Kế hoạch Tuyển dụng công chức cấp xã năm 2024   |    Quyết định Về việc phê duyệt chỉ tiêu tuyển dụng công chức cấp xã năm 2024   |    Thông báo tuyển dụng công chức cấp xã năm 2024   |    Công điện về việc thực hiện các biện pháp cấp bách phòng cháy, chữa cháy rừng   |    Thông báo mời tham gia tập huấn " Kỹ năng tiếp thị, bán hàng chuyên nghiệp" cho Doanh nghiệp, Hợp tác xã, Hộ kinh doanh   |   

ĐỀ CƯƠNG GIỚI THIỆU LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT THỂ DỤC THỂ THAO

  

10:31 15/03/2019

ĐỀ CƯƠNG GIỚI THIỆU LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT THỂ DỤC THỂ THAO

ĐỀ CƯƠNG GIỚI THIỆU

LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU

CỦA LUẬT THỂ DỤC THỂ THAO

I. SỰ CẦN THIẾT BAN HÀNH LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT T HỂ DỤC THỂ THAO

Luật thể dục thể thao (TDTT) được Quốc hội khóa XI, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 29 tháng 11 năm 2006 và có hiệu lực từ ngày 01 tháng 7 năm 2007. Qua tổng kết thực tiễn mười năm thi hành, Luật TDTT đã thực sự đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả tích cực, thể hiện ở những kết quả nổi bật như sau:

- Luật TDTT đã tạo ra bước chuyển biến căn bản trong nhận thức của toàn xã hội về vị trí, vai trò, tác dụng của TDTT trong việc bảo vệ, nâng cao sức khoẻ, thể lực, tầm vóc và chất lượng cuộc sống của nhân dân, chất lượng nguồn nhân lực, giáo dục ý chí, đạo đức, xây dựng lối sống và môi trường văn hoá lành mạnh, góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, mở rộng quan hệ hữu nghị và hợp tác quốc tế.

- Luật TDTT đã tạo hành lang pháp lý quan trọng để nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong quản lý và phát triển sự nghiệp TDTT. Từ chỗ TDTT hoàn toàn được bao cấp bởi nhà nước, đến nay đã từng bước được xã hội hoá, một số môn thể thao chuyển dần sang cơ chế thể thao chuyên nghiệp, vai trò của các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp về TDTT ngày càng được nâng cao; các hoạt động TDTT được tổ chức thường xuyên trong các đối tượng và ở các vùng miền của đất nước, đã và đang thu hút sự tham gia đông đảo của nhân dân; hoạt động kinh doanh dịch vụ TDTT ngày càng phát triển, đóng góp nhiều hơn vào phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

- Luật TDTT đã góp phần luật hóa các quy định của điều ước quốc tế trong lĩnh vực TDTT mà Việt Nam là thành viên, thúc đẩy giao lưu, hợp tác TDTT giữa Việt Nam với các nước và các tổ chức thể thao quốc tế, góp phần thực hiện thắng lợi chủ trương của Đảng và Nhà nước về hội nhập quốc tế.

- Luật TDTT được ban hành đã thúc đẩy sự phát triển của thể thao Việt Nam trong những năm qua: tỷ lệ người tập thể dục thể thao thường xuyên tăng đạt 29,53% tổng số dân, tỷ lệ gia đình thể thao đạt 21,2% tổng số hộ gia đình trên toàn quốc, số lượng huy chương giành được tại các giải thể thao quốc tế chính thức tăng thành tích của đoàn thể thao Việt Nam luôn nằm trong 3 nước đứng đầu các nước Đông Nam Á, một số vận động viên đạt trình độ hàng đầu Châu Á và thế giới.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, Luật TDTT 2006 đã bộc lộ một số bất cập, cụ thể như sau:

