Kế hoạch Tuyển dụng công chức cấp xã năm 2024   |    Quyết định Về việc phê duyệt chỉ tiêu tuyển dụng công chức cấp xã năm 2024   |    Thông báo tuyển dụng công chức cấp xã năm 2024   |    Công điện về việc thực hiện các biện pháp cấp bách phòng cháy, chữa cháy rừng   |    Thông báo mời tham gia tập huấn " Kỹ năng tiếp thị, bán hàng chuyên nghiệp" cho Doanh nghiệp, Hợp tác xã, Hộ kinh doanh   |   

Trường Mầm non Kỳ Phú: Xây dựng môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm.

  

00:43 14/04/2018

Với mục tiêu xây dựng nhà trường trở thành điểm sáng về “xây dựng môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm” nhằm phát triển một cách tốt nhất về trí tuệ, thể chất, tâm hồn và rèn luyện mọi kỹ năng cho con trẻ “Cho bé được yêu thương, cho mẹ được yên lòng”.

Với mục tiêu xây dựng nhà trường trở thành điểm sáng về “xây dựng môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm” nhằm phát triển một cách tốt nhất về trí tuệ, thể chất, tâm hồn và rèn luyện mọi kỹ năng cho con trẻ “Cho bé được yêu thương, cho mẹ được yên lòng”.

Không gian sân trường Mầm non Kỳ Phú.

Trong những năm qua, trường Mầm non Kỳ Phú, huyện Kỳ Anh đã xây dựng được môi trường vật chất và môi trường xã hội đảm bảo an toàn tuyệt đối về thể chất và tinh thần cho trẻ. Ngoài việc tham mưu xây dựng cơ sở vật chất, trường đã chú trọng xây dựng cảnh quan Xanh - Sạch - Đẹp - An toàn - Thân thiện, có khu vui chơi, vận động, trải nghiệm, sân chơi thực hành luật an toàn giao thông, vườn cổ tích...

Bên cạnh đó, trường Mầm non Kỳ Phú đã chú trọng xây dựng được môi trường chăm sóc, giáo dục trẻ đảm bảo an toàn về tâm lý, tạo thuận lợi giáo dục các kỹ năng xã hội cho trẻ. Trẻ thường xuyên được giao tiếp thân thiện, hòa đồng với cô giáo, với bạn bè và những người xung quanh. Giáo viên luôn có hành vi, cử chỉ, lời nói, thái độ mẫu mực đối với trẻ và những người khác để làm gương cho trẻ noi theo. Môi trường trong nhóm, lớp học cũng được trường quan tâm xây dựng mang tính chất mở. Hằng năm, trường mua sắm, tự làm bổ sung đồ dùng, đồ chơi phong phú cho trẻ.

Không gian bên trong lớp học

Đối với bậc học Mầm non, môi trường bên ngoài lớp học được coi là một trong những hệ thống phương tiện cần thiết, quan trọng trong việc nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục toàn diện cho trẻ. Xây dựng môi trường ngoài lớp học phù hợp, an toàn, sạch đẹp, hấp dẫn, thân thiện sẽ thu hút trẻ tham gia, đáp ứng nhu cầu học tập, vui chơi của trẻ. Với trẻ mầm non, “học bằng chơi, chơi bằng học”; có như vậy trẻ mới phát triển nhận thức một cách tự nhiên, thoải mái mà không bị gò ép....

Khu vui chơi thể thao của các cháu mầm non.

Nắm bắt tâm lý của trẻ và căn cứ vào thực trạng của đơn vị, nhà trường đã quy hoạch, bố trí các khu vực phù hợp tại từng điểm trường: có sân tập thể dục, khu vực dành cho các trò chơi dân gian (trò chơi “cáo ơi! Ngủ à”, ô ăn quan, nhảy ô, nhảy dây.... );  khu chơi thể thao (cột bóng rổ, thang leo, chui qua hầm, bò chui qua cổng, chơi với boonglinh, sân chơi bóng đá mini...); khu vực chơi với đồ chơi ngoài trời (cầu trượt, đu quay, đu bay, bập bênh, nhà bóng...); khu vực sân chơi thực hành luật an toàn giao thông; khu vực chơi với đất, cát, nước, đá, sỏi...; khu vực trẻ trồng, vun xới, chăm sóc rau, cây ăn quả, cây hoa; khu vui chơi với các con vật, các nhân vật trong truyện cổ tích; khu “sân khấu rối ngoài trời”. Tất cả môi trường bên ngoài luôn đảm bảo tuyệt đối an toàn cho trẻ. Trong trường không trồng loại cây có gai, có mũ độc…

Các cháu chăm sóc vườn rau.

