Hội nghị trực tuyến bổ cứu công tác phòng chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh, các loại dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên đàn gia súc, gia cầm, đặc biệt là dịch viêm da nổi cục trên trâu, bò (VDNC); dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) đang diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương.
Đối với dịch VDNC, sau gần 4 tháng bùng phát, toàn tỉnh có trên 10.500 con bị nhiễm bệnh thuộc 201 xã của 13 huyện, thành phố, thị xã; trong đó, có 884 con bị chết, buộc phải tiêu huỷ.
Từ đầu năm đến nay, DTCLP đã tái phát tại 77 xã thuộc 11 huyện, thành phố, thị xã khiến hơn 5.200 con lợn với khối lượng trên 393 tấn bị chết, buộc phải tiêu huỷ. Dịch đang diễn biến theo chiều hướng gia tăng nhanh vì độc lực vi-rút mạnh.
Trong tình trạng “dịch chồng dịch”, cả hệ thống chính trị đang tập trung các biện pháp để phòng, chống và khoanh vùng dịch, hạn chế thiệt hại cho người chăn nuôi.
Tại hội nghị, ngành chuyên môn, các địa phương đã nhận định tình hình và phân tích các vướng mắc, khó khăn ở cơ sở trong quá trình thực hiện phòng, chống dịch bệnh trên gia súc hiện nay.
Về phía huyện Kỳ Anh, đến nay trên địa bàn huyện, bệnh DTLCP xảy ra tại 23 hộ/ 12 thôn /9 xã đã làm chết và tiêu hủy 151 con lợn, với trọng lượng tiêu hủy 14.380,3 kg.
Bệnh VDNC xuất hiện từ ngày 09/02/2021 tại xã Kỳ Lạc. Đến nay, bệnh đã xảy ra tại 378 hộ, 80 thôn của 20 xã, làm 595 con gia súc mắc bệnh, làm chết và tiêu hủy 47 con bò/39 hộ/27 thôn/17 xã với tổng trọng lượng 5.467 kg. Hiện nay đã có 122 con/ trong tổng 595 con/88 hộ đã qua 21 ngày kể từ ngày mắc bệnh.
Tính đến ngày 07/4 đã sử dụng hết 1.302 lít hóa chất, 25,5 tấn vôi bột, Huyện đã xuất kinh phí 110 triệu đồng hỗ tợ chống dịch (mua dụng cụ, thuốc chống sốc phản vệ… hỗ trợ công) phục vụ phòng, chống dịch. Thành lập 24 chốt kiểm soát tại các địa phương có biển cảnh báo vùng dịch, để cảnh báo, kiểm soát hoạt động buôn bán, vận chuyên động vật. Lấy kịp thời 17 mẫu bệnh phẩm xét nghiệm xác định dịch bệnh phục vụ kịp thời cho công tác phòng, chống dịch Viêm da nổi cục trâu bò, DTCLP. Từ ngày 04/4 đến 07/4 được 2.105 liều/ 5275 liều vắc xin VDNC, đạt 40%.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn đề nghị huy động cả hệ thống chính trị và toàn xã hội tổ chức thực hiện quyết liệt, đồng bộ nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là; gắn trách nhiệm với người đứng đầu để đảm bảo công tác phòng, chống dịch và coi đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, cấp bách.\
Ngay sau Hội nghị trực tuyến, đồng chí Nguyễn Thanh Hải – Phó chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh đã khẩn trương yêu cầu các địa phương nhận thức rõ được tình hình ngày càng phức tạp của các loại dịch bệnh, đặt tình huống phòng chống dịch một cách cao nhất; triển khai có hiệu quả công tác tiêm vacxin VDNC cho gia súc; khuyến cáo người dân hạn chế tối đa tái đàn, tăng đàn trong điều kiện hiện nay. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền về đặc điểm, nguy cơ, tác hại và các biện pháp để người dân chủ động phòng, chống; rà soát lại tổng đàn, tình hình dịch bệnh trên địa bàn.
Thêm nhận xét mới