Một là , một số điều, khoản của Luật có nội dung còn thiếu cụ thể dẫn đến việc khó thi hành trong thực tế, như: chính sách của nhà nước đối với phát triển thể dục thể thao quần chúng; trách nhiệm của Bộ, ngành, của nhà trường các cấp đối với công tác giáo dục thể chất và hoạt động thể thao trong nhà trường; các chính sách huy động các nguồn lực xã hội hoá hoạt động thể thao,…

Hai là , một số quy định của Luật đã không còn phù hợp với tình hình thực tế hiện nay như: các quy định về quản lý doanh nghiệp thể thao, hộ kinh doanh thể thao không phù hợp với Luật doanh nghiệp; quy định về quyền và nghĩa vụ của vận động viên, huấn luyện viên thể thao thành tích cao đã lạc hậu so với các chế độ, chính sách hiện hành,…

Ba là , một số hoạt động TDTT phát sinh trong thực tiễn cần phải có sự quản lý trong khi Luật hiện hành chưa có quy định như: thi đấu thể thao quần chúng, thẩm quyền tổ chức các giải thể thao quần chúng, thẩm quyền ban hành luật thi đấu thể thao,…

Để khắc phục những hạn chế, bất cập nêu trên, việc xây dựng và ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật TDTT là cần thiết nhằm tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy TDTT nước ta phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.

II. NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT TDTT

1. Phạm vi sửa đổi, bổ sung

Xuất phát từ quan điểm chỉ đạo nêu trên và tình hình thực tế, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật TDTT trực tiếp sửa đổi, bổ sung 27 điều, bổ sung 2 điều mới; bãi bỏ 1 điều, trong đó tập trung sửa đổi, bổ sung một số nội dung nhằm: khuyến khích, thúc đẩy xã hội hoá hoạt động TDTT; khắc phục những vướng mắc, bất cập, những vấn đề mới phát sinh trong hoạt động TDTT; tiếp tục cải cách thủ tục hành chính trong quản lý các hoạt động thể thao; sửa đổi tên gọi của cơ quan quản lý nhà nước về TDTT trong Luật TDTT hiện hành để đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

2. Những nội dung sửa đổi, bổ sung cơ bản

Dự thảo Luật tập trung vào việc sửa đổi, bổ sung các nội dung như sau:

2.1. Về những quy định chung:

- Bổ sung quy định về chính sách ưu tiên phát triển môn bơi, võ cổ truyền và các môn thể thao dân tộc (Điều 4).

- Sửa đổi, bổ sung quy định về các hành vi bị cấm trong hoạt động TDTT (Điều 10).

2.2. Về thể dục thể thao quần chúng:

- Bổ sung quy định về chính sách ưu đãi cho các các tổ chức, cá nhân trong quá trình thực hiện xã hội hóa đầu tư xây dựng, khai thác các công trình  thể thao phục vụ hoạt động thể thao quần chúng; chính sách miễn, giảm giá vé, giá sử dụng dịch vụ luyện tập TDTT tại các cơ sở thể thao theo quy định của Chính phủ cho trẻ em, học sinh, sinh viên, người cao tuổi, người khuyết tật, người có công với cách mạng, đồng bào dân tộc thiểu số ở các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn (Điều 11).

- Bổ sung các tiêu chí đánh giá phong trào TDTT quần: Số người tập luyện TDTT thường xuyên; số gia đình thể thao; số cộng tác viên TDTT; số câu lạc bộ thể thao; số công trình thể thao; số giải thể thao tổ chức hằng năm (Điều 12).

- Sửa đổi, bổ sung Điều 13 về thẩm quyền quyết định tổ chức giải thể thao quần chúng.

2.3. Về giáo dục thể chất và thể thao trong nhà trường

- Sửa đổi, bổ sung Điều 21: Nhà nước có chính sách dành đất đai, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho giáo dục thể chất và thể thao trong nhà trường, bảo đảm đủ giáo viên, giảng viên thể dục thể thao cho các bậc học; ưu tiên phát triển môn bơi, võ cổ truyền và các môn thể thao dân tộc; quy định trách nhiệm cụ thể của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội trong hoạt động giáo dục thể chất và thể thao trong nhà trường; trách nhiệm của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định trách nhiệm phối hợp của cơ sở thể thao công lập với cơ sở giáo dục để sử dụng các công trình thể thao phục vụ giáo dục thể chất và hoạt động thể thao trong nhà trường.

