Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và Đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 tới đây là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng nhằm phát huy quyền làm chủ của nhân dân, lựa chọn những đại biểu xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng của mình tham gia vào cơ quan quyền lực của Nhà nước góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.
Đồng chí Bùi Quang Hoàn, Chủ tịch UBND huyện, Chủ tịch Uỷ ban
bầu cử huyện kiểm tra công tác bầu cử tại các địa phương.
Để có cuộc bầu cử ý nghĩa, diễn ra dân chủ, đúng pháp luật thì công tác chuẩn bị rất quan trọng. Hiện nay, đang là giai đoạn các cơ quan, tổ chức, đơn vị tổ chức các hội nghị tiếp xúc cử tri để người ứng cử vận động bầu cử. Giai đoạn này cần sự chuẩn bị rất kỹ lưỡng của ứng cử viên.
Để có chương trình vận động bầu cử chất lượng, các ứng cử viên phải nghiên cứu kỹ nơi mình đến ứng cử, tình hình kinh tế - xã hội ở địa phương, những khó khăn của cơ sở. Từ đó, nếu trúng cử, ứng cử viên sẽ tham gia giải quyết khó khăn đó trong nhiệm kỳ tới như thế nào?
Ông Bùi Văn Xuyền, Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, đối với ứng cử viên lần đầu ứng cử cần có chương trình hành động càng cụ thể càng tốt; đối với đại biểu Quốc hội từng có kinh nghiệm hoạt động trong một nhiệm kỳ Quốc hội, khi tiếp xúc vận động bầu cử không nên chủ quan, thậm chí phải chuẩn bị kỹ càng hơn, phản ánh được nguyện vọng của cử tri.
Theo ông Xuyền, chương trình hành động của người ứng cử đại biểu Quốc hội quan trọng là đại biểu phải nói được tiếng nói của cử tri lên diễn đàn Quốc hội và trước cơ quan Trung ương, địa phương, thể hiện tâm tư, nguyện vọng của người dân. Giải quyết được nguyện vọng của người dân, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của nhân dân, kể cả phát triển kinh tế, xã hội, giữ vững ổn định chính trị đất nước. Đó là nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Chương trình hành động trong 5 năm phải thể hiện được nội dung này.
Các ứng cử viên cần nghiên cứu kỹ định hướng phát triển của địa phương để nắm sát vấn đề, xây dựng chương trình hành động hiệu quả. Các ứng cử viên cũng cần liên hệ thường xuyên với đơn vị ứng cử để trao đổi về thông tin cần biết để tham khảo. Đồng thời, các ứng cử viên cũng cần được tạo điều kiện từ vấn đề truyền thông như phát thanh, truyền hình trực tiếp để nhiều cử tri biết đến hơn, tạo được sự nhận xét, đánh giá khách quan, công bằng đối với mỗi ứng viên.
Ông Nguyễn Văn Pha, đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định cũng cho rằng, các địa phương cố gắng phát thanh, truyền hình trực tiếp các cuộc tiếp xúc để cử tri biết đến nhiều hơn.
Cử tri chính là nhân tố quyết định cuối cùng trong quá trình bầu cử, lựa chọn ra những người đại diện vào cơ quan dân cử. Công tác chuẩn bị cho bầu cử phải làm sao để cử tri thấy được ý nghĩa của cuộc bầu cử này và tham gia tích cực vào quá trình ấy. Để làm được như vậy, theo TS Nguyễn Sỹ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, phải có những hình thức tuyên truyền sát hơn nữa, để cử tri tìm hiểu, nắm bắt thông tin về ứng cử viên một cách nhanh nhất, thuận tiện nhất.
“Cách của Hà Nội và một số thành phố làm cũng nên tham khảo, tức là gửi tiểu sử ứng cử viên đến từng nhà. Qua các kỳ bầu cử, tôi thấy Hà Nội gửi từng mảnh giấy nhỏ đến từng nhà về thông tin của ứng cử viên, đó là nguồn thông tin rất quan trọng giúp cử tri dễ dàng tiếp cận và thu hút được sự quan tâm của họ”, ông Nguyễn Sỹ Dũng nói.
Công tác chuẩn bị cho cuộc bầu cử phải làm sao ứng cử viên nỗ lực hết mình để nhận được lá phiếu của cử tri. Còn cử tri thì phải thấy tự hào khi đi bỏ phiếu, bầu ra những đại biểu ưu tú nhất, đại diện cho tiếng nói của cử tri, đưa ra những quyết sách đúng đắn./.
Thêm nhận xét mới