Xã Kỳ Tân là địa phương có diện tích trồng đào lớn nhất trong toàn huyện, với hơn 60 hộ dân trồng đào, tạo công ăn việc làm cho hơn gần 200 lao động thường xuyên. Từ lâu, cây đào đã trở thành nguồn thu nhập chính của nông dân nơi đây.
Thế nhưng trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid – 19, nhiều người dân mất ăn, mất ngủ, lo lắng không yên. Bà Nguyễn Thị Tiến (thôn Trường Lạc, xã Kỳ Tân) bày tỏ, công sức chăm bón, lo toan cả năm trời, cũng chỉ mong cuối năm thu được thành quả xứng đáng. Thế nhưng nếu có dịch bệnh thì mình cũng chẳng biết làm thế nào, đành phải chấp nhận cắt lỗ chờ năm sau.
Anh Nguyễn Tiến Phong (thôn Trường Lạc, xã Kỳ Tân) nhận định, năm nay, những người trồng đào sẽ gặp nhiều khó khăn về đầu ra. Là năm nhuận cộng thêm thời tiết thất thường khiến vườn đào gần 50 gốc của nhà tôi ra hoa sớm, nhiều cây đã bắt đầu tàn nụ. Mọi năm, đến thời điểm này đa số đào trong vườn đã được khách đặt hàng gần hết với giá cao. Năm nay, dịch bệnh bùng phát trở lại khiến lượng khách tìm giảm mà giá cũng không được như những năm trước”.
Không chỉ đào, tiểu thương kinh doanh các mặt hàng cây cảnh khác như bưởi, mai,...cũng không tránh khỏi sự hoang mang. Những người bán nơi đây cho biết, mọi năm vào thời gian này, những thương vụ mua bán đào "giá khủng" diễn ra rất sôi động, nhưng năm nay tình hình trái ngược hoàn toàn.
Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, những người nông dân chỉ mong dịch nhanh chóng được kiểm soát để các thương lái vào mua buôn, người trồng đào gỡ gạc được đồng nào hay đồng ấy.
Thêm nhận xét mới