Viếng Nghĩa trang Trường Sơn, nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Đường 9 và Thành cổ Quảng Trị vào một ngày cuối tháng 7 - tháng cả nước tri ân các Anh hùng Liệt sỹ lòng người không tránh khỏi xúc động bồi hồi. Tận đáy lòng mình, chúng tôi-những người may mắn được sinh ra và lớn lên trong hòa bình-dấy lên một xúc cảm khó tả: vui mà buồn, bi ai mà hùng tráng, xót xa mà cũng rất đỗi tự hào.
Khu mộ của những liệt sỹ tỉnh Hà Tĩnh tại Nghĩa trang Trường Sơn Nghĩa trang Trường Sơn vào tháng Bảy, hàng vạn người dân cả nước về đây thắp nén tâm nhang thành kính dâng lên những người con đã ngã xuống vì Tổ quốc. Thắp một nén nhang cho người dưới mộ, trong bảng lảng trời chiều ở mảnh đất thiêng, hồn người như phiêu diêu về câu chuyện cây bồ đề thiêng, mạch nước ngầm, bước chân của những người lính trong đêm vắng... Chiến tranh đã lùi xa gần 40 năm, những đau thương mất mát mà chiến tranh để lại tưởng bụi thời gian đã phủ mờ cùng những nguôi ngoai. Nhưng ở mảnh đất miền Trung cát trắng Quảng Trị này bụi thời gian không thể làm phai mờ đi hình ảnh những Nghĩa trang với bạt ngàn những ngôi mộ Liệt sỹ chạy dài hun hút tưởng chừng như vô tận. Hun hút nỗi buồn, hun hút niềm đau…Trời Quảng Trị những ngày này nắng nóng như đổ lửa. Cả khu nghĩa trang Trường Sơn một màu trắng: màu trắng của những ngôi mộ, của nắng, của khói hương nghi ngút. Dẫu đã nghe nhiều về Nghĩa trang Trường Sơn nhưng đến đây mới thấy nơi này rộng lớn quá. Đứng trước hơn 10.263 ngôi mộ liệt sĩ nằm cạnh nhau, trải dài trên đồi núi mênh mông, càng cảm nhận rõ hơn sự hy sinh lớn lao của các anh, các chị để giành lại độc lập cho dân tộc, thống nhất cho giang sơn. Họ là những người con trai, con gái từ khắp các miền quê VN và họ ngã xuống khi mới bước vào tuổi mười tám, đôi mươi, nhiều người còn chưa có người yêu, chưa biết đến nụ hôn đầu. Họ là những anh bộ đội, những cô thanh niên xung phong tuổi đời đang phơi phới đã chia tay gia đình, người thân lên đường ra trận theo tiếng gọi của Tổ quốc một cách vô tư. Nhưng họ không quay trở về nhà mà yên nghỉ lại nơi này. Họ đã không quản máu xương, tuổi trẻ để đổi lấy màu xanh cho những cánh rừng, giành lại tự do cho dân tộc. Bao nhiêu điều hiện hữu trước mắt khiến chúng tôi không khỏi nghẹn lòng, mặc nhiên, càng thấu hiểu thêm về giá trị của hòa bình, độc lập.
Những nén tâm hương tại phần mộ của những liệt sỹ quê hương Kỳ Anh đang an nghỉ tại nghĩa trang Trường Sơn Hoà cùng dòng người về viếng nghĩa trang như chúng tôi, có những người vợ tới thăm chồng, các con tới viếng cha, nhiều phụ nữ tóc đã bạc thăm lại người yêu, những người cựu binh da đồi mồi trở về chiến trường xưa thăm đồng đội. Và trong số đó, còn có rất nhiều đoàn, nhiều cá nhân đến đây như về chốn tâm linh. Ai cũng muốn tự tay thắp nén hương, nghiêng mình trước anh linh các liệt sĩ đã hy sinh vì nền hòa bình của đất nước. Tới đây, ai cũng có ý thức giữ yên lặng khi đi lại, nói chuyện để không làm ảnh hưởng tới giấc ngủ của các liệt sĩ. Trong lòng mỗi người trào dâng sự xúc động, nghẹn ngào. Đó không chỉ niềm thương tiếc, xót xa mà xen lẫn sự khâm phục, lòng biết ơn. Họ tuy sinh thành ở khắp 3 miền đất nước nhưng giữa họ có chung một hướng đi, một con đường ra trận – đó là đường Hồ Chí Minh. Tôi xúc động vô cùng khi được biết có những gia đình năm nào cũng vượt bao quãng đường xa, về đây, nhiều đoàn tổ chức tuyến du lịch tâm linh, vượt gần ngàn cây số đến với nghĩa trang chỉ mong thắp nén hương cho người thân, thành kính tri ân lên mộ các liệt sĩ. Và trong những ngày tháng 7 này, dòng người viếng thăm cứ thế nối dài bất tận.
Và xin gửi gắm vào những nén tâm hương cùng tiếng chuông thỉnh tâm nguyện của mình, cầu nguyện cho hương hồn các chiến sĩ đã hy sinh... được siêu thoát và cầu nguyện đất nước hòa bình, nhân dân an lạc. Chúng tôi cùng đoàn người rời nghĩa trang trong niềm xúc động lan tỏa niềm tin: Các liệt sĩ đã chiến đấu anh dũng, đã nằm xuống, nhưng các anh không bao giờ chết. Các anh luôn sống mãi trong lòng đất mẹ, trong lòng nhân dân./.
Hồ Minh Hằng - Ban Tuyên giáo Huyện ủy
Thêm nhận xét mới