Tép biển - Từ vùng biển Kỳ Khang (có hợp đồng nguyên tắc hàng năm với các chủ thuyền đánh bắt ).
Muối - Từ xã Kỳ Hà, muối được trữ từ hàng năm để đảm bảo chất lượng.
Thính- Gạo được mua tại hộ dân Nguyễn Thị Cúc, Nguyễn Thị Hành trồng lúa trên địa bàn xã Kỳ Khang
Ớt cay - Mua tại cửa hàng chuyên nông sản sạch tại huyện Kỳ Anh
Riềng- Mua tại các hộ dân Phạm Đồng – là hộ dân trồng riềng tại xã Kỳ Khang
Đường- Mua tại đại lý, cửa hàng tạp hóa trong huyện
Quy trình sản xuất:Bước 1: Tiếp nhận nguyên liệu
Nguyên liệu chính là tép biển, chất lượng ruốc chua phụ thuộc rất nhiều vào độ tươi ngon của tép. Tépdùng làm ruốc chua phải là tép tươi, sau khi đánh bắt ngoài biển đưa về phải tiến hành muối ngay. Tép không có mùi lạ, tuyệt đối không được bảo quản bằng ure, không được ướp đá.
Muối: muối nguyên liệu phải đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Muối sử dụng làm ruốc chua là muối biển, muối kết tinh hạt nhỏ, có độ rắn cao, trắng đục, khô. Muối bỏ vào kho cất giữ trên 2 năm mới làm ruốc chua.
Thính: Thính phải là thính gạo nếp
Ớt cay, riềng phải tươi, được trồng theo hướng hữu cơ
Đường: Sạch, không lẫn tạp chất
Bước 2: Sơ chế nguyên liệu
Tép biển được rửa sạch ngay ngoài biển khi vừa đánh bắt xong
Muối sạch, đảm bảo vệ sinh ATTP
Thính gạo nếp được rang vàng, xay mịn
Ớt cay riềng được rửa sạch, ráo nước và xay nhuyễn
Bước 3: Trộn đều tép biển, muối, thính, ớt cay, riềng, đường: Tép biển, muối, thính, ớt cay, riềng, đường được trộn đều theo tỉ lệ nhất định sau đó cho vào chum sành
Bước 4: Lên men: Khối chợp được khuấy đảo định kỳ và phơi nắng tự nhiên nhằm giúp cho tép biển được đánh tơi và tăng bề mặt tiếp xúc giữa enzyme và tép biển. Đồng thời, tăng nhiệt độ phù hợp với nhiệt độ lên men và giúp cho nhiệt độ trong khối chợp được đều hơn.
Bước 5: Thành phẩm, đóng bao, dán nhãn và bảo quản
Mô tả sản phẩm:“Ruốc chua Bà Lý” có vị đậm đà, chua cay thanh thanh đầu lưỡi bởi sự hòa quyện giữa vị mặn của muối, vị ngọt béo của tép, vị chua bắt nguồn từ quá trình lên men đường, vị cay của ớt, mùi thơm của tỏi.
Câu chuyện sản phẩm:RUỐC CHUA BÀ LÝ
“Đậm đà hương biển, chua cay tình quê”
Xã Kỳ Khang là một trong ba xã bãi ngang ven biển thuộc huyện Kỳ Anh. Nơi đây, người dân có nghề truyền thống từ cha ông để lại, đó là nghề làm nước mắm, ruốc chua. Nhắc đến ruốc chua của huyện Kỳ Anh không ai không biết đến sản phẩm “Ruốc chua bà Lý”, một sản phẩm đã trở thành món ăn đặc biệt quen thuộc trong mâm cơm của các gia đình, là món ăn đưa cơm được người dân địa phương gìn giữ, phát triển thành món quà quê và rất riêng của vùng biển Kỳ Khang.
“Ruốc chua bà Lý”được làm thủ công từ những con tép biển. Nguyên liệu này được làm sạch bằng nước biển, không rửa lại với nước ngọt, rồi cho vào chum sành muối cùng với các gia vị như củ riềng, thính, ớt tươi, tỏi...Các nguyên liệu ấy được trộn với tỷ lệ theo bí quyết gia truyền rồi muối chung vào trong các chum sành. Từng chum ruốc được đem phơi dưới ánh nắng mặt trời, chờ quá trình lên men, ruốc đạt đủ độ chín, chua là có thể dùng được.
Sản phẩm ruốc chua của bà Lý đã được đông đảo bà con nhân dân trong tỉnh đón nhận. Từ đó giúp việc làm ăn của gia đình ngày càng phát triển. Để đưa sản phẩm quê hương đi xa hơn nữa, được nhiều người biết đến hơn nữa và đặc biệt là để gìn giữ cái nghề truyền thống cha ông để lại, gia đình bà đã thành lập tổ hợp tác xã Triển lý, đến nay là hợp tác xã thu mua và chế biến thủy hải sản Trung Tiến đã có 10 thành viên, mỗi năm sản xuất và cung ứng cho thị trường hàngtấn ruốc chua thơm ngon.
Với ưu điểm có nguồn nguyên liệu dồi dào, những con tép biển được người dân gọi là “lộc biển” đã được cơ sở của bà thu mua ngay khi các thuyền vừa cập bến. Qua quá trình lựa chọn tỉ mỉ, rửa cẩn thận, kết hợp với các nguyên liệu muối cũng đã được chuẩn bị công phu kết tinh tấm lòng bà Lý, những mẻ ruốc chua thơm ngon đã được muối cẩn thận và lên mem thành công. “Ruốc chua Bà Lý” có vị đậm đà, chua cay thanh thanh đầu lưỡi bởi sự hòa quyện giữa vị mặn của muối, vị ngọt béo của tép, vị chua bắt nguồn từ quá trình lên men đường, vị cay của ớt, mùi thơm của tỏi.
Từng hũ ruốc chua là kết tinhcủa sản vật biển hòa quyện vào cái tình của người làm nghề, góp phần làm giàu hơn nét văn hóa ẩm thực đậm đà bản sắc quê hương Kỳ Anh – Hà Tĩnh.
Thêm nhận xét mới