Huyện Kỳ Anh kêu gọi vận động, ủng hộ Quỹ vì người nghèo dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ   |    Giấy mời tiếp dân định kỳ của Đ/c Chủ tịch UBND huyện tháng 01.2025   |    Phê duyệt kết quả tuyển dụng viên chức Giáo dục huyện Kỳ Anh năm học 2024 - 2025   |    Thí sinh trúng tuyển vào viên chức Giáo dục   |    Kết quả xét tuyển vòng 2 kỳ tuyển dụng viên chức Giáo dục huyện Kỳ Anh năm học 2024 -2025   |   

Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh thắm đượm một vùng quê

  

12:55 17/08/2020

Sau nhiều năm hoạt động, Liên hoan dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh huyện Kỳ Anh đã trở thành một “sân chơi” bổ ích, là địa điểm huyên náo của nhiều nghệ sỹ, nghệ nhân và những người yêu thích dân ca ví giặm. Câu hò, điệu ví quê hương lúc vút cao thênh thang, lúc trữ tình lắng đọng đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống văn hóa - tinh thần của con người nơi đây.

“Ngày xưa mẹ ru anh bằng câu hò xứ sở, điệu ví dặm quê mình răng mà thương mà nhớ”. Với mỗi người dân Kỳ Anh những làn điệu dân ca Ví, Giặm đã ăn sâu vào tiềm thức, từ giọng nói đến hơi thở như chính máu thịt của họ. Dân ca ví giặm đã góp phần làm phong phú kho tàng văn hóa của địa phương, góp phần hình thành và nuôi dưỡng tâm hồn bao thế hệ.

Liên hoan dân ca ví, giặm huyện kỳ anh năm 2020

Nhằm mục đích bảo tồn và phát huy các giá trị của di sản dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh, từ ngày 1 - 4/8, UBND huyện Kỳ Anh đã tổ chức Liên hoan các Câu lạc bộ dân ca ví giặm Nghệ Tĩnh năm 2020; Ban tổ chức đã chia thành nhiều cụm nhằm mục đích đưa hoạt động này về tận các khu dân cư. Tham gia liên hoan có 19 CLB là những diễn viên quần chúng đến từ các CLB dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh các xã trên địa bàn toàn huyện Kỳ Anh. Với nhiều hình thức biểu diễn đa dạng như: Hát đơn, hát đôi, hát tốp, ca cảnh, hoạt cảnh…, được thể hiện phong phú, đa dạng; nội dung vừa sử dụng lời cũ và viết lời mới đưa vào các làn điệu Ví, Giặm và các làn điệu cải biên, với chủ đề ca ngợi quê hương, đất nước, ca ngợi Đảng, Bác Hồ, xây dựng nông thôn mới, chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XXVI, Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh lần thứ XIX, hay các nội dung liên quan tới đời sống sinh hoạt hằng ngày; Mỗi phần thi có một màn diễn xướng được phục dựng trên một không gian nhất định, phù hợp với đặc trưng của vùng miền như: Ví trèo non, phường củi, phường buôn, phường cấy, phường vải, phường mộc hay môi trường sông nước… Đây cũng là dịp để các thành viên CLB, những người yêu dân ca, ví giặm Nghệ Tĩnh ở huyện Kỳ Anh gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm, giới thiệu các làn điệu mới. Đồng thời cũng là dịp hội tụ những người sáng tạo nghệ thuật quần chúng trên địa bàn huyện. Qua đó, BTC sẽ lựa chọn các tiết mục xuất sắc nhất tham gia công diễn và trao giải.

Để phát huy các giá trị truyền thống cố hữu của Ví, Gặm Nghệ Tĩnh, nhiều câu lạc bộ được thành lập từ nhiều năm trước và hoạt động sôi nổi cho đến ngày nay. Huyện Kỳ Anh có 20 CLB các xã, 22 CLB các trường học, với hơn 1 ngàn thành viên tham gia. Ở mỗi CLB đều thu hút đông đảo thành viên tham gia với nhiều thế hệ. Từ những cô bé mười một, mười hai tuổi giọng hát còn trong trẻo, ngọt ngào đến những nghệ nhân gạo cội có giọng hát làm người nghe phải thổn thức, lắng đọng mà suy ngẫm.  Vì thế, liên hoan dân ca ví giặm năm nay đã có sức lan tỏa mạnh mẽ trong quần chúng nhân dân,  thu hút đông đảo bà con tham gia thưởng thức và cổ vũ. Sau cuộc thi, BTC đã nhận được những phản hồi tích cực, đóng góp và xây dựng để Hội thi ngày càng phát triển.

Ví, Giặm không chỉ là tiếng nói từ lao động, tiếng nói tâm tình mà còn phản ánh mọi mặt đời sống của người dân. Mỗi công việc, mỗi hoạt động đều có những làn điệu riêng với những cung bậc "thăng trầm" khác nhau phù hợp với nhịp độ và tính chất công việc khác nhau. Không cầu kỳ, không hoa văn, cái dân dã của ví, giặm còn thể hiện ở những câu “hát như nói” và nhiều khi không cần dùng đến nhạc cụ làm nền. Từ những việc tâm linh đến những việc thường ngày hay những lời răn dạy... Đều có bóng dáng của ví, giặm. Hơn thế nữa ví, giặm mang tính phổ biến và tính đa dùng, hầu như ở mọi người từ già, trẻ, gái, trai đều có thể hát và cùng một nốt nhạc, cùng một làn điệu, có thể chuyển tải được nhiều nội dung, nhiều đối tượng miêu tả, nhiều sắc thái tình cảm. Vì thế, để nắm bắt được những chuyển động của cuộc sống đời thường, đội ngũ nghệ sỹ, nghệ nhân, tác giả sáng tác ở kỳ Anh vẫn luôn miệt mài, dành nhiều tâm huyết cho việc sáng tác, sưu tầm và bảo tồn các làn điệu dân ca Ví, Giặm.

Nghệ nhân nhân dân Trần Khánh Cẩm cùng các em học sinh đang miệt mài tập luyện những làn điệu mới

Năm 2013, dân ca, ví giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Thời gian qua, Huyện Kỳ Anh đã có nhiều hoạt động tích cực nhằm bảo tồn và phát huy dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh như ban hành Nghị quyết về văn hóa, ban hành Đề án đề ra chính sách để thành lập và duy trì hoạt động các Câu lạc bộ, tổ chức tập huấn, đưa các làn điệu dân ca, ví giặm vào giảng dạy ngoại khóa trong các trường học với nhiều nội dung hoạt động phong phú. Liên hoan dân ca, ví giặm các cấp đầu tư, tổ chức 2 năm 1 lần đã tạo ra sức lan tỏa mạnh mẽ đến với nhân dân.

Với những hoạt động cụ thể, dân ca, ví giặm đang từng ngày lan tỏa sâu rộng và mạnh mẽ trong cuộc sống của người dân Kỳ Anh. Vượt qua rào cản về thời gian, trải qua các cuộc chiến tranh và ngày nay là sự hội nhập quốc tế; nhưng dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh vẫn khẳng định được sức sống trường tồn của mình. Những nét tinh túy trong dân ca Ví, Giặm trở thành cội nguồn của các ca khúc đương thời mang âm hưởng phong cách âm nhạc dân gian.

Huyền Trang

Thêm nhận xét mới

 Bình luận của bạn đã được gửi thành công. Cảm ơn bạn!   Làm mới
Lỗi: Vui lòng thử lại