Giấy mời tiếp dân định kỳ của đồng chí Bí thư, chủ tịch HĐND và Chủ tịch UBND huyện tháng 11.2024   |    Công bố công khai thực hiện dự toán quý III năm 2024   |    Công bố công khai quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2023   |    Quyết định số 26/2024/QĐ-UBND, Ban hành Quy định một số nội dung của Luật Đất đai và các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh   |    Thông báo kết quả Tiếp công dân ngày 05/11/2024   |   

CHẤT VẤN - NHỮNG VẤN ĐỀ CẦN QUAN TÂM

  

08:46 21/06/2019

Chất vấn là hoạt động giám sát đặc biệt quan trọng của Quốc hội, HĐND, được tổ chức công khai, thể hiện quyền lực của cơ quan dân cử và trách nhiệm của đại biểu dân cử với cử tri, xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan công quyền. Đồng thời là hình thức giám sát trực tiếp của đại biểu Quốc hội, HĐND với các cơ quan, cá nhân bị chất vấn.

Chất vấn (interpellation), theo định nghĩa của từ điển Webster’s 1913 Dictionary là yêu cầu quan chức giải thích hoạt động, hành động của mình; là những câu hỏi buộc phải trả lời, là vấn đề nổi lên trong khi tranh luận.

Ông Trần Đình Gia, Đại biểu Quốc hội, TUV, Bí thư huyện ủy Kỳ Anh

Ở nước ta, theo quy định của Điều 2, Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân thì chất vấn được hiểu là “ việc đại biểu Quốc hội nêu vấn đề thuộc trách nhiệm của Chủ tịch, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, các thành viên khác của Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước; Đại biểu HĐND nêu vấn đề thuộc trách nhiệm của Chủ tịch UBND, thành viên khác của UBND, Chánh án Tòa án nhân dân, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân, Thủ trưởng cơ quan thuộc UBND cùng cấp và yêu cầu những người này trả lời về trách nhiệm của mình đối với vấn đề được nêu ”.

Cử tri Kỳ Phong chất vấn tại buổi tiếp xúc...
Cử tri Kỳ Lâm nêu ý kiến, kiến nghị tại buổi tiếp xúc...

1. Đặc điểm của chất vấn: "Chất vấn" - hiểu theo nguyên nghĩa của Từ điển tiếng Việt - là " hỏi và đề nghị giải thích rõ về điều gì, việc gì ". Tuy nhiên, hoạt động này không chỉ đơn giản là việc hỏi, trả lời. Chất vấn và hoạt động chất vấn của đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND được nhiều văn bản luật của nước ta quy định. Cao nhất là Hiến pháp, kế đó là Luật Tổ chức Quốc hội, Luật tổ chức Chính quyền địa phương, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND. Cả trong các nghị quyết Ban hành quy chế hoạt động của đại biểu Quốc hội và đoàn đại biểu Quốc hội và Nghị quyết ban hành nội quy kỳ họp Quốc hội, HĐND các cấp cũng đều ghi nhận và quy định trong nhiều điều khoản về hoạt động chất vấn của đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND. Qua đó cho thấy chất vấn và hoạt động chất vấn của đại biểu Quốc hội, HĐND rất được coi trọng, cả trong hoạt động thường xuyên và trong kỳ họp toàn thể.

2. Về mục đích của Chất vấn:

Chất vấn trước hết là để làm rõ trách nhiệm: Mục tiêu chính của chất vấn là để xử lý trách nhiệm người đứng đầu, là một hình thức giám sát để làm rõ trách nhiệm chính trị. Trách nhiệm chính trị là trách nhiệm trước cử tri. Tất cả mọi công dân ai cũng đều phải chịu trách nhiệm trước pháp luật; tuy nhiên, không phải ai cũng phải chịu trách nhiệm trước cử tri. Những người không nắm giữ các chức vụ cao của nhà nước thì không phải chịu loại trách nhiệm này.  Chất vấn không thể là "bới lông tìm vết", "soi mói" khuyết điểm, chất vấn không phải là để níu kéo nhau, cản trở nhau, mà là để xây dựng, làm cho các cơ quan trong bộ máy nhà nước ngày càng thực hiện tốt hơn chức năng, quyền hạn, nhiệm vụ của mình, bảo đảm sự minh bạch và chế độ trách nhiệm. Qua chất vấn giúp cho hoạt động của các cơ quan và người được chất vấn làm tốt hơn, hoàn thiện hơn.

