Chuẩn bị cho công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Văn Pha đã có cuộc trao đổi với báo chí về các nội dung liên quan đến việc hướng dẫn giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội đối với các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở Trung ương.
Theo quy định của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sau khi thống nhất ý kiến với Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và lãnh đạo các tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương sẽ đưa ra bản dự kiến cơ cấu, thành phần, số lượng người được giới thiệu ứng cử. Quá trình Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tham gia với Thường vụ Quốc hội để chuẩn bị dự thảo này đều được các bên cơ bản nhất trí. Tinh thần dân chủ của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 12 của Đảng đã được tiếp tục thể hiện trong Chỉ thị của Trung ương Đảng, hướng dẫn của Hội đồng bầu cử quốc gia, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và qua hiệp thương lần thứ nhất của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp. Theo báo cáo của 63 tỉnh, thành phố trên cả nước, việc hiệp thương giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội, ở tất cả các địa phương đều thể hiện theo đúng tinh thần Luật định.
Việc giới thiệu người ra ứng cử của các cơ quan, tổ chức, đơn vị được thực hiện theo ba bước: Đó là ban lãnh đạo cơ quan, tổ chức, đơn vị họp dự kiến người của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình được giới thiệu ra ứng cử đại biểu Quốc hội. Sau đó sẽ tổ chức hội nghị cử tri nơi người được dự kiến giới thiệu đang công tác. Nơi nào dưới 100 cử tri sẽ tổ chức hội nghị toàn thể nhưng bắt buộc phải có 2/3 số cử tri tham dự. Nơi nào có trên 100 cử tri, có thể mời đại diện cử tri nhưng phải đảm bảo có 70 cử tri tham dự. Hội nghị cử tri sẽ nhận xét tín nhiệm với những người được dự kiến giới thiệu ứng cử. Luật không quy định giới thiệu một người. Các cơ quan, đơn vị có thể giới thiệu 2 - 3 người. Nhưng khi những người đủ điều kiện quá bán thì sẽ có hai hình thức trong hội nghị cử tri, đó là: biểu quyết bằng giơ tay hoặc bằng bỏ phiếu kín để cuối cùng chọn được người mà cử tri tín nhiệm để ứng cử.
Cuối cùng, trên cơ sở ý kiến nhận xét và tín nhiệm tại hội nghị cử tri nơi công tác, nơi làm việc, ban lãnh đạo cơ quan, tổ chức, đơn vị tổ chức hội nghị mở rộng đến công đoàn các tổ chức trực thuộc để thảo luận, nhất trí chốt lại giới thiệu người đại diện cơ quan tổ chức mình ứng cử đại biểu Quốc hội. Đến danh sách gửi sang Mặt trận Tổ quốc là các cơ quan ở Trung ương chỉ giới thiệu một người.
- Việc cơ cấu đại biểu Quốc hội là cần thiết nhưng chất lượng đại biểu Quốc hội mới là điều quan trọng. Theo ông cần có những biện pháp gì để có thể lựa chọn được những đại biểu đạt tiêu chuẩn, có thể đóng góp tốt hơn cho chất lượng hoạt động của Quốc hội?
Về chất lượng của đại biểu, bất cứ là ai, thuộc khối nào, Nhà nước hay ngoài Nhà nước đều phải đủ điều kiện theo Luật định. Với việc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, mọi công dân từ đủ 21 tuổi trở lên nếu có đầy đủ các tiêu chuẩn theo quy định của luật bầu cử đều được ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân. Do vậy không thể có những quy định phân biệt giữa người được giới thiệu ứng cử với người tự ứng cử. Việc đánh giá chất lượng của người ứng cử là trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền, nhất là Ủy ban bầu cử và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp.
- Xin cảm ơn ông!
Thêm nhận xét mới