Năm nay, sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn, nhất là sản xuất lúa vụ Xuân, nhưng cấp ủy, chính quyền huyện đã tập trung chỉ đạo khắc phục nên huyện Kỳ Anh được mùa khá toàn diện, vậy nguyên nhân từ đâu và có thế rút ra những bài học gì cho sản xuất những năm tới.
Ngay từ cuối vụ Đông 2015, Ban Thường vụ Huyện ủy Kỳ Anh đã ban hành Chỉ thị về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo sản xuất Nông nghiệp 2016, UBND huyện đã xây dựng Kế hoạch sản xuất, Phòng NN&PTNT đã ban hành Đề án sản xuất vụ Xuân 2016; UBND huyện đã giao cho các cơ quan chuyên môn tổ chức tập huấn kỹ thuật đến tận bà con nông dân. Đồng thời tăng cường chỉ đạo chuẩn bị đầy đủ giống, vật tư, kỹ thuật để phục vụ sản xuất và quyết tâm giành vụ Xuân thắng lợi toàn diện. Căn cứ vào dự báo của Trung tâm khí tượng Thủy văn Trung ương, lịch sản xuất của tỉnh, Phòng NN&PTNT đã tổ chức hội thảo, ban hành lịch thời vụ,, trong đó quyết định chọn ngày 25/4 là đỉnh trổ của lúa Xuân ( như vậy lúa sẽ trỗ tiết Cốc Vũ ghé Lập Hạ từ 21-27/4) .
Ảnh: Đồng chí Bùi Quang Hoàn - Chủ tịch UBND huyện kiểm tra đồng ruộng.
Vụ Xuân năm nay, toàn huyện gieo cấy hơn 5.500ha lúa, trong đó bố trí hơn 95% giống Xuân muộn, có thời gian sinh trưởng từ 120-130 ngày, lịch gieo từ ngày 21-29/1/2016. Tuy nhiên, từ ngày 23-28/1/2016, đã xảy ra đợt rét hại lịch sử, nhiệt độ xuống thấp kỷ lục, ngày 25/1/2016 nhiệt độ xuống 8 o c, thậm chí ở các xã vùng trên nhiệt độ xuống 5 o c , đã làm cho diện tích lúa mới gieo bị chết, số còn lại bị kéo dài thời gian gieo. Trong đợt rét này, đã làm chết trên 484,23 ha (chết trên 70%), 800,41 ha (chết trên 30%) và làm chết 86 con gia súc,…
Ảnh: Cánh đồng lúa
Trước tình hình đó, Ban Thường vụ Huyện ủy đã chỉ đạo cấp ủy, chính quyền toàn huyện tập trung khắc phục thiệt hại, nhất là gieo lại các trà lúa bị chết, tuyệt đối không để ruộng hoang. UBND huyện đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn huy động tối đa giống lúa dự phòng và mua gần 5 tấn giống lúa Xuân ngắn ngày cấp cho các xã. Sau rét, huyện chỉ đạo các xã tập trung vận động nông dân ra đồng tỉa dặm, chăm bón, hạn chế tối đa gieo lại vì sẽ làm chậm thời vụ ảnh hưởng đến sản xuất Hè Thu,…Trời đã không phụ lòng nông dân, đã cho một vụ mùa bội thu, năng suất bình quân toàn huyện đạt 51,65 tạ/ha, cao nhất từ trước tới nay; điển hình như các xã Kỳ Phong, Kỳ Phú, Kỳ Khang, Kỳ Văn, Kỳ Lâm, Kỳ Sơn,…có năng suất trên 54 tạ/ha.
Ảnh: Bà con nông dân thu hoạch lúa
Vậy nguyên nhân nào để có kết quả như trên, trước hết nhờ yếu tối thời tiết cuối vụt, ông cha ta có câu “khó má - mạ lúa ”, đầu vụ khó làm mạ thì cuối vụ thuận lợi, năm nay lúa trổ vào thời điểm lập Hạ, lại có trận mưa rào khi lúa trổ, đặc biệt năm nay ít sâu, bệnh nên góp phần quan trọng cho vụ Xuân bội thu. Tuy nhiên, yếu tố con người rất quan trọng và quyết định, nếu thời tiết cuối vụ thuận lợi nhưng ruộng bỏ hoang hoặc để cỏ đè lên lúa thì chắng có ý nghĩa gì. Trong bối cảnh khó khăn về thời tiết đầu vụ, bà con nông dân đã kiên trì trỉa dặm, chăm bón đúng kỹ thuật, cùng với thời tiết thuận lợi lúc trổ nữa thì được mùa là điều dễ hiểu.
