Thông báo kết quả Tiếp công dân ngày 05/12/2024 của Đ/c Chủ tịch UBND huyện   |    Thời gian, địa điểm xét tuyển vòng 2, kỳ tuyển dụng viên chức Giáo dục huyện Kỳ Anh năm học 2024 - 2025   |    Danh sácThông báo thí sinh đủ điều kiện, tiêu chuẩn dự xét tuyển vòng 2 kỳ tuyển dụng viên chức giáo dục năm học 2024 - 2025   |    Giấy mời tiếp dân định kỳ ngày 5.12.2024   |    Danh mục tài liệu ôn tập tuyển dụng viên chức ngành giáo dục năm học 2024-2025   |   

Người đứng đầu và ngọn cờ tiên phong, gương mẫu

  

10:26 25/04/2017

Trong nhiều vụ việc tiêu cực, lình xình mà dư luận bức xúc những năm vừa qua đều liên quan đến trách nhiệm và sự gương mẫu của cán bộ chủ chốt, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị (gọi chung là người đứng đầu). Cuộc đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ hiện nay thành công đến đâu cũng phụ thuộc trước hết vào sự nêu gương của người

Trong nhiều vụ việc tiêu cực, lình xình mà dư luận bức xúc những năm vừa qua đều liên quan đến trách nhiệm và sự gương mẫu của cán bộ chủ chốt, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị (gọi chung là người đứng đầu). Cuộc đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ hiện nay thành công đến đâu cũng phụ thuộc trước hết vào sự nêu gương của người

Khi người đứng đầu không vững vàng, liêm chính

Đánh giá tình hình, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) nêu thực trạng trong công tác xây dựng Đảng: “Nhiều cán bộ, đảng viên, trong đó có người đứng đầu chưa thể hiện tính tiên phong, gương mẫu; còn biểu hiện quan liêu, cửa quyền, chưa thực sự sâu sát thực tế, cơ sở”.

Nhận định trên đây là hoàn toàn có cơ sở. Một thực trạng đã tồn tại từ nhiều năm qua là có những người đứng đầu không phát huy trách nhiệm cá nhân trước tập thể, chưa thực sự là đầu tàu gương mẫu về phẩm chất, lối sống, tác phong công tác và tác phong sinh hoạt, không thể hiện rõ về năng lực trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành. Có những người đứng đầu buông lỏng vai trò, không làm tròn chức trách, công việc “khoán trắng” cho cấp phó hoặc cấp dưới thuộc quyền, “khoán trắng” cho bộ máy chuyên môn, cán bộ chuyên trách, từ đó sinh ra quan liêu, xa rời thực tế. Nhiều trường hợp, người đứng đầu xem nhẹ việc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, duy trì không nghiêm việc thực hiện Điều lệ Đảng, chế độ sinh hoạt Đảng, xem nhẹ đấu tranh phê bình và tự phê bình, thậm chí độc đoán, chuyên quyền, lạm dụng quyền lực để vụ lợi, vi phạm kỷ luật Đảng và pháp luật...

Trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, nguyên Tư lệnh Quân khu 4, cũng cho rằng: Những vụ việc mà dư luận bức xúc ở một số bộ ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương thời gian gần đây là do người đứng đầu thiếu gương mẫu. “Ở đâu cũng vậy, nếu người đứng đầu mà không vững vàng, liêm chính thì ở đó sẽ có những nhũng nhiễu, tiêu cực, mất đoàn kết. Có thể thấy rõ ràng, hàng loạt các sai phạm của Bộ Công Thương nhiệm kỳ trước đều gắn với trách nhiệm của ông Vũ Huy Hoàng khi đó là Bí thư Ban Cán sự Đảng, Bộ trưởng. Người đứng đầu mà thiếu gương mẫu, có biểu hiện vụ lợi, lại buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo như thế thì nội bộ chắc chắn sẽ phát sinh tiêu cực, làm hư hỏng cán bộ mà đối tượng Trịnh Xuân Thanh là điển hình”-Trung tướng Nguyễn Quốc Thước nêu ví dụ.

