Giấy mời tiếp dân định kỳ của đồng chí Bí thư, chủ tịch HĐND và Chủ tịch UBND huyện tháng 11.2024   |    Công bố công khai thực hiện dự toán quý III năm 2024   |    Công bố công khai quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2023   |    Quyết định số 26/2024/QĐ-UBND, Ban hành Quy định một số nội dung của Luật Đất đai và các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh   |    Thông báo kết quả Tiếp công dân ngày 05/11/2024   |   

Kết luận sự cố môi trường cho ta nhiều bài học

  

08:38 17/02/2017

  (Chinhphu.vn) - Thực hiện đúng lời hứa, 17h chiều nay (30/6), Chính phủ đã tổ chức Họp báo về nguyên nhân sự cố môi trường gây ra hiện tượng hải sản chết bất thường tại 4 tỉnh ven biển miền Trung vừa qua. Một số chuyên gia, luật sư đã bày tỏ ý kiến với phóng viên Báo Điện tử Chính phủ xung quanh vấn đề này.

(Chinhphu.vn) - Thực hiện đúng lời hứa, 17h chiều nay (30/6), Chính phủ đã tổ chức Họp báo về nguyên nhân sự cố môi trường gây ra hiện tượng hải sản chết bất thường tại 4 tỉnh ven biển miền Trung vừa qua. Một số chuyên gia, luật sư đã bày tỏ ý kiến với phóng viên Báo Điện tử Chính phủ xung quanh vấn đề này.

    Luật sư Trần Văn Toàn, Đoàn Luật sư Hà Nội

    Luật sư Trần Văn Toàn, Đoàn Luật sư Hà Nội: Sự cố môi trường khiến hải sản chết bất thường tại 4 tỉnh ven biển miền Trung vừa qua được đánh giá là thảm họa môi trường nghiêm trọng nhất, lần đầu tiên xảy ra ở nước ta, tác động xấu đến kinh tế xã hội, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của nhân dân. Do vậy, dư luận nhân dân cả nước đòi hỏi các Bộ, các ngành chức năng, đề nghị Chính phủ phải tìm ra nguyên nhân thảm họa gắn liền với thủ phạm, biện pháp khắc phục thảm họa môi trường đã xảy ra, phòng ngừa sự cố tương tự. Tôi cho rằng, đòi hỏi của nhân dân là chính đáng, phù hợp với Hiến pháp, pháp luật.

    Mặt khác, các cơ quan chức năng cũng cần có thời gian cần thiết để điều tra kỹ lưỡng thu thập bằng chứng sát thực tìm ra thủ phạm đích thực, truy cứu trách nhiệm.

    Thực hiện đúng lời hứa, 17h chiều nay (30/6), Chính phủ đã tổ chức Họp báo về nguyên nhân sự cố môi trường gây ra hiện tượng hải sản chết bất thường tại 4 tỉnh ven biển miền Trung vừa qua. Trên tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc là không loại trừ bất cứ tổ chức nào, nếu có đầy đủ các bằng chứng khoa học và bằng chứng pháp lý gây ra thảm họa, thì phải truy cứu trách nhiệm và bồi thường thiệt hại. Tại cuộc họp báo này, Công ty Formosa Hà Tĩnh đã nhận trách nhiệm về việc gây ra sự cố môi trường vừa qua. Việc tìm ra nguyên nhân và đối tượng gây ra sự cố đã đáp ứng được yêu cầu, nguyện vọng của nhân dân cả nước.

    Tôi đánh giá cao trách nhiệm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc thực hiện lời hứa trước nhân dân. Đúng như phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kết luận phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2016, quyết tâm xây dựng Chính phủ liêm chính, minh bạch, hiệu quả; nói không với tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.

    GS.TS Nguyễn Lân Dũng

    GS.TS Nguyễn Lân Dũng: Tôi đánh giá cao quyết tâm của Chính phủ trong việc này. Việc công bố nguyên nhân cá chết và sự đồng ý đền bù lớn đến 500 triệu USD của nhà máy gây ra độc hại là đáp ứng được yêu cầu của nhân dân. Nhiều người phê phán về sự chậm trễ của Chính phủ nhưng với tôi, một nhà sinh học thì tôi rất thông cảm khó khăn của Chính phủ và các nhà khoa học đối với việc xác định chính xác nguyên nhân gây cá chết.

    Đây là chuyện chẳng đơn giản. Một là, mọi phân tích với các thiết bị hiện đại nhất cũng phải có mẫu chuẩn. Biết độc tố là gì mà tìm chuẩn. Với kim loại nặng còn dễ, chứ nếu là một chất hữu cơ nào đó thì hết sức khó khăn khi tìm mẫu chuẩn. Hai là, chất độc khi vào cơ thể cá sau một thời gian thì đã biến đổi rất nhiều, nên không dễ dàng để có thể phát hiện nhanh chóng nguyên nhân. Ba là, nước đã bị pha loãng nhiều rồi, đâu có thể tìm ra các hoạt chất gây chết cá. Vì cá ở vùng đáy chết nên có ý kiến cho rằng có thể phân tích đất đá ở đáy biển, điều này càng khó vì dễ gì các chất vô cơ này lại hấp thụ các chất gây độc.

