Nép mình bên dòng sông Rào Cái, làng làm nón lá Đan Du, xã Kỳ Thư, đã trải qua bao thăng trầm của thời gian. Mặc dù bây giờ nghề làm nón không còn hưng thịnh như xưa, nhưng nhiều người dân ở đây vẫn âm thầm bền bỉ lưu giữ “hồn” quê hương qua những sản phẩm nón lá. Đến làng Đan Du hôm nay dễ dàng bắt gặp nhiều lao động từ già tới trẻ tham gia làm nón. Đây cũng là cách họ truyền lại tình yêu cho thế hệ sau để giữ “lửa nghề”. Đối với họ, nghề làm nón không chỉ đơn thuần là công việc kiếm thêm thu nhập mà đó còn là tuổi thơ, là lịch sử truyền thống của quê hương, xứ sở.
Bà Lê Thị Ơm đôi mắt đã chẳng còn tinh, nhưng hằng ngày vẫn thoăn thoắt với từng đường kim, mũi chỉ, chiếc nón. Mỗi công đoạn làm nón, bà thuộc như lòng bàn tay. Bà đã làm nghề này gần hết cả cuộc đời, thế nhưng chưa bao giờ có ý nghĩ từ bỏ, mặc dù nghề làm nón từ lâu đã không mang lại thu nhập chính cho gia đình bà như trước.
Không muốn nghề làm nón truyền thống của làng Đan Du bị mai một, bà Ơm đã lập một nhóm làm nón tại nhà cho các người già trong làng. Mỗi ngày nhóm của bà làm được hàng chục chiếc nón, mỗi chiếc nón có giá từ 50 - 70 nghìn đồng. Từ nguồn thu nhập này bà và nhiều người cao tuổi có thêm niềm vui, trang trải thêm cho cuộc sống hằng ngày. Để làm được mội chiếc nón đẹp phải trải qua khá nhiều công đoạn phức tạp và cầu kỳ. Những chiếc lá nón phải trải qua quá trình vò, cọ, đan nan mới có thể làm nên chiếc nón lá đội che nắng, che mưa. Những người làm nón thường phải rất tỉ mỉ kỳ công trong từng công đoạn, chiếc nón mới có thể đẹp và bền.
Năm 2014, làng nón lá Đan Du vinh dự được UBND tỉnh công nhận là làng nghề truyền thống. Mỗi chiếc nón làng Đan Du đều đong đầy tình cảm, đam mê của các thế hệ dày công giữ lửa nghề. Chiếc nón lá không chỉ che nắng, che mưa mà còn san sẻ cả sự vất vả của người lao động. Hiện xã Kỳ Thư có hơn 1.200 hộ thì có tới 40% hộ làm nón, trung bình mỗi ngày sản xuất được gần 500 chiếc nón. Ở đây từ những đứa trẻ 10 tuổi tới các cụ già 80 tuổi hàng ngày vẫn bền bỉ bên những khuôn nón để chằm nón, giữ nghề. Sản phẩm nón lá làng Đan Du vừa gắn liền với giá trị vật chất phục vụ đời sống hằng ngày, vừa mang ý nghĩa văn hóa tinh thần sâu sắc.
Để bảo tồn và phát huy làng nghề làm nón truyền thống, xã Kỳ Thư đã có nhiều chủ trương, chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ làm nón mua sắm dụng cụ, nguyên liệu; tuyên truyền, động viên các thế hệ trẻ giữ “lửa” nghề truyền thống và tạo điều kiện đối với các hộ kinh doanh buôn bán, chuyên chở nguyên vật liệu làm nón từ nơi khác về làng./.
Thêm nhận xét mới