Kỳ họp thứ 5, HĐND huyện Kỳ Anh khóa XIX: Tiếp tục phiên thảo luận tại hội trường.
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, HĐND huyện Kỳ Anh khóa XIX, đúng 13h30', chiều ngày 26/12, dưới sự chủ trì của ông Nguyễn Văn Danh , TUV, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện; bà Dương Thị Vân Anh, UVBTV, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND huyện, các đại biểu tham dự Kỳ họp thứ 5, HĐND huyện Kỳ Anh Khóa XIX đã tiến hành phiên thảo luận chung tại hội trường.
Về các ý kiến thảo luận tại hội trường, nhìn chung các ý kiến phát biểu thảo luận đều thể hiện tính xây dựng cao thể hiện sự trăn trở, quan tâm của các đại biểu tham gia kỳ họp; nhiều ý kiến thảo luận có nội dung sâu về nhiều lĩnh vực như: sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, đầu tư dựng cơ bản, xây dựng đường điện, đời sống an sinh xã hội... Với các ý kiến góp ý bằng phiếu phần đa các đại biểu đồng tình cao về nội dung của các báo cáo trình tại Kỳ họp thứ 5; Báo cáo chuẩn bị chu đáo, đánh giá toàn diện, khách quan, sâu sắc những kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế và đề ra chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp sát với thực tế.
Đối với báo cáo đánh giá tình hình kinh tế - xã hội, Quốc phòng – an ninh năm 2017; nhiệm vụ giải pháp năm 2018, các đại biểu đã tham gia đề xuất 8 nhóm giải pháp. Trong đó, cần bổ sung rõ hơn nội dung về cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Đến nay, tồn đọng trong cấp đổi chưa giải quyết xong, nhất là việc cấp đổi cho các hộ giáp Quốc lộ 1A. Cần có giải pháp hướng dẫn kỹ thuật cho nhân dân sản xuất, chăn nuôi; khâu nối liên doanh, liên kết để tìm đầu ra cho sản phẩm. Đề nghị đưa cây lạc vào đánh giá kết quả đạt được, vì đây là nguồn lớn đóng góp vào ngân sách và thu nhập của nhân dân. Hoạt động sản xuất kinh doanh của các Doanh nghiệp, Hợp tác xã, Tổ hợp tác đạt hiệu quả thấp. Cần phải đánh giá rà soát hoạt động của các Doanh nghiệp, Hợp tác xã, Tổ hợp tác trên địa bàn để có biện pháp hỗ trợ, định hướng nâng cao chất lượng. Cơ sở vật chất phục vụ cho việc dạy và học thiếu, nhiều trường đang mượn nhà dân, hội trường thôn để học. Việc làm nhà ở cho các đối tượng chính sách theo Quyết định 22 chậm. Cần quan tâm tập trung chỉ đạo các xã có điều kiện thuận lợi để phát triển nông nghiệp, xây dựng các mô hình gắn với các sản phẩm đặc trưng của địa phương theo hướng liên doanh, liên kết. Cần kêu gọi các dự án về lĩnh vực nông nghiệp phù hợp với điều kiện thời tiết, đất đai đầu ra để hỗ trợ nông dân tham gia liên kết sản xuất, nâng cao thu nhập, giải quyết việc làm, tận dụng nguồn lực đất đai, lao động trên địa bàn.
Về báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ thu, chi ngân sách năm 2017; dự toán và phân bổ dự toán thu, chi ngân sách năm 2018. Các đại biểu cho rằng cần cân đối nguồn lực để hỗ trợ các xã khó khăn. Cụ thể: Trình tự nguồn thu 20% tiền đất của huyện hỗ trợ các xã khó khăn để có điều kiện đầu tư phát triển. Đề nghị phân bổ kinh phí hoạt động cho các xã vùng trên trong năm 2018 để thực hiện một số nhiệm vụ: diễn tập phòng thủ; hỗ trợ thêm về định mức công tác phí hoặc có chính sách đặc thù. (hiện nay vẫn phân bổ mức bình quân 40 triệu đồng/xã). Xem xét lại cho các đơn vị gặp khó khăn nguồn thu ảnh hưởng đến lương cho cán bộ những tháng cuối năm. Theo Nghị quyết số 19/NQ-HĐND khóa XIX đề ra mục tiêu đến năm 2018 chi cho phát triển văn hóa là 1,6% tổng chi ngân sách, tuy nhiên nếu kế hoạch chi 2018 như báo cáo chỉ đạt gần 1% chưa đảm bảo Nghị quyết đề ra. Cần phân bổ thêm nguồn cho lĩnh vực sự nghiệp văn hóa, thể thao để tạo điều kiện hỗ trợ về đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nhà văn hóa cho các đơn vị đăng ký về đích năm 2018 và các đơn vị khó khăn. Ngân sách cấp cho Hội cựu chiến binh huyện còn ít nên khó khăn trong triển khai các phong trào của hội. Nguồn thu vượt nhưng trừ tiền cấp quyền sử dụng đất thì huyện thu 2017 hụt thu. Hàng năm HĐND, UBND huyện cần có chính sách hỗ trợ kinh phí cho các xã để duy tu, bảo dưỡng hệ thống đường nhựa thuộc các trục đường xã, thôn vì hiện nay hệ thống đường giao thông các xã xuống cấp nghiêm trọng.
