Đại hiểu HĐND tỉnh “truy” trách nhiệm “sự cố” Thiên ưu 8
Đăng đàn đầu tiên trong phiên chất vấn tại Kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh khóa XVII, Giám đốc Sở NN& PTNT Nguyễn Văn Việt nhận được các câu hỏi khá “nặng ký” xoáy thẳng đến nhóm vấn đề lĩnh vực nông nghiệp.
Lý giải nào cho con số tăng trưởng – 3,4%?
Trả lời cho câu hỏi: 6 tháng đầu năm 2017, tăng trưởng khu vực nông nghiệp giảm 3,4%, đặc biệt là giá lợn giảm sâu, lúa bị nhiễm bệnh đạo ôn cổ bông trên diện rộng đã làm ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân. Đề nghị UBND tỉnh làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm và giải pháp trong thời gian tới, Giám đốc Sở NN&PTTN tỉnh đã trình bày khá rõ những tác động khách quan và chủ quan khiến sản xuất nông nghiệp rơi vào vòng luẩn quẩn, bế tắc.
Theo ông Việt, nguyên nhân của con số tăng trưởng âm (-3,4%) là bởi, thị trường tiêu thụ nông sản gặp nhiều khó khăn. So với cùng kỳ năm 2016 (giá lạc giảm 15,7%, giá thịt lợn hơi giảm trên 48%, giá thịt bò hơi giảm 10,6%, giá ngô giảm 11,2%,...).
Giám đốc Sở NN&PTNT thừa nhận, trách nhiệm trước hết thuộc về ngành quản lý với vai trò tham mưu chỉ đạo.
Các doanh nghiệp, người sản xuất giảm quy mô sản xuất. Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đối với sản xuất ngày càng rõ nét. Sự cố môi trường biển tiếp tục ảnh hưởng đến sản xuất thủy sản. Nguồn lực xã hội đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn giảm mạnh.
“Năm 2017, khi thị trường biến động, giá nông sản giảm mạnh, ngành NN&PTNT chưa lượng hóa được hết những khó khăn. Ngành thừa nhận, trách nhiệm trước hết thuộc về ngành quản lý với vai trò tham mưu chỉ đạo”, - “tư lệnh” ngành NN& PTNT thẳng thắn nhận lỗi.
Tuy nhiên, ông Việt cũng phân tích thêm, trách nhiệm này còn là của các các địa phương - với vai trò tổ chức thực hiện. Cùng đó, là những hạn chế trong hoạch định chính sách khi thời gian qua chúng ta đang chú trong xây dựng một số quy hoạch, đề án và tổ chức sản xuất mà chưa có dự báo sát với cung - cầu thị trường. Kể cả chính sách và sự chỉ đạo đều đang chủ yếu tập trung cho khâu sản xuất mà thiếu vắng khâu chế biến, kết nối thị trường, tiêu thụ sản phẩm…
Ai chịu trách nhiệm với “sự cố” Thiên ưu 8?
Giải trình về nguyên nhân, trách nhiệm sản xuất lúa bị nhiễm bệnh đạo ôn cổ bông trên diện rộng, Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, ngành và các địa phương có phần chủ quan trong công tác chỉ đạo sản xuất, bởi giống lúa Thiên ưu 8, qua nhiều năm sản xuất, khẳng định là giống có năng suất cao, chất lượng gạo tốt, cơ bản kháng được nhiều đối tượng sâu bệnh.
Từ “sự cố” Thiên ưu 8, chính người đứng đầu ngành nông nghiệp đã thấy được sự lỏng lẻo trong công tác quản lý cơ cấu giống trên địa bàn: “việc quản lý nhà nước về tỷ lệ các giống lúa gieo cấy chưa khoa học, chặt chẽ, không kiểm soát được diện tích sản xuất của từng giống trên địa bàn tỉnh”.
Đại biểu Trần Nhật Tân
Chưa bằng lòng với trả lời của lãnh đạo ngành NN&PTNT, đại biểu Nguyễn Thị Nhuần, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh - Tổ đại biểu Cẩm Xuyên và đại biểu Trần Nhật Tân, Bí thư Huyện ủy Thạch Hà đều cho rằng Công ty CP giống cây trồng Trung ương thiếu trách nhiệm với nông dân, trong khi đó chúng ta lại chưa chỉ rõ trách nhiệm này. “Riêng huyện Thạch Hà đã 2 lần phát văn bản và có nhiều cuộc điện thoại, nhưng doanh nghiệp không những trả lời chậm mà còn có dấu hiệu thiếu trung thực, né tránh trách nhiệm”, - đại biểu Tân bức xúc.