Một mục đích khác của chất vấn là kiểm tra năng lực của quan chức trong nắm bắt và điều chỉnh lĩnh vực được phân công. Nếu cán bộ nắm vững công việc sẽ trả lời lưu loát các câu hỏi đặt ra, còn nếu ngược lại - uy tín sẽ bị giảm sút.

Chất vấn, xét về một khía cạnh nào đó, là sự cảnh báo của HĐND về một vấn đề hay một tình trạng cần được lưu ý giải quyết. Sự cảnh báo này nhằm nâng cao tính dự đoán và trách nhiệm phải nhìn nhận trước vấn đề của người quản lý.

Chất vấn cũng có mục đích cung cấp thông tin và tạo cơ hội cho HĐND đánh giá, phê bình UBND vì làm hay không làm điều gì đó. Bằng cách này, các đại biểu có thể buộc các thành viên khác của UBND chia sẻ thông tin.

Mục đích chung giữa người chất vấn và người trả lời chất vấn là tìm ra những giải pháp hiệu quả, đề ra chiến lược hợp lý nhằm giải quyết các vướng mắc, cản trở công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nâng cao đời sống dân sinh. Cùng hướng tới mục đích đó thì việc chất vấn và trả lời chất vấn sẽ " thẳng thắn mà không đao to búa lớn, không gay gắt, căng thẳng, tranh luận nhưng rất chân tình, chân tình nhưng không né tránh và nhân nhượng " như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (nguyên là Chủ tịch Quốc hội) từng nói.

Có thể lượt qua tổng quan nhận xét về tình hình chất vấn ở các kỳ họp HĐND thời gian qua như sau:

- Chưa chuẩn bị kỹ, không nắm chắc vấn đề, chưa hiểu rõ nguyên nhân, chưa đủ thông tin và tri thức để hiểu vấn đề, nhưng vẫn hỏi nên vô hình dung là không đầy đủ trách nhiệm. Cho nên, chất vấn và trả lời chất vấn phải rất coi trọng chất lượng và hiệu quả, đáp ứng lòng tin và kỳ vọng của cử tri,

- Một câu hỏi hay không nên rườm rà, dài dòng mà phải sát với thực tiễn, sát với cuộc sống, đi thẳng vào vấn đề, đi kèm là quy ra trách nhiệm thuộc về ai,

- Câu hỏi cần ngắn gọn, dể hiểu, rõ ràng, trúng vấn đề, thẳng thắn, nhưng đừng gieo hoang mang cho người nghe là điều hết sức cần thiết và phải trở thành nguyên tắc

- Không thể biện hộ rằng đại biểu HĐND chỉ là "cầu nối", đưa nguyện vọng của cử tri tới nghị trường do nêu rất nhiều ý kiến, nhiệm vụ của đại biểu dân cử là phải lựa chọn những vấn đề xác đáng, vì lợi ích của số đông quần chúng trong xã hội để hỏi và yêu cầu trả lời

- Câu hỏi chất vấn còn có sự nhầm lẫn về cả chủ thể và đối tượng bị chất vấn như chất vấn dưới danh nghĩa cử tri chất vấn UBND, chất vấn chưa đúng lĩnh vực quản lý của đối tượng bị chất vấn, hoặc nặng về phân tích, tìm hiểu thông tin…Câu chất vấn chưa thể hiện xứng tầm, chưa phản ánh được lòng mong mỏi và nguyện vọng của nhân dân, câu hỏi nặng về ý kiến cá nhân hơn là lợi ích chung của đông đảo cử tri; Câu hỏi không rõ, không mạch lạc, câu hỏi lại như diễn giải, không mang đúng tính chất chất vấn mà chỉ là hỏi để lấy thông tin, mang tính chất trao đổi hoặc phô trương kiến thức

