Viết tiếp truyền thống lịch sử vẻ vang của các thế hệ phụ nữ “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang” trong sự nghiệp đấu tranh, bảo vệ Tổ quốc, phụ nữ huyện Kỳ Anh trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đang tiếp tục tỏ rõ năng lực và khẳng định mình với tinh thần cần cù, chịu khó, thực sự đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc, bình đẳng, tiến bộ. Nhiều chị em phụ nữ đã vượt khó vươn lên làm kinh tế giỏi, góp phần ổn định cuộc sống cho gia đình.
Không chỉ làm tốt vai trò người vợ, người mẹ đảm đang, vị thế phụ nữ ngày nay còn được khẳng định thông qua các phong trào giúp nhau làm kinh tế với nhiều cách làm thiết thực, hiệu quả. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông, sau khi lập gia đình chị Nguyễn Thị Thủy ở thôn Hoa Thắng –xã Kỳ Hoa- huyện Kỳ Anh luôn trăn trở để tìm cách đưa kinh tế gia đình đi lên. Nhờ được tham quan, tập huấn hướng dẫn khoa học kỷ thuật trong chăn nuôi và sự quan tâm động viên của hội phụ nữ xã, chị Thủy đã mạnh dạn vay vốn để đầu tư phát triển chăn nuôi. Từ nguồn vốn vay, chị đã đầu tư xây dựng chuồng trại chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa. Với phương châm “ Lấy ngắn nuôi dài”, chị vừa chăn nuôi lợn thương phẩm kết hợp với lợn nái sinh sản. Từ quy mô nhỏ lẻ ban đầu, được sự hỗ trợ của các cấp, các ngành trong huyện và công ty thức ăn Thiên Lộc cung ứng giống, thức ăn, thuốc thú y và khoa học kỹ thuật và bao tiêu toàn bộ sản phẩm. chị Nguyễn Thị Thủy đã đầu tư nguồn vốn xây dựng mô hình chăn nuôi lợn với quy mô 60 con/1 lứa. Bình quân mỗi năm gia đình chị nuôi 3 lứa lơn thịt, mỗi lứa từ 55 - 60 con, sau khi trừ các khoản chi phí, còn thu nhập từ 19 - 23 triệu đồng/ 1 lứa, đưa lại doanh thu mỗi năm 60 - 70 triệu đồng. Không chỉ đảm đang với vai trò một người vợ, người mẹ, chị Thủy còn khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của mình trong các phong trào ở địa phương, nhất là thi đua phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, xây dựng cuộc sống mới.
Với suy nghĩ không để cái nghèo, cái đói đeo bám mãi, bằng ý chí và nghị lực của mình, chị Nguyễn Thị Thanh Lan, thôn Hưng Phú, xã Kỳ Hưng- huyện Kỳ Anh đã vượt qua khó khăn, thử thách để làm giàu ngay trên chính quê hương. Sau nhiều năm lam lũ, vất vả, chị đã tìm được hướng phát triển kinh tế gia trại. Được tiếp thêm sức mạnh từ hội phụ nữ các cấp, chị mạnh dạn xây dựng gia trại chăn nuôi gia cầm, trung bình mỗi năm chị nuôi từ 5 - 6 lứa gà, mỗi lứa chị xuất bán từ 1000 - 1500 con gà thịt. Sau khi trừ các khoản chi phí, mỗi lứa chị thu về từ 8-11 triệu đồng. Mô hình nuôi gà thả vườn, được xem là mô hình mẫu có hiệu quả đang được nhiều chị em hội viên phụ nữ ở nhiều địa phương trong toàn huyện đến tham quan và áp dụng vào trong quá trình chăn nuôi. Ngoài nuôi gà thả vườn, chị còn xây dựng mô hình cánh đồng mẫu, trồng sắn và các loại cây ăn quả, làm cho mô hình kinh tế tổng hợp có giá trị đưa lại nguồn thu nhập khá.
