Quản lý “Thầy cúng” ở di tích Nguyễn Thị Bích Châu-Một cách làm mới
Xưa nay, thi sát hạch, kiểm tra tay nghề…có lẽ chỉ dành cho học sinh, công chức, viên chức, công nhân . Nhưng ở di tích Nguyễn Thị Bích Châu “Thầy cúng” ở đây cũng phải phải thi, kiểm tra rất bài bản với nhiều nội dung thú vị .
Xưa nay, thi sát hạch, kiểm tra tay nghề…có lẽ chỉ dành cho học sinh, công chức, viên chức, công nhân . Nhưng ở di tích Nguyễn Thị Bích Châu “Thầy cúng” ở đây cũng phải phải thi, kiểm tra rất bài bản với nhiều nội dung thú vị .
Hòn non bộ vừa mới được xây dựng ở di tích Nguyễn Thị Bích Châu
Ai cũng biết “Thầy cúng” chẳng có trường lớp nào dạy nhưng trong thời buổi hiện nay nó lại đang trở thành một nghề hẳn hoi, thầy cúng tại lễ tang, thầy cúng gia tiên, thầy cúng ở các đền chùa…có thu nhập kha khá, nhất là vào các ngày lễ Tết và rất được mọi người quan tâm . Khi thầy làm lễ thì từ giáo sư, tiến sỹ đến các vị chức sắc cao cấp đều phải “dạ”, “thưa” rất kính cẩn . Trong xu hướng mở cửa, hoạt động văn hóa tâm linh là một nét đẹp văn hóa để hướng về cội nguồn, hướng về những giá trị văn hóa đặc sắc của cha ông . Nhưng nếu thái quá nó dễ dàng trở thành hoạt động mê tín dị đoan, nhiều kẻ lợi dụng để trục lợi cá nhân. Nhiều “Thầy cúng” rất hiểu biết về kinh dịch, ngũ hành, thông thạo chữ hán nôm, hành lễ rất văn hóa, đối xử rất nhân văn đối với gia chủ, nhưng cũng không ít “Thầy” văn hóa mới học hết lớp 3 lớp 4, hiểu biết xã hội rất hạn chế …nhưng vẫn muốn “làm thầy” người khác . Thời gian qua, đội ngũ “Thầy cúng” ở di tích Nguyễn Thị Bích Châu cũng không nằm ngoài tình trạng đó.
Các "Thầy" trong giờ thi viết
Nhận thấy những bất cập của đội ngũ “Thầy cúng” nên đòi hỏi phải có sự đổi mới để đáp ứng với yêu cầu của một di tích cấp quốc gia, xứng tầm với danh tiếng, công trạng của Quý phi Nguyễn Thị Bích Châu . Đồng thời để từng bước chấn chỉnh hoạt động tâm linh nơi đây tạo nét đẹp trong lòng du khách khi đến tham quan, hành lễ . Ban quản lý di tích đã tranh thủ ý kiến của UBND huyện và phòng Văn hóa-Thông tin để tổ chức sàng lọc, kiểm tra, tuyển chọn những người đảm bảo các tiêu chuẩn khi đến hoạt động giúp lễ trong khu vực di tích.
Các quy định về tiêu chuẩn để được làm “Thầy giúp lễ” tại di tích Nguyễn Thị Bích Châu được công khai rất dân chủ và được sự đồng tình của UBND xã, ban cán sự các thôn và nhân dân . “Thầy giúp lễ” trước hết phải là người chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các quy định của địa phương được ban cán sự thôn nơi cư trú và UBND xã xác nhận . Là người có hiểu biết về tiểu sử của Chế thắng phu nhân Nguyễn Thị Bích Châu và lịch sử hình thành ngôi đền . Đặc biệt, phải thuộc và hiểu ý nghĩa nội dung của áng văn Kê Minh thập sách . Ngoài ra, “Người giúp lễ” phải tuân thủ các quy định bắt buộc và mang tính truyền thống của nhà đền từ xưa như trong thời gian chịu tang khó không được làm…
Thi vấn đáp
Với những tiêu chuẩn như vậy, trong thời gian qua hơn 100 “thầy cúng” hoạt động ở di tích đã miệt mài tìm hiểu, học hỏi để chuẩn bị cho buổi sát hạch đánh giá của phòng VHTT và Ban quản lý . “Thầy cúng” ở đây có tuổi đời từ 50 đến hơn 70 tuổi, nhiều cụ đã có thâm niên hành nghề tại đền, tuy nhiên đây là lần đầu tiên họ phải thi sát hạch . Với 20 phút làm bài viết và sau đó trả lời vấn đáp của ban giám khảo, quả thực ở độ tuổi của các cụ thật là khó khăn, nhưng tuyệt nhiên không có ai phàn nàn, phản đối . Tiếp xúc với một số “người giúp lễ” tham gia kiểm tra, họ đều cho rằng đây là một cách làm hay, nhiều người trước đây cứ làm thầy cúng theo yêu cầu của khách nhưng không biết gì về Chế thắng phu nhân, không hiểu về lai lịch của ngôi đền và nội dung của Kê minh Thập sách nên nhiều du khách hỏi đến là họ lúng túng trả lời sai lệch làm ảnh hưởng đến giá trị của di tích . Sự đổi mới trong cách quản lý đội ngũ “Thầy cúng” đã tạo nên một diện mạo mới cho hoạt động tâm linh ở đây, sự chèo kéo tranh giành, vòi vĩnh khách hầu như được loại bỏ, thái độ của người giúp lễ đối với du khách cũng văn hóa, nhã nhặn hơn . Nhiều người đến hành lễ tại đền ra về rất hài lòng với cung cách phục vụ của Ban quản lý và đội ngũ thầy cúng ở đây .
Hiện nay, trên địa bàn huyện Kỳ Anh có 18 di tích đã được xếp hạng, trong đó có 3 di tích cấp quốc gia . Nhiều di tích khác cũng có số lượng khách đến hành lễ động như Chùa Dền ở Kỳ Châu, đền Eo Bạch, đền thờ Công chúa Liễu Hạnh, đền thờ Phạm Hoành…Có lẽ cách làm này cần được nhân rộng và áp dụng cho tất cả các di tích trên địa bàn để hoạt động văn hóa tâm linh, tín ngưỡng ở các đền chùa ngày một thánh thiện hơn .
Nguyên Lộc
Thêm nhận xét mới