Giấy mời tiếp dân định kỳ của Đ/c Bí thư, Đ/c Chủ tịch HĐND và Đ/c Chủ tịch UBND huyện tháng 12.2024   |    Thông báo kết quả Tiếp công dân ngày 05/12/2024 của Đ/c Chủ tịch UBND huyện   |    Thời gian, địa điểm xét tuyển vòng 2, kỳ tuyển dụng viên chức Giáo dục huyện Kỳ Anh năm học 2024 - 2025   |    Danh sácThông báo thí sinh đủ điều kiện, tiêu chuẩn dự xét tuyển vòng 2 kỳ tuyển dụng viên chức giáo dục năm học 2024 - 2025   |    Giấy mời tiếp dân định kỳ ngày 5.12.2024   |   

Quá trình nhận thức và từng bước hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta

  

08:14 30/09/2017

Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa thực chất là kiểu tổ chức nền kinh tế dựa trên nguyên tắc và tuân thủ những quy luật của kinh tế thị trường, tức là thể hiện đầy đủ các đặc trưng chung, cơ bản của nền kinh tế thị trường.

Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa thực chất là kiểu tổ chức nền kinh tế dựa trên nguyên tắc và tuân thủ những quy luật của kinh tế thị trường, tức là thể hiện đầy đủ các đặc trưng chung, cơ bản của nền kinh tế thị trường.


Bản chất của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là nền kinh tế mở phù hợp với xu thế hội nhập kinh tế quốc tế để phát triển trong thời đại ngày nay. Các chủ thể kinh tế thị trường tồn tại độc lập, tự do kinh doanh, tự chủ về kinh tế. Các loại thị trường cơ bản và các yếu tố cơ bản của từng loại thị trường được hình thành đồng bộ; cạnh tranh thực sự là môi trường, là động lực phát triển; giá cả được hình thành trên cơ sở quan hệ cung - cầu; sự can thiệp của Nhà nước vào nền kinh tế phải tuân thủ nguyên tắc thị trường, tôn trọng các quy luật của nền kinh tế thị trường.

Quan điểm của Đảng ta về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa được nêu rõ tại Đại hội lần thứ X trên cơ sở phát triển các quan điểm, định hướng tại Đại hội Đảng lần thứ VIII với bảy nội dung định hướng xã hội chủ nghĩa trong nền kinh tế thị trường, đó là: (1) Thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh; (2) Giải phóng mạnh mẽ và không ngừng phát triển sức sản xuất, nâng cao đời sống nhân dân; (3) Đẩy mạnh xóa đói, giảm nghèo, đồng thời khuyến khích mọi người dân làm giàu chính đáng và giúp đỡ, tạo điều kiện để người khác thoát nghèo, từng bước khá giả hơn; (4) Phát triển kinh tế  với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, trong đó kinh tế nhà nước và kinh tế tập thể ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân; (5) Thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước và từng chính sách phát triển; tăng trưởng kinh tế đi đôi với phát triển văn hóa, y tế, giáo dục… giải quyết tốt các vấn đề xã hội vì mục tiêu phát triển con người; (6) Thực hiện chế độ phân phối chủ yếu theo kết quả lao động, hiệu quả kinh tế, đồng thời theo mức đóng góp vốn cùng các nguồn khác và thông qua phúc lợi xã hội; (7) Phát huy quyền làm chủ xã hội của nhân dân bảo đảm vai trò quản lý, điều tiết nền kinh tế Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Quá trình nhận thức về nền kinh tế thị trường xã hội ở nước ta được thể hiện phù hợp qua từng giai đoạn lịch sử:

Giai đoạn nhận thức lý luận về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa từ trước Đại hội VI năm 1986

