Quyết định xử phạt vi phạm hành chính   |    Thông báo Ý kiến chỉ đạo của đồng chí Bí thư Huyện ủy tại phiên tiếp công dân định kỳ tháng 11 năm 2024   |    Tài liệu tập huấn, tuyên truyền về Luật Tiếp cận thông tin   |    Tài liệu tập huấn, tuyên truyền về Luật Tiếp cận thông tin   |    Tài liệu tập huấn, tuyên truyền về Luật Tiếp cận thông tin   |   

Huyện Kỳ Anh gian nan phân loại rác tại nguồn

  

00:19 11/01/2021

Chỉ tính riêng trong năm 2020, trên địa bàn huyện Kỳ Anh phát sinh hơn 18.000 tấn chất thải các loại, thế nhưng, trong số đó chỉ có một lượng ít rác thải được phân loại và tái chế. Trong khi phần lớn người dân lại không “mảy may” với việc phân loại rác tại nguồn.

Theo đó, làm tốt công tác phân loại rác tại nguồn sẽ làm giảm lượng rác thải ra môi trường, tiết kiệm được nguồn kinh phí lớn và giúp quá trình tái chế trở nên đơn giản hơn rất nhiều. Đặc biệt, với lượng hữu cơ lớn trong rác thải sinh hoạt (ước tính khoảng 50 - 70%), đây sẽ là nguồn nguyên liệu dồi dào để sản xuất phân vi sinh, một loại phân rất tốt cho cây trồng và thân thiện với môi trường. Để giải quyết vấn đề này, huyện đã triển khai nhiều giải pháp, trong đó có phân loại rác tại nguồn để tái chế.

Công nhân HTX môi trường và quản lý chợ Kỳ Đồng vất vả với từng túi rác lớn chưa được phân loại

Việc làm tưởng chừng như đơn giản này lại đang gặp khó khăn khi chưa trở thành thói quen của người dân. Phần lớn lại không "mảy may" với việc phân loại rác thải tại nguồn, dù mỗi hộ gia đình đều đã “sẵn sàng” 3 thùng phân loại rác khác nhau (dễ phân hủy, tái chế và không tái chế). Vẫn thói quen cũ, họ gom chung các loại rác vào một túi chứa hoặc thùng rác, rồi “mặc kệ” câu chuyện về sau. Điều đó cũng đã dẫn đến những hệ luỵ nhất định cho môi trường và những người làm công tác thu gom, xử lý rác thải. Ông Nguyễn Đức Hùng – Giám đốc HTX môi trường và Quản lý chợ Kỳ Đồng chia sẻ : “Dù đã có chủ trương, hướng dẫn cụ thể của chính quyền địa phương về phân loại và xử lý rác tại nguồn, tuy nhiên đại bộ phận người dân vẫn chưa có ý thức tốt trong phân loại rác tại nguồn, gây nhiều khó khăn cho HTX”.

Bên trong những túi rác chưa phân loại ẩn chứa những nguy hiểm

Có theo chân những công nhân vệ sinh môi trường trên các tuyến đường của huyện Kỳ Anh mới thấu hiểu được hết những khó khăn, vất vả của họ. Hơn 3 năm gắn bó với nghề thu gom rác, chị Nguyễn Thị Lý – Công nhân HTX môi trường và quản lý chợ Kỳ Đồng chia sẻ: “ Công việc của chúng tôi vốn đã vất vả nay lại càng khó khăn hơn vì một bộ phận người dân thiếu ý thức trong việc phân loại rác thải tại nguồn. Đặc biệt, vào mùa mưa bão, kể cả những mảnh sành, thủy tinh, xác động vật hay bao bì...họ đều “trộn lẫn” vào nhau khiến việc thu gom trở nên nặng nề và khó khăn hơn ”.

Là nhà máy xử lý rác duy nhất trên địa bàn huyện Kỳ Anh và các vùng lân cận. Mỗi ngày, công ty THHH MTV xử lý rác thải sinh hoạt Hoành Sơn tiếp nhận từ 60 – 80 tấn rác, phần lớn rác thải không được phân loại tại nguồn, gây lãng phí tài nguyên và sức lao động. Dùng sức người để phân loại hàng trăm tấn rác, trong khi thói quen của đại bộ phận người dân vẫn chưa được cải thiện. Mỗi ngày, những người công nhân trong nhà máy rác vẫn miệt mãi phân loại hàng chục tấn rác theo những cách thủ công, đơn thuần nhất.

Hằng ngày, công nhân nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt Hoành Sơn vẫn miệt mài
phân loại hàng chục tấn rác thải theo những cách thủ công và đơn thuần nhất.

Thường xuyên phải làm việc trong không gian gò bó, môi trường yếm khí độc hại ẩn chứa nhiều dị vật nguy hiểm như mảnh thủy tinh vỡ, bơm kim tiêm đã qua sử dụng khiến nhiều công nhân không khỏi rợn gai ốc mỗi lần kể lại.

Chị Nguyễn Thị Thủy – Công nhân Công ty TNHH MTV xử lý rác thải sinh hoạt Hoành Sơn cho biết,
“dù đã có máy móc hiện đại hỗ trợ, thế nhưng phần lớn công việc dựa trên sức người là chính.
Khi xe chở rác đến, chúng tôi phải xé và phân loại “thủ công” từng bao to rác thành những loại rác khác nhau,
mà ẩn chứa nhiều vật nhọn nguy hiểm trong đó.

Bà Dương Thị Vân Anh – Phó chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh cho biết: “Năm 2021, huyện Kỳ Anh tiếp tục triển khai Nghị quyết số 40 về phân loại, xử lý rác thải rắn. Đề án chỉ có thể thành công nếu có sự tham gia của toàn xã hội, đặc biệt là ý thức tự giác của người dân. Theo đó, Kỳ Anh sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về phân loại rác tại nguồn. Xây dựng nhiều mô hình thí điểm tại các tổ liên gia, tổ tự quản, trường học… từ đó nhân rộng mô hình ra toàn xã hội. Thực hiện tốt việc phân loại rác tại nguồn sẽ làm giảm áp lực đáng kể về ngân sách cho xử lý rác thải, giảm nguy cơ phát sinh ô nhiễm môi trường.”

Xác định được ý nghĩa, vai trò của công tác phân loại rác thải tại nguồn; cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong công tác tuyên truyền, trong thời gian tới, huyện Kỳ Anh sẽ tiếp tục hướng dẫn vận động người dân thực hiện phân loại rác thải tại nguồn; nâng cao ý thức trách nhiệm, thực hiện tốt việc phân loại và xử lý rác thải tại nguồn để biến “rác thải trở thành tài nguyên góp phần bảo vệ môi trường sống xanh – sạch – đẹp”.

Huyền Trang - Phạm Tuấn

Thêm nhận xét mới

 Bình luận của bạn đã được gửi thành công. Cảm ơn bạn!   Làm mới
Lỗi: Vui lòng thử lại