Những ngày này, khắp trên các cánh đồng của huyện Kỳ Anh không khí vô cùng nhộn nhịp bởi tiếng cười nói của bà con nông dân, xen lẫn tiếng máy làm đất. Với bà con, việc sản xuất vụ xuân năm 2020 phấn khởi hơn hết bởi việc “dồn điền” xây dựng cánh đồng mẫu lớn một giống của địa phương sẽ tạo rất nhiều thuận lợi trong khâu làm đất để chuẩn bị gieo cấy sản xuất.
Khởi động từ đầu tháng 12 đến nay, 11 xã trên địa bàn huyện đã và đang thực hiện có hiệu quả đề án, chủ động cắm mốc, vẽ sơ đồ, đo đạc diện tích, phân bổ nội dung kế hoạch cụ thể đến từng người dân. Trước đó, các địa phương trong huyện đã tiến hành đăng ký và cam kết hoàn thành ngay trong vụ xuân 2021.
Cụ thể tại các địa phương: Kỳ Phong (25 ha), Kỳ Tiến (24,32 ha), Kỳ Giang (20 ha), Kỳ Phú (47 ha), Kỳ Đồng (24 ha), Kỳ Thư (36 ha), Kỳ Hải (23 ha), Kỳ Bắc (26 ha), Kỳ Thọ (20 ha), Kỳ Văn (11,1 ha), Kỳ Khang (35 ha)… Quy mô tối thiểu 0,3 ha/ruộng và 5 ha/vùng.
Bà Đậu Thị Ái (thôn Tân Đình, xã Kỳ Giang) bày tỏ, việc thực hiện chủ trương “phá bờ thửa nhỏ, xây dựng cánh đồng mẫu lớn” mang lại rất nhiều lợi ích cho người dân từ nguồn nước sản xuất, làm đất, sau đó là chăm bón và thu hoạch cũng rất thuận tiện. Do vậy, chúng tôi rất phấn khởi và ủng hộ chủ trương của địa phương.
Xã Kỳ Thư là một trong những xã đầu tiên của huyện Kỳ Anh triển khai phá ô thửa nhỏ, xây dựng cánh đồng mẫu lớn. Sau thời gian dài gián đoạn do mưa lũ, xã đã gấp rút huy động máy móc đào đắp, san lấp trên cánh đồng hơn 30 ha thuộc các thôn Liên Miệu, Đan Trung, Trung Giang. Theo đó, 185 ô thửa nhỏ sẽ được quy hoạch chỉ còn 32 ô thửa lớn. Ông Nguyễn Duy Thành – Phó Chủ tịch UBND xã Kỳ Thư chia sẻ, để thực hiện đề án phá ô thửa nhỏ, xây dựng cánh đồng mẫu lớn, toàn hệ thống chính trị từ cấp huyện, đến thôn đã tổ chức nhiều cuộc họp, lấy ý kiến, nguyện vọng của nhân dân. Bà con đều rất vui mừng và nhất trí với chủ trương của địa phương. Xã quyết tâm hoàn thành đề án trong tháng 12 để kịp thời gieo cấy vụ xuân năm 2020.
Để kịp thời hoàn thành các mục tiêu đề ra, UBND huyện Kỳ Anh đã triển khai cơ chế chính sách, kế hoạch để hỗ trợ các địa phương thực hiện như: Hỗ trợ 3 triệu đồng/ha, 50 triệu đồng/cánh đồng kinh phí thuê máy phá bỏ bờ thừa, cải tạo, di dời vật cản trên đồng ruộng, hỗ trợ kinh phí mua giống lúa mức 40%.
Việc chuyển đổi bờ thửa sẽ góp phần làm thay đổi thói quen trong sản xuất nhỏ lẻ và gieo cấy truyền thống của người dân, hướng đến một nền sản xuất nông nghiệp tập trung, đồng nhất về giống, đồng nhất về quy trình và đồng nhất về sản phẩm, hướng đến sản xuất theo hướng hàng hóa.
Thêm nhận xét mới