Năm 1979, Trung ương triệu tập Hội nghị Trung ương 6 khóa IV và ban hành Nghị quyết về tình hình và nhiệm vụ cấp bách trong đó nêu rõ: “Chúng ta đang đứng trước nhiều khó khăn về kinh tế và đời sống: Sản xuất phát triển chậm, năng suất thấp, đời sống thiếu thốn, nhất là đời sống của những người ăn lương ở thành thị và các khu vực công nghiệp; nhiều hiện tượng tiêu cực trong xã hội có tính nghiêm trọng. Điều cần đặc biệt quan tâm là người lao động sản xuất thiếu hăng hái sản xuất, bọn làm ăn bất chính và phi pháp vẫn ngang nhiên hoạt động. Kẻ địch đang lợi dụng tình hình kinh tế và đời sống khó khăn để phá rối ta trên nhiều mặt sản xuất và thị trường, tâm lý và dư luận, trong nước và nước ngoài”. Đây là hậu quả của một nền kinh tế bị chiến tranh tàn phá nặng nề, mặt khác, sau thống nhất đất nước ngày 30/4/1975, chúng ta quá rập khuôn, máy móc thực hiện áp dụng mô hình kinh tế của Liên Xô với chủ trương ưu tiên phát triển công nghiệp nặng vào một “cơ thể” của đất nước vừa ra khỏi chiến tranh. Cùng với việc thực hiện vận hành nền kinh tế chịu sự thống trị tuyệt đối của chế độ sở hữu công cộng, vận hành theo cơ chế kế hoạch hoá tập trung. Các quan hệ hàng hoá, tiền tệ, thị trường bị phủ nhận. Do tính kém hiệu quả của nền kinh tế kế hoạch hoá tập trung được thống nhất từ Trung ương đến địa phương, dưới áp lực của thực tiễn, trong những năm cuối thập niên 1970, đầu thập niên 1980, nền kinh tế diễn ra những cải cách cục bộ theo hướng bước đầu thừa nhận thị trường là một công cụ bổ sung cho kế hoạch, chủ yếu để tổ chức hoạt động kinh doanh ở cấp vi mô.

Chính vì vậy, tại Hội nghị này, Trung ương cũng đã ban hành Nghị quyết về phương hướng, nhiệm vụ phát triển công nghiệp hàng tiêu dùng và công nghiệp địa phương, đây được coi là Nghị quyết “bung ra” của Đảng về phát triển kinh tế. Tư tưởng cốt lõi của Nghị quyết là: “Phải tận dụng các thành phần kinh tế: Quốc doanh, công tư hợp doanh, tập thể, cá thể (kể cả tư sản được kinh doanh hợp pháp); kết hợp quy mô lớn, vừa, nhỏ; kỹ thuật thủ công, nửa cơ giới và cơ giới; kết hợp Trung ương, địa phương (tỉnh, thành, huyện) và cơ sở. Tận dụng mọi khả năng về lao động, tài nguyên và năng lực sản xuất của các ngành kinh tế, quốc phòng, văn hóa để sản xuất hàng tiêu dùng”.

Năm 1981: Do yêu cầu đẩy mạnh sản xuất, bảo đảm đời sống và nâng cao hiệu quả kinh tế, Ban Bí thư Ban hành Chỉ thị số 100-CT/TW, ngày 13/01/1981 về “Cải tiến công tác khoán, mở rộng “khoán sản phẩm đến nhóm lao động và người lao động” trong hợp tác xã nông nghiệp”. Đây là hai điểm đột phá thị trường đầu tiên ở hai lĩnh vực kinh tế chủ chốt, tạo động lực phát triển mạnh mẽ cho doanh nghiệp, tập thể và người lao động.

Giai đoạn 1984 -1986: Nhà nước giảm dần số mặt hàng cung cấp định lượng, thu hẹp dần chế độ hai giá. Năm 1985, dưới áp lực lạm phát mạnh, tiến hành đổi tiền. Các bước “tiến ra” thị trường này gây “sốc” mạnh trong xã hội do giá của nhiều hàng hoá chuyển thành giá thị trường trong khi giá các sản phẩm đầu vào như lương (giá lao động) và lãi suất, tỷ giá (giá vốn) và giá một số mặt hàng thiết yếu (gạo, chất đốt, thịt,…) vẫn là phi thị trường. Nền kinh tế lâm vào rối loạn, khủng hoảng. Nguyên nhân không phải do áp dụng các quan hệ giá trị - thị trường mà do áp dụng chúng thiếu đồng bộ, không hệ thống và thiếu triệt để.

Trong nhận thức lý luận, vẫn chưa thừa nhận những thay đổi mang tính cấu trúc của nền kinh tế mà thiếu chúng thì không thể có nền móng cho sự tồn tại và phát triển của kinh tế thị trường. Trên thực tế, chưa thừa nhận tính tất yếu của kinh tế đa thành phần, đa sở hữu, của sở hữu tư nhân và các lợi ích hợp pháp được hưởng từ các quyền tài sản (phủ nhận nguyên tắc phân phối dựa vào nguồn vốn đóng góp). Không thừa nhận quyền tự chủ kinh doanh, tự chịu trách nhiệm tài chính của doanh nghiệp. Nền kinh tế vận hành theo nguyên tắc "hiện vật", phủ nhận thị trường, giá cả và cạnh tranh thị trường. Tiếp tục duy trì mô hình tự cung - tự cấp với quan điểm xây dựng nền kinh tế tự bảo đảm, ưu tiên phát triển công nghiệp nặng, hướng nội, phụ thuộc vào nguồn tài trợ quốc tế từ các nước thuộc hệ thống xã hội chủ nghĩa.

