Hội nghị toàn quốc về các giải pháp bảo vệ trẻ em trước các hành vi bạo lực, xâm hại và các nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng trẻ em
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa chủ trì hội nghị toàn quốc về các giải pháp bảo vệ trẻ em trước các hành vi bạo lực, xâm hại và các nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng trẻ em. Đồng chí Đặng Quốc Khánh, Chủ tịch UBND tỉnh điều hành điểm cầu Hà Tĩnh. Về phía đầu cầu huyện Kỳ Anh, đồng chí Bùi Quang Hoàn, Chủ tịch UBND huyện chủ trì hội nghị trực tuyến.Tham dự hội nghị còn có đại diện lãnh đạo các phòng, ngành: Văn phòng HĐND-UBND huyện, giáo dục- đào tạo, lao động- thương binh xã hội, công an huyện, Viện Kiểm sát nhân dân, tòa án, Hội LHPN và Huyện đoàn.
Theo báo cáo, mỗi năm, trung bình Việt Nam có khoảng 2.000 trường hợp trẻ em bị bạo lực, xâm hại được phát hiện và giải quyết, trong đó trẻ em bị xâm hại tình dục chiếm hơn 60%. Những hành vi, vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em chỉ khi chạm ngưỡng hình sự mới bị phát hiện, bị xử lý (bạo lực gây hậu quả nghiêm trọng và xâm hại tình dục trẻ em theo quy định của Bộ luật Hình sự) cho nên con số nói trên mới là phần nổi của tảng băng chìm.
Số lượng thông tin, thông báo, tố giác hành vi xâm hại trẻ em tăng lên so với trước đây do nhận thức của người dân đang dần được nâng cao; niềm tin của người dân và các tổ chức xã hội vào hiệu lực, hiệu quả của việc phòng, chống, ngăn chặn bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em có nhiều thanh đổi tích cực.
Kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Thời gian qua, các vụ việc xâm hại trẻ em vẫn diễn ra, điều này cho thấy vai trò nhận thức của các cơ quan bảo vệ pháp luật, cơ quan làm công tác bảo vệ trẻ em là rất quan trọng.
Thủ tướng Chính phủ cũng cho rằng, tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng, trẻ em bị đuối nước, tai nạn thương tích và các vụ việc trẻ em bị xâm hại xẩy ra còn nhiều.
Thủ tướng đề nghị, các cấp bộ, ngành, địa phương và gia đình cần quan tâm hơn nữa và có nhiều giải pháp đối với công tác bảo vệ trẻ em, phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em nhằm giảm thiểu các vụ việc xâm hại trẻ em. Bên cạnh đó, phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, lên án những vụ việc xâm hại trẻ em; tăng cường giáo dục, nâng cao nhận thức đối với công tác bảo vệ trẻ em từ gia đình đến xã hội, các cấp, các ngành, địa phương…
Các ngành, địa phương cần bố trí nguồn lực để triển khai hiệu quả công tác bảo vệ trẻ em, phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em trong thời gian tới. Nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ điều tra, truy tố, xét xử các vụ việc, vụ án xâm hại trẻ em về kiến thức pháp luật, tư pháp thân thiện với người chưa thành niên và trẻ em, kỹ năng làm việc với trẻ em. Ưu tiên triển khai tập huấn ở những địa bàn, địa phương xảy ra nhiều vụ việc bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em.
Đối với các địa phương, Chủ tịch UBND các cấp tăng cường thực hiện quản lý nhà nước về bảo vệ trẻ em theo thẩm quyền; xử lý kiên quyết các hành vi bao che, không tố cáo, không phối hợp, không thực hiện, thực hiện không kịp thời trách nhiệm bảo vệ trẻ em của các cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình và cá nhân đối với các vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em; xử lý nghiêm minh, kịp thời, đúng pháp luật các vụ việc bạo lực, xâm hại, vi phạm quyền trẻ em trên địa bàn quản lý.
Thêm nhận xét mới