- Sửa đổi, bổ sung Điều 22: Quy định việc tổ chức thực hiện chương trình môn học giáo dục thể chất theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển môn bơi, võ cổ truyền và các môn thể thao dân tộc

- Sửa đổi, bổ sung Điều 25 về thi đấu thể thao trong nhà trường, quy định nhà trường có trách nhiệm tổ chức thi đấu thể thao ít nhất một lần trong mỗi năm học. Nội dung, hình thức và các quy định về thi đấu thể thao phải phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi của người học và điều kiện cơ sở vật chất của nhà trường.

2.4. Về thể thao thành tích cao:

- Tại Luật TDTT năm 2006, quyền và nghĩa vụ của vận động viên thể thao thành tích cao chưa được phân chia rõ ràng và còn chung chung. Hiện nay có một số ít vận động viên thể thao trong quá trình tập luyện và thi đấu thể thao, không may bị tai nạn mất khả năng lao động hoặc chết nhưng bản thân và gia đình chưa được hưởng các chế độ trợ cấp của Nhà nước như các đối tượng chính sách, cuộc sống hết sức khó khăn, thiếu thốn. Vì vậy, Luật TDTT năm 2018 tập trung sửa đổi, bổ sung quyền và nghĩa vụ của vận động viên thành tích cao theo hướng phân định rõ giữa quyền và nghĩa vụ, tăng cường chính sách ưu đãi cho vận động viên trong trường hợp vận động viên đội tuyển quốc gia bị tai nạn trong khi tập luyện, thi đấu thể thao (Điều 32); sửa đổi, bổ sung quyền và nghĩa vụ của huấn luyện viên thể thao thành tích cao theo hướng phân định rõ giữa quyền và nghĩa vụ (Điều 33).

- Sửa đổi, bổ sung một số quy định về giải thi đấu thể thao, thẩm quyền quyết định tổ chức, trình tự thủ tục đăng cai tổ chức giải thể thao thành tích cao (các Điều 37, 38, 40).

- Bổ sung quy định về cơ quan có thẩm quyền quyết định ban hành hoặc áp dụng luật thi đấu của môn thể thao (Điều 38a).

2.5. Về thể thao chuyên nghiệp:

- Sửa đổi, bổ sung Điều 49 về câu lạc bộ thể thao chuyên nghiệp; Điều 50 về điều kiện kinh doanh hoạt động thể thao của câu lạc bộ thể thao chuyên nghiệp và giao Chính phủ quy định chi tiết các điều kiện kinh doanh của câu lạc bộ thể thao chuyên nghiệp.

2.6. Về cơ sở thể thao:

- Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 54 về các loại hình hoạt động của cơ sở thể thao.

- Sửa đổi, bổ sung điều kiện kinh doanh hoạt động thể thao của doanh nghiệp, thủ tục cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hoạt động thể thao và giao Chính phủ quy định chi tiết điều kiện kinh doanh hoạt động thể thao của doanh nghiệp (Điều 55).

- Sửa đổi, bổ sung quy định về hộ kinh doanh và các tổ chức khác kinh doanh hoạt động thể thao. Hộ kinh doanh và các tổ chức khác kinh doanh hoạt động thể thao mạo hiểm và hoạt động thể thao bắt buộc có người hướng dẫn tập luyện phải thành lập doanh nghiệp theo quy định của Chính phủ (Điều 56).

2.7. Về nguồn lực phát triển TDTT:

- Về đất đai dành cho TDTT: Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 65 về đất đai cho thể dục thể thao cho phù hợp với Luật quy hoạch, Luật đất đai và các văn bản pháp luật có liên quan; quy định trách nhiệm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ, cơ quan ngang bộ, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm tổ chức lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đai dành cho TDTT phù hợp với quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao. Trường hợp chuyển đổi mục đích sử dụng đất dành cho công trình TDTT, cơ quan có thẩm quyền phải bố trí quỹ đất tương ứng để thay thế.

