Sau khi thành lập nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, ngày 13/10/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết thư tay cho giới Công Thương Việt Nam, trong đó nhấn mạnh rằng “Chính phủ, nhân dân và tôi sẽ tận tâm giúp đỡ giới thương nhân trong công cuộc kiến thiết này”. Bức thư có đoạn “… Hiện nay Công Thương cứu quốc đoàn đương hoạt động để làm được nhiều việc ích lợi quốc dân. Tôi rất hoan nghênh và mong đợi nhiều kết quả tốt. Trong lúc các giới khác trong quốc dân ra sức hoạt động để giành lấy nền hoàn toàn độc lập của nước nhà thì giới Công Thương phải hoạt động để xây dựng một nền kinh tế và tài chính vững vàng và thịnh vượng. Chính phủ, nhân dân và tôi sẽ tận tâm giúp đỡ giới thương nhân trong công cuộc kiến thiết này. Việc nước và việc nhà bao giờ cũng đi đôi với nhau. Nền kinh tế quốc dân thịnh vượng nghĩa là sự kinh doanh của các nhà doanh nghiệp thịnh vượng…”.
Cho đến nay, thực tế đã khẳng định ý nghĩa lịch sử của bức thư Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi giới Công Thương vào ngày 13/10/1945. Trong giai đoạn này - giai đoạn hội nhập kinh tế quốc tế - bức thư của Hồ Chủ Tịch vẫn còn nguyên giá trị, thể hiện đường lối đúng đắn và chỉ dẫn mang tính chiến lược của Người đối với việc khẳng định vai trò của doanh nghiệp, doanh nhân trong xây dựng và kiến thiết đất nước. Hiến pháp 2013 đã khẳng định: “Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện để doanh nhân, doanh nghiệp và cá nhân, tổ chức khác đầu tư, sản xuất, kinh doanh; phát triển bền vững các ngành kinh tế, góp phần xây dựng đất nước”. Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII xác định: “Phát triển nhanh, hài hòa các khu vực kinh tế và các loại hình doanh nghiệp; phát triển kinh tế tư nhân thực sự là một động lực quan trọng của nền kinh tế”.
Quyết định số 990/QĐ-TTg ngày 20/9/2004 đã cụ thể hóa đường lối, chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh với chính sách thúc đẩy doanh nghiệp, xây dựng đội ngũ doanh nhân vững mạnh, có phẩm chất uy tín để góp phần tự chủ nền kinh tế của Việt Nam. Sự ra đời của ngày Doanh nhân Việt Nam như một bước cụ thể hóa đường lối, chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh với chủ trương, chính sách khuyến khích phát triển doanh nghiệp, phát huy vai trò của doanh nhân. Hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp, đội ngũ doanh nhân Việt Nam phát triển mạnh mẽ, tự tin góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế đất nước và hội nhập quốc tế.
Ý nghĩa của ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10 chính là sự tôn vinh đóng góp của những người doanh nhân với sự phát triển của xã hội, khẳng định vị trí của mình vào công cuộc phát triển chung của đất nước. Kỷ niệm ngày doanh nhân Việt Nam là niềm động lực cho đội ngũ tinh hoa này sẽ tiếp tục tiến lên, vượt qua những thách thức, đóng góp vào công cuộc chung. Ngoài ra còn giáo dục truyền thống yêu nước, tự cường, chủ động sáng tạo của đội ngũ doanh nhân, động viên phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh, nâng cao kỷ luật, đạo đức, văn hóa kinh doanh của các doanh nghiệp, doanh nhân. Biểu dương khen thưởng bằng các hình thức thích hợp đối với các doanh nghiệp, doanh nhân kinh doanh giỏi, thực hiện tốt chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và các tổ chức, cá nhân có thành tích trong việc xây dựng và phát triển doanh nghiệp./.
Thêm nhận xét mới