Kế hoạch Tuyển dụng công chức cấp xã năm 2024   |    Quyết định Về việc phê duyệt chỉ tiêu tuyển dụng công chức cấp xã năm 2024   |    Thông báo tuyển dụng công chức cấp xã năm 2024   |    Công điện về việc thực hiện các biện pháp cấp bách phòng cháy, chữa cháy rừng   |    Thông báo mời tham gia tập huấn " Kỹ năng tiếp thị, bán hàng chuyên nghiệp" cho Doanh nghiệp, Hợp tác xã, Hộ kinh doanh   |   

Pháp luật về phòng, chống bệnh truyền nhiễm và cách ly y tế

  

11:29 26/02/2021

TÀI LIỆU TUYÊN TRUYỀN

Pháp luật về phòng, chống bệnh truyền nhiễm và cách ly y tế

1. Quy định về khai báo, báo cáo dịch

Khi có dịch, người mắc bệnh dịch hoặc người phát hiện trường hợp mắc bệnh dịch hoặc nghi ngờ mắc bệnh dịch phải khai báo cho cơ quan y tế gần nhất trong thời gian 24 giờ, kể từ khi phát hiện bệnh dịch.

Khi phát hiện trường hợp mắc bệnh dịch hoặc nhận được khai báo bệnh dịch, cơ quan y tế phải báo cáo cho Ủy ban nhân dân nơi xảy ra dịch và cơ sở y tế dự phòng để khẩn trương tổ chức triển khai các biện pháp chống dịch.

2. Tổ chức cách ly y tế:

2.1 Các trường hợp phải được cách ly, cưỡng chế cách ly y tế

- Theo quy định tại khoản 1 Điều 49 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, phải tổ chức cách ly y tế đối với các trường hợp sau:

+ Người mắc bệnh dịch;

+ Người bị nghi ngờ mắc bệnh dịch;

+ Người mang mầm bệnh dịch;

+ Người tiếp xúc với tác nhân gây bệnh dịch.

- Trường hợp các đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 49 không chịu thực hiện yêu cầu cách ly của cơ sở y tế thì áp dụng biện pháp cưỡng chế cách ly theo quy định của chính phủ.

2.2. Các hình thức cách ly y tế, gồm:

a. Cách ly y tế tại nhà:

- Người bị nghi ngờ mắc bệnh dịch, người mang mầm bệnh dịch, người tiếp xúc với tác nhân gây bệnh dịch đang lưu trú tại vùng có bệnh dịch;

- Người xuất phát hoặc đi qua vùng có bệnh dịch;

- Người tiếp xúc với người mắc bệnh dịch.

b. Cách ly y tế tại cơ sở y tế:

- Người mắc bệnh dịch, người bị nghi ngờ mắc bệnh dịch,người mang mầm bệnh dịch, người tiếp xúc với tác nhân gây bệnh dịch đang khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở y tế;

- Người mắc bệnh dịch đang lưu trú tại vùng có bệnh dịch;

- Người đang bị áp dụng biện pháp cách ly y tế tại nhà, tại cửa khẩu nhưng có dấu hiệu tiến triển thành mắc bệnh truyền nhiễm.

c. Cách ly y tế tại cửa khẩu:

- Người, phương tiện, hàng hóa xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh Việt Nam, hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh Việt Nam có khai báo của chủ phương tiện vận tải hoặc có bằng chứng rõ ràng cho thấy trên phương tiện vận tải, người, hàng hóa có dấu hiệu mang mầm bệnh dịch.

- Người xuất phát hoặc đi qua vùng có dịch xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh Việt Nam.

d. Cách ly y tế tại các cơ sở, địa điểm khác

Biện pháp cách ly y tế tại các cơ sở, địa điểm khác áp dụng đối với các trường hợp số lượng người xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh Việt Nam vượt quá khả năng tiếp nhận cách ly của cửa khẩu hoặc số lượng người mắc bệnh truyền nhiễm vượt quá khả năng tiếp nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tại vùng có dịch.

2.3.  Nghĩa vụ của người cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế

Trong thời gian áp dụng Quyết định cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế người bị áp dụng biện pháp cách ly y tế không được tiếp xúc trực tiếp với người thân hoặc ra khỏi khu vực cách ly trừ các trường hợp phải chuyển cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo quy định.

3. Quy định về vệ sinh, diệt trùng, tẩy uế trong vùng có dịch (Điều 50 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm)

- Các biện pháp vệ sinh, diệt trùng, tẩy uế bao gồm:

+ Vệ sinh môi trường, nước, thực phẩm và vệ sinh cá nhân;

+ Diệt trùng, tẩy uế khu vực được xác định hoặc nghi ngờ có tác nhân gây bệnh dịch;

+ Tiêu hủy động vật, thực phẩm và các vật khác là trung gian truyền bệnh.

- Cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm thực hiện các biện pháp vệ sinh, diệt trùng, tẩy uế theo hướng dẫn của cơ quan y tế có thẩm quyền; trường hợp không tự giác thực hiện thì cơ quan y tế có quyền áp dụng các biện pháp vệ sinh, diệt trùng, tẩy uế bắt buộc.

