạng, thanh niên học sinh, trí thức dần dần thay đổi cách ăn mặc. Con trai đội mũ cát, có người mặc đồ Âu. Lẻ tẻ, một số thiếu nữ mặc áo dài tân thời, quần cẩm cuốn, đi guốc cao gót… Đội đầu thì người Kỳ Anh xưa chỉ có cái mầu đan bằng tre, hoặc cái lịp là kiểu nón Thượng (Đức Thọ), sau mới dùng nón Ba Đồn (Quảng Bình), nón Kinh. Giàu sang thì đàn ông đội nón dửa Gò Găng, đi ô, đàn bà đội nón bằng, quai thao (nón Hạ).

Kỳ Anh vốn ruộng xấu, năng suất thấp (4) nên ngày trước thường xuyên thiếu gạo, dân phải ăn khoai sắn là chính. Có nơi phải ăn quả muồng (5) ; có nơi ngày giỗ chạp cũng dùng cả cây chuối ri thái nhỏ trộn với tép moi, bóp kỹ làm nham (nộm); miền biển cũng dùng cây rau mít bám trên đá (một loại rau câu) làm thức ăn, mắm tôm (ruốc) trộn với riềng cũng được chuộng lắm. Tuy nhiên, một bộ phận nhân dân vẫn thích và được dùng những món ăn cao cấp: cá gỏi, thịt thui, chim cu kỳ, tôm hùm, xôi vò… Đàn ông thích uống rượu nhưng không hút thuốc lào. Phường săn có lệ chia phần thịt cho bất cứ ai có mặt trong lúc đuổi bắt con mồi. Dân gian có tục đi ăn giỗ, ăn cưới, chỉ dùng đồ nước, còn thức khô thì chia làm phần gói về cho người già, trẻ con.

Lễ tang, lễ cưới cũng không có gì khác nhiều với các huyện trong tỉnh. Duy ở các xã phía nam huyện có lệ khi gả con gái phải có “ruộng hoa nữ”, thường gọi là “ruộng nhà trai” (khi nhà trai đến nạp tài thì trao giấy chuyển ruộng luôn). Vài nơi có tục “đón đường” khi đám rước dâu đi qua, họ nhà gái phải mời trầu và tặng một ít tiền, mới tiếp tục đi. Đưa dâu có người đón là điềm tốt đẹp.

Các làng cũng có một số tục lệ riêng: vùng Thần Đầu, làm lễ hạ điền vào ngày đông chí. Làng chọn một lão nông có “ông mụ song tuyền, con cháu đông đúc” xuống cấy, sau đó dân làng mới được cấy. Ai cấy trước bị làng phạt 5 quan tiền. Có làng cứ 27 Tết thì nhà nào cũng phải quết bánh dĩ (bánh dày) để cúng tất niên. Làng Đại Hào vào dịp mồng 5 tháng 5 hoặc mồng 10 tháng 10, mọi người đều dọn cỗ bánh chưng và mật mía đưa lên cúng thần Thành hoàng. Làng Ngưu Sơn có lễ làm “ruộng sãi”. Ai đến tuổi 50 thì được nhận ruộng cấy. Thu hoạch xong, đến rằm tháng tám phải biện mười cỗ chay (xôi chè) đưa đến cúng ở miếu Liễu Hạnh, ai làm “ruộng sãi” thì năm đó được miễn tạp dịch. Những lệ làng này từ sau cách mạng đều đã mất.

(1) Ở vùng biển xưa, chưa có điều kiện ghép, xây đá, người ta phải ghép ván để chống cát sạt lở, mà muốn ghép ván thì phải đào giếng hình vuông. Người Việt hay người Chàm cũng phải làm như vậy.

(2) Tây cống: Tiếng Quảng Đông chỉ Sài Gòn-“Xà goòng” là cách người Nghệ Tĩnh nói trại tiếng Sài Gòn. Đây là loại vải ngoại và loại guốc buôn từ Nam ra Bắc.

(3) Áo dài của phụ nữ xa xưa bằng the lụa mỏng, một bộ ba chiếc: ngoài cùng áo màu tím sẫm, trong là áo màu ngại (ngãi), rồi màu hồng.

(4) Vùng biển Kỳ Thọ, Kỳ Ninh, Kỳ Khang, Kỳ Lợi, Kỳ Phương…ruộng nhiễm mặn nặng, phải cấy giống lúa “hai hom” năng suất thấp.

(5) Trái muồng có hai loại, có nhiều ở vùng núi Bằng Sư, Chóp Cờ (Kỳ Xuân). Đến mùa trái, người ta hái về phơi khô, giã, rây thành bột, đến mùa mưa gió, nấu khoai khô, có nếp càng quý, giã trộn với bột hạt muồng. Loại muồng trên, hạt như hạt đậu ván, hái về phải ngâm nước năm, sáu ngày, luộc lên, giã nhỏ, trộn với vừng, lạc…Loại thức ăn này dùng lúc đói kém, thay cơm.