- Bổ sung Điều 67a về đặt cược thể thao.

2.8. Về các tổ chức xã hội - nghề nghiệp về TDTT:

- Sửa đổi, bổ sung một số nhiệm vụ, quyền hạn của Liên đoàn, hiệp hội thể thao quốc gia cho phù hợp với tình hình mới.

2.9. Sửa đổi một số cụm từ, tên gọi của cơ quan quản lý nhà nước về TDTT trong Luật TDTT hiện hành.

2.10. Bãi bỏ Điều 79 Luật TDTT 2006 và quy định về hiệu lực thi hành của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật TDTT (ngày 1 tháng 1 năm 2019).

III. TRIỂN KHAI HOẠT ĐỘNG THI HÀNH LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT TDTT

Để thực hiện có hiệu quả, đồng bộ, thống nhất Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật TDTT, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của mọi người về ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác TDTT, phát huy trí tuệ và sức mạnh tập thể, thu hút các nguồn lực của xã hội tham gia phát triển sự nghiệp TDTT, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Kế hoạch số 2913/KH-BVHTTDL ngày 4/7/2018 về việc triển khai thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật TDTT.

Nội dung của của Kế hoạch tập trung vào việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật TDTT như: Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật TDTT; Nghị định quy định một số chế độ chính sách cho vận động viên, huấn luyện viên thể thao thành tích cao; Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực TDTT; Thông tư của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định chi tiết các tiêu chí đánh giá phong trào TDTT quần chúng.

Ở địa phương, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa và Thể thao chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành có liên quan chủ động nghiên cứu, đề xuất, tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương rà soát các quy định của địa phương về thể dục thể thao để sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ những văn bản không còn phù hợp với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật TDTT đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật. Trên cơ sở kết quả rà soát và tình hình thực tiễn tại địa phương, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa và Thể thao chủ động trình Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương kế hoạch xây dựng nghị quyết của Hội đồng nhân dân, quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân để triển khai thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật TDTT. Nội dung kế hoạch tập trung vào việc tuyên truyền, phổ biến Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật TDTT, trong đó tập trung vào sự cần thiết phải ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật TDTT; những nội dung cơ bản và điểm mới của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật TDTT; nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của các tổ chức cá nhân được quy định trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật TDTT.

Tổng cục TDTT chủ trì, phối hợp với Vụ Pháp chế biên soạn đề cương giới thiệu Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật TDTT làm tài liệu thống nhất cho tuyên truyền, phổ biến trong cả nước; nghiên cứu biên soạn sách "Tìm hiểu về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật TDTT". Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia, Trung tâm TDTT tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; các cơ sở đào tạo VĐV tổ chức nghiên cứu sâu về nội dung quyền và nghĩa vụ của VĐV, HLV theo quy định tại Điều 32, 33 của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật TDTT cho cán bộ, huấn luyện viên, vận động viên. Các trường đại học, cao đẳng TDTT nghiên cứu, phổ biến giáo dục pháp luật về TDTT cho học sinh, sinh viên bằng nhiều hình thức đảm bảo linh hoạt, sinh động.

Đồng thời, Tổng cục TDTT tổ chức các hội nghị triển khai phổ biến, quán triệt, tập huấn Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật TDTT; tổ chức hội nghị quán triệt đến tất cả các cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trực thuộc Tổng cục TDTT; tổ chức các hội nghị triển khai phổ biến, quán triệt, tập huấn Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật TDTT tại địa phương; xây dựng các chuyên mục, đưa tin, viết bài tuyên truyền về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật TDTT./.

Phòng Tư pháp huyện Kỳ Anh

Thêm nhận xét mới

 Bình luận của bạn đã được gửi thành công. Cảm ơn bạn!   Làm mới
Lỗi: Vui lòng thử lại