Huyện Kỳ Anh kêu gọi vận động, ủng hộ Quỹ vì người nghèo dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ   |    Giấy mời tiếp dân định kỳ của Đ/c Chủ tịch UBND huyện tháng 01.2025   |    Phê duyệt kết quả tuyển dụng viên chức Giáo dục huyện Kỳ Anh năm học 2024 - 2025   |    Thí sinh trúng tuyển vào viên chức Giáo dục   |    Kết quả xét tuyển vòng 2 kỳ tuyển dụng viên chức Giáo dục huyện Kỳ Anh năm học 2024 -2025   |   

Lễ Kỷ niệm 150 năm khởi nghĩa Giáp Tuất, 150 năm ngày hy sinh của Thủ lĩnh Nguyễn Tiến Đắc

  

09:25 22/07/2024

Sáng ngày 21/7, xã Kỳ Bắc phối hợp với dòng họ Nguyễn Tiến Đắc tổ chức Lễ kỷ niệm 150 năm khởi nghĩa Giáp Tuất (1874 - 2024), 150 năm ngày hy sinh của Thủ lĩnh Nguyễn Tiến Đắc, 150 năm ngày khánh thành Nhà thờ Nguyễn Tiến Đắc và 3 năm Nhà thờ Nguyễn Tiến Đắc được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh (2021- 2024). Tham dự có đại diện lãnh đạo Trung tâm VH-TT huyện, cấp ủy đảng, chính quyền xã Kỳ Bắc, đại diện các dòng họ ở xã Kỳ Bắc, Hội đồng Họ tộc Nguyễn Tiến.



 Sau khi cắt 6 tỉnh Nam Kỳ cho Pháp với việc ký vào Hòa ước Giáp Tuất ngày 15 tháng 3 năm 1874 cộng với mâu thuẫn với chế độ phong kiến nhà Nguyễn và thực dân Pháp xâm lược trước đó, nhân dân nhiều nơi trong nước, đặc biệt là nhân dân 2 miền Trung - Bắc Kỳ đã phản kháng mạnh mẽ, đứng lên dấy nghĩa chống lại triều đình Huế thỏa hiệp, đầu hàng và thực dân Pháp xâm lược. Ở Hà Tĩnh, phối hợp với Trần Tấn, Đăng Như Mai ở Nghệ An, Trương Quang Thủ ở Quảng Bình, Trần Quang Cán ở Hương Sơn, Nguyễn Huy Điển ở Thạch Hà … đã tập hợp nhân dân nổi dậy, lấy hiệu Cờ Vàng. Vì vậy, cuộc khởi nghĩa còn được gọi là cuộc khởi nghĩa Cờ Vàng. Mới ban đầu, nghĩa quân tiến đánh huyện lị Hương Sơn, phủ lỵ Đức Thọ và kéo xuống đánh hạ thành Hà Tĩnh, giết chết Quản đạo Mạnh Tuyển, Khâm phái Đinh Văn Khoa, Lãnh binh Lê Văn Thất; bắt Phó Quản đạo Tô Huân. Cuộc khởi nghĩa lan rộng nhanh chóng khắp vùng Nghệ Tĩnh. Một tướng của Nguyễn Huy Điển là Cù Biểu, tức Bửu Lân được giao nhiệm vụ đánh vào thành huyện Kỳ Anh. Nguyễn Tiến Đắc vào trấn giữ đèo Ngang.

Ông Lại Thành Vinh - Phó Chủ tịch UBND xã Kỳ Bắc khai mạc buổi lễ

Nguyễn Tiến Đắc còn được gọi là Nguyễn Tiến Đước. Quê làng Hữu Lạc, tổng Cấp Dẫn, nay là thôn Hợp Tiến, xã Kỳ Bắc, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh. Nguyễn Tiến Đắc là người biết cả văn lẫn võ. Ông lấy vợ là bà Hà Thị Hạnh, con gái Tú tài Hà Huy Bích, quê làng Kim Nặc, tổng Thổ Ngọa, nay là xã Cẩm Hưng, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh. Tuy giàu có nhưng ông có lòng thương người, sống bình dị, hòa đồng với anh em, làng xóm.

Đại biểu tham dự

Nhiều người trong làng gặp khó khăn được ông giúp đỡ. Ông ghét những kẻ xu nịnh, xảo trá, nhất là bọn hào lý, quan lại hay bóc lột hà hiếp dân lành. Với gia thế của mình, Nguyễn Tiến Đắc có điều kiện quảng giao và tầm nhìn thế cuộc. Cũng như nhiều sĩ phu và nhân dân trên cả nước, việc thực dân Pháp đánh chiếm thành Hà Nội và một số tỉnh phía Bắc năm 1873 và việc triều đình Huế ký Hòa ước năm Giáp Tuất (1874) có nhiều nội dung bất lợi cho nước ta trong đó có cắt 6 tỉnh Nam Kỳ cho thực dân Pháp đã khơi dậy lòng yêu nước, căm thù quân xâm lược và bè lũ tay sai trong ông.