    Tuy nhiên, chúng ta phải nghiêm túc rút kinh nghiệm qua sự cố này. Chúng ta có lường trước được hay không những tác hại có thể xảy ra khi không thường xuyên kiểm tra mọi nguồn nước thải trước khi cho thải xuống đáy biển. Chúng ta đã duyệt quy trình xử lý nước thải và quy trình xúc rửa đường ống chưa? Chúng ta có biết hay không một số lượng lớn hoá chất được nhập về gần đây và liệu đã dùng hết bao nhiêu để phục vụ cho việc xúc rửa đường ống? Chúng ta cần coi đây là một bài học để hạn chế đến mức cao nhất những việc có thể xảy ra trong tương lai, không chỉ với các cơ sở sản xuất ven biển, ven sông ngoài mà cả các nhà máy trong đất liền trong khả năng gây ô nhiễm môi trường, nhất là các nhà máy có nguồn chất thải là chất hữu cơ như các nhà máy sản xuất đường, sản xuất giấy, sản xuất thực phẩm cho người và thức ăn cho gia súc, gia cầm…

    PGS. TS Trịnh Hòa Bình

    PGS. TS Trịnh Hòa Bình: Một vấn đề rất rõ ràng, mọi người dân đều mong đợi vào cái kết của vụ việc hải sản chết bất thường tại 4 tỉnh ven biển miền Trung. Trong cả quá trình từ khi sự việc xảy ra đến nay, Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo triển khai kịp thời các biện pháp hỗ trợ, ổn định cuộc sống của người dân vùng bị thiệt hại, đồng thời đã thường xuyên chỉ đạo việc khắc phục sự cố, thực hiện trên tinh thần khách quan, thận trọng nhất có thể.

    Formosa đã nhận trách nhiệm gây ra sự cố ô nhiễm môi trường, xin lỗi và cam kết thực hiện các biện pháp để khắc phục. Xử sự của Formosa không đơn thuần là sự tự nguyện của doanh nghiệp mà còn là do hành động, sự đấu tranh của Chính phủ. Vấn đề không chỉ đơn giản là sự đền bù, bồi đắp thiệt hại mà quan trọng là việc bảo đảm an toàn cho môi trường của Việt Nam trong tương lai.

    Chính phủ Việt Nam công bố thông tin này không chỉ có ý nghĩa giải quyết vụ việc cụ thể mà còn thể hiện sự ổn định, minh bạch trong môi trường đầu tư, thu hút đầu tư của Việt Nam trên tinh thần đầu tư để phát triển nhưng không quên bảo vệ môi trường, bảo vệ lợi ích của người dân.

    Ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch Hội nghề cá Đà Nẵng

    Ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch Hội nghề cá Đà Nẵng: Tôi đánh giá tích cực hành động nhận lỗi từ phía Formosa. Tuy nhiên, Formosa phải bồi thường thiệt hại cho ngư dân và người dân Việt Nam. Tuỳ theo thiệt hại mà có giải pháp khắc phục triệt để, có biện pháp hỗ trợ cho ngư dân trong thời gian chờ biển phục hồi sinh thái.

    Tuy nhiên, qua việc nhận lỗi của Formosa, có thể thấy hệ thống hoạt động của Formosa đang có vấn đề, không bảo đảm an toàn môi trường. Do đó, Chính phủ cần buộc Formosa phải xây dựng lại hệ thống hoàn hảo rồi mới cho hoạt động lại. Nhân vụ việc Formosa, tôi đề xuất Chính phủ xem xét, rà soát lại các công trình nhà máy, đánh giá lại tác động môi trường.

    Về phía Chính phủ, kỳ vọng của người dân ngoài việc nêu nguyên nhân gây ra tình trạng cá chết, Chính phủ cần nêu rõ tác động ảnh hưởng tới môi trường như thế nào, phạm vi ảnh hưởng bao nhiêu km dọc bờ biển, ảnh hưởng đến con người như nào, sau bao năm thì sẽ phục hồi và cần có sự giám sát chặt chẽ quá trình khắc phục sự cố của doanh nghiệp.

    Luật sư Đoàn Công Thiện, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Kiên Giang

    Luật sư Đoàn Công Thiện, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Kiên Giang: Việc công bố nguyên nhân cá chết đã giải tỏa bức xúc của người dân, nhất là người dân ven biển miền Trung đối với tác hại to lớn như một thảm họa chưa từng xảy ra ở nước ta.

    Thông qua sự việc này, tôi đề xuất Chính phủ, các cơ quan có thẩm quyền nên thẩm định các dự án một cách chặt chẽ hơn nữa, cân nhắc khi phê duyệt và giám sát nghiêm ngặt những dự án nhà máy có sử dụng chất thải độc hại. Kiên quyết không cho tiến hành xây dựng hoặc không cho tồn tại những nhà máy có thể hoặc đã và đang gây ô nhiễm gây hại như tình trạng vừa qua.

    Sự cố môi trường nêu trên cũng là bài học cho các doanh nghiệp trong quá trình đầu tư không chỉ quan tâm đến lợi nhuận mà phải tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật, trong đó vấn đề bảo vệ môi trường.

    Theo baochinhphu.vn

    Thêm nhận xét mới

     Bình luận của bạn đã được gửi thành công. Cảm ơn bạn!   Làm mới
    Lỗi: Vui lòng thử lại