Để xây dựng các mô hình chăn nuôi lợn rừng có hiệu quả kinh tế cao.
Hiện nay nhu cầu tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi của nhân dân ngày càng cao, đặc biệt là các loại thịt đặc sản quý hiếm. Một trong những động vật hoang dã được nhiều người Việt Nam ưa chuộng là lợn rừng. Bởi vậy nhiều năm qua ở nước ta nói chung và Hà Tĩnh nói riêng đã xuất hiện nhiều mô hình chăn nuôi lợn rừng đưa lại hiệu quả kinh tế cao.
Tập tính sinh hoạt và môi trường sống của lợn rừng nhút nhát, thính giác, khứu giác tốt, sinh hoạt bầy đàn và chọn lọc tự nhiên thể hiện tính hoang dã…Thích sống theo bầy đàn nhỏ vài ba con, lợn đực thường thích sống một mình. Môi trường sống thích hợp là vườn cây, trảng cỏ gần ao hồ… Thích hoạt động về ban đêm, ban ngày tìm nơi yên tĩnh, kín đáo để ngủ. Thịt lợn rừng lai màu hơi nhạt, không đỏ như thịt lợn nhà nhà, nhưng nhiều nạc, ít mỡ, da mỏng và dòn, thịt thơm ngon rất đặc trưng, hàm lượng Cholesteron thấp, người tiêu dùng rất ưa chuộng nên bán được giá cao.
Để nuôi lợn rừng thành công trước hết phải biết chọn giống. Nên chọn những con đầu thanh, ngực sâu, mình nở, hoạt bát, lưng thẳng, bụng to vừa phải, hông rộng, lông mịn, bốn chân chắc khoẻ, bộ phận sinh dục phát triển và hoạt động tốt.
Chuồng trại rất đơn giản, tuy nhiên phải nắm vững một số đặc điểm và tập tính của heo rừng lai để bố trí chuồng trại hợp lý. Khi làm chuồng nên chọn khu đất cao, thoát nước tốt, có nguồn nước sạch. Nó không những cung cấp đủ nước cho lợn uống mà quan trọng hơn là duy trì được hệ thực vật phong phú tại nơi nuôi và giữ được độ ẩm thích hợp. Chuồng trại càng cách xa khu dân cư và đường sá càng tốt. Bản năng hoang dã đã đưa chúng vào tình trạng cảnh giác và luôn hoảng hốt bỏ chạy khi nghe có tiếng động. Ta có thể nuôi lợn rừng lai theo kiểu nhốt trong chuồng hoặc nuôi theo kiểu thả rông trong những khu vực có cây xanh, có rào che chắn xung quanh, hàng rào phải chắc chắn. Có thể vây lưới B40 thành các chuồng nuôi tự nhiên, có móng kiên cố (vì lợn rừng hay đào hang). Chuồng nuôi có thể rộng 50 - 100m 2 (tuỳ theo khả năng đất đai). Riêng đối với lợn đực phải nuôi riêng, mỗi con một chuồng rộng 5-10m 2 (tùy theo điều kiện đất đai có thể làm chuồng rộng hơn). Chuồng nuôi phải có mái che mưa, che nắng, cao trên 2,5m, nền đất tự nhiên, có độ dốc 2 - 3%… đảm bảo độ thông thoáng, sạch sẽ, mát mẻ về mùa hè, ấm áp về mùa đông, tránh mưa tạt, gió lùa.
Thức ăn cho lợn rừng là Bao gồm thức ăn xanh (cỏ, cây các loại), thức ăn tinh (ngũ cốc, củ quả, mầm cây, rễ cây các loại), muối khoáng (tro bếp, đất sét, hỗn hợp đá liếm...). Thực tế cho thấy, lợn rừng thường tìm đến nương rẫy mới đốt kiếm tro, đất sét để ăn. Khẩu phần thức ăn cho lợn rừng thông thường: 50% rau, củ, quả các loại (có thể sản xuất tại trang trại), 50% cám, gạo, ngũ cốc các loại… Mỗi ngày cho ăn 2 lần (sáng, chiều), một con lợn rừng nuôi trưởng thành tiêu thụ hết khoảng 2,0 - 3,0kg thức ăn các loại.Thức ăn cho lợn rừng lai do con người cung cấp có thể thiếu dinh dưỡng, nhất là đạm, khoáng và sinh tố…do đó ngoài việc bổ sung thức ăn tinh giàu đạm, sinh tố, cần thiết phải bổ sung thêm đá liếm cho heo. Hỗn hợp đá liếm bổ sung khoáng có thể mua hay tự trộn theo tỷ lệ (muối ăn 100g; sắt sunphát 100g; đồng sunphát 50g; diêm sinh 100g; vôi tôi 1.000g…đất sét vừa đủ 3kg) cho heo liếm tự do cũng chỉ hết khoảng 20 - 25 gam/con/ngày.
Thức ăn của lợn rừng chủ yếu là thực vật. Không nên lạm dụng thức ăn giàu dinh dưỡng để nuôi heo rừng lai vì nó sẽ làm cho phẩm chất thịt của lợn rừng lai bị biến đổi và nhiều khi làm cho lợn bị bệnh tiêu chảy...Lợn rừng ăn thức ăn xanh tươi nên ít uống nước, tuy nhiên cũng cần có đủ nước sạch và mát cho lợn uống tự do. Nước không có ý nghĩa về mặt dinh dưỡng, nhưng có ý nghĩa quan trọng đối với sự tồn tại và phát triển của lợn, nhất là khi thời tiết nắng nóng…Hàng ngày phải vệ sinh chuồng trại, dọn bỏ thức ăn dư thừa, rửa sạch máng ăn, máng uống…
Lợn rừng ta nuôi cũng thường mắc một số bệnh về đường tiêu hóa (như sình bụng, đầy hơi, tiêu chảy, ngộ độc thức ăn. Khi bị bệnh này có thể dùng các loại thuốc trị bệnh đau bụng, đầy hơi, khó tiêu, tiêu chảy của lợn nhà cho uống hoặc tiêm. Có thể bổ sung thức ăn, thức uống đắng chát như lá, quả ổi xanh, cà rốt, rễ cau, rễ dừa. Nguyên nhân của lợn rừng khi ta đưa vào nuôi bị mắc bệnh tiêu hóa là do thức ăn không phù hợp, nhiễm khuẩn đường ruột, ký sinh trùng. Phải xem con vật bệnh do nguyên nhân nào mà có liệu pháp điều trị thích hợp. Để đề phòng các bệnh về đường tiêu hóa, cần cho lợn ăn những thức ăn đảm bảo vệ sinh, không bị ẩm mốc, hôi thối, không có dư lượng thuốc trừ sâu, khẩu phần ăn phải đầy đủ dinh dưỡng. Ngoài ra cũng cần chú ý phòng trị các loại bệnh do giun sán gây ra.
Add New Comment