Lễ công bố quyết định và trao bằng công nhận nghề truyền thống bánh đa, bánh mướt chợ Cầu, xã Kỳ Châu.
Nghề làm bánh đa, bánh mướt, được người dân ở đây tiếp nhận và thuần thục bắt đầu từ sau những năm đầu, khi cuộc kháng chiến chống Pháp kết thúc; Nghề làm bánh, người dân ở đây gọi là nghề buôn thúng bán mẹt và được xem là nghề tạo ra thu nhập chính cho phụ nữ lúc bấy giờ. Trải qua 02 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ nghề làm bánh tráng, bánh mướt thưa dần do chiến tranh diễn ra trong một thời gian khá dài, nghề bánh dần dần thưa người làm. Sau khi tình hình đất nước ổn định, kinh tế trên đường khôi phục người dân bắt đầu quay trở lại với nghề làm bánh. Tại thời điểm này, nghề làm bánh được xem là nghề chính của người dân nơi đây; nghề không chỉ tạo công ăn việc làm mà còn đưa lại thu nhập khá ổn định.Đến nay, nghề làm bánh đa, bánh mướt ở xã Kỳ Châu đã có gần 30 hộ gia đình duy trì thường xuyên, trở thành nghề chính của gia đình. Trong những năm gần đây do nhu cầu tiêu thụ của người dân ngày càng nhiều, Kỳ Châu đã có 03 hộ gia đình đầu tư mua sắm máy móc hiện đại để sản xuất, trong đó, có 01 hộ gia đình đã phát triển với quy mô thành Hợp tác xã, đưa sản phẩm theo định hướng sản phẩm của địa phương.
Phát triển nghề đảm bảo được mức thu nhập của các hộ dân đang sản xuất ; gắn phát triển nghề truyền thống bánh đa và bánh mướt theo hướng hiện đại hóa, đảm bảo chất lượng và giữ được hương vị đặc trưng, rất riêng thơm ngọt, béo bùi đậm đà của bánh đa, bánh mướt chợ Cầu. Đây là nghề, có quá trình hình thành và tồn tại từ lâu đời tại xã Kỳ Châu. Hiện nay, làng nghề này vẫn đang phát triển với sản phẩm đạt chất lượng 3 sao, giải quyết việc làm cho hàng chục lao động, với mức thu nhập khá. Ngày nay khi nhắc đến Kỳ Châu, người ta thường nhớ đến bánh đa, bánh mướt gắn liền với địa danh chợ Cầu. Bánh đa, bánh mướt Chợ Cầu đã đi vào thơ ca ví giặm của địa phương..../.
Thêm nhận xét mới