Ngoài khu vận động, trường đã xây dựng các góc, khu vực hoạt động ngoài trời phong phú, hấp dẫn khác. Mỗi góc, khu vực hoạt động có nhiều loại học liệu, đồ chơi và phương tiện khác nhau như: Gian hàng “làng nghề truyền thống”, trẻ được giới thiệu về nghề biển - là nghề truyền thống của địa phương, những sản phẩm đặc trưng được chế biến từ nghề biển, trẻ được tự tay chế biến sản phẩm qua các loại đồ chơi…

Làng nghề truyền thống với các sản phẩm của các làng quê.

Đến với gian “triển lãm nghệ thuật”, trẻ được hóa thân thành các nhạc công để thỏa sức chơi các nhạc cụ âm nhạc như: trống, đàn, trống lắc, mỏ gõ, thanh gõ...thể hiện  các giai điệu, lời ca mà trẻ thích. Ngoài ra, trẻ còn được tô màu, vẽ, xé, nặn, cắt, dán theo ý thích của mình...

Góc thư viện của giáo viên và của trẻ được bố trí riêng biệt nơi yên tĩnh và nhiều ánh sáng. Ở đây, được trưng bày truyện tranh, sách chủ đề và nhiều loại sách báo và tạp chí, sách chương trình giúp giáo viên, trẻ dễ dàng tìm hiểu và nắm bắt các thông tin cần thiết và bổ ích. Nhiều góc sân trường được bố trí khu vực khám phá khoa học. Ở đó, các cháu được quan sát, được chăm sóc cây xanh, các loại rau như xới đất, gieo hạt, trồng rau, được làm các thí nghiệm pha màu, đong đo nước, vật chìm vật nổi

Trường có khu vườn cổ tích đẹp, hấp dẫn giúp các bé khám phá thế giới cổ tích, truyền thuyết đầy huyền thoại. Hình ảnh cô Tấm dịu hiền, đáng yêu đang gọi Bống lên ăn, hình ảnh oai hùng của Thánh Gióng bay về trời sau khi đánh thắng giặc Ân, hình ảnh Dê trắng và Dê đen tranh nhau qua 1 chiếc cầu hẹp, hình ảnh Gà mẹ dẫn đàn con đi kiếm mồi, hay chú nai vàng ngơ ngác khi lạc mẹ… đã để lại cho con trẻ nhiều bài học về nhận thức: biết phân biệt cái thiện - cái ác, đúng - sai; bồi đắp tâm hồn cho trẻ thơ về tình yêu quê hương, đất nước, yêu thiên nhiên, yêu gia đình, giúp đỡ bạn bè…

Một nét không thể thể thiếu của Trường Mầm non Kỳ Phú là “Gian hàng chợ quê”. Chợ là bức tranh thu nhỏ phản ánh một phần cuộc sống của người dân địa phương, một nét sinh hoạt cộng đồng mà có lẽ trên tất cả các miền quê của đất nước ta đều có. Hẳn rằng, trong tâm khảm chúng ta, ai cũng có một miền quê yêu dấu in đậm hình ảnh chợ quê. Hoài niệm về tuổi thơ, nhiều người đã từng mong bà, mong mẹ đi chợ về để được ăn quà dù đó chỉ là quả na, quả chuối, cái bánh đúc hay chiếc kẹo vừng, kẹo lạc...Với đặc trưng của gian hàng chợ quê, trẻ được trải nghiệm bán các mặt hàng, sản phẩm đặc trưng của quê hương, chế biến món ăn từ các loại rau, củ quả, hải sản và các loại bánh...