Để làm bài học kinh nghiệm trong chỉ đạo sản xuất lúa vụ Xuận cho các năm tới chúng tôi có thể rút ra một số kinh nghiệm sau:
Thứ nhất: Phải chấp hành nghiêm lịch thời vụ và cơ cấu giống, không nên sử dụng giống lúa có thời gian sinh trưởng trên 130 ngày, vì các giống này thường gieo vào tuyết Đại hàn hay gặp rét, không gieo quá dày lúa không đẻ nhanh, không hạn chế được sau bệnh. Phòng NN&PTNT khuyến cáo giống cơ cấu cho vụ Xuân 2017 gồm các giống như: Thiên ưu 8 ( tuy nhiên phải điều chỉnh lịch sớm hơn từ 5-7 ngày ); giống PC6, RVT, DT39, HT1, Xuân mai 12 ( tuy nhiên phải thay giống mới vào SX ), Khang dân 18, sản xuất thử SV181, N25; phấn đấu mỗi xã xản xuất 2-3 giống chủ lực;
Thứ hai: Tiếp tục sản xuất 1 giống trên cùng 1 cánh đồng để tiện lợi trong việc điều tiết nước, quản lý dịch hại, thu hoạch và để giống vụ sau;
Thứ ba: Khi gặp thời tiết rét đậm, rét hại nông dân cần bình tỉnh tháo nước cạn tránh cho lúa bị chết mầm, tiếp tục theo dõi, không vội gieo lại, vì khi gặp thời tiết tốt lúa sẽ hồi phục nhanh; Quan trọng nhất là khâu chăm bón đúng quy trình, khi lúa đã có màu xanh, đưa nước vào vừa phải, làm cỏ, tỉa dặm, bón phân để lúa đẻ nhánh ( năm nay từ khi tỉa dặm đến khi trổ thời gian hơn 30 ngày nhưng nơi nào dặm được nơi đó lúa rất đẹp).
Thứ tư: Vấn đề quan trọng nhất trong sản xuất lúa là chọn thời điểm bón đón đòng. Thời điểm này là thời gian sinh trưởng của giống theo khuyến cáo trừ đi 62 - 65 ngày (Đứng cái-trỗ = 30 ngày; Trỗ-chín = 30 ngày). Vụ Xuân thời gian này dễ bị sai lệch nhất là các năm rét, như năm 2016. Bà con quan sát thấy lúa tròn khóm, tròn cây, bộ lá đứng và cứng hơn; Đặc biệt lá trên cùng của cây cái ( Cây to cao nhất trong khóm) có thắt eo, lá hơi co lại ở vị trí cách chóp lá từ 4-6cm. Khi bóc bẹ cây cái thấy hình thành 3 lóng to, dài rõ rệt (2 ngắn và 1 dài ở giữa). Khi đó cây cái bắt đầu vào phân hóa đòng, cây con sẽ chậm hơn vài ngày; Đây là thời điểm bón đón đòng tốt nhất để thúc đẩy cây con phân bào tạo bông to, nhiều hạt. Lượng phân bón đón đòng từ 8 - 10kg NPK 12.5.10/sào hoặc bón 2-3kg ure + 3-4 kg kali/sào kết hợp với việc duy trì mực nước trên ruộng 2 – 3 cm, đảm bảo cho cây lúa làm đòng được thuận lợi.
Mong bà con nông dân huyện nhà làm chủ kỹ thuật, cẩn thận trong chăm bón, chăm chỉ trong tỉa dặm và làm cỏ, làm được như thế chắc chắn sẽ được mùa, chúc bà con thành công./.
Thêm nhận xét mới