Về báo cáo kết quả thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới năm 2017; nhiệm vụ và giải pháp năm 2018. Cần xây dựng một số mô hình có trọng tâm, trọng điểm, có chất lượng cao; tạo thế mạnh của huyện, tạo điểm sáng nhân rộng mô hình. Đề nghị UBND huyện hỗ trợ các xã vùng trên về kinh phí để làm đường giao thông theo cơ chế hỗ trợ xi măng mỗi km từ trên 15-20 triệu vì hiện tại các xã miền núi địa hình rộng dân cư thưa nên khó khăn về nguồn lực. Cần có giải pháp tích cực chỉ đạo quyết liệt đối với các xã đã về đích NTM để chống tụt chỉ tiêu, nhất là các xã đã về đích từ 03 năm trở lên. Đề nghị bổ sung thêm nhiệm vụ, giải pháp: “ Đẩy mạnh phong trào xây dựng nông thôn mới gắn với thực hiện có hiệu quả đề án “nâng cao chất lượng hoạt động văn hóa, xây dựng và phát triển văn hóa, con người Kỳ Anh trong giai đoạn mới”. Nguồn huy động xây dựng nông thôn mới từ xã hội hóa thấp chiếm 20,3%; Triển khai các kế hoạch, nhiệm vụ năm 2018 từ ngày đầu tháng đến cuối năm 2018, nhất là triển khai xây dựng nông thôn mới; giao chỉ tiêu các xã và các cơ quan đơn vị thực hiện nghiêm túc. Báo cáo cần nêu rõ hơn về những hạn chế cụ thể trong chương trình mục tiêu QG xây dựng nông thôn mới. Bổ sung nhiệm vụ triển khai rà soát, đánh giá, bổ sung hoàn thiện quy hoạch và thực hiện quy hoạch xã nông thôn mới, nhất là đối với khu sản xuất tập trung, bãi tập kết thu gom rác thải. Đề nghị bổ sung thêm nội dung về mục quốc phòng, an ninh: “Kiện toàn, tổ chức biên chế theo đúng Luật dân quân tự vệ, bảo đảm cả về số lượng và chất lượng”. Công tác quản lý địa bàn một số thời điểm chưa chặt chẽ, còn xuất hiện tình trạng một số bộ phận thanh thiếu niên vi phạm. Tăng cường phối hợp quản lý xử phạt xe quá tải trên địa bàn huyện nhất là trong khu dân cư, các trục đường liên xã.
Về báo cáo kết quả thực hiện chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo Nghị quyết số 01/2016/NQ-HĐND của HĐND huyện. Việc giải ngân hỗ trợ mô hình theo Nghị quyết 01/2016/NQ-HĐND của HĐND huyện còn chậm. Sau khi nghiệm thu các mô hình bố trí kinh phí sớm chi trả cho người dân, tránh kéo dài gây bức xúc trong nhân dân. Đề nghị HĐND huyện điều chỉnh Nghị quyết 01 về hỗ trợ phát triển sản xuất. Cụ thể: Chuyển từ hỗ trợ 1ha chè/3 triệu sang hỗ trợ 01 bầu giống từ 500-700 đồng/ bầu chè để nhân dân có điều kiện phát triển mở rộng. Điều 10, Mục 3 Nghị quyết 01 quy định hỗ trợ xây dựng bể bioga khi chăn nuôi từ 20-200 con; nhưng trên thực tế như vậy vẫn ảnh hưởng đến môi trường. Đề xuất điều chỉnh hỗ trợ các hộ chăn nuôi từ 10-200 con. Hiện nay diện tích trồng lạc trên địa bàn tương đối lớn, chiếm tỷ trọng cao trong nông nghiệp đề nghị nên đưa vào chính sách hỗ trợ giống để khuyến khích nhân dân đầu tư sản xuất phát triển. Đề nghị HĐND-UBND huyện tập trung có định hướng, chỉ đạo nhân dân vùng trên phát triển cây sắn nguyên liệu phục vụ nhà máy thành mỳ phát (nên điều chỉnh Nghị quyết 01, 02 để hỗ trợ dân phát triển nguồn nguyên liệu sắn). Cần đánh giá làm rõ hiệu quả thực hiện Nghị quyết 01 của HĐND huyện về chính sách khuyến khích.
Về báo cáo kết quả thực hiện phương án phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và tình hình khắc phục bão lũ năm 2017. Cụ thể: Tình hình khắc phục hậu quả của cơn bão số 10 năm 2017 gây ra chậm, đặc biệt là hỗ trợ sản xuất do thiên tai gây ra theo Nghị định 02/2017/NĐ-CP ngày 09/01/2017 của Chính phủ. Đề nghị HĐND huyện kiến nghị tỉnh, Trung ương cần có định hướng và giải pháp hỗ trợ nhân dân vùng trên khắc phục trồng rừng sau bão số 10 về phát triển rừng nguyên liệu (hỗ trợ bằng tiền mặt để dân tự mua cây giống cây trồng).