- Hỏi những câu đã được trả lời, câu người khác đã hỏi, hoặc nội dung cần chất vấn nhưng không nắm chắc, đặt câu hỏi bị thừa, câu hỏi quá đơn giản, chung chung

- Chất vấn với thái độ gay gắt, thiếu thuyết phục, khiến người trả lời chất vấn bị ức chế

Từ đặc điểm, bản chất, mục đích chất vấn và những nhận xét về tình hình chất vấn tại các kỳ họp HĐND thời gian vừa qua tôi mạnh dạn nêu khái quát một số vấn đề mang tính giải pháp nhằm nâng cao hiệu lực hiệu quả chất vấn trong diễn đàn HĐND các cấp thời gian tới như sau:

- Về nội dung:

+ Câu chất vấn cần nêu những vấn đề bức xúc nhất mà đa số cử tri quan tâm hoặc mang tính chất nghiêm trọng,

+ Những vấn đề đã chất vấn nhưng chưa được giải quyết so với đã hứa,

+ Đặt vấn đề trách nhiệm với đối tượng chất vấn,

+ Câu hỏi cần gọn, rõ ràng, mạch lạc, dể hiểu, đủ thông tin, không gây nhầm lẫn, qui trách nhiệm thuộc về ai?, phương thức và thời gian giải quyết,…

+ Xác định đúng chủ thể và đối tượng chất vấn.

+ Tránh trùng lắp, thừa, đã trả lời rồi; tránh sử dụng nguồn thông tin thiếu cơ sở và cập nhật; tránh sử dụng từ khó hiểu, từ nước ngoài.

+ Thể hiện sự nghiêm túc, xây dựng và trách nhiệm đối với người hỏi và chính quyền nói chung.

- Về qui mô:

+ Những vấn đề ở tầm vĩ mô, bao quát và cũng có thể liên hệ đến địa phương; nhất là liên quan các chính sách và việc triển khai thực hiện các chính sách đó.

+ Tốt nhất chọn 1 vấn đề để chất vấn sâu ( qua tham khảo định tính hoặc định lượng bằng cách bình chọn ưu tiên ), những nội dung khác có thể chất vấn bằng văn bản và giữa 2 kỳ họp.

- Về thời gian:

Bảo đảm trong phạm vi thời gian qui định của kỳ họp đã được các đại biểu biểu quyết thông qua, không kéo dài.

3. Hệ quả của chất vấn:

- Trước hết, chất vấn dẫn đến hệ quả chính trị. Chất vấn là công cụ giám sát mạnh và hữu hiệu nhất của HĐND, vì nó quy trách nhiệm, có khi buộc các thành viên UBND và UBND phải nhận trách nhiệm của mình. Chất vấn có thể dẫn đến việc đặt vấn đề ủng hộ hay phản đối hoạt động của UBND. Thậm chí có thể có việc đưa ra nghị quyết bất tín nhiệm và dẫn đến sự từ chức của một số thành viên UBND.

Hệ quả chính trị của chất vấn cũng thể hiện ở chỗ, chất vấn xét về một khía cạnh nào đó là sự cảnh báo của HĐND về một vấn đề hay một tình trạng cần được lưu ý giải quyết. Sự cảnh báo này nhằm nâng cao tính dự đoán và trách nhiệm phải nhìn nhận trước vấn đề của các cơ quan quản lý.