Đối với gia đình chị Phan Thị Chiều ở thôn 3 –xã Kỳ Thượng-huyện Kỳ Anh lại mạnh dạn khai hoang, phục hóa đầu tư phát triển kinh tế trang trại để xây dựng mô hình trồng hơn 5 ha cây quýt, bao gồm quýt bản địa và cây quýt ngọt. Nhờ áp dụng đúng quy trình khoa học kỷ thuật, trồng theo quy mô tập trung nên cây quýt phát triển tốt. Qua thực tế cho thấy, cùng với cây quýt bản địa thì cây quýt ngọt cũng là loại cây dễ trồng, phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu thổ nhưỡng ở nơi đây. Bình quân sau mỗi vụ thu hoạch, sau khi trừ các khoản chi phí, gia đình chị còn thu về khoảng 200 triệu đồng, nếu so sánh với cây trồng khác trên cùng diện tích thì trồng quýt ngọt hiệu quả cao hơn nhiều. Hiện nay, phong trào trồng cây quýt bản địa và quýt ngọt đang được chị em phụ nữ ở đây xem là cây trồng chủ lực, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế cho nhiều gia đình chị em các xã vùng thượng huyện Kỳ Anh.
Trao giấy khen cho những hội viên phụ nữ xuất sắc Để thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua, các nhiệm vụ trọng tâm công tác hội, trong những năm qua, Hội LHPN huyện Kỳ Anh đã làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến toàn thể hội viên phụ nữ trong toàn huyện. Nhờ đó, đã giúp cho các hội viên nâng cao kiến thức, phát huy vai trò của mình về xây dựng cộng sống, phát triển kinh tế. Phong trào “Chung sức xây dựng nông thôn mới” được các cấp hội trong toàn huyện tổ chức lồng ghép với các hoạt động của hội như: Triển khai cuộc vận động xây dựng “ Gia đình 5 không, 3 sạch” và phong trào “ Nhà sạch, vườn đẹp ”. Chính vì vậy, phong trào phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế ở huyện Kỳ Anh thời gian qua đã đạt được những kết quả tích cực, thật sự đi vào cuộc sống, qua đó góp phần đáng kể trong việc nâng cao nhận thức và đời sống hội viên, giải quyết việc làm, tăng thu nhập, giúp chị em vươn lên thoát nghèo, làm giàu. Nhiều mô hình làm ăn có hiệu quả được các chị áp dụng, nhân rộng đạt hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với điều kiện sản xuất ở từng địa phương. Để tiếp tục giúp chị em phát triển kinh tế gia đình, tăng thu nhập, trong thời gian tới, Hội LHPN huyện Kỳ Anh sẽ tích cực triển khai các nguồn vốn vay hỗ trợ phụ nữ, duy trì hoạt động tiết kiệm tạo nguồn vốn tại chỗ. Đồng thời, phát triển sâu rộng phong trào phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế dưới nhiều hình thức phong phú, thu hút đông đảo hội viên tham gia.
Thực hiện “Phong trào phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình” do Hội phụ nữ các cấp phát động trong những năm qua đã trở thành hoạt động thường xuyên gắn với phong trào thi đua yêu nước và 6 nhiệm vụ trọng tâm của Hội phụ nữ huyện Kỳ Anh. Từ phong trào này, tinh thần “ Tương thân, tương ái” giúp nhau trong lúc khó khăn hoạn nạn luôn được phát huy, đã có nhiều chị em khó khăn được giúp đỡ vươn lên thoát nghèo. Qua đó đã góp phần thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội phụ nữ toàn quốc lần thứ XI và Nghị quyết Đại hội đảng bộ huyện Kỳ Anh lần thứ XXVI, đáp ứng được nguyện vọng của các tầng lớp phụ nữ, từ đó chị em thiết tha gắn bó với tổ chức Hội và vị thế của người phụ nữ trong gia đình và ngoài xã hội ngày càng được nâng lên.
Thêm nhận xét mới