4. Các biện pháp bảo vệ cá nhân (Điều 51 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm)

- Người tham gia chống dịch và người có nguy cơ mắc bệnh dịch phải thực hiện một hoặc một số biện pháp bảo vệ cá nhân sau đây:

+ Trang bị bảo vệ cá nhân;

+ Sử dụng thuốc phòng bệnh;

+ Sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế để phòng bệnh;

+ Sử dụng hoá chất diệt khuẩn, hoá chất phòng trung gian truyền bệnh.

- Nhà nước bảo đảm cho người tham gia chống dịch thực hiện các biện pháp bảo vệ cá nhân theo quy định như trên.

5. Các biện pháp chống dịch khác trong thời gian có dịch (Điều 52 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm):

Trong trường hợp cần thiết, cơ quan nhà nước có thẩm quyền có thể áp dụng các biện pháp chống dịch sau đây:

- Tạm đình chỉ hoạt động của cơ sở dịch vụ ăn uống công cộng có nguy cơ làm lây truyền bệnh dịch tại vùng có dịch;

- Cấm kinh doanh, sử dụng loại thực phẩm được cơ quan y tế có thẩm quyền xác định là trung gian truyền bệnh dịch;

- Hạn chế tập trung đông người hoặc tạm đình chỉ các hoạt động, dịch vụ tại nơi công cộng tại vùng có dịch.

6. Kiểm soát ra, vào vùng có dịch đối với bệnh dịch thuộc nhóm A (Điều 53 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm)

- Các biện pháp kiểm soát ra, vào vùng có dịch đối với bệnh dịch thuộc nhóm A bao gồm:

+ Hạn chế ra, vào vùng có dịch đối với người và phương tiện; trường hợp cần thiết phải kiểm tra, giám sát và xử lý y tế;

+ Cấm đưa ra khỏi vùng có dịch những vật phẩm, động vật, thực vật, thực phẩm và hàng hóa khác có khả năng lây truyền bệnh dịch;

+ Thực hiện các biện pháp bảo vệ cá nhân đối với người vào vùng có dịch quy định tại khoản 1 Điều 51 của Luật này;

+ Các biện pháp cần thiết khác theo quy định của pháp luật.

- Trưởng Ban chỉ đạo chống dịch thành lập các chốt, trạm kiểm dịch tại các đầu mối giao thông ra, vào vùng có dịch để thực hiện các biện pháp nêu trên.

7. Các biện pháp được áp dụng trong tình trạng khẩn cấp về dịch (Điều 54 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm)

- Thành lập Ban chỉ đạo chống dịch trong tình trạng khẩn cấp.

- Trong trường hợp ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch, Trưởng Ban chỉ đạo có quyền:

+ Huy động, trưng dụng các nguồn lực quy định tại Điều 55 của Luật này;

+ Đặt biển báo hiệu, trạm gác và hướng dẫn việc đi lại tránh vùng có dịch;

+ Yêu cầu kiểm tra và xử lý y tế đối với phương tiện vận tải trước khi ra khỏi vùng có dịch;

+ Cấm tập trung đông người và các hoạt động khác có nguy cơ làm lây truyền bệnh dịch tại vùng có dịch;

+ Cấm người, phương tiện không có nhiệm vụ vào ổ dịch;

+ Tổ chức tẩy uế, khử độc trên phạm vi rộng;

+ Tiêu hủy động vật, thực phẩm và các vật khác có nguy cơ làm lây lan bệnh dịch sang người;

+ Áp dụng các biện pháp khác quy định tại Mục 3 của Chương IV, Luật Phòng chống dịch bệnh năm 2007.

8. Quy định về huy động, trưng dụng các nguồn lực cho hoạt động chống dịch (Điều 55 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm)

- Căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm và quy mô của bệnh dịch đe dọa đến sức khoẻ nhân dân, người có thẩm quyền được huy động người, huy động, trưng dụng cơ sở vật chất, thiết bị y tế, thuốc, hoá chất, vật tư y tế, cơ sở dịch vụ công cộng, phương tiện giao thông và các nguồn lực khác để chống dịch. Các phương tiện giao thông tham gia chống dịch được ưu tiên theo pháp luật về giao thông.

-Việc trưng dụng quy định tại khoản 1 Điều này được thực hiện theo quy định của pháp luật về trưng mua, trưng dụng tài sản. Tài sản đã trưng dụng phải được vệ sinh, diệt trùng, tẩy uế trước khi hoàn trả.

- Chính phủ, Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm bảo đảm các điều kiện để thực hiện các biện pháp chống dịch theo quy định.

9. Những hành vi bị nghiêm cấm

Theo quy định tại Điều 8 Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm năm 2007, nghiêm cấm các hành vi sau:

- Cố ý làm lây lan tác nhân gây bệnh truyền nhiễm.

- Người mắc bệnh truyền nhiễm, người bị nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm và người mang mầm bệnh truyền nhiễm làm các công việc dễ lây truyền tác nhân gây bệnh truyền nhiễm theo quy định của pháp luật.

- Che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời các trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm theo quy định của pháp luật.

- Cố ý khai báo, thông tin sai sự thật về bệnh truyền nhiễm.

- Phân biệt đối xử và đưa hình ảnh, thông tin tiêu cực về người mắc bệnh truyền nhiễm.

- Không triển khai hoặc triển khai không kịp thời các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm theo quy định của Luật này.

- Không chấp hành các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.

Phòng Tư pháp huyện Kỳ Anh

Thêm nhận xét mới

 Bình luận của bạn đã được gửi thành công. Cảm ơn bạn!   Làm mới
Lỗi: Vui lòng thử lại