Ông Nguyễn Tiến Thái - Tộc trưởng họ Nguyễn Tiến Đắc báo cáo tóm tắt quá hình hình thành...

Nguyễn Tiến Đắc nhận thức rõ nỗi nhục mất nước, thân phận người dân nô lệ. Ông bí mật xuất tiền của xây dựng lực lượng, chuẩn bị hậu cần, mở lò rèn vũ khí… ngày đêm luyện tập chờ ngày khởi nghĩa. Ông chủ động tuyên truyền vận động nhân dân tham gia nghĩa quân đánh giặc. Mặt khác, ông thường xuyên nắm tình hình, liên lạc với các nhà nho cùng tư tưởng yêu nước, chống Pháp ở Kỳ Anh, Cẩm Xuyên, Thạch Hà để xây dựng, mở rộng địa bàn hoạt động. Chỉ trong thời gian ngắn, ông đã quy tụ được 300 nghĩa sĩ, chờ thời cơ nổi dậy. Khi khởi nghĩa thất bại, Nguyễn Tiếc Đắc bị bắt ở chợ Quan, làng Thanh Sơn (nay thuộc xã Kỳ Văn, huyện Kỳ Anh), rồi đưa về huyện lỵ Kỳ Anh hành hình vào ngày 19 tháng 6 năm Giáp Tuất tức năm Tự Đức thứ 26 (1874) và an táng tại gò Hỏa Hiệu thuộc xã Quyền Hành, tổng Hoằng Lễ (nay là phường Kỳ Trinh, thị xã Kỳ Anh).

Ông Nguyễn Tiến Thắng - Đại diện con cháu phát biểu ý kiến

Sau đó, mộ được đưa về xứ Cơn Ngô. Triều đình tiếp tục bắt bớ, chém giết những người tham gia cuộc khởi nghĩa. Ở quê hương Nguyễn Tiến Đắc, bọn phong kiến tay sai tiến hành đốt phá nhà cửa, giết hại những gia đình có người theo nghĩa quân. Người thân, con cháu Nguyễn Tiến Đắc cũng bị quân triều đình bắt bớ và hành hạ. Con cháu cũng bị liên lụy ba đời không được thi cử, nhưng nhờ có quan hệ nên án phạt này sau đó được hủy bỏ. Vì vậy, người con trai Nguyễn Tiến Kiêm của Nguyễn Tiến Đắc được ứng thí và đỗ Cử nhân khoa Kỷ Dậu, năm Duy Tân thứ 3 (1909) và đỗ Phó bảng khoa Canh Tuất, năm Duy Tân thứ 4 (1910). Dù phải hy sinh nhưng Nguyễn Tiến Đắc đã nêu cao tấm gương sáng về lòng yêu nước, sẵn sàng bảo vệ độc lập tự do mỗi khi tổ quốc lâm nguy....

Ông Nguyễn Trinh Hằng - Đại diện con cháu họ ngoại phát biểu

Để tưởng nhớ công lao to lớn của ông Nguyễn Tiến Đắc đối với đất nước, tháng 10 năm Giáp Tuất (1874) cha của ông cùng con cháu trong dòng tộc đã xây dựng nhà thờ ông Nguyễn Tiến Đắc. Nhà thờ được xây dựng hoàn thành và đưa vào sử dụng tháng 11 năm 1874.

Ông Lê Quang Hanh - Chủ tịch UBND xã Kỳ Bắc phát biểu tại buổi lễ

Trải qua bao phong trần của thời cuộc, công trình bị mài mòn, xuống cấp, hư hỏng nhiều. Đầu năm 2010 con cháu đã phục dựng y nguyên vị trí của nhà thờ, xây dựng lại kiên cố, đàng hoàng, to đẹp, đến nay nhà thờ Nguyễn Tiến Đắc tròn 150 tuổi. Năm 2021, nhà thờ Nguyễn Tiến Đắc được UBND tỉnh Hà Tĩnh xếp hạng Di tích Lịch sử, Văn hóa cấp tỉnh./.

Thúy Nga -  Tiến Quân


Thêm nhận xét mới

 Bình luận của bạn đã được gửi thành công. Cảm ơn bạn!   Làm mới
Lỗi: Vui lòng thử lại