Trên phương diện hệ quả chính trị, chất vấn cũng có mục đích cung cấp thông tin và tạo cơ hội cho HĐND đánh giá, phê bình UBND vì làm hay không làm điều gì đó. Bằng cách này các đại biểu có thể buộc các thành viên UBND chia sẻ thông tin. Ngay cả khi đơn thuần hỏi - đáp thì họat động này của HĐND cũng đã buộc UBND phải giải trình đã làm được gì, chưa làm được gì, tại sao, và định làm gì trong tương lai.

- Chất vấn cũng mang lại hệ quả xã hội to lớn, thường là có tác động rộng rãi hơn hệ quả chính trị. Chất vấn thu hút sự chú ý rộng rãi của công luận về vấn đề nào đó, do đó tạo sức ép lên UBND để nó được giải quyết nhanh hơn. Việc truyền hình hay truyền thanh trực tiếp và các bình luận của cơ quan báo chí về những buổi trả lời chất vấn của các thành viên UBND đã tạo nên một luồng dư luận mạnh mẽ và gây áp lực xã hội to lớn.

4. Văn hóa chất vấn:

Để góp phần làm cho hoạt động chất vấn đạt hiệu quả, chất vấn cần chú ý đến 2 khía cạnh của văn hóa như sau:

- Về lời lẽ, thái độ:

Chất vấn và trả lời chất vấn suy cho cùng là để tìm ra bản chất của vấn đề và đưa ra hướng xử lý phù hợp; do đó về thái độ cần có sự thẳng thắn , có tính xây dựng, có lý lẽ và thực tiễn thuyết phục, không cần thiết tạo áp lực hay có thái độ gay gắt, căng thẳng, quá lời . Việc thực hiện đúng lúc và hiệu quả quyền chất vấn để có được câu trả lời từ phía người được hỏi cũng là cách đại biểu thể hiện rõ trách nhiệm của mình đối với những nỗi niềm mà cử tri muốn bày tỏ. Cần thống nhất quan điểm: " chung một con thuyền " chứ không phải " vạch lá tìm sâu " gay gắt.

Để nâng cao hiệu quả của hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại diễn đàn HĐND, không có cách nào khác là cả hai phía đều phải nâng mình lên một tầm cao mới, xứng đáng với sự tin tưởng và kỳ vọng của cử tri. Nhưng nâng mình lên xứng với vị trí của mình không có nghĩa là đại biểu HĐND khi chất vấn có quyền không tôn trọng người trả lời chất vấn và không tôn trọng văn hóa nghị trường.

Hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại HĐND có thể nói như một cuộc sát hạch về nhận thức, năng lực, cái tâm, cái tầm của cả hai phía: Người hỏi và người trả lời. Cử tri và những người đã đặt lòng tin của mình vào từng lá phiếu khi bầu ra cơ quan quyền lực nhà nước chính là "trọng tài" của những cuộc sát hạch này và là người "chấm điểm" chính xác nhất. Vậy nên các phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại diễn đàn HĐND không đơn giản chỉ là việc hỏi và trả lời thuần túy như từ điển định nghĩa, mà đó là hoạt động pháp lý ở cấp độ cao. Và cũng vì thế hoạt động chất vấn cũng là nơi thể hiện văn hóa nghị trường ở cấp độ cao nhất.

- Về hành vi: Không nên có những hành vi thô bạo như ở nghị trường một số nước đã thể hiện thiếu văn hóa.

Từ lý luận đến thực tiễn và từ thực tiễn đúc rút thành lý luận là cả một quá trình nhận thức. Mong muốn với cách tiếp cận mới này sẽ cung cấp thêm một số thông tin nhằm mục đích nâng cao hoạt động chất vấn của HĐND các cấp lên một tầm cao mới, có chiều sâu và hiệu quả hơn. Tiếp tục củng cố niềm tin của cử tri và nhân dân đối với cơ quan dân cử tại địa phương./.

Dương Thị Vân Anh Ủy viên BTVHU, Phó Chủ tịch HĐND Huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh.

Thêm nhận xét mới

 Bình luận của bạn đã được gửi thành công. Cảm ơn bạn!   Làm mới
Lỗi: Vui lòng thử lại