Huyện Kỳ Anh: Khởi công xây dựng công trình di tích lịch sử văn hóa đền Phương Giai.
Nhằm bảo tồn những giá trị lịch sử và hướng tới kỷ niệm 180 năm thành lập huyện Kỳ Anh ( 1836-2016), sáng ngày 20/11, huyện Kỳ Anh đã tổ chức lễ khởi công xây dựng và tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử văn hóa đền Phương Giai ở xã Kỳ Bắc. Dự lễ khởi công có các đồng chí Nguyễn Văn Danh- TUV- Bí thư Huyện ủy- Chủ tịch HĐND huyện; Nguyễn Viết Trường- Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Kỳ Anh; Bùi Quang Hoàn- Chủ tịch UBND huyện; Các đồng chí trong Ban Thường vụ Huyện ủy; Lê Trọng Bính- Nguyên Bí thư Huyện ủy; Trần Bá Song- Nguyên Chủ tịch UBND huyện; Nguyễn Minh Hoàn- Nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện; Thành viên Ban vận động đóng góp, ủng hộ từ các tổ chức cá nhân phục vụ các hoạt động kỷ niệm 180 năm thành lập huyện theo Quyết định số 8236/QĐ-UBND; Chủ tịch UBMTTQ, Trưởng các đoàn thể chính trị -xã hội; Trưởng các phòng, ban cấp huyện. Về phía thị xã Kỳ Anh có các đồng chí Dương Thanh Hoàn- UVBTV Thị ủy- Phó Bí thư Thường trực Thị ủy; Phan Duy Vĩnh- UVBTV Thị ủy- Phó Chủ tịch UBND thị xã cùng đại diện các Ban đảng thị ủy cùng cấp ủy Đảng, chính quyền xã Kỳ Bắc và các thầy giáo Nguyễn Trinh Thuyên- Nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Kỳ Anh; Nguyễn Tiến Chưởng- Nguyên Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Huệ.
Đền Phương Giai ở xã Kỳ Bắc ( huyện Kỳ Anh) là nơi thờ ông Hoàng Giáp Dương Trí Tri, một ông quan có tài, đóng góp nhiều công lao to lớn vào thời kỳ nhà Mạc. Đồng thời, đây cũng là nơi diễn ra Hội nghị thành lập Đảng bộ huyện Kỳ Anh trong thời kỳ Xô viết Nghệ Tĩnh giữa năm 1930. Ngoài ý nghĩa tâm linh ngôi đền còn có ý nghĩa lịch sử cách mạng với nhiều hoạt động yêu nước và cách mạng trong những năm đầu của thế kỷ XX với các phong trào Duy Tân (1904), chống thuế (1908), Đông Dương ( 1911). Chính vì vậy, di tích đền Phương Giai được Bộ Văn hóa- Thông tin xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia vào năm 1994. Trải qua các biến cố thăng trầm của lịch sử cũng như chiến tranh và thiên nhiên tàn phá, đến nay, kiến trúc của ngôi đền đã bị xuống cấp.
Đền Phương Giai -xã Kỳ Bắc ( huyện Kỳ Anh)
Lễ động thổ tu bổ, tôn tạo đền Phương Giai -xã Kỳ Bắc ( huyện Kỳ Anh).
Dự án đầu tư tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử văn hóa đền Phương Giai với quy mô như sau:
1- Quy mô: Tu bổ, tôn tạo các hạng mục di tích gốc: Nhà hạ điện, giếng đền; Phục dựng: Các hạng mục nhà Thượng điện, nhà trung điện, nghi môn, tắc môn, am hóa vàng, nội thất đồ tế khí. Xây mới: Nhà sắp lễ, nhà bia, tứ trụ, hàng rào phía trước, sân vườn cảnh quan, hệ thống thoát nước mặt, cấp nước, phòng cháy chữa cháy, phòng chống mối mọt; san lấp 340 m2 làm bãi đậu xe.
2- Tổng dự toán công trình: 10.341.084.000 đồng
3- Nguồn vốn đầu tư: Ngân sách huyện ( năm 2016 đã bố trí 2,0 tỷ đồng), xin hổ trợ từ các cơ quan, tổ chức, cá nhân hảo tâm và Chủ đầu tư huy động các nguồn vốn hợp pháp khác.
4- Thời gian thực hiện: Năm 2016- 2018.
5- Dự án được phân kỳ đầu tư làm 2 giai đoạn:
- Giai đoạn 1: Xây dựng các hạng mục: Thượng điện, Trung điện, hạ điện, nhà bao che
- Giai đoạn 2: Xây dựng các hạng mục còn lại: Xây dựng nghi môn, tắc môn, am hóa vàng, nội thất đồ tế khí, nhà sắp tễ, nhà bia, tứ trụ, hàng rào phía trước, sân vườn cảnh quan, hệ thống thoát nước mặt, cấp điện, bãi đậu xe.
Các đồng chí Thường trực Huyện ủy Kỳ Anh tham dự lễ khởi công
tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử Đền Phương Giai -xã Kỳ Bắc ( huyện Kỳ Anh).
Các đồng chí nguyên lãnh đạo huyện Kỳ Anh và lãnh đạo Thị xã Kỳ Anh
tham dự lễ khởi công tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử Đền Phương Giai -xã Kỳ Bắc ( huyện Kỳ Anh).
Khởi công xây dựng tu bổ, tôn tạo
di tích lịch sử đền Phương Giai -xã Kỳ Bắc ( huyện Kỳ Anh).
Đồng chí Nguyễn Văn Danh- TUV- Bí thư Huyện ủy- Chủ tịch HĐND huyện Kỳ Anh phát biểu
tại lễ khởi công tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử Đền Phương Giai- xã Kỳ Bắc.
Phát biểu tại lễ khởi công, đồng chí Nguyễn Văn Danh- TUV- Bí thư Huyện ủy- Chủ tịch HĐND huyện Kỳ Anh nhấn mạnh; Việc tôn tạo, tu bổ xây dựng công trình di tích lịch sử Đền Phương Giai ở xã Kỳ Bắc có ý nghĩa lịch sử quan trọng, nhằm hướng tới mục tiêu bảo tồn vững chắc và tôn vinh những giá trị tiêu biểu về lịch sử, văn hóa, kiến trúc của di tích lịch sử. Phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của nhân dân đồng thời giáo dục cho thế hệ hôm nay về truyền thống cách mạng của các thế hệ cha anh đi trước và trở thành địa chỉ đỏ để tuyên truyền, giáo dục cho các thế hệ trẻ kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp của quê hương Kỳ Anh./.
Thêm nhận xét mới