Kế hoạch Tuyển dụng công chức cấp xã năm 2024   |    Quyết định Về việc phê duyệt chỉ tiêu tuyển dụng công chức cấp xã năm 2024   |    Thông báo tuyển dụng công chức cấp xã năm 2024   |    Công điện về việc thực hiện các biện pháp cấp bách phòng cháy, chữa cháy rừng   |    Thông báo mời tham gia tập huấn " Kỹ năng tiếp thị, bán hàng chuyên nghiệp" cho Doanh nghiệp, Hợp tác xã, Hộ kinh doanh   |   

Huyện ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ huyện Kỳ Anh: Dâng hương tại Nghĩa trang Trường Sơn, Đường 9 và thành cổ Quảng Trị

  

14:38 18/07/2020

Nhân kỷ niệm 73 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2020), Đoàn đại biểu Huyện ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Kỳ Anh do đồng chí Nguyễn Xuân Thuỷ, UVBTV, phó chủ tịch UBND huyễn dẫn đầu đã đến đặt vòng hoa, dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ tại Nghĩa trang Trường Sơn, Nghĩa trang Đường 9 và Thành cổ Quảng trị ( tỉnh Quảng Trị). Cùng đi có đồng chí Trần Đình Tùng, Trưởng BTC Huyện uỷ; đại diện lãnh đạo các cơ quan, ban ngành cấp huyện.

Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn hiện quy tụ hơn 10.263 phần mộ của các liệt sỹ đã hy sinh trên tuyến đường mòn Hồ Chí Minh trong thời kì chống Mỹ cứu nước. Hà Tĩnh hiện có 798 ngôi mộ, trong đó có 8 ngôi chưa tìm được tên tuổi.

Đoàn đã đến đặt vòng hoa, dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ tại Nghĩa trang liệt sỹ quốc gia Trường Sơn,
huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị.
Các đồng chí lãnh đạo huyện thỉnh chuông cầu nguyện cho các Anh hùng liệt sỹ
tại Nghĩa trang liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đường số 9 là tuyến đường chiến lược nối liền từ biên giới Việt-Lào về tới Đông Hà, nay là Thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị. Dọc trục đường số 9, Mỹ - ngụy đã cho xây dựng các căn cứ quân sự hòng cắt đứt sự chi viện của miền Bắc cho chiến trường miền Nam. Đường số 9 đã đi vào huyền thoại của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ bởi những chiến công hào hùng và oanh liệt.

Nghĩa trang Đường 9 là nơi yên nghỉ của 10.500 anh hùng liệt sỹ, trong đó có 55 liệt sỹ là người Hà Tĩnh.

Trong những năm chiến tranh, Thành cổ Quảng Trị là nơi diễn ra cuộc chiến đấu vô cùng ác liệt trong 81 ngày đêm mùa Hè đỏ lửa năm 1972. Trung bình mỗi ngày, địch huy động 150-170 lượt máy bay phản lực, 70-90 lượt máy bay B52 ném bom hủy diệt. Thị xã Quảng Trị tuy diện tích không rộng nhưng phải hứng chịu 328.000 tấn bom đạn, tương đương với sức công phá của 7 quả bom nguyên tử mà Mỹ đã ném xuống Nhật Bản năm 1945 trong chiến tranh thế giới thứ 2. Để bảo vệ Thành cổ Quảng Trị, hàng nghìn chiến sỹ đã anh dũng chiến đấu, vĩnh viễn nằm lại nơi đây. Như vậy, mỗi mét vuông đất tại Thành cổ Quảng Trị là một mét máu và sự hy sinh của các anh đã trở thành bất tử cho Tổ quốc thân yêu.

Thành cổ Quảng Trị - nơi ghi dấu cuộc chiến đấu bảo vệ thành cổ vào mùa hè đỏ lửa năm 1972 của quân và dân ta.

Thắp nén hương thơm lên từng phần mộ của các liệt sỹ đồng chí Phó chủ tịch UBND huyện khẳng định: Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Kỳ Anh đời đời ghi nhớ công lao, sự hy sinh cao cả của các anh hùng liệt sỹ đã hiến dâng xương máu, dành trọn tuổi thanh xuân cho độc lập tự do của Tổ quốc; tiếp tục củng cố khối đại đoàn kết, phát huy dân chủ, đẩy mạnh các phong trào thi đua lao động sản xuất, quyết tâm phấn đấu xây dựng quê hương Kỳ Anh ngày càng giàu mạnh.

Trước mắt, hoàn thành xuất sắc các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXV đã đề ra; tổ chức thành công Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XXVI. Đồng thời, thực hiện tốt công tác đền ơn đáp nghĩa, quan tâm và chăm lo cho các gia đình chính sách, người có công với cách mạng.

Phạm Tuấn

Thêm nhận xét mới

 Bình luận của bạn đã được gửi thành công. Cảm ơn bạn!   Làm mới
Lỗi: Vui lòng thử lại