Gần đây nổi cộm việc bổ nhiệm “cả nhà làm quan” ở nhiều địa phương, vụ bổ nhiệm “siêu tốc” nữ công chức ở Sở Xây dựng tỉnh Thanh Hóa… cho thấy tình trạng thao túng, lộng hành trong công tác cán bộ của một số cá nhân có chức, có quyền. Ngày 14-4 vừa qua, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã xem xét, kết luận về vi phạm của nhiều tập thể, cá nhân, có những người đứng đầu liên quan đến dự án Formosa Hà Tĩnh. Theo thẩm quyền, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã quyết định thi hành kỷ luật, đồng thời đề nghị Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật đối với Ban Cán sự Đảng Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng các cá nhân, trong đó có ông Nguyễn Minh Quang, nguyên Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; ông Võ Kim Cự, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh...

Qua những sự việc nêu trên cho thấy, Đảng ta đã và đang quyết tâm cao trong xử lý các vi phạm gắn với trách nhiệm của người đứng đầu. Tuy nhiên, sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống của cán bộ, đảng viên, trong đó có người đứng đầu vẫn rất nghiêm trọng và ngày càng tinh vi, phức tạp. Sự suy thoái ấy nếu không được phát hiện, ngăn chặn và xử lý sẽ nhanh chóng dẫn tới “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.

Nguyên nhân dẫn đến thực trạng một bộ phận người đứng đầu chưa phát huy được vai trò tiên phong, gương mẫu, dẫn tới suy thoái, như Nghị quyết Trung ương 4 khẳng định là do “bản thân những cán bộ, đảng viên đó thiếu tu dưỡng, rèn luyện; lập trường tư tưởng không vững vàng, hoang mang, dao động trước những tác động từ bên ngoài; sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, hẹp hòi, bị cám dỗ bởi các lợi ích vật chất, không làm tròn trách nhiệm, bổn phận của mình trước Đảng, trước dân”. Bên cạnh đó, “cơ chế kiểm soát quyền lực chậm được hoàn thiện, còn nhiều sơ hở. Thiếu cơ chế để xử lý, thay thế kịp thời những cán bộ lãnh đạo, quản lý yếu về năng lực, giảm sút uy tín, trì trệ trong công tác, kém hiệu quả trong phòng ngừa, đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực. Chậm ban hành quy định xử lý tổ chức, cá nhân có biểu hiện suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa".  Và, “việc thực hiện kỷ cương, kỷ luật của Đảng chưa nghiêm, còn có biểu hiện "nhẹ trên, nặng dưới"...

Xứng đáng là ngọn cờ tiên phong, gương mẫu

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đề cao tinh thần nêu gương của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Bác chỉ rõ: “Nhân dân ta thường nói: Đảng viên đi trước, làng nước theo sau. Đó là lời khen chân thành đối với đảng viên và cán bộ chúng ta”. Để hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao, Bác yêu cầu phải nêu gương, trước hết về đạo đức cho tất cả cán bộ, đảng viên. Bởi, “một trăm bài diễn thuyết hay không bằng một tấm gương sống” và “quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước”. Người xác định, nội dung nêu gương của cán bộ, đảng viên phải được thể hiện trên cả ba mối quan hệ: Đối với mình, đối với người và đối với việc…

Trong tình hình hiện nay, việc nêu gương của người đứng đầu đòi hỏi phải thể hiện toàn diện trên các mặt về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tác phong; tự phê bình và phê bình; quan hệ với nhân dân; trách nhiệm trong công tác; ý thức tổ chức kỷ luật và đoàn kết nội bộ... Đặc biệt, đề cao năng lực tham gia, quyết định và tổ chức thực hiện tốt những nhiệm vụ trong phạm vi trách nhiệm lãnh đạo của mình; có bản lĩnh và năng lực điều hành, tập hợp quần chúng, biết sử dụng nhân tài, phối hợp công tác; có khả năng đúc rút kinh nghiệm và tổng kết thực tiễn; có tác phong dân chủ, phong cách làm việc khoa học, nói đi đôi với làm, sâu sát thực tế... Trung tướng Nguyễn Quốc Thước cho rằng, người đứng đầu phải như ngọn cờ để tập hợp, lôi cuốn tập thể, quần chúng. Ngọn cờ ấy phải tiêu biểu về phẩm chất, trí tuệ, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, thậm chí một mất một còn, để bảo vệ Đảng và đưa phong trào cách mạng đi lên.

