Chủ động thực hiện công tác Phòng cháy chữa cháy (PCCC) dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ
Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến các vụ cháy nổ là do sự thiếu ý thức cảnh giác của người dân trong công tác phòng chống cháy nổ. Đặc biệt, tại các khu nhà chung cư, khu vực đông dân cư, các khu nhà cho thuê trọ, khu vực chợ, các cơ sở kinh doanh với nhu cầu sử dụng điện, chất đốt cao dẫn đến tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ do chập điện và chất đốt là rất lớn. Trong đó, cháy nổ do chập điện, sử dụng gas, chất đốt không an toàn, thiếu thiết bị an toàn phòng cháy chữa cháy được coi là những nguyên nhân hàng đầu.Vì vậy để chủ động phòng chống cháy nổ trên địa bàn trong những ngày trước, trong và sau Tết nguyên đán Ất Tỵ, các cơ quan, đơn vị, các cơ sở kinh doanh dịch vụ và toàn thể nhân dân cần chủ động thực hiện một số biện pháp PCCC như sau:
* Đối với khu dân cư
- Thường xuyên tổ chức tuyên tryền, vận động cán bộ, nhân dân nêu cao ý thức cảnh giác, phòng ngừa cháy nổ cũng như ý thức trách nhiệm vì cộng đồng trong hoạt động PCCC, nhất là tuyên truyền về các biện pháp phòng cháy chữa cháy trong hộ gia đình, việc sử dụng điện và việc đun nấu, thực hiện chế độ kiểm tra nguồn lửa, điện, chất cháy vào thời điểm có nguy cơ cháy cao; chú ý tuyên truyền đến toàn thể các hộ kinh doanh trên địa bàn dân cư.
* Đối với các hộ gia đình
- Mỗi gia đình chủ động trang bị các phương tiện PCCC và hướng dẫn các thành viên trong gia đình cách sử dụng đảm bảo tuyệt đối an toàn.
- Thường xuyên kiểm tra hệ thống điện, các thiết bị điện; ngắt attomat khi xảy ra chạm chập; phối hợp với ngành điện lực kiểm tra, khắc phục ngay những sơ hở thiếu sót trong việc cung ứng, truyền tải điện trong khu vực dân cư đến các hộ tiêu thụ điện, đề phòng chập, cháy từ đường dây lan vào nhà ở...
- Đối với các hộ gia đình sử dụng bếp gas cần chú ý tắt van xả khí khi dùng xong. Khi đi ra ngoài và trước khi đi ngủ cần kiểm tra các hệ thống thiết bị trong gia đình, tắt các thiết bị điện không cần thiết, đặc biệt là trong các dịp lễ, tết cần chú ý việc thắp hương thờ cúng, khoảng cách từ bát hương tới trần nhà tối thiểu là 2m, không được đốt vàng mã ở ngoài đường, gây ô nhiễm môi trường.
* Đối với các cơ sở Tín ngưỡng - Tôn giáo
- Tổ chức trang bị và kiểm tra các thiết bị PCCC tại cơ sở tín ngưỡng - tôn giáo, quản lý chặt chẽ nguồn lửa, nguồn điện, các thiết bị và dụng cụ sinh lửa, sinh nhiệt, chất sinh lửa, sinh nhiệt có thể xảy ra trong cơ sở.
- Bố trí nơi thắp hương, đốt vàng mã hợp lý, an toàn. Thường xuyên kiểm tra việc sử dụng hương, nến trên các ban thờ, hệ thống điện, sắp xếp ban thờ, các đồ thờ cúng đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy và phát hiện, ứng đối kịp thời khi cần thiết.
* Đối với cơ sở kinh doanh:
- Niêm yết nội quy PCCC, tiêu lệnh chữa cháy, trang bị đầy đủ bình chữa cháy, lối thoát hiểm, trang bị phương tiện phá dỡ (búa, rìu,...) đặt ở bên trong cơ sở.
- Tổ chức tuyên truyền cho nhân viên trong cơ sở về công tác phòng cháy, chữa cháy; hưỡng dẫn nhân viên cách sử dụng những phương tiện chữa cháy đã được trang bị và kỹ năng thoát nạn khi có cháy.
- Luôn nêu cao tinh thần cảnh giác, triệt để tuân thủ các quy định về phòng cháy chữa cháy, chuẩn bị sẵn sàng các phương tiện chữa cháy để kịp thời xử lý khi có sự cố cháy, nổ xảy ra.
- Khi xảy ra cháy, tìm mọi cách báo cháy nhanh nhất cho lực lượng cảnh sát Phòng cháy chữa cháy theo số 114, đồng thời tổ chức việc thoát nạn, cứu người và dùng các phương tiện chữa cháy tại chỗ để dập tắt đám cháy.
Sự an toàn, không chỉ trong một thời điểm nào đó. Tuy nhiên, đón Tết là thời gian bận rộn nhất trong năm. Chính vì vậy nguy cơ cháy, nổ cao hơn và ý thức phòng ngừa cũng phải được nâng cao hơn. Mọi người cùng nêu cao tinh thần trách nhiệm trong phòng ngừa cháy, nổ, bảo vệ an toàn cho chính mình và gia đình mình, cũng chính là bảo vệ cuộc sống bình yên của mọi người, mọi nhà.
Đình Nhật-PC07
Thêm nhận xét mới