Giai đoạn từ Đại hội VI năm 1986 đến hết Đại hội VIII năm 2001:

Đại hội VI đột phá mạnh và căn bản trong tư duy lý luận bằng việc đề ra đường lối đổi mới, trong đó, phê phán và từ bỏ cơ chế kế hoạch hoá tập trung, bao cấp, coi sản xuất hàng hoá và kinh tế hàng hoá không phải là sản phẩm riêng có của nền kinh tế tư bản chủ nghĩa. Đề ra đường lối đổi mới, trong đó, nhấn mạnh yêu cầu đổi mới tư duy, coi việc “sử dụng đúng đắn quan hệ Hàng hoá - Tiền tệ là đặc trưng thứ hai của cơ chế mới về quản lý” (sau tính kế hoạch), đòi hỏi “sản xuất phải gắn với thị trường, mọi hoạt động kinh tế phải so sánh chi phí với hiệu quả, các tổ chức và đơn vị kinh tế phải tự bù đắp chi phí và có lãi để tái sản xuất mở rộng”…

Từ năm 1988 đến 1990: Tiến hành đổi mới một cách có hệ thống, tương đối đồng bộ và triệt để trên phạm vi toàn bộ nền kinh tế : Khoán 10 trong nông nghiệp; thiết lập hệ thống ngân hàng hai cấp. Xoá bỏ chế độ hai giá, áp dụng hệ thống giá thị trường, thống nhất hệ thống tỷ giá và thực hiện chế độ lãi suất dương để chống lạm phát; thông qua Pháp lệnh về Ngân hàng nhà nước, Pháp lệnh về các ngân hàng thương mại và các Tổ chức tín dụng; sửa đổi Luật Đầu tư nước ngoài; ban hành Luật Công ty và cho phép các công ty tư nhân trực tiếp xuất, nhập khẩu.

Từ năm 1991-1996: Tiếp tục đẩy mạnh đổi mới thể chế và định hình khung cấu trúc thể chế của nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần . Tại Đại hội lần thứ VII của Đảng đã thông qua “Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội”. Cương lĩnh khẳng định đường lối “ Phát triển một nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Kinh tế quốc doanh giữ vai trò chủ đạo... Xoá bỏ triệt để cơ chế quản lý tập trung quan liêu, bao cấp, hình thành cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước bằng pháp luật, kế hoạch, chính sách và các công cụ khác” , các nội dung được cụ thể hóa quan trọng: Năm 1992, thông qua Hiến pháp mới, chính thức thừa nhận nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần; Thí điểm cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước, bắt đầu triển khai rộng từ năm 1996. Sửa đổi Luật Đất đai, ban hành Luật Phá sản; Luật Doanh nghiệp nhà nước. Lệnh cấm vận của Mỹ được tháo bỏ (1993) và năm 1995, Việt Nam trở thành thành viên ASEAN, đồng thời bình thường hoá quan hệ với Mỹ…

Từ năm 1996-2000: Quá trình đổi mới thể chế có phần chững lại, nền kinh tế chịu tác động tiêu cực mạnh mẽ của cuộc khủng hoảng tài chính - tiền tệ khu vực. Đại hội Đảng lần thứ VIII (1996) tổng kết 10 năm đổi mới, nhận định nước ta đã thoát khỏi tình trạng khủng hoảng kinh tế - xã hội, bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đặt mục tiêu đến năm 2020, đưa nước ta "về cơ bản trở thành nước công nghiệp". Đại hội xác nhận những thành tựu phát triển to lớn do đổi mới mang lại, khẳng định con đường đổi mới, phát triển nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần, theo định hướng xã hội chủ nghĩa có sự quản lý của nhà nước là đúng đắn. Từ năm 1998, Chính phủ áp dụng chính sách "kích cầu đầu tư" nhằm khắc phục xu hướng suy giảm tốc độ tăng trưởng và tình trạng trì trệ trong nền kinh tế. Chính sách này có tác động vực dậy nền kinh tế, song cũng gây ra một số hậu quả tiêu cực, phục hồi các yếu tố của cơ chế cũ (bao cấp, xin cho, bảo hộ nhà nước, độc quyền doanh nghiệp nhà nước), làm giảm hiệu lực của chương trình điều chỉnh cơ cấu nhằm thúc đẩy quá trình đổi mới theo hướng thị trường - mở cửa.

(Đón đọc Bài 3: Nhận thức về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa giai đoạn Đại hội IX năm 2001 đến trước Đại hội lần thứ XII của Đảng)

Phan Xuân Huấn - Văn phòng Tỉnh ủy

Thêm nhận xét mới

 Bình luận của bạn đã được gửi thành công. Cảm ơn bạn!   Làm mới
Lỗi: Vui lòng thử lại