Về báo cáo kết quả công tác bồi thường cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường biển. Cử tri đề nghị triển khai sớm về công tác đền bù cho các đối tượng thu mua thủy sản (chưa được đền bù); Kiểm tra hỗ trợ cho các hộ buôn bán, trữ hàng thủy sản sau sự cố không được tiêu thụ; Trên địa bàn xã Kỳ Bắc có một số hộ gia đình buôn bán hải sản biển. Mặc dù đã có nhiều đoàn kiểm tra thực tế nhưng hiện tại hộ gia đình bà Lê Thị Giang, thôn Phương Giai hàng hóa tồn đọng nhiều do sự cố môi trường vẫn chưa thể tiêu thụ (gồm rong biển, rau mứt và hải sản giá trị khác), giá trị khoảng 200 triệu. Đề nghị cấp có thẩm quyền kiểm tra, hỗ trợ cho gia đình bà đồng thời có văn bản chỉ đạo để tiêu hủy số hàng nói trên vì đã quá hạn sử dụng gây ô nhiễm môi trường; Đề nghị tập trung xử lý, giải quyết dứt điểm những tồn đọng trong thống kê đối tượng bị ảnh hưởng; chi trả tiền bồi thường cho các đối tượng bị ảnh hưởng trong Quý I/2018
Về báo cáo kết quả giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 4, HĐND huyện khóa XIX. Cụ thể: Đền bù cho người dân bị thiệt hại tại dự án lòng hồ đập Dâng Lạc Tiến trong năm 2017 đến nay chưa tiến hành trả cho người dân. Tại Kỳ họp thứ 4, HĐND huyện đã có văn bản trả lời về ý kiến, kiến nghị của cử tri đề nghị di dời cột điện tại gia đình bà Hoàng Thị Nguyệt, thôn Hợp Tiến xã Kỳ Bắc nhưng đến nay mới khắc phục được tháo dỡ hệ thống dây néo còn cột điện vẫn nằm nguyên. Đề nghị UBND-HĐND có văn bản chỉ đạo cơ quan điện lực di dời cột điện ra khỏi nhà cho gia đình bà nguyệt để đảm bảo an toàn cho gia đình và các hộ liền kề, đồng thời để gia đình bà làm lại nhà ở. Nghiên cứu trả lời cho cử tri, khắc phục những tồn tại trong kiến nghị của cử tri sớm ngay trong những tháng sau kết thúc kỳ họp, nếu để đến gần kỳ họp sau mới trả lời thì kết quả giải quyết chậm. Đề nghị giải quyết dứt điểm đối với vụ việc thôn Trường Thanh, xã Kỳ Thư để ổn định chính trị tại địa phương. Việc trả lời một số kiến nghị của cử tri còn dài dòng, thiếu trọng tâm, chưa đi thẳng vào vấn đề cử tri quan tâm (như câu số 1, số 8 về lĩnh vực nông nghiệp). Đề nghị UBND huyện chỉ đạo phòng KT-HT xem lại phương án xử lý, khắc phục tình trạng ngập úng tại cầu Hố Sen (thôn Hưng Phú, xã Kỳ Tiến) – câu số 23. Một số nội dung còn để kéo dài, thiếu dứt điểm, chất lượng trả lời các ý kiến còn chưa cao (như lĩnh vực thủy lợi, đất đai...)
Về các tờ trình, đề án, dự thảo Nghị quyết. Cử tri đề nghị khảo sát tình hình rác thải từng xã, từng vùng để xây dựng Nghị quyết cho sát đúng. Có giải pháp cụ thể để phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại gốc; tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục quần chúng nhân dân trong vấn đề phân loại chất rắn hữu cơ và cơ mới thực hiện hiệu quả đề án. Đưa vào kỳ họp thông qua đề án để tranh thủ nguồn vốn của tỉnh và cơ chế chính sách của tỉnh về hợp tác xã. Trong quá trình thực hiện không nên dàn trải, có thể thông qua các Điểm, cụm; làm thí điểm 3 cụm, liên cụm sau đó nhân ra diện rộng. Kể cả 2 phương án đều phân loại xử lý rác thải rắn tập kết đến điểm trung chuyển rồi mới vận chuyển xử lý. Đề án khó khả thi, cần có thời gian tuyên truyền, vận động người dân tạo đồng thuận rồi mới tổ chức thực hiện. Đề nghị xem lại phần kinh phí tổ chức thực hiện Đề án, nhất là các khoản chi: hội nghị tổng kết, đánh giá hàng năm: 20 triệu; các hoạt động tuyên truyền triển khai đề án: 100 triệu/năm. Về hỗ trợ kinh phí cho các xã phục vụ vận chuyển rác từ nơi tập kết đến nơi xử lý rác: nên phân định cụ thể theo hai tiêu chí: số lượng rác sau phân loại và khoảng cách từ nơi tập kết đến nơi xử lý.
Phiên chất vấn và trả lời chất vấn sẽ diễn ra vào sáng mai (27/12). Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin mời quý vị cùng quan tâm theo dõi./.
Thêm nhận xét mới