Thanh niên với khát vọng làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình.
Năm 2018, chàng thanh niên trẻ Nguyễn Hữu Hậu, sinh năm 1996, ở thôn Sơn Bình 3, xã Kỳ Sơn đã thử sức với mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng đầu tiên tại huyện Kỳ Anh.
Với diện tích ban đầu là 300 m2, cuối năm 2019, anh đã mở rộng diện tích lên 600 m2. Thanh niên Hậu được Tỉnh đoàn Hà Tĩnh đã hỗ trợ vay vốn từ nguồn vốn “Phát triển mô hình kinh tế thanh niên” số tiền là 50 triệu đồng. Với số tiền để đầu tư xây dựng mô hình ban đầu là trên 300 triệu đồng. Nhà màng trồng dưa khép kín được thiết kế chắc chắn để phòng chống mưa bão, bên trong đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt tiết kiệm nước theo công nghệ của Israel, hệ thống phun sương cho cây trồng. Anh Hậu chia sẻ: “Để có thể đầu tư mô hình này, anh đã tham quan, tìm hiểu rất nhiều các mô hình trong và ngoài tỉnh, đồng thời tìm tòi tư liệu qua mạng, sách báo...”. Thanh niên trẻ Nguyễn Hữu Hậu đã trồng được 5 vụ dưa lưới, sản lượng dưa lưới thu hoạch đạt từ 1,5 - 1,7 tấn/vụ, giá bán từ 45 - 50 nghìn đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, khấu hao thiết bị, cho lãi khoảng 50 triệu đồng/vụ.
Theo anh Hậu, với 60 - 70 ngày/vụ, mỗi trái nặng từ 1,2 - 1,7kg, dưa lưới công nghệ cao có thể canh tác được 3 - 4 vụ/năm, tính tổng số vụ gieo trồng trong năm thì lợi nhuận gần 200 triệu đồng.Được biết thời gian từ khi bắt đầu thu hoạch đến khi kết thúc vụ kéo dài 15 ngày nên gia đình có thể cắt hái và bán ra hằng ngày thay vì thu hoạch một lần. Những quả dưa lưới có kích cỡ lớn được cắt xuống trước theo đơn đặt hàng sáng sớm. Đây là mô hình dưa lưới đầu tiên của huyện Kỳ Anh nên sau khi có sản phẩm được nhiều người quan tâm, ủng hộ. Song song với việc thu hoạch, anh Hậu cũng thực hiện việc trồng “cuốn chiếu” diện tích dưa lưới mới kể kịp xuất bán cho các đơn hàng sau.
Qua gần 2 năm thử nghiệm, mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng của thanh niên Phạm Hữu Hậu đã tạo ra sản phẩm đáp ứng yêu cầu về an toàn thực phẩm, từ đó tăng thu nhập cho nông dân, tạo thêm việc làm cho lao động trẻ tại địa phương.
Hiện mô hình dưa lưới của thanh niên trẻ đang triển khai trồng đúng quy trình khoa học kỹ thuật theo hướng VietGAp để tạo ra sản phẩm sạch ATVSTP đến với người tiêu dùng. Có như vậy, sản phẩm dưa lưới Kỳ Sơn mới có thể lên kệ siêu thị cùng các cửa hàng thực phẩm sạch trong và ngoài tỉnh. Sắp tới, để mở rộng thêm diện tích nhà màng, với mong muốn của thanh niên Nguyễn Hữu Hậu là có thêm sự hỗ trợ về chính sách về vay vốn và sự đồng hành của chính quyền địa phương để nâng tầm sản phẩm. Đồng thời, để nhân rộng mô hình cho những người có nguyện vọng phát triển kinh tế bằng nông nghiệp sạch./.
Add New Comment