Có mặt tại cánh đồng xã Kỳ Khang, Kỳ Phú, Kỳ Xuân (huyện Kỳ Anh), những cảnh tượng khiến chúng tôi vô cùng ngỡ ngàng. Người dân ở đây đã dùng “vô vàn” phương thức, đủ các loại đồ nghề, từ hiện đại đến thô sơ đua nhau “tận diệt” chim trời. Những con chim giả (gọi là chim mồi) được giăng trắng cả một cánh đồng, rồi người ta dựng nhiều rào lưới, loa điện giả tiếng chim để đánh bẫy.
Để đánh được cò, vạc, các thợ đánh chim đã làm những con cò giả (cò mồi) đặt giữa các ngọn cây, trên các ruộng lúa. Thậm chí, họ dùng chim còn sống cho đứng trên những thanh gỗ, được đóng kiểu chữ T buộc dây cước vào chân cắm ở các cánh đồng. Bên cạnh đó, người ta còn sử dụng thêm các âm thanh giả tử ghi sẵn âm thanh tiếng chim hót để dụ chim đến khu vực đánh bẫy.
Con mồi để bẫy chim các thợ săn thường chọc thủng mắt, hoặc lấy chỉ khâu mắt lại. Theo những người đánh bẫy chim thì việc khâu mắt chim để tiếng kêu của con chim đó to hơn bình thường và việc chọc mù mắt để chim không thể mổ được những con chim mồi khác.
Từ các loài chim nhỏ như én, chèo bẻo, cho tới loại lớn như gà nước, cò, vạc, diệc… vốn dĩ sống đời tự do, hoang dã, bỗng chốc biến thành mục tiêu, sản phẩm mua bán của con người. Cứ theo từng mùa, trung bình mỗi ngày mỗi người đánh bắt được hàng chục con. Sau khi bắt được chim trời, họ vặt sạch lông...chờ mối đến lấy hoặc nhiều thì sẽ mang ra chợ, nhà hàng ăn uống để bán. Hiện giá chim cò, cói, diệc có giá giao động từ vài chục nghìn đến hàng trăm nghìn (tùy từng loại).
Nguyên nhân chính khiến chim trời bị săn bắt là do thịt chim được xem là món khoái khẩu, rất bổ dưỡng. Chẳng biết từ khi nào chúng trở thành món ăn đặc sản của nhiều người. Rất nhiều quán ăn xem đây là món tủ để thu hút thực khách. Các quán không bày bán công khai mà chỉ có khách quen biết mới tìm đến. Tùy theo nhu cầu, quán có thể chế biến ra nhiều món khác nhau với giá cả khá đắt đỏ.
Khi nhu cầu thưởng thức loài đặc sản này không ngừng tăng lên thì tình trạng săn bắt lại thêm quá đà nên nguồn chim trong tự nhiên đã không còn nhiều. Đặc biệt, tình trạng giăng “thiên la địa võng” bắt chim trời ở Kỳ Anh đang diễn ra công khai. Người dân xem việc đánh bắt chim trời như một nghề để kiếm sống.
Add New Comment