Trong cuộc đấu tranh phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến, tự chuyển hóa”, người đứng đầu phải xác định rõ trách nhiệm và quyết tâm chính trị trên cương vị được giao. Người đứng đầu phải nhận thức sâu sắc tầm quan trọng đặc biệt và quyết tâm cao độ khi tham gia xây dựng, chỉnh đốn Đảng lần này. Ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cho rằng: Để Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) đi vào cuộc sống thì phải biến quyết tâm của nghị quyết thành quyết tâm của cả hệ thống chính trị, mà trước hết cần sự quyết tâm của người đứng đầu. “Thời gian vừa qua cho chúng ta thấy hiệu quả thực hiện nghị quyết không cao, do người đứng đầu nắm nhiều quyền lực nhưng thiếu trách nhiệm, thiếu sự quản lý, giám sát. Và phải quy định rõ là nếu để xảy ra bất cứ việc gì thuộc bất cứ lĩnh vực nào thì khuyết điểm trước hết là ở người đứng đầu và người đứng đầu phải chịu trách nhiệm”-ông Nguyễn Túc nhấn mạnh.

Nhiều vụ việc tiêu cực, những sai phạm nghiêm trọng diễn ra thời gian qua có nguyên nhân quan trọng từ việc lạm dụng quyền lực của người đứng đầu. Việc cấp bách để ngăn chặn tình trạng đó là phải tiếp tục hoàn thiện các quy định, chế tài để giám sát thực hiện quyền lực và xác định rõ thẩm quyền, mối quan hệ của người đứng đầu và tập thể. Đồng thời, trong tổ chức sinh hoạt, hoạt động cần duy trì nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, các nguyên tắc, chế độ sinh hoạt tự phê bình và phê bình, thực hiện thực chất việc kê khai tài sản đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý. Bên cạnh việc tiếp tục bổ sung, hoàn thiện các quy trình, quy định, chế tài cần quán triệt và thực hiện nghiêm các văn bản hiện hành liên quan đến trách nhiệm, thẩm quyền của người đứng đầu. Cụ thể như: Nghị định số 157/2007/NĐ-CP ngày 27-10-2007 của Chính phủ về Quy định chế độ trách nhiệm đối với người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị của Nhà nước trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ; Điều 10, Luật Cán bộ công chức quy định nghĩa vụ, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị của Nhà nước và mới đây là Quy định số 55-QĐ/TW ngày 19-12-2016 của Bộ Chính trị "Về một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên"...

Để người đứng đầu hoàn thành trách nhiệm chính trị và xứng đáng là ngọn cờ tiên phong, gương mẫu trong cuộc đấu tranh phòng, chống suy thoái, những biểu hiện “tự diễn biến", "tự chuyển hóa”, phải thường xuyên quan tâm xây dựng, bồi dưỡng, rèn luyện và quản lý toàn diện đội ngũ những người đứng đầu. Phẩm chất và năng lực, sự mẫu mực, nêu gương cũng như thái độ kiên quyết đấu tranh của những người đứng đầu có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống ở mỗi tổ chức, cơ quan, đơn vị. Đồng thời phải xử lý mạnh mẽ, kịp thời, liên quan đến trách nhiệm và các vi phạm của người đứng đầu, bất kỳ người đó là ai, giữ cương vị nào; khắc phục tình trạng xử lý “nhẹ trên, nặng dưới”... Trong cuộc đấu tranh này, phải kết hợp cả nhiệm vụ “xây” và “chống”, như quan điểm nêu trong Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII): “Xây” là nhiệm vụ cơ bản, chiến lược, lâu dài; “chống” là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách”.

Theo qdnd.vn

Thêm nhận xét mới

 Bình luận của bạn đã được gửi thành công. Cảm ơn bạn!   Làm mới
Lỗi: Vui lòng thử lại