Ngoài ra, trong khuôn viên nhà trường còn có các khu vui chơi khác như khu vui chơi với đất cát, nước, đá, sỏi, hột hạt giúp trẻ cảm thấy thoải mái và hứng thú. Qua các hoạt động như vậy, luôn tạo cơ hội cho trẻ được khám phá, phát triển nhận thức, biết cách chia sẽ giúp đỡ lẫn nhau…

Phát triển vận động có vai trò hết sức quan trọng đối với sự phát triển của cơ thể. Ở mỗi một giai đoạn thì nhu cầu vận động của trẻ là khác nhau. Xây dựng Khu vui chơi vận động và Sân bóng mini để thuận tiện cho trẻ sử dụng. Khu vận động cùng với Sân bóng mini sẽ hỗ trợ trẻ tham gia vận động tự nhiên và tích cực hơn, đồng thời là cách để phụ huynh nhận thức rõ hơn tầm quan trọng của giáo dục thể chất. Từ đó, giúp cho bố mẹ có cái nhìn toàn diện hơn về sự phát triển của con trẻ để cùng phối kết hợp với nhà trường trong công tác giáo dục thể chất cho các con. Bằng các nguyên vật liệu, phế thải sẵn có ở địa phương như lốp ô tô, xe máy, xe đạp, hay những mảnh gỗ thừa, với tư duy sáng tạo, bàn tay khéo léo và tình yêu con trẻ, các cô giáo đã sáng chế ra những đồ chơi đẹp mắt, hấp dẫn, tính ứng dụng cao đó là bấp bênh bằng gỗ, hay những dụng cụ thể dục như: cổng chui, dụng cụ ném trúng đích, đấp bốc với túi cát, boong linh, chơi bóng rổ… Bên cạnh đó, nhà trường cũng đã chú trọng sưu tầm và đưa các trò chơi dân gian vào trong quá trình tổ chức hoạt động giáo dục.

Bên cạnh đó, tận dụng không gian hiên lớp làm góc chơi Bạn của nhà nông. Tại đây, trẻ được thực hành, trải  nghiệm qua các sản phẩm, dụng cụ của nhà nông, trẻ được hóa trang thành những cô chú nông dân đang xáy lúa, dã gạo.  Qua đó, giáo dục trẻ yêu quý, trân trọng sản phẩm mà ông bà, bố mẹ đã làm ra; bên cạnh đó, giáo dục trẻ biết tận dụng nguyên vật liệu như: lá, tre, mây để đan lát tạo ra các sản phẩm hữu ích trong cuộc sống. Các góc chơi được phân bố phù hợp với diện tích của lớp được sắp xếp hợp lý, đảm bảo cho trẻ di chuyển dễ dàng từ góc này đến góc khác tránh va chạm vào nhau hoặc vấp ngã. Các giá chơi được thiết kế có bánh xe thuận tiện cho việc di chuyển, thay đổi, an toàn cho trẻ. Góc động và góc tĩnh được bố trí cách xa nhau. Các góc được viết tên theo đúng mẫu chữ hiện hành và có ký hiệu đơn giản, gần gũi để giúp trẻ nhận biết nhanh. Các hình ảnh trang trí khoa học; đồ dùng, đồ chơi, học liệu và phương tiện đặc trưng cho từng góc được bày biện hấp dẫn, vừa tầm tay, tầm mắt của trẻ.

Có thể khẳng định rằng, việc xây dựng môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm trong trường mầm non là rất quan trọng và cần thiết. Môi trường vật chất trong và ngoài lớp học đảm bảo, môi trường xã hội tốt là phương tiện hỗ trợ đắc lực cho hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ đạt kết quả tốt. Môi trường tốt giúp trẻ thỏa mãn nhu cầu vui chơi và hoạt động học, đáp ứng yêu cầu chăm sóc, giáo dục trẻ của nhà trường nhằm phát triển toàn diện về thể chất, trí tuệ, nhân cách và rèn luyện mọi kỹ năng cho con trẻ, đặt nền móng vững chắc cho trẻ bước vào lớp 1./.

Mạnh Hải, Phạm Tuấn

Thêm nhận xét mới

 Bình luận của bạn đã được gửi thành công. Cảm ơn bạn!   Làm mới
Lỗi: Vui lòng thử lại