Trả lời về việc làm rõ trách nhiệm của doanh nghiệp, Giám đốc Sở NN& PTNT cho biết: Sở đã gửi văn bản với 5 câu hỏi về các vấn đề mà đại biểu đã nêu nhưng đến nay vẫn chưa nhận được câu trả lời thỏa đáng. Về việc khởi kiện đơn vị cung ứng giống, ôngng Việt cho rằng, có thể kiện công ty cung ứng giống theo quy định của pháp luật.
Đại biểu Nguyễn Thị Nhuần
Mở rộng vấn đề quản lý nhà nước về giống, đại biểu Nguyễn Thị Nhuần tiếp tục nêu câu chuyện: Chúng ta đã có bài học khi năm 2014, khi hàng trăm giống lúa VTNA không nảy mầm, nhưng năm 2017 giống lúa này lại tái diễn tình trạng này. Ngành nông nghiệp trả lời lúc do thời tiết, lúc do dân. Vậy trách nhiệm của cơ quan quản lý như thế nào? Tại sao vẫn phải chọn đơn vị cung ứng giống này khi họ đã cho dân nhiều bài học?
Lãnh đạo ngành nông nghiệp cho biết, năm 2016, qua đưa vào sản xuất cho thấy giống vẫn đạt năng suất chất lượng. Năm 2017 khi phát hiện sự cố không nảy mầm tại Cẩm Xuyên, ngành đã kịp thời phát hiện và xử lý. Nguyên nhân do khâu kỹ thuật ngâm ủ giống chưa đúng qui định.
“Về góc độ quản lý của ngành chúng tôi nhận thấy công tác quản lý giống đang còn nhiều bất cập từ tỉnh đén huyện, xã. Ngành sẽ phối hợp với các địa phương trong thực thi nhiệm vụ này cần tập trung cao hơn nữa”- ông Việt cho biết.
Đại biểu Nguyễn Thị Nữ Y - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh cho rằng, nguyên nhân dịch bệnh do thời tiết, do giống hay do công tác quản lý của ngành nông nghiệp sẽ có kết luận của hội đồng khoa học. Tuy nhiên, tôi cho rằng nguyên nhân chủ quan vẫn là số 1, do nhiều năm liên tục được mùa. Cử tri cho rằng, vai trò cán bộ khuyến nông chưa làm tròn trách nhiệm “khi bán giống thì hô hào, khi dịch bệnh thì không thấy đâu”.
Nhìn ở góc độ trách nhiệm của ngành, đại biểu Đoàn Đình Anh – Trưởng ban Văn hóa – Xã hội (HĐND tỉnh) đề nghị Giám đốc Sở NN& PTNT làm rõ cơ chế vận hành của hệ thống nông nghiệp từ sở, đến huyện, xã, thôn như thế nào khi phát hiện ra dịch bệnh? Trước việc bệnh đạo ôn gây mất mùa lúa xuân vừa qua, hệ thống này đã phản ứng như thế nào? Cần làm rõ khâu nào chậm và yếu nhất?
Về vấn đề này, Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Văn Việt thừa nhận khâu vận hành của hệ thống ngành nông nghiệp khi xẩy ra dịch bệnh là có vấn đề. Từ việc nắm bắt tình hình cho đến dự tính, dự báo, khuyến cáo, thông tin tình hình sâu bệnh chưa thực sự tốt.
Giải đáp lo ngại mà đại biểu Nguyễn Thị Nhi (Tổ đại biểu Nghi Xuân) nêu: “Ngành Nông nghiệp có giải pháp gì để người dân có niềm tin trong sản xuất nông nghiệp sau sự cố mất mùa vừa qua?, Giám đốc Sở NN& PTNT khẳng định: Qua bài học lớn của Thiên ưu 8, ngành và các địa phương sẽ phải có giải pháp bài bản, khoa học, thận trọng trong thực hiện cơ cấu giống.
Tổng kết phần chất vấn và trả lời chất vấn về vấn đề nông nghiệp, Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Đình Sơn cho rằng, nhìn nhận của ngành về những khó khăn, hạn chế của lĩnh vực nông nghiệp tương đối rõ, nhưng chưa thực sự sâu sắc. Quá trình triển khai sản xuất, công tác vận hành bộ máy của ngành chưa hiệu quả; công tác dự tính, dự báo, chỉ đạo sơ sài. Đặc biệt, khi xảy ra sự việc, ngành còn bị động, lúng túng, thậm chí né tránh, đùn đẩy.
Về phía tỉnh, cần làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, đồng thời tiếp tục có các chính sách, giải pháp hỗ trợ nông dân. Nhiệm vụ quan trọng và thường xuyên, lâu dài đó là tiếp tục có các giải pháp đồng bộ, hiệu quả hơn nữa trong việc thực hiện mục tiêu nâng cao hiệu quả sản xuất, nâng cao đời sống nhân